Nhìn lại thị trường thời trang Việt cùng Fashion Marketing Strategist Trần Hà Mi
Sau khi tốt nghiệp Thạc Sĩ chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh ngành Thời Trang tại ESMOD-ISEM – trường học tư thục về thời trang lâu đời nhất Paris, chị Trần Hà Mi về nước sống và đã từng làm Head of Marketing tại Gucci Vietnam, ELLE Vietnam, và trang thương mại điện tử cao cấp Leflair. Chị là đồng sáng lập của tổ chức thời trang từ thiện Áo Đổi Áo và cũng là người đã tạo nên hashtag #unghoNTKViet được sử dụng phổ biến trên mạng xã hội, với niềm tự hào là một người Việt và muốn lan toả niềm tin vào tài năng thiết kế Việt.
Hiện tại, chị Hà Mi là nhà đồng sáng lập của trang giám tuyển Style-Republik, nơi mang đến những thông tin bổ ích, chuyên sâu về ngành công nghiệp thời trang và sáng tạo trong nước và thế giới. Chị Hà Mi cũng là người lên ý tưởng thực hiện, soạn nội dung và trực tiếp dẫn dắt chuỗi sự kiện SR Fashion Business Talk hằng tháng. Cùng anh bạn đồng sáng lập kết hợp với các chuyên gia thời trang, chị mở các khóa học kinh doanh thời trang SR Course, nhằm mang lại những kiến thức chuyên sâu cho cộng đồng thời trang.
Ấn tượng với những thành tích đáng nể và hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang của chị, chúng tôi đã xin phép được trò chuyện cùng chị trong số tiếp theo của series Ask A Senior. Đây là dịp để cùng nhìn lại thị trường thời trang Việt Nam năm 2019, những điểm sáng [và những điểm cần khắc phục] của các thương hiệu đang có mặt trên thị trường, và nghe chị chia sẻ về mục tiêu mà mình theo đuổi với nền tảng là Style-Republik.
Động lực nào khiến chị luôn muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam?
Là một người Việt sống ở nước ngoài trong một thời gian dài, bạn bè luôn hỏi tôi về những điều tốt đẹp của Việt Nam. Nhưng Việt Nam so với thế giới thì quá nhỏ bé, chúng ta vẫn thua thiệt nước bạn rất nhiều. Với tâm thế luôn tự hào về giá trị Việt, tôi thật sự muốn tiếp tục lan toả những cái đẹp ấy cho mọi người, xua tan những hoài nghi của nước ngoài về người Việt nói chung.
Với tôi, thời trang không phải là khoác lên mình những chiếc áo hiệu đắt tiền mà là sự khẳng định cá tính của bản thân và giá trị mà mình đeo đuổi. Tôi tự hào chọn thời trang Việt vì tôi có niềm tin rằng chúng ta có rất nhiều nhân tài, chúng ta chẳng thua kém ai cả và đang dần dần khẳng định mình trên bản đồ thời trang thế giới. Tôi hy vọng chúng ta cùng nhau tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những giá trị Việt được lan tỏa và lớn mạnh.
Theo chị, trong năm 2019 vừa qua, ngành thời trang Việt Nam có những bước tiến gì nổi bật?
Thời trang Việt ngày càng chật chội với sự tham gia của những ông lớn như Zara, H&M và mới đây nhất là Cotton On và Uniqlo. Nhìn chung thì đa số những tên tuổi lớn đã có mặt tại thị trường Việt và chưa kể là ngày càng có nhiều thương hiệu Việt (local brand) cũng ra đời làm cho miếng bánh thời trang ngày càng bị chia nhỏ.
Nhìn về mặt tích cực thì sự xuất hiện của những ông lớn giúp “educate” (đào tạo) thị trường theo diện rộng, lan tỏa định hướng và ý thức về phong cách riêng và việc mặc đẹp cho người Việt. Cách kinh doanh bài bản và những chiến dịch Marketing lớn cũng làm cho các thương hiệu Việt phải e ngại và thúc đẩy họ chuyển mình để làm thời trang chuyên nghiệp hơn.
Nếu được chọn 3 từ để nói về thị trường thời trang Việt Nam năm 2020, chị sẽ dùng những từ gì? Tại sao?
Tôi nghĩ nếu có thể mô tả về thị trường thời trang Việt hiện tại thì tôi sẽ dùng 3 từ “Social Media Driven” , “Fast Changing” và “Competitive” (Định hướng bởi mạng xã hội — Thay đổi nhanh chóng — Cạnh tranh cao).
Cơ hội cho người làm thời trang tại Việt Nam là phần đông người Việt ngày càng bị cuốn vào mạng xã hội như là một nơi “all in one” (tất cả trong một) để họ bày tỏ cảm xúc, chia sẻ cá nhân, đưa ra nhận định, cập nhật tình hình và xu hướng, làm việc nhóm và mua sắm.
Chính điều này đã khiến các thương hiệu thời trang thế giới và Việt Nam mạnh dạn chi ngân sách lớn cho việc làm Marketing trên các kênh mạng xã hội để có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng và mang về hiệu quả nhanh hơn quảng cáo thông thường. Các thương hiệu local đều có khoảng 1/3 doanh thu đến từ kênh online, nhất là FB, IG và cả Zalo. Nếu đầu tư bài bản thì cơ hội thành công khá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội đó thì lại có 2 thách thức khá lớn. Thứ nhất, người Việt với tâm lý sính ngoại, có mới nới cũ, và khá dễ bị tác động bởi hiệu ứng đám đông nên các ông lớn đã rất thành công khi tận dụng tâm lý đó để thâm nhập thị trường thời trang Việt Nam.
Đó là lý do tại sao báo chí truyền thông luôn sẵn sàng đưa tin cập nhật hằng giờ, người có tầm ảnh hưởng cũng rất nhiệt tình mua sắm, check-in, và hàng nghìn người đội nắng để được mua sắm ngày đầu tiên. Những điều này khiến doanh nghiệp Việt phải chi tiền rất nhiều mới có được.
Thế nhưng khi cái mới vào thì những cái cũ sẽ dễ dàng bị quên lãng, khách hàng Việt dễ tính hơn nhưng lại mau quay lưng hơn chỉ vì có cái gì mới hơn, được nhiều người nói đến hơn. Dù là thương hiệu nước ngoài hay Việt Nam đều gặp phải vấn đề “làm sao để giữ chân họ”, và nhiều cái tên đang đứng trên bờ vực dù đã từng nổi đình nổi đám một thời.
Còn thách thức thứ hai, đó là ngành thời trang dù ở trên thế giới hay Việt Nam đều mang tính cạnh tranh rất cao ở bất kỳ thời điểm nào. Việc gia nhập của các ông lớn cũng dẫn đến sự ra đi của nhiều thương hiệu local. Để đủ sức cạnh tranh, nhiều thương hiệu Việt chấp nhận bán mình cho những quỹ đầu tư hay bắt đầu mạnh dạn chi cho việc nâng cấp hình ảnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm và dịch vụ để có thể tồn tại. Miếng bánh thời trang ngày càng bị chia nhỏ và chật chội hơn.
Vậy, các local brand cần làm gì để có thể đứng vững trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như thế?
Những điều mà các thương hiệu Việt cần phải khắc phục theo tôi là:
- Xây dựng nhận diện thương hiệu đồng nhất và rõ ràng để có câu chuyện, có điểm khác biệt riêng: Các thương hiệu Việt Nam, trước sự “đổ bộ” của nhiều thương hiệu nước ngoài, rất dễ rơi vào tình trạng không hiểu rõ mình là ai, bắt chước chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Khi mọi thứ không thống nhất, không rõ ràng thì sẽ không để lại dấu ấn, dẫn đến việc khách hàng không hiểu, không nhận ra và không nhớ đến thương hiệu của bạn. Vì vậy, hãy xây dựng chiến lược thời trang chuyên nghiệp từ việc nhận diện khách hàng tiềm năng, cung ứng sản phẩm hợp thị hiếu, nhận diện thương hiệu đồng nhất, quản lý bán lẻ bài bản và dịch vụ khách hàng tốt.
- Hãy có chiến lược cho sản phẩm để xây dựng sản phẩm đặc trưng (signature item): Chỉ nói rằng “tôi kinh doanh đồ thời trang” là chưa đủ, bạn cần phải cụ thể hóa rằng sản phẩm của mình là gì, có gì khác biệt so với những thương hiệu khác và làm sao để người tiêu dùng tìm đến thương hiệu vì sản phẩm đặc trưng ấy.
- Hãy làm Marketing tinh tế và thông minh, đừng lười biếng bằng cách chỉ giảm giá để thu hút khách: Nhìn nhận vào thực tế, rất nhiều thương hiệu Việt Nam chỉ biết giảm giá để thu hút khách hàng. Đây là hệ quả của 2 sai lầm kể trên: không có nhận diện rõ ràng và không có sản phẩm đặc trưng, dẫn đến việc không có giá trị đặc biệt để thu hút khách hàng ngoài việc giảm giá.
- Khi chỉ tập trung giảm giá để đẩy doanh số, họ sẽ vô tình đẩy giá trị của mình xuống và “chiều hư” người tiêu dùng. Họ giảm giá để “triệt tiêu” đối thủ, nhưng về lâu dài cũng vô tình “triệt tiêu” cả chính mình.
- Hãy thoát khỏi tư duy kinh doanh thời trang cũ để tập trung vào câu chuyện thương hiệu hay và những chiến lược Marketing truyền cảm hứng để khách hàng cảm thấy tự hào khi khoác lên mình chiếc áo mang tên bạn.
Là host của SR Fashion Business Talk, chị và ekip mong muốn truyền tải thông điệp gì đến cộng đồng thời trang Việt?
Với ý tưởng là những cuộc trò chuyện vào thứ 7, tuần thứ 3 mỗi tháng, SR Fashion Business TALK là nền tảng đầu tiên ở Việt Nam về những buổi trò chuyện thời trang chuyên nghiệp, nơi các chuyên gia đầu ngành chia sẻ kinh nghiệm của họ theo từng chủ đề, từ kinh doanh, việc làm, xây dựng thương hiệu trong thời đại số đến sáng tạo và chiến lược sống còn trong ngành công nghiệp thời trang. Chúng tôi muốn tạo một sân chơi thời trang chuyên nghiệp để những người làm nghề có thể giao lưu và học hỏi lẫn nhau, từ đó dung nạp kiến thức bổ ích phục vụ cho việc kinh doanh thời trang.
Ra đời từ giữa 2019, đến nay SR Fashion Business Talk đã làm được 7 chủ đề khác nhau như: “Làm sao tồn tại trong kinh doanh thời trang”; “Mạng xã hội và người nổi tiếng đã thay đổi thời trang thế nào”; “Nghệ thuật bài trí – Visual Merchandising để tăng doanh số”; “Chiến lược hình ảnh và nội dung trong thời trang”; và gần đây nhất là “Chiến lược quản lý bán lẻ thời trang” với gần 600 người đăng ký. SR Fashion Business Talk với chủ đề “The Business of Streetwear”, tạm dịch là “Thời trang đường phố” sẽ ra mắt ngày 21.12 và khép lại một năm 2019 rất nhiều ý nghĩa cho ekip chúng tôi.
Đối tượng đến các buổi talkshow là ai?
Qua rất nhiều talkshow, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm lớn từ cộng đồng thời trang với lượng đăng ký ngày càng nhiều, và mức tăng trưởng hơn 30% mỗi talkshow. Rất bất ngờ là đối tượng tham dự có hơn 40% là chủ các thương hiệu thời trang Việt, 40% là nhân sự đang làm việc trong tất cả thương hiệu thời trang và các agency, còn lại 20% là sinh viên. Qua cuộc khảo sát đầu tiên, chúng tôi đã nhận được 99% là phản hồi tích cực của cộng đồng.
Với đà phát triển đó, kể từ tháng 11, chúng tôi cùng cộng sự kết hợp với các chuyên gia thời trang mở SR Fashion Business School, bao gồm những khóa học kinh doanh thời trang ngắn hạn để có thể mang lại những kiến thức chuyên sâu cho cộng đồng thời trang, đào tạo những cá nhân ưu tú để phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang đang khan hiếm nhân sự chuyên môn.
Hiện tại có 3 khoá học đã được ra mắt, bao gồm Fashion Business – Lập nghiệp trong thời trang, Retail Operations – Quản lý chuỗi bán lẻ, và Visual Merchandising – Nghệ thuật sắp đặt và bài trí cửa hàng, hứa hẹn là một trong những nền tảng đào tạo về kinh doanh thời trang uy tín và chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.
Theo chị, việc đào tạo nhân tài cho ngành thời trang trong nước đang làm tốt và chưa tốt ở điểm nào?
Ở nước ngoài, ngoài việc học ở trường, sinh viên thời trang còn có nhiều cơ hội học và làm trong các công ty thời trang lớn, được đào tạo bài bản và khám phá nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau trong ngành thời trang để định hướng nghề nghiệp tương lai.
Ở Việt Nam, khi học thời trang thì chỉ có một ngành đó là thiết kế, còn những ngành khác như Product Development, Retail Management, Fashion Marketing, Visual Merchandising hay Fashion Buying… gần như không được khai thác. Do đó, chúng ta có rất nhiều người làm nghề tốt, thiết kế rất đẹp nhưng lại không có đầu óc kinh doanh bài bản, thành thử họ cứ loay hoay giữa sáng tạo và kinh doanh. Họ cũng rất vất vả, hoặc thậm chí không thể tìm được cộng sự hoặc nhân sự có chuyên môn để hỗ trợ nên không phát huy được điểm mạnh.
Hằng năm mỗi trường đều cho ra đời một lực lượng nhà thiết kế trẻ nhưng rất ít trong số đó có thể theo đuổi nghề thiết kế. Tôi đã từng dạy Fashion Marketing cho một lớp chuyên ngành Thiết Kế Thời Trang có gần 30 sinh viên của một trường đại học. Sau khi tốt nghiệp thì bây giờ các em đều làm đủ các ngành… khác.
Làm sao để các bạn sinh viên thời trang ra trường đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các hãng thời trang trong nước và quốc tế?
Phải đọc nhiều sách, hay ít nhất là đọc nhiều các trang tin tức thời trang chính thống để cập nhật kiến thức thời trang, xu hướng, các bài học kinh doanh, các chiến lược Marketing mà những ông lớn hay làm. Việc dung nạp kiến thức là điều quan trọng để có thông tin lưu trữ trong não, sau này là tư liệu tham khảo cho chúng ta khi bắt tay vào công việc.
Và hãy bắt đầu ở vị trí Sale Assistant hay Marketing Intern cho một thương hiệu thời trang để có thể học hỏi từ những điều nhỏ nhất. Tôi bắt đầu sự nghiệp bằng việc làm Intern không lương cho Vogue với công việc hằng ngày là mua cà phê, sắp xếp lịch họp và xếp báo trong kho. Công việc nhỏ nhoi, buồn chán lắm nhưng có cơ hội được va chạm hằng ngày, được nhìn thấy bằng mắt thật với những gì diễn ra trong giới thời trang đã giúp cho tôi có một cái nhìn đúng hơn.
Và kể cả công việc nhỏ nhoi như sao chép tài liệu cho sếp hằng ngày cũng đã giúp tôi có cơ hội được đọc những bản proposal (đề xuất) quý giá mà Vogue thường hay gửi cho khách hàng. Sau này, tôi đã áp dụng những gì quan sát được khi làm việc ở ELLE. Tôi mong các bạn trẻ hãy thực tế và nắm bắt mọi cơ hội vì chỉ cần bạn có được một chân trong ngành, bạn sẽ có nhiều cơ hội khác mở ra như kiến thức, kinh nghiệm, thậm chí là quan hệ. Chỉ cần hy sinh vài năm trẻ tuổi để học bằng cách đi làm ở công ty thời trang dù với đồng lương ít ỏi, bạn sẽ kiếm lại cả một cơ ngơi sau này mà bạn không ngờ được.
Cuối cùng, một số nhân vật nổi bật đang đóng góp xây dựng ngành thời trang Việt Nam mà Vietcetera nên trò chuyện là ai?
Người đầu tiên là Nguyễn Hữu Hôn – cộng sự đồng sáng lập Style-Republik.com và cũng là người thành lập nên trường dạy thiết kế FACE Fashion Design Academy gần 10 năm. Anh là người truyền cảm hứng cho tôi làm dự án SR Fashion Business School và với kinh nghiệm mười mấy năm làm trong lĩnh vực truyền thông thời trang, anh Hôn sẽ có nhiều chia sẻ rất hấp dẫn.
Người thứ hai là chị Tee Trương – Founder của 102 Production, công ty chuyên sản xuất hình ảnh thời trang cho rất nhiều thương hiệu thời trang Việt. Vừa qua, chị cũng mới ra mắt chiến dịch Support Fashion Local Brand để chọn ra những thương hiệu Việt có câu chuyện hay để hỗ trợ làm hình ảnh.