"Phản ứng hóa học" giữa não và podcast diễn ra như thế nào?

Hiểu cách não vận hành để chọn cho mình loại podcast phù hợp. 
Minh Anh
Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

Không như những nội dung ngắn và nhanh trên mạng xã hội, podcast đi sâu và thảo luận một vấn đề chuyên môn. Có lẽ vì vậy trong năm vừa qua, loại hình này trở nên phổ biến hơn với các bạn trẻ Việt.

Nhiều người thường nghĩ rằng podcast và multitask là đôi bạn thân, khi ta vừa có thể nghe, vừa có thể làm việc khác. Tuy nhiên, khi ta lắng nghe một podcast, não bộ phản ứng và tiêu hóa thông tin như thế nào? Và liệu thói quen lắng nghe podcast nào mới thật sự tốt cho não bộ?

Tại sao podcast lại tốt cho não?

Một trong những lý do khiến podcast thành công là vì tính kể chuyện (storytelling) của loại hình này. Paul Zak, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thần kinh tại Đại học Claremont, đã có một nghiên cứu về cách những câu chuyện ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của chúng ta.

Theo như Zak, sự kết nối và đồng cảm với câu chuyện được kể trong podcast sẽ giúp sản sinh ra oxytocin, hay thường được biết tới với cái tên hormone hạnh phúc. Một số nghiên cứu còn chỉ ra việc lắng nghe các câu chuyện còn giảm lượng cortisol tiết ra, giúp giảm stress.

Paul Zak cũng cho rằng cảm xúc mà ta cảm nhận được khi lắng nghe câu chuyện làm tăng khả năng ghi nhớ thông tin. Bên cạnh đó, nhạc nền và hiệu ứng âm thanh của podcast còn giúp người nghe chú ý hơn vào nội dung, kích hoạt khả năng tưởng tượng.

Dự án của Moth Studio sẽ giúp ta hiểu rõ hơn cách mà não hình dung một câu chuyện khi lắng nghe podcast. Họ để những người tham gia cuộc thử nghiệm nghe podcast, đồng thời chụp lại MRI não bộ của họ.

Kết quả cho thấy nhiều vùng của não phát sáng và phản hồi cùng lúc với thông tin họ nhận được. Trong lúc lắng nghe theo mạch kể của podcast, những khái niệm và từ ngữ tạo ra các tầng lớp kết nối trong mạng lưới thần kinh. Cảm xúc và ký ức khi đó sẽ được phân tán đều trên cả hai bán cầu não, thay vì ở một vùng cụ thể.

Jack Gallant, giáo sư tâm lý học tham gia dự án giải thích: “Khi bạn nghe chữ ‘chó’, não bộ của bạn sẽ liên tưởng tới hình dáng, mùi, cảm nhận về bộ lông và cả ký ức của bạn về một chú chó. Vì thế toàn bộ mạng lưới trong não bạn được đánh thức .”

Điều này kích thích sự kết nối thần kinh khiến ta liên hệ được những thông tin mới học được và những kiến thức đã có sẵn, tăng khả năng tiếp thu của người nghe.

Từng thể loại podcast tác động lên não thế nào?

Mỗi người sẽ có một nhu cầu khác nhau, từ đó chúng ta có thể tìm và chọn loại podcast phù hợp với mình, dựa trên cách mà nó tác động lên não bộ. Titi Shodiya, host của podcast DopeLabs đã liệt kê một số loại podcast phổ biến và cách não bộ phản ứng với chúng:

Podcast trinh thám

Thông tin podcast thuộc thể loại trinh thám và tội phạm mang những có phần ly kỳ và gay cấn sẽ được xử lý ở phần hành não (medulla oblongata). Đây cũng là nơi adrenalin được tiết ra khiến kích hoạt chế độ “chiến hoặc chạy".

Tương tự như cách ta thích coi phim kinh dị thì mặc dù những chương trình này tạo ra sự sợ hãi, nó cũng tạo ra cảm giác gây nghiện. Nhất là khi các phản ứng sinh lý khiến tiết ra endorphins hay dopamin cũng khiến bạn cảm thấy phấn khích.

Podcast hài

Một số podcast giải trí thường mang tính hài hước cao. Những loại thông tin này sẽ được thùy trán trước và vỏ não “kiểm định" chất lượng. Khi nhận được những thông điệp hài hước thì thùy trán của bạn sẽ gửi nó tới vỏ não. Lúc này vỏ não sẽ gây ra những phản ứng như cười vui và thích thú.

Podcast thiền và chữa lành tâm trí

Nội dung của podcast thiền thường xoay quanh hướng dẫn và thiền cùng người nghe. Bản thân việc thiền có thể kích hoạt não tiết ra oxytocin thông qua đồi thị và vỏ não thính giác.

Bên cạnh đó, âm thanh của những podcast này thường là âm thanh trắng giúp lọc tiếng ồn hay âm thanh thiên nhiên nhẹ nhàng. Các loại âm thanh này đều tạo ra cảm giác thư giãn và tập trung.

Chúng ta nên nghe podcast như thế nào?

Đa nhiệm đúng cách với podcast giúp tăng sự sáng tạo

Media multitasking là khái niệm được sinh trong thời đại đa phương tiện, ám chỉ việc chúng ta thường xuyên đa nhiệm khi vừa xem TV và trả lời email hay đọc và nghe nhạc. Multitask thường bị chỉ trích là khiến ta hoạt động không hiệu quả, tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây đã đưa ra lợi ích của thói quen này.

Cụ thể hơn, Trường Kinh doanh Kenan-Flagler của UNC đã chỉ ra rằng thói quen đa nhiệm có thể kích thích sự sáng tạo. Một nghiên cứu tương tự của Stephen Wee Hun Lim tại Đại học Quốc gia Singapore cũng cho thấy mức độ sáng tạo của những người “media-multitasking" cũng được nâng cao. Bên cạnh đó nó cũng giúp ta linh hoạt trong việc kết hợp các giác quan nghe và nhìn.

Để tận dụng tối đa lợi ích này, ta nên kết hợp lắng nghe podcast khi đang làm những việc đơn giản mà ta đã quen với nó. Đơn cử như nấu ăn, dọn nhà hay đi bộ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc vừa đi bộ (một nhiệm vụ dễ dàng) trong khi lắng nghe podcast về bài học cũng giúp nhiều sinh viên đại học hiểu sâu về nội dung họ nghe hơn.

Nghe podcast liên tục khiến não mệt

Lắng nghe podcast sẽ tiêu tốn năng lượng khi nó yêu cầu người nghe có một sự tập trung nhất định. Điều này khiến chúng ta dễ mệt mỏi hơn nếu phải nghe liên tục. Theo như Michael Grabowski, giáo sư truyền thông tại trường Cao đẳng Manhattan, khi tiếp nhận thông tin, não bộ cần có thời gian để tiêu hóa nó. Vậy nên thói quen nge podcast liên tù tì đôi khi sẽ không đem lại kết quả tốt cho não bộ lẫn việc tiếp thụ thông tin.

Việc luôn tiêu thụ các dạng thông tin, nhất là nội dung podcast hiếm khi nào để đầu óc thật sự nghỉ ngơi trong sự im lặng tuyệt đối. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, sự im lặng có lợi cho sự phát triển tế bào ở vùng hải mã - trung tâm của trí nhớ, cảm xúc và hệ thần kinh.

Để tận dụng lợi ích của việc nghe podcast, ta nên dành ra những khoảng nghỉ giữa mỗi tập nghe. Việc tận hưởng khoảng không im lặng không chỉ giúp ta thư giãn, mà còn cho não thời gian để tiêu hóa thông tin vừa được tiếp thu.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục