Chính phủ Anh tiên phong cấm vá màng trinh

Có điều gì mà WHO coi đây là vấn đề của văn hóa, chính trị và cả xã hội?
Hồng Vân
Nguồn: Pexel

Nguồn: Pexel

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 31/1, chính phủ Anh đã đưa điều khoản bổ sung về việc cấm phẫu thuật vá màng trinh (hymenoplasty) vào Dự luật Y tế và Chăm sóc sức khỏe của nước này. Vấn đề này đã trở nên nóng hơn kể từ khi kiểm tra màng trinh (virginity testing) bị coi là hành vi phạm tội vào tháng 11/2021.

Dự thảo luật Y tế và Chăm sóc sức khỏe sẽ được đưa ra bàn luận và xét duyệt bởi cả Hạ viện và Thượng viện. Sau khi được thông qua, nếu dự thảo luật nhận được sự chấp thuận của Hoàng gia Anh, cụ thể là Nữ hoàng Anh thì dự thảo luật sẽ trở thành luật.

2. Tại sao nước Anh cân nhắc cấm vá màng trinh?

Việc sửa đổi dự luật được thực hiện sau một báo cáo về phẫu thuật vá màng trinh được Chính phủ nước này công bố vào tháng 12 năm ngoái. Báo cáo của Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội (DHSC) và Bộ Nội vụ cho biết: “Bản đánh giá kết luận việc kiểm tra trinh tiết dựa trên những quan điểm đàn áp và không chính xác về trinh tiết và màng trinh của phụ nữ. Đây là một hình thức lạm dụng và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, gây ra những bất lợi về thể chất và tâm lý”.

Theo CNN, phát ngôn viên của chính phủ Anh khẳng định sửa đổi luật là bằng chứng cho lời cam kết bảo vệ phái nữ và phá bỏ những lầm tưởng phổ biến về trinh tiết của phụ nữ.

3. Thực trạng vá màng trinh ở Anh Quốc ra sao?

Tại Anh, phẫu thuật vá màng trinh có giá lên đến 3.000 bảng Anh (gần 100 triệu đồng). Có hơn 30 phòng khám và bệnh viện tư tại London, Manchester và Norwich tiến hành khám và vá màng trinh. Thậm chí, nhiều nơi còn cho kết quả là một tờ giấy chứng nhận “còn trinh”.

Phần lớn phụ nữ đến phòng khám do bị gia đình ép kiểm tra và vá màng trinh trước khi cưới chồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều cô gái dù đã thực hiện phẫu thuật nhưng không “chảy máu” vào đêm tân hôn như mong muốn của gia đình chú rể.

Aneeta Prem, Nhà sáng lập tổ chức Freedom, cho biết số lượng phụ nữ và trẻ em tìm kiếm sự giúp đỡ vì bị bắt phải kiểm tra màng trinh đã tăng đến 40% kể từ đợt phong tỏa tại Anh.

4. Trong quá khứ, vấn đề này như thế nào?

Vào những năm 1970, nhân viên di trú đã tiến hành kiểm tra trinh tiết người nhập cư để “xác thực” tuổi tác và tình trạng quan hệ của họ. Khoảng 120 đến 140 phụ nữ Nam Á đã bị kiểm tra cơ thể trong một thập kỷ cho đến năm 1979.

Nhiều cuộc biểu tình từ các cộng đồng Nam Á đã diễn ra, thậm chí, Cố Thủ tướng Ấn Độ Morarji Desai đã viết thư phản đối gửi chính phủ Anh. Ngày 2/2/1979, Bộ Nội vụ Anh tuyên bố thừa nhận sử dụng phương pháp kiểm tra trinh tiết và chỉ đạo ngừng kiểm tra.

5. Còn các nước khác trên thế giới thì sao?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thủ thuật vá màng trinh vẫn phổ biến tại ít nhất 20 nước trên thế giới, phần lớn là tại Trung Đông, châu Phi và cả Mỹ. Thậm chí, tại một số nơi có văn hóa cổ hủ, phụ nữ còn được khuyến khích tái tạo màng trinh để không biến thành nỗi xấu hổ của gia đình.

Có nhiều sự đối lập trong cách xã hội nhìn nhận trinh tiết. Tiêu chuẩn kép nằm ở chỗ, với nam giới thì quan hệ tình dục trước hôn nhân được coi như một sự tự hào, còn đối với nữ giới thì đó là một nỗi xấu hổ.

Nhiều bé gái vẫn được dạy rằng cái ngàn vàng là thứ quý giá nhất, giúp thứ định nghĩa giá trị của phụ nữ. Niềm tin này cũng tồn tại trong nhiều tín ngưỡng khác nhau khi đánh đồng tình dục (trước hôn nhân) là dơ bẩn và tội lỗi. Quan niệm giữ gìn trinh tiết không gì khác ngoài việc vật hóa phụ nữ như món quà đợi người đàn ông bóc vào đêm tân hôn.

6. Ở Việt Nam, mọi chuyện như thế nào?

Tại Việt Nam, vá màng trinh là kỹ thuật không có trong danh mục kỹ thuật y tế. Tuy nhiên, phẫu thuật vá màng trinh vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều phòng khám, bệnh viện phụ sản, thẩm mỹ viện với giá từ 3,500,000 trở lên.

Bên cạnh vá màng trinh, mua bán màng trinh giả cũng diễn ra tràn lan trên không gian mạng hiện nay. Tương tự, các dịch vụ liên quan tới tân trang và trẻ hóa cho vùng kín cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn.

7. Lý do phụ nữ chủ động phẫu thuật vùng kín là gì?

Truyền thông vẫn luôn có xu hướng vật hóa phụ nữ, tạo ra những hình ảnh chỉ dùng để phục vụ nhãn quan nam giới. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng lên hành vi chạy đua theo những tiêu chuẩn sắc đẹp và kỳ vọng của xã hội của phái nữ.

Không ít phụ nữ chọn đi cải tạo vùng kín chỉ với mục đích giữ chồng, người yêu. Những bài quảng cáo cũng chủ động tấn công vào tâm lý này, tạo nên sự mặc cảm cho họ. Người thật sự nhận lấy lợi ích không phải là những người phụ nữ, mà thực chất lại là những người kinh doanh dịch vụ “phẫu thuật sự tự tin".


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục