Tóm Lại Là: Phẫu thuật “vùng kín” hay “sự tự tin”?  | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: Phẫu thuật “vùng kín” hay “sự tự tin”? 

Từ khi nào "cô bé" đã trở thành "gương mặt" mới của phụ nữ? Phẫu thuật từ khuôn mặt đến vùng kín, đâu mới là điểm dừng?
Tóm Lại Là: Phẫu thuật “vùng kín” hay “sự tự tin”? 

Nguồn: Neiwai

1. Tranh cãi nào đang diễn ra?

Phẫu thuật vùng kín là một dạng phẫu thuật nhằm sắp xếp ổn định các cơ vòng âm đạo, loại bỏ lớp niêm mạc bị giãn rộng, giúp vùng kín khít hơn.

Khuyến khích người đọc bớt ngại ngùng, gần đây một loạt các bài báo về vấn đề này đã được xuất bản. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng hành động này thực chất đi ngược với quyền lợi và sức khỏe của phụ nữ, trong đó có tiếng nói của Tổ chức Thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam.

2. Từ khi nào phụ nữ quan tâm đến việc tân trang vùng kín?

Phẫu thuật thu hẹp âm đạo xuất hiện trên thế giới vào giữa những năm 1950. Đến năm 2011, từ khoá “phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín” bắt đầu xuất hiện trong dữ liệu tìm kiếm của Google Việt Nam.

3. Tân trang vùng kín mất gì, được gì?

Chi phí phẫu thuật vùng kín dao động từ 8 triệu đến 20 triệu đồng tại Việt Nam, hoặc từ 7000 đến 9000 đô-la, nếu thực hiện tại Mỹ. Ngoài ra, chị em sẽ phải bỏ ra vài tháng chuẩn bị tâm lý, 2 tiếng trong phòng phẫu thuật, ít nhất 1 tháng chờ liền vết khâu, kiêng khem quan hệ (và thấp thỏm sợ biến chứng).

Nếu quy trình diễn ra êm xuôi, đổi lại, họ được “cô bé” hồng hào, se khít, lời khen của bạn tình và đời sống tình dục mãn nguyện hơn. (Chưa có số liệu thống kê số phụ nữ lấy được chồng và giữ được chồng nhờ sự đầu tư này, như lời quảng cáo.)

4. Tiêu chuẩn sắc đẹp đã thay đổi thế nào?

Tiêu chuẩn sắc đẹp ở các nền văn hoá biến thiên theo thời gian, nhưng vẫn luôn nằm ở những vị trí có-thể-thấy-được. Chẳng hạn như, răng đen, mày lá liễu, mắt hai mí, da trắng tuyết, chân gót sen,...

Chỉ vài thập kỷ gần đây, khi những vị trí “lộ thiên” đều đã được điểm danh, nhiều phụ nữ chọn vùng không-thể-thấy để hướng tới một “vẻ đẹp tiêu chuẩn” mới. Năm 2016, nước Mỹ đã chứng kiến mức gia tăng 39% các ca phẫu thuật vùng kín.

Dù xã hội đã cởi mở hơn về nhu cầu tình dục của phụ nữ, sự tồn tại của tiêu chuẩn mới này cho thấy phụ nữ vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ phân biệt giới. Nhiều cô gái trong loạt chuyện của afamily chia sẻ rằng: họ phải phẫu thuật vùng kín, không phải vì đây là “nét đẹp mới” họ đặt ra, mà vì không có sự đồng cảm từ bạn đời.

Các tổ chức phụ nữ trên thế giới đang đấu tranh cho một “tiêu chuẩn” mới: sự đa dạng trong sắc đẹp hình thể.

5. Tại sao nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ?

Truyền thông là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định phẫu thuật thẩm mỹ của một cá nhân. Các cơ thể và gương mặt hoàn hảo được lăng-xê liên tục trên quảng cáo khiến nhiều người tin rằng nét đẹp “trên mức bình thường” sẽ mang lại cho họ hạnh phúc và sự tự tin.

Xếp ngay dưới là định kiến về giới tính. Tư tưởng xem phụ nữ như đồ vật tình dục, phục vụ nhu cầu của nam giới, vẫn còn phổ biến, thậm chí còn được củng cố bởi các bộ phim khai thác góc nhìn của đàn ông. Năm 2019, số diễn viên nữ phải “khoe da thịt” trên màn ảnh Hollywood vẫn cao gấp 4 lần số diễn viên nam.

Khi cơ thể bị “vật hoá” bởi những lời khen chê, dù là vô tình, con người có xu hướng tiếp nhận góc nhìn này và dần tự ti. Họ trở thành những gì người khác nghĩ về mình, và tự điều chỉnh để hoà hợp với xã hội.

6. Chỉ có phụ nữ mới làm đẹp?

Vài năm gần đây, nam giới bắt đầu trở thành đối tượng khách hàng tiềm năng mới của các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.

Họ không chỉ làm đẹp khuôn mặt mà còn cả “cậu nhỏ” của mình. Giải thích tại sao mình thực hiện thủ thuật “độn” dương vật, Steve (46 tuổi) chia sẻ: kích thước dương vật ảnh hưởng tới sự tự tin của anh trong các mối quan hệ. Và anh thừa nhận mình bị tác động bởi quan điểm “hoàn hảo” của xã hội hiện đại. Nữ giới đã không còn là nạn nhân duy nhất của tiêu chuẩn kép.

7. Cần phẫu thuật “sự tự tin”?

Chúng ta phẫu thuật để trở nên đẹp hơn nhưng như thế nào mới đẹp? Tiêu chuẩn này thay đổi liên tục. Điều bất biến qua lịch sử ngàn năm tiến hoá của con người là sự tự ti, mặc cảm. Quá trình tiến hóa đã ưu tiên sự phát triển của thùy trán trong não, khiến con người phân tích nhiều hơn là sở hữu khả năng tự nhiên để hạnh phúc.

Làm đẹp là điều chính đáng. Nhưng nếu nó xuất phát từ nhu cầu chạy theo một tiêu chuẩn biến thiên thì chúng ta không hẳn là người hưởng lợi cuối cùng.

Ngành công nghiệp “hạnh phúc” sẽ kiếm được nhiều hơn 37 tỷ USD mỗi năm. Còn chúng ta thì dựa vào họ để phẫu thuật sự tự tin của bản thân, hơn là phẫu thuật sắc đẹp của chính mình.