01 Thg 06, 2023ThươngYêu Lành

Chán yêu hay chán nhau?

Khi yêu lâu chúng ta thường trải qua cảm giác: cùng một nỗ lực nhưng lại không đạt được hiệu quả như ban đầu.
Mỹ Anh
Anh Thư Ng @nikru____ cho Vietcetera

Anh Thư Ng @nikru____ cho Vietcetera

Hồi nhỏ tôi rất khoái món yogurt bịch mà tiệm tạp hóa nào cũng có bán. Khi còn ở mẫu giáo, thỉnh thoảng bà nội sẽ cho tôi 2000 đồng tiền tiêu vặt mỗi khi tôi qua thăm bà. Đó là số tiền tiêu hiếm hoi mà tôi có và thường thì nó sẽ bay màu vào một hàng tạp hóa nào đó có món yogurt bịch.

Sau đó thì tôi vào cấp 1. Bởi không muốn ngày nào cũng nghe tôi lèo nhèo xin tiền quà vặt, bố cấp cho tôi một khoản tiền tiêu trong một tuần với tối hậu thư “hết thì nhịn!” Yogurt bịch từ đó đã không còn là thứ thòm thèm mà lâu lâu mới có dịp thử nữa. Chúng tôi (tức tôi và yogurt) chính thức “in relationship” với tần suất gặp mặt 1 ngày 1 lần (có khi 2-3 lần).

Và chắc là bạn cũng đoán được chuyện gì xảy ra sau đó. Được một tháng thì chúng tôi đường ai nấy đi. Đơn giản là vì tôi chán (và căn tin trường thì có nhiều lựa chọn).

Dù có vẻ hơi “phồn thực” khi so sánh tình yêu với ăn uống, nhưng với tôi chúng tương đồng ở điểm: Những gì bạn đã từng rất thích, dần sẽ mất đi sự màu nhiệm ban đầu dù bản chất của chúng chưa bao giờ thay đổi.

Quy luật giá trị giảm dần: Nỗ lực ban đầu sẽ dần mất đi hiệu quả ban đầu

Những cặp đôi yêu nhau lâu năm thường sẽ đến một giai đoạn mà thấy cái gì cũng “nhàn nhạt”. Đại khái, đây là khi bạn cảm thấy mọi thứ mất dần đi vẻ lấp lánh như thuở ban đầu của nó. Nụ hôn không còn khiến trái tim bạn đập loạn nhịp, buổi đi chơi cuối tuần chẳng còn làm bạn ngóng chờ, hay dòng tin nhắn chúc ngủ ngon cũng dần biến thành lẽ thường.

Người ta có 7749 cách lý giải khác nhau về cái sự nhàn nhạt này. Căn bản, cảm xúc hừng hực lúc mới yêu vốn không phải là trạng thái xuyên suốt của con người. Sau một thời gian, các hormone hưng phấn sẽ giảm dần để đưa bạn trở về trạng thái bình thường. Điều này khiến những cử chỉ thân mật phần nào mất đi tác dụng thần thánh ban đầu của nó.

Hoặc trong đầu tư kinh doanh, người ta cũng có một thứ gọi là Quy luật giá trị giảm dần (law of dimishing returns). Cụ thể, đây là khi đầu vô (input) tức thời gian, tiền bạc, công sức và đầu ra (output) không còn tương ứng với nhau. Chẳng hạn, việc tuyển x2 nhân viên không đảm bảo sẽ cho ra x2 sản phẩm, cũng giống như cùng là một buổi đi chơi nhưng bạn không đạt được hiệu ứng bừng lửa thuở mới yêu.

Khác với giai đoạn tán tỉnh, nỗ lực của chúng ta thường “đi ngang” khi yêu nhau một thời gian dài: Dòng tin nhắn chào buổi sáng, cuộc hẹn hò vào mỗi cuối tuần, quán ăn quen thuộc mà cả hai ngại đổi vì lười nghĩ.

Nếu trong kinh doanh, một công ty không tăng trưởng đồng nghĩa với thụt lùi (bởi lạm phát), thì trong tình yêu việc đi ngang quá lâu cũng dẫn đến cảm giác… chán. Và khác với các bộ phim drama, người ta chia tay vì những lý do rất giật gân (ngoại tình, gia đình ngăn cấm, khác biệt giai cấp). Người bình thường hết yêu có khi chỉ vì thấy chán.

Đa dạng hóa danh mục: Bí quyết chống chán khi yêu

“Đừng bỏ trứng trong cùng một giỏ” là kim chỉ nam không chỉ dành cho những người trong giới đầu tư, ngày nay những người làm công ăn lương cũng khắc cốt ghi tâm lời răn này. Không hiếm để bạn bắt gặp một người đồng nghiệp cày thêm 2-3 công việc freelance.

Trong thời đại đầy biến động như hiện nay, chẳng ai muốn một ngày đẹp trời ngủ dậy mình bỗng dưng thành vô sản bởi vì trót tất tay vào một mối. Bởi vậy, đa dạng hóa danh mục đầu tư (portfolio diversification) là một chiến lược dù không chắc là tối ưu nhất nhưng chắc chắn là ít rủi ro hơn hẳn.

Nếu chiếu theo logic này, có người sẽ nghĩ họ nên có ít nhất vài ba người yêu để “sơ cua” phòng khi gặp sự cố. Tuy nhiên, tình yêu không vận hành theo quy tắc này, nếu không thì mọi người đã không tẩy chay ngoại tình đến vậy.

Vậy có cách nào để chúng ta “đa dạng hóa” danh mục tình yêu của mình?

Không tính đến trường hợp đa dạng hóa số lượng người yêu, bạn vẫn còn hai thứ để đa dạng: bản thân hoặc những thứ bên trong mối quan hệ.

Những lời khuyên hẹn hò ngày nay thường hay bảo rằng “bạn không nên thay đổi bản thân vì ai đó”. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chán (chứ chưa nói đến chán yêu) hẳn là bạn cũng không nghĩ rằng ngồi yên sẽ giải quyết được vấn đề.

Trong podcast Yêu Lành về chủ đề Chán Yêu, nhà đầu tư Thái Vân Linh đã chia sẻ “Phần lớn những công ty thành công là những công ty đã thay đổi rất nhiều lần và đã biến thành một công ty khác hoàn toàn so với lúc đầu”.

Đương nhiên là bạn không cần phải biến thành người khác khi yêu. Sự thay đổi này có thể bắt đầu từ những thứ bạn chưa từng làm cho bản thân hoặc chưa từng làm trong mối quan hệ. Đó có thể là những sở thích mới mà trong lúc bận yêu bạn chưa có thời gian thử. Hoặc như một người bạn của tôi đã từng chia sẻ “sau khi đã quá vật vã để chọn được bộ phim đúng gu cả hai, tụi mình đã thay đổi mindset. Đó là chọn coi những phim được review là 'chỉ tổ lãng phí thời gian'. Hóa ra tụi mình cùng ghét nhiều thứ hơn mình tưởng”. *cười*

Các thay đổi không nhất thiết lúc nào cũng phải lớn lao, nhưng ít nhất nó giúp cho cuộc sống của bạn trở nên đa dạng hơn.

So sánh với giao diện lần đầu trình làng vào năm 2005, bạn sẽ thấy Facebook đã trải qua rất nhiều lần thay da đổi thịt từ ngày đầu ra mắt trong nỗ lực duy trì vị thế của chính mình. Từ nhỏ như vị trí của mục notification đến lớn như đổi cả tên công ty (thành Meta) và định hướng hoạt động.

Có lẽ trong thời buổi biến động thì một chiến lược biến động lại là một chiến lược ổn định và lâu dài hơn.

Nếu đã, đang (hoặc có thể là sẽ) chán yêu (hay chỉ là đang chán đơn thuần) bạn có thể nghe podcast Yêu Lành của Vietcetera để có thêm những chiêm nghiệm cho chính mình trên hành trình yêu. Bởi dù bạn có chán yêu hay hết yêu, tình yêu vẫn hiện diện ở khắp nơi.

Yêu Lành là sự kết hợp giữa “yêu” và “yên lành”. Trong yêu có yên, trong yên có lành. Yêu sao để chữa lành cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Podcast Yêu Lành sẽ cùng bạn đi qua những giai đoạn của tình yêu với đủ các cung bậc cảm xúc.

Bạn có thể xem lại tập 2 podcast Yêu Lành mùa 2 chủ đề Chán yêu tại đây, và đón chờ các tập tiếp theo vào mỗi tối Chủ nhật hàng tuần trên kênh YouTube của Vietcetera, Spotify và Apple Podcast


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục