"Bóc" những tuyên bố mới của Apple tại WWDC 2022
Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) là một sự kiện thường niên được Apple tổ chức với tin thần thúc đẩy những ý tưởng mới và mang chúng vào cuộc sống. Sự kiện WWDC năm 2022 được tổ chức trực tuyến từ ngày 06 - 10/06, với sự tham gia của nhiều nhà phát triển trên khắp thế giới.
Như mọi năm, sự kiện cũng là dịp để giới thiệu những thay đổi và cải tiến công nghệ và các sản phẩm của Apple. Đồng thời, người tham gia cũng có cơ hội để tiếp cận và trò chuyện cùng đội ngũ phát triển của Apple.
WWDC22 cũng như mọi năm khi liên tục làm cả cộng đồng dậy sóng với nhiều thông tin mới.
1. Cho phép người dùng mua trước trả sau
Buy now, Pay later (PNBL) hay mua trước trả sau là một lĩnh vực tài chính đang làm mưa làm gió tại Mỹ. Trong sự kiện vừa qua, Apple đã giới thiệu tính năng mới tương tự là “Apple Pay Later".
Theo đó, khi bạn thanh toán bằng Apple Pay, khoảng thanh toán sẽ được chia thành 4 lần thanh toán khác nhau trong vòng 6 tuần. Hình thức này hoàn toàn miễn phí và không có lãi suất.
Điều này có ý nghĩa gì?
Tính năng mới này của Apple đã khiến thị trường mua trước trả sau gây lo ngại khi hàng loạt cổ phiếu của các công ty lớn cùng ngành liên tục sụt giảm.
Có thể thấy trong những năm gần đây bên cạnh phát triển các dòng sản phẩm điện tử chính, Apple liên tục tung ra những tính năng và dịch vụ mới, tập trung vào công nghệ tài chính. Hệ sinh thái Apple đang ngày càng được củng cố giúp công ty này thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, tính năng này có thật sự vô hại như vậy khi mà Apple đang cho chúng ta “mượn tiền" để tiêu dùng nhiều hơn và thu lợi nhuận từ những khoản “hoa hồng" ở giữa. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng PNBL kích thích hành vi mua sắm khiến chúng ta chịu bỏ tiền cho những khoản chi có giá trị cao hơn kế hoạch ban đầu.
Hình thức PNBL cũng đang được nhiều quốc gia đưa vào tầm ngắm giám sát khi có khả năng gây ảnh hưởng lên nền kinh tế. Dịch vụ của Apple lại có một điểm mạnh mà các công ty tương tự như PayPal hay Affirm không thể làm được là nó được tích hợp với iPhone, thiết bị được nhiều người yêu thích và sử dụng. Vậy nên, chúng ta chưa rõ được sự tiện lợi nhất thời này sẽ để lại hậu quả lâu dài gì.
2. iOS 16 không hỗ trợ các dòng iPhone cũ
Bản cập nhật mới iOS 16 gây nhiều háo hức cho người hâm mộ với nhiều tính năng thú vị như cá nhân hóa màn hình khóa, xem được mật khẩu wifi,... Tuy nhiên iOS 16 được công bố là sẽ không hỗ trợ cho các sản phẩm trước đời Iphone 8, nổi bật có iPhone 7, 7 plus, 6s. Điều này tạo ra nhiều phẫn nộ trong cộng đồng.
Nhiều diễn đàn và tờ báo công nghệ cũng đã chỉ ra nhiều điểm vô lý trong quyết định này của Apple: phần cứng của iPhone 7 và 7 plus có đủ khả năng để chạy iOS 16. Hiện tại thì Apple vẫn chưa giải thích lý do của mình.
Điều này có ý nghĩa gì?
Mỗi khi ra sản phẩm mới, Apple thường có truyền thống khai tử những dòng sản phẩm cũ. Tuy nhiên đôi khi cách thức này có phần hơi “cực đoan" và không có lợi cho người dùng.
Vào năm 2017, một người dùng Reddit đã phát hiện ra Apple đã làm chậm hoặc giảm hiệu suất của iPhone cũ bằng các bản cập nhập. Từ phía Apple, họ nói rằng điều đó là cần thiết để giúp cải thiện tình trạng của pin. Tuy nhiên thì vụ việc cũng đã kết thúc năm 2020 bằng một thỏa thuận trị giá 500 triệu USD tại Mỹ.
Ngành công nghệ có một chiến lược gọi là “planned obsolescence” (lỗi thời có tính toán) khiến cho các sản phẩm công nghệ sẽ sớm “hết hạn" và buộc phải bị thay thế. Mục đích của việc này là để thúc đẩy việc phát triển và nâng cấp sản phẩm. Tuy nhiên, chiến lược này cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liên quan tới việc tạo ra một sản phẩm lâu dài và có tính bền vững cao cho môi trường.
3. Apple lấn sân sang phát triển hệ điều hành cho ô tô
Hệ sinh thái Apple không chừa một ai khi bây giờ công ty này đã lấn sân sang sản xuất phần mềm cho ô tô - CarPlay. Công ty này khẳng định rằng 98% ô tô tại Mỹ có thể sử dụng CarPlay và khảo sát của họ cũng nói rằng 79% người tiêu dùng Mỹ muốn mua ô tô có hỗ trợ hệ thống này.
Apple đã thể hiện điểm mạnh của mình khi đưa ra một sơ đồ tương tác giữa người và phương tiện thông qua hệ thống của CarPlay. Đánh mạnh vào trải nghiệm của người dùng, CarPlay thể hiện điểm đặc biệt mà không đối thủ nào trên thị trường có thể cạnh tranh.
Điều này có ý nghĩa gì?
Trong những năm qua, Apple đã cho thấy tham vọng sản xuất xe hơi của họ. Cho tới hiện tại, sự hoàn thiện của hệ thống CarPlay đầy tiềm năng đã làm gia tăng vị thế của Apple trong “làng" sản xuất xe ô tô thông minh.
Bên cạnh đó, CarPlay hứa hẹn đem lại doanh thu lớn cho Apple khi có thể được bán cho các nhà sản xuất ủy quyền. Thiết kế của CarPlay cũng thể hiện rõ việc nó phù hợp với nhiều loại màn hình và kết cấu khác nhau của hãng xe. Cho tới hiện tại Apple cũng đang nắm trong tay nhiều đối tác lớn.
Tuy nhiên thì khi nhắc tới lái xe, an toàn nên là ưu tiên được đặt lên hàng đầu chứ không phải là một bảng màn hình lớn dễ gây xao nhãng. Nghiên cứu năm 2017 của Hiệp hội Ô tô Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng người lái xe dễ mất tập trung nhất khi thao tác định vị trên màn hình trong khi lái xe.
Ông Jake Nelson, Giám đốc nghiên cứu và an toàn giao thông của Hiệp hội Ô tô Hoa Kỳ, cũng cho rằng công nghệ có sẵn trong khi lái xe không đồng nghĩa với an toàn và người lái xe chỉ nên sử dụng công nghệ trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến lái xe.
4. Có thể chỉnh sửa được tin nhắn đã gửi
Trong khi Twitter vẫn đang không biết có nên thêm tính năng chỉnh sửa thì Apple đã đi trước một bước khi cho phép chỉnh sửa hoặc thu hồi tin nhắn đã gửi.
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể tận dụng tính năng trong 15 phút sau khi tin nhắn được gửi đi.
Điều này có ý nghĩa gì?
Apple đã cho phép bạn “quay xe" khi gửi đi một tin nhắn lầm lỡ. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể sửa đi lối chính tả ngớ ngẩn của mình hoặc thu lại tin nhắn nhảm nhí bạn đã lỡ gửi đi lúc say xỉn.
Tính năng này không phải là quá mới khi có nhiều ứng dụng như Slack đã có tính năng này. Bên cạnh đó thì WhatsApp cũng đã và đang phát triển tính năng tương tự là chỉnh sửa và thu hồi tin nhắn. Tuy nhiên thì cho tới hiện tại, tính năng chỉnh sửa duy nhất mà cộng đồng mạng mong chờ vẫn nằm ở Twitter.