Các lựa chọn "thanh lịch" hơn nếu bạn phải cắm rễ ở cà phê cả ngày
Mới đây, một quán cafe tại Canterbury (Anh) đã có một quyết định táo bạo: không nhận khách mang theo laptop vào trong quán làm việc. Nguyên nhân là bởi quán đông khách, nhưng doanh thu không tăng do mọi người chỉ gọi một ly nước rồi ngồi làm việc suốt nhiều giờ. Thậm chí có khách còn yêu cầu quán tắt nhạc và giữ im lặng để họ… họp trực tuyến.
Câu chuyện xảy ra ở tận nước Anh xa xôi, nhưng cũng là điều gây tranh cãi ở các quán cafe Việt Nam. Theo khảo sát về ngành F&B của iPOS, khách Việt thường bỏ từ 30.000 - 60.000 để mua một ly nước, rồi ngồi từ 3-4 giờ đồng hồ, thậm chí cả ngày tại quán.
Đã có không ít bài viết tranh luận về vấn đề có nên giới hạn thời gian ngồi cho khách khi đi cafe. Và thực tình cũng khá khó để phân định ai đúng, ai sai trong trường hợp này. Chủ quán chắc chắn không thích việc doanh thu bị ảnh hưởng, nhưng cũng không hề có quy định nào cấm khách chỉ được ngồi trong một số giờ nhất định.
Chưa kể, với những người làm freelance hoặc làm việc từ xa/hybrid, không phải lúc nào căn nhà cũng là nơi làm việc lý tưởng. Vậy chúng ta có những lựa chọn nào vừa đảm bảo mình có không gian làm việc, mà không gây ảnh hưởng đến doanh thu của quán?
Lựa chọn #1: Ngồi ở những không gian không tính phí
Khi nhắc đến “không gian thứ ba” ngoài nhà và công sở, chúng ta thường nghĩ ngay đến các quán cafe mà quên mất còn nhiều không gian khác. Các thư viện công cộng chính là một trong số đó. Chúng có mặt ở hầu hết các thành phố lớn, có chỗ ngồi, có wifi. Quan trọng nhất, chúng miễn phí và bạn có thể ngồi cho tới khi đóng cửa.
Ở Hà Nội và TP. HCM, bạn có thể đến Thư viện Quốc gia, thư viện thành phố, hoặc thư viện trực thuộc một số trường đại học. Ngoài ra, các trung tâm văn hóa của các nước Nhật, Hàn, Pháp, Mỹ… tại hai thành phố này có không gian thư viện rất phù hợp để ngồi làm việc. Bạn có thể phải gửi đồ và kiểm tra an ninh, nhưng cũng không quá phức tạp.
Điểm trừ duy nhất của các thư viện là thường chỉ mở đến 5-6 giờ chiều, theo giờ làm việc của cơ quan trực thuộc. Do đó nếu cần ngồi lâu hơn khung giờ này, bạn nên cân nhắc địa điểm khác. Một lựa chọn khác cho bạn là các trung tâm thương mại có không gian công cộng, với wifi miễn phí toàn trung tâm bạn có thể tận dụng.
Lựa chọn #2: Gọi thêm đồ nếu ngồi lâu hơn 3 tiếng
Đây là lựa chọn bạn nên cân nhắc nếu ngân sách cho việc ngồi cafe không quá chặt. Bởi trung bình cứ mỗi giờ bạn ngồi thêm, quán đã có thể đón 1-2 khách khác vào chỗ của bạn. Rõ ràng nếu khách nào cũng đến quán mua một ly nước rồi “chiếm dụng” cả buổi, doanh thu của quán sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Chẳng hạn nếu xác định ngồi cafe làm việc cả ngày, bạn có thể chủ động tìm trước quán nào có đồ ăn trưa/ăn nhẹ. Như vậy bạn vừa có phương án cho bữa trưa, vừa không bị mang tiếng ngồi quá lâu làm ảnh hưởng đến quán.
Ngoài ra, bạn cần để ý nếu nhân viên quán tới bàn hỏi “anh/chị có muốn dùng thêm gì không?”. Đây thực ra là một cách nhắc khéo khi bạn đã ngồi lâu. Lúc này nếu không có nhu cầu gọi thêm đồ, bạn nên nhanh chóng hoàn thành công việc và rời đi.
Lựa chọn #3: Đổi quán khác trong trường hợp quá đông khách
Đây là lựa chọn cho bạn nếu khách ở quán thứ nhất quá đông, hoặc bạn không muốn gọi thêm đồ ở đó. Bạn nên để ý khi lượng khách vào quán ngày một nhiều, hoặc có nhân viên ra nhắc khéo.
Dĩ nhiên lựa chọn này không hẳn lý tưởng khi bạn phải tìm chỗ mới và “di dời” đồ đạc của mình, tuy nhiên việc ngồi quá lâu trong khi quán đông cũng là điều không nên. Và ở một góc độ khác, quán đông khách ra vào có thể sẽ ồn ào, khiến bạn khó tập trung làm việc hơn.
Bạn cũng có thể kết hợp thêm lựa chọn 1, là ngồi nửa ngày ở quán cafe, nửa còn lại ở thư viện công cộng. Như vậy bạn không phải bỏ thêm tiền mua nước, mà vẫn có không gian làm việc. Và nếu thường xuyên ngồi cafe làm việc, bạn nên lập sẵn cho mình một list các quán ưa thích, để có thể “nhảy” khi cần.
Lựa chọn #4: Các quán cafe “bán không gian” làm việc chuyên biệt
Còn gọi là “cafe tự phục vụ”, các quán này bán không gian nhiều hơn là bán đồ uống. Chẳng hạn một quán cafe mới nổi gần đây ở quận 6 (TP. HCM) tính phí 25.000/ 4 giờ, khách đến quán có thể tự pha cafe, trà hoặc milo theo ý thích. Cũng có thể coi đây là phiên bản rẻ hơn của co-working space, vốn thường tính phí sử dụng không dưới 100.000/ngày.
Với học sinh, sinh viên hay những người đi làm cần không gian riêng, đây sẽ là địa điểm lý tưởng mà không tốn quá nhiều chi phí. Dù vậy mô hình cafe này vẫn còn khá mới, không phải thành phố nào cũng có.
Một số mẹo nhỏ khác khi ra cafe làm việc?
Không mang sạc laptop nếu có thể
Nếu xác định chỉ cần ngồi một buổi sáng/chiều/tối, bạn có thể sạc đầy laptop trước, rồi để sạc ở nhà và chỉ mang máy theo. Như vậy bạn sẽ chỉ có một khoảng thời gian nhất để hoàn thành công việc, và sẽ tập trung tốt hơn để làm xong khi máy vẫn còn pin. Túi đồ của bạn cũng nhẹ hơn, và bạn cũng không mất công tìm ổ cắm sạc ở quán.
Tôn trọng không gian chung của quán
Dù bạn có bỏ tiền ra mua nước để ngồi làm việc, thì quán cafe vẫn là không gian chung của cộng đồng. Vì vậy, có những quy tắc chúng ta nên tuân thủ bất kể ngồi làm việc bao lâu:
- Không hút thuốc trong quán. Nếu cần, bạn ra hành lang hoặc hỏi xem quán có khu vực hút thuốc không.
- Nếu cần họp, bạn tắt tiếng và đánh vào chatbox thay vì bắt quán tắt nhạc.
- Chọn bàn đơn, bàn nhỏ để ngồi làm việc, không nên ngồi vào bàn nhiều người dù có đang trống. Như vậy bạn đỡ phải di chuyển khi có khách cần ngồi khu vực đó.
- Nếu âm thanh trong quán ồn ào, bạn nên cắm tai nghe thay vì yêu cầu họ nói nhỏ/ bật nhỏ nhạc lại, hoặc đổi quán khác nếu cần. Trường hợp bạn cần không gian yên ắng tuyệt đối, thì thư viện sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.