"Chị rất ngưỡng mộ vì chị không biết đọc, biết viết."
Ở bệnh viện mẹ đang làm việc có một chị bệnh nhân người dân tộc K'Ho. Chị rất xinh gái và có khả năng tính nhẩm nhanh như chớp.
Ngày đầu tiên mình về nhà nghỉ Tết trùng ngày mẹ đi trực. Mình lên bệnh viện chơi và chờ mẹ, ngồi vắt vẻo ở một góc ghế đá đọc sách, cười khúc khích, thi thoảng nhíu mày theo mạch truyện.
Chị đến cạnh bắt chuyện, hỏi mình đọc gì, nội dung như thế nào? Mình luyên thuyên kể về quyển sách đang cầm trong tay. Chị rất ngưỡng mộ những người biết đọc vì chị không biết đọc, biết viết.
Chị không được đi học, và bố mẹ cũng chẳng quan tâm đến chuyện phải học chữ. Lớn lên chị làm công việc buôn bán nên cần khả năng tính toán hơn. Việc không biết chữ khiến chị ngại, không biết hỏi ai.
Mình từng đọc được một số bài báo, tác giả bảo mấy lần đi ngang qua đồng ruộng ở miền Tây, có người vẫy lại nhờ đọc giúp cách hướng dẫn sử dụng phân bón. Nhưng đọc xong mình vẫn có cảm giác xa vời, nên đến lúc một người không biết chữ đứng trước mặt và bẽn lẽn thừa nhận, mình rất ngạc nhiên.
Tự dưng mình thương chị, có lẽ vì chị chân thật quá. Cái sự thương đó cứ dấy lên trong lòng mình thôi. Với một số người biết đọc, biết viết là một điều bình thường như hít thở mỗi ngày, còn với nhiều người khác lại là ước mơ.
Mình dành vài hôm ở nhà, dạy chị từng con chữ, cách lắp ghép thành từ đơn giản. Mình nhận ra, người bị giới hạn bởi việc chưa biết đọc còn bị rào cản nhiều hơn. Họ bị ảnh hưởng văn nói, những câu tường thuật, giao tiếp hằng ngày.
Mẹ mình khuyên nên chỉ người ta như cách mình học hồi mẫu giáo, lớp Một. Thực ra, mình cũng chẳng nhớ hồi đó học ra sao, chỉ nhớ cái cảm giác là rất ghét tập viết, rèn chữ lúc nhỏ. Mình áp dụng một trò hay chơi với mấy em bé là viết ra bàn tay, đố nhau xem người kia viết chữ hay từ gì.
Thời gian mình hướng dẫn cho chị khá ngắn, buổi chiều 29 Tết và từ mùng 3-8 Tết. Mình tham khảo sách Tiếng Việt 1 của Cánh Buồm cho phần ngữ âm, chọn lọc những phần quan trọng để hướng dẫn theo sách.
Đến ngày cuối cùng, mình mở cho chị nghe bài "Anh thợ ảnh" do Hoàng Quyên hát; một bài hát giàu hình ảnh, câu chuyện dễ thương.
Chị đọc chậm, nhưng vẫn đọc hết được. Chị còn nhờ mình dạy hát bài đó. Mình là "bậc thầy âm nhạc" chuyên hát sai nên không chỉ được. Chị đã viết được đúng tên chị, tên mình, tên đồ vật, một câu đơn giản. Còn để viết được câu dài, một đoạn đúng chính tả, đọc lên không trúc trắc thì chưa.
Ngày mình trở lại Sài Gòn, chị đã lắp ghép và biết vài quy tắc chính tả. Trên chuyến xe đêm, mình miên man nghĩ về chị với nhiều câu hỏi gợn lên trong lòng.
Cuộc sống trước kia của người chưa biết viết - đọc sẽ như thế nào? Và bao lâu thì người ta sẽ đọc được một quyển sách, cảm nhận được trọn vẹn về ngữ nghĩa nhỉ? Có một câu hỏi mình chưa dám hỏi, chị cảm thấy thế nào về lần đầu tiếp xúc, cố gắng đọc từng con chữ?
Liệu rằng chị sẽ bước tiếp để thành một người đọc? Sẽ mở rộng trường từ vựng để sớm cảm được những niềm vui nỗi buồn trong trang sách? Những câu hỏi nối tiếp, mà chính bản thân mình không trả lời được. Chỉ mong rằng chị sớm hoàn thành ước mơ đọc trọn vẹn một quyển sách bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
(Chia sẻ bởi bạn Phương Thảo)