Chồng tôi dạy tôi điều gì về bình đẳng giới?

Vốn tự cho mình là mẫu phụ nữ hiện đại, tôi đôi lúc cũng phải cúi đầu thừa nhận rằng chồng tôi, một người đàn ông! — đã dạy cho tôi những bài học đắt giá về bình đẳng giới.
Chi Nguyễn (The Present Writer)
Chi Nguyễn - The Present Writer

Chi Nguyễn - The Present Writer

Sau khi cưới, hai vợ chồng tôi dọn vào sống trong một căn hộ nhỏ ở Mỹ. Ngay ngày đầu tiên, mẹ tôi đã gọi điện từ Việt Nam sang thủ thỉ: “Con à, giờ con đã có gia đình riêng rồi, sáng con nên dậy sớm nấu bữa sáng cho chồng, chăm sóc chồng một chút trước khi đi làm…”

Từ đầu dây bên kia, tôi lặng lẽ gật đầu.

Hình ảnh mẹ tôi thức dậy khi trời còn chưa tỏ, xoong chảo lục đục dưới bếp để làm bữa sáng và bữa trưa cho cả nhà trước khi lao đầu vào nhà tắm dăm mười phút, rồi vội vã bổ ra đường đi làm đã trở thành một phần ký ức không thế xóa nhòa trong tôi.

Tôi tự nhủ: “À, lẽ dĩ nhiên vợ dậy sớm nấu ăn cho chồng. Đương nhiên là vậy nhỉ?”

Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi chuông báo thức reo lên từ sớm, tôi mắt nhắm mắt mở bước ra khỏi giường trong khi anh chồng mới cưới vẫn say sưa ngủ, tôi đột nhiên nhận ra việc vợ phải dậy sớm trước chồng không có gì là “lẽ dĩ nhiên” cả.

Nhăn nhăn nhó nhó, ngáp ngắn ngáp dài, rồi tôi cũng làm xong được bữa sáng. Thực tình đến bây giờ, tôi không thể nhớ nổi mình đã nấu món gì sáng hôm đó. Chỉ nhớ rằng nó bị cho ngay vào sọt rác. Bởi vì:

Chồng: Trời ơi, sáng sớm em không ngủ ra đây nấu nướng vừa ồn vừa nhiều mùi quá!

Vợ: Hả? Em đã phải dậy sớm nấu bữa sáng cho anh, anh còn ý kiến sao?

Chồng: Anh đâu có thích ăn sáng. Mà anh có bảo em phải dậy nấu đâu. Em thích gì em tự nấu cũng được, sao phải nấu cho anh?

Vợ: Nhưng em đã nấu rồi, anh qua ăn đi.

Chồng: Nhưng anh không ăn được sớm thế này!

Sáng hôm đó đánh dấu lần cãi nhau đầu tiên của chúng tôi sau kết hôn và cũng là lần cuối cùng tôi dậy sớm nấu ăn cho chồng (!).

Hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đó, chồng tôi (một cách âm thầm) đã dạy cho tôi rất nhiều điều về bình đẳng giới. Là một người đàn ông gốc Việt (bố mẹ anh ấy là người Việt Nam với nhiều nét văn hóa truyền thống) nhưng sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chồng tôi hiểu áp lực văn hóa phương Đông đè nặng lên người phụ nữ Việt như thế nào khi chạm đến vấn đề tránh nhiệm của phụ nữ.

Nhưng anh ấy luôn chỉ cho tôi thấy rằng tôi có quyền được lựa chọn, và rằng tôi làm chủ cuộc đời mình. Không phải ai khác hay thứ gì khác (kể cả hàng ngàn năm văn hóa) có thể bắt tôi làm điều mình không muốn.

Vốn tự cho mình là mẫu phụ nữ hiện đại, tiên tiến, ủng hộ nữ quyền, tôi đôi lúc cũng phải cúi đầu thừa nhận rằng chồng tôi — trớ trêu thay, một người đàn ông! — đã dạy cho tôi những bài học đắt giá về bình đẳng giới như thế nào.

Luôn đặt câu hỏi: Mình làm điều này vì ai?

Là vì chính mình muốn làm? Hay vì “người ta” cho rằng mình nên làm?

Bước đầu tiên để bắt đầu đấu tranh về giới là phải hiểu được đâu là điều mình thực sự muốn làm và đâu là điều xã hội, văn hóa, ý thức hệ từ ngàn năm cho rằng mình nên làm vì mình sinh ra là nữ giới. Phải thú nhận rằng, cho tới tận bây giờ, đây vẫn là điều khó nhất đối với tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên trong xã hội Việt Nam truyền thống, dưới sự giáo dục của bà ngoại và mẹ tôi — những người cả đời phục vụ chồng và con trai. Mặc dù biết làm phụ nữ là khổ nhưng thế hệ phụ nữ trước vẫn tiếp tục dạy cho con gái và cháu gái mình chịu thiệt thòi theo văn hóa phong kiến, chuẩn mực phụ nữ Á Đông. Sống từ nhỏ trong môi trường như vậy, tôi cảm thấy khó để nhận ra đâu là cái mình thực sự muốn.

Mà dù có nhận ra, tôi cũng chưa chắc đã dám làm theo. Nếu tôi đi ngược lại cái khuôn có sẵn trong xã hội để làm điều mình muốn, liệu đó có phải là ích kỷ? — tôi lúng túng trong suy nghĩ của mình.

Chồng tôi thường “đập” thẳng vào những suy nghĩ kiểu này của tôi.“Em đã từng nghe thằng đàn ông nào có lối suy nghĩ kiểu tội lỗi đó bao giờ chưa?”,”Anh chắc chắn là S. nó chẳng bao giờ phải đau đầu kiểu giống em.” (S. là bạn gái thân người Mỹ của tôi.) Anh ấy đưa ra nhiều ví dụ để tôi thấy rằng ngoài kia có nhiều góc nhìn và cách cư xử khác hơn là những gì tôi có trong đầu.

Anh cũng thường đưa ra nhận xét về khác biệt văn hóa và giới. Ví dụ như, “Này, em có để ý là khi đi ăn với hội Việt Nam/châu Á, các chị em cứ phải tranh nhau vào cái bếp bé tí, hay xúm xung quanh cái máy BBQ đầy khói không? Hay thi thoảng dù việc không cần nhiều người họ vẫn túm tụm lại với nhau không?”

Ừ nhỉ? Việc tôi lăng xăng vào phụ bếp là do tôi muốn làm, do có nhiều việc phải phụ cho bữa tiệc? Hay là vì bao năm lớn lên dưới sự lườm nguýt, miệng lưỡi đánh giá của người đời vào việc “con gái con lứa mà…” nên tôi phải dúi mình vào chỗ các chị em cho có chân, có mặt?

Việc biết được đâu là cái mình thực sự muốn làm, và đâu là cái khuôn xã hội đặt ra cho mình rất quan trọng, vì tận trong tâm khảm, phụ nữ (hay cả đàn ông) chỉ cảm thấy thực sự hạnh phúc khi họ được làm điều họ muốn. Nếu chỉ làm vì xã hội, mình sẽ có trách nhiệm nhưng không bao giờ thực sự hạnh phúc.

Nếu như dậy sớm nấu ăn cho chồng, ở nhà nội trợ chăm sóc cho con, phụ bếp nấu nướng mỗi khi nhà có cỗ bàn… là điều người phụ nữ thực sự muốn làm, hãy làm điều đó với niềm vui thuần khiết.

Còn nếu làm những điều này chỉ vì trách nhiệm, ta sẽ không khỏi thất vọng khi bị từ chối, chẳng hạn như khi bị chồng chê nấu ăn dở, khi cô chồng gièm pha là vụng. Thậm chí khi bạn quá “trách nhiệm”, bạn cũng có thể bị chê trách là chiều chồng con quá khiến họ lười nhác, không biết làm gì.

Bởi vậy, trước khi làm gì đó, hãy tự hỏi: Mình làm điều này là vì chính mình muốn làm hay vì xã hội, văn hóa, ý thức hệ (“người ta”) cho rằng mình nên làm?

Không cần phải tung hô khi thấy đàn ông làm việc nhà

Thỉnh thoảng tôi thấy bạn bè hay đăng ảnh các ông chồng rửa bát, quét nhà, nấu ăn lên mạng xã hội cùng với status “đẫm lệ” về sự tuyệt vời của người chồng “quốc dân”. Tôi thấy cũng dễ thương, nhưng cũng thấy buồn vì sự tung hô ấy chứng tỏ khoảng cách về giới vẫn còn rất lớn.

Đành rằng có những việc có thể phụ nữ làm tốt hơn đàn ông và ngược lại, nhưng có cần thiết phải tung hô đàn ông trong mọi việc dù là nhỏ nhất, còn những hy sinh, cố gắng của phụ nữ lại bị coi là điều hiển nhiên?

Chồng tôi đã dạy cho tôi điều này, thông qua hành động thực tiễn. Nếu bạn từng đọc câu chuyện về vợ chồng tôi, bạn cũng biết rằng chồng tôi từng làm chủ nhà hàng. Sau đó vì muốn lập gia đình với tôi nên bỏ doanh nghiệp đến thành phố mới để làm thuê. Khi tôi đã có con nhỏ nhưng muốn đi làm, chồng tôi lại tình nguyện ở nhà để làm bố toàn thời gian.

Vì thế, thành thực mà nói, nếu mỗi lần chồng tôi làm việc nhà tôi đều chụp ảnh đưa lên mạng thì chắc phải cả ngàn tấm ảnh, cả trăm dòng status cũng chưa hết. Nhưng tôi hầu như chưa bao giờ tung hô những điều đó cả, bởi mỗi lần tôi nói: “Cảm ơn anh nhiều!” vì đã làm việc nhà, chồng tôi đều trả lời: “Em không phải nói cảm ơn. Đây là việc của anh (this is my job)!”

Tuy nhiên, khi không tung hô đàn ông làm việc nhà, tôi vẫn nghĩ rằng mình không thể xem nó là điều hiển nhiên, như với bất kỳ hành động quan tâm nào trong mỗi mối quan hệ giữa người với người. Bằng cách này cách khác tôi vẫn thường thể hiện sự biết ơn của mình với chồng.

Chồng tôi còn chủ động chỉ ra cho tôi thấy sự khác biệt trong lời khen đối với đàn ông và phụ nữ. Ví dụ, khi tôi mang bầu và phải đi bệnh viện làm xét nghiệm, tiêm và lấy máu nhiều lần, chồng tôi luôn đi cùng.

Khi được ai đó khen: “Ôi, chồng chăm vợ quá. Đưa vợ đi khám, đợi vợ xét nghiệm cơ đấy!”, anh ấy đều trả lời: Vợ tôi mới là người phải chịu mũi tiêm. Tôi chỉ làm mỗi việc ngồi đây chơi điện tử chờ vợ thì có gì đâu mà nhắc tới”.

Hay khi chồng tôi đẩy xe nôi em bé đi chơi công viên, các bà mẹ bỉm sữa hay ào ra khen: Bố ở nhà (stay-at-home dad) giỏi quá!”, chồng tôi nói: “Mẹ ở nhà (stay-at-home mom) cũng giỏi vậy mà!”.

Anh ấy luôn về kể cho tôi những chuyện như vậy để chỉ cho tôi thấy sự khác biệt trong đánh giá của xã hội giữa đàn ông và phụ nữ. Đàn ông có thể làm rất ít nhưng lại rất dễ được người khác tung hô, còn phụ nữ làm rất nhiều nhưng lại bị cho là hiển nhiên, thậm chí còn bị đem ra soi xét.

Mặc dù không thể thay đổi định kiến của xã hội, chồng tôi chỉ cho tôi rằng, cho đến hiện tại cái nhìn của xã hội vào đàn ông và phụ nữ vẫn còn méo mó. Vì thế, tôi cần vượt lên những lời gièm pha hàng ngày để tự tin vào bản thân và ngẩng cao đầu khi làm điều mình thích.

Không cần luôn phải hỏi ý kiến đàn ông (bạn đời, người yêu) về mọi vấn đề cá nhân

Ngày trước, tôi có mái tóc dài, suôn thẳng đến thắt lưng. Một mùa hè nọ, tôi định cắt ngắn hẳn đến mang tai. Vừa nghe ý định này, người thân và bạn bè tôi ùa vào hỏi: “Thật không? Chi hỏi ý kiến Joe chưa? Joe có thích tóc ngắn không vậy?”

Ban đầu tôi thấy ngạc nhiên lắm, nghĩ “Quái! Joe thì liên quan gì tới đây?” nhưng rồi nghe riết thấy chột dạ. Về nhà, tôi hỏi chồng: “Anh, anh có ok không nếu em cắt tóc ngắn?”. Chồng tôi nhíu mày: “Tóc em thì em tự quyết định sao lại hỏi anh?”

Thật vậy, tại sao việc phụ nữ làm đẹp lại phải liên quan đến đàn ông? Đàn ông cắt tóc, cạo râu họ đâu có hỏi đến chúng ta? Nếu cứ hỏi ý đàn ông trong mọi quyết định cá nhân thì đâu đó chính chúng ta đang “nuôi dưỡng” tính kiểm soát, gia trưởng trong họ.

Chồng tôi dạy cho tôi hiểu rằng, những việc nhỏ bé, cá nhân nên tự quyết định, để dành thời gian chung trao đổi về những việc lớn, có ảnh hưởng sâu rộng hơn tới gia đình. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, chuyện trò về cuộc sống, về kế hoạch tương lai , những dự án sáng tạo, những khoản đầu tư tài chính, sự nghiệp của cả hai… Những lần ra quyết định lớn, ý kiến của cả hai vợ chồng cùng phải đặt lên ngang hàng.

Những điều này chỉ có thể đạt được nếu thường ngày giữa vợ và chồng không ai lấn lướt ai và không phải dò hỏi, đón ý nhau vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Muốn thực sự bình đẳng? Phụ nữ phải học cách độc lập, vững vàng

Có một thực tế là để thực sự bình đẳng, phụ nữ không thể hô hào nữ quyền trong khi đó lại trút hết việc vào đàn ông. Bình đẳng phải đến từ cả hai phía.

Chồng tôi có thể giúp tôi nhiều việc như đưa đón, mở nắp chai, bê vác,… Nhưng anh ấy không cho phép tôi quá “bánh bèo” để dựa vào chồng trong mọi việc. Bằng cách nói văn hoa: “I trust you. You are strong, you can do it!” (Anh tin vào em. Em mạnh mẽ, em có thể làm được!), chồng tôi đề nghị tôi độc lập, tự làm những việc nằm trong khả năng của mình.

Dần dần, trong quá trình sống chung, chúng tôi tự có “thoả thuận ngầm” những điều vợ chồng phụ giúp nhau và những việc mỗi người phải tự làm.

Tôi cũng chưa bao giờ đặt áp lực lên chồng, kiểu như: anh là đàn ông thì phải… vì hơn ai hết, tôi hiểu sống với định kiến của xã hội mệt mỏi thế nào, và vì tôi tin rằng phụ nữ có thể làm được hầu hết các việc của đàn ông. Bởi thế, cái “giá” của bình quyền có lẽ chính là sự độc lập, phấn đấu của phụ nữ để nâng tầm giá trị của bản thân.

Tôi từng nghe những lời tuyên truyền bình đẳng giới là phụ nữ không cần làm gì cả, đàn ông phải làm hết mọi việc phục vụ phái đẹp. Nhưng theo tôi đây là biểu hiện của lười biếng, phụ thuộc, chứ không hẳn là bình quyền. Chị em muốn tiếng nói của mình có trọng lượng, được đàn ông tôn trọng, thì phải tôn trọng khả năng và tiềm năng của bản thân.

Tôi từng có một cô bạn cái gì cũng “để tao hỏi chồng tao trước đã”, “tao không biết, để tao bảo ảnh làm”… đến mức mà email tôi gửi sang cho bạn, chồng bạn cũng đọc hết rồi thuật lại cho bạn vì chồng bạn kiêm luôn lập email và kiểm tra email hàng ngày. Hỏi ra mới biết bạn nhờ chồng làm hộ các việc liên quan đến công nghệ rồi đâm ra lười và phụ thuộc, không buồn học cái mới nữa.

Hai năm trước, vợ chồng bạn ly hôn. Giờ bạn một mình vừa nuôi con vừa bán hàng online, chốt đơn trên mạng nhoay nhoáy, thậm chí còn tự lập được cả website. “Ngày xưa mình dựa dẫm quá, chồng coi thường. Anh ta nghĩ không có anh thì mình chẳng sống nổi một ngày. Nhưng một mình rồi mò mẫm học lại mới thấy mọi thứ thực ra dễ quá đi. Trời ơi, thế mới biết ngày xưa mình ngu muội thật!” — bạn tôi vừa cười vừa nói.

Nụ cười đắng cay, tiếc nuối, xen lẫn cả sự tự tin của một người phụ nữ độc lập, lấp lánh trong nắng chiều thật khó quên.

Kết

Bất bình đẳng giới sẽ vẫn là vấn đề tiếp diễn trong xã hội Việt Nam và thế giới một thời gian dài nữa. Ta không thể trông đợi định kiến này thay đổi chỉ trong một vài năm, thậm chí vài chục năm.

Nhưng trước khi đòi hỏi xã hội thay đổi, phụ nữ chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận bản thân và cư xử với chính mình trước. Nếu mình không tôn trọng mình, không đề cao giá trị của mình và các chị em khác thì đừng trông chờ vào xã hội tôn trọng và đề cao phụ nữ.

Quan trọng hơn, suy nghĩ cần đi đôi với việc làm. Chúng ta không thể hô hào bình quyền cho phụ nữ, trong khi đó tiếp tục thu hết việc nhà vào mình, không chủ động yêu cầu chồng giúp đỡ hoặc quá dựa dẫm vào chồng đến mức thụ động, gián tiếp “nuôi dưỡng” thêm tính gia trưởng của đàn ông.

Nếu muốn sống theo vai trò nam-nữ cố định với mô hình gia đình truyền thống là điều bạn thích, bạn hãy làm theo cách của mình. Bản thân tôi cũng có nhiều người bạn chọn cách sống này và tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định của họ.

Tuy nhiên, nếu bạn đã chọn sống theo kiểu truyền thống và vẫn than vãn, hãy xem lại điều mình thực sự muốn là gì. Chúng ta hiếm khi nào có được cả hai.

Cái gọi là “dung hoà giữa giá trị truyền thống và hiện đại” dường như quá xa vời khi ngày càng ít nền tảng chung về bình đẳng giới. Bởi vậy, hoặc là bạn chọn sống theo mô hình truyền thống, hoặc là bạn chọn sống hiện đại — đừng dĩ hoà vi quý ôm lấy cả hai sẽ rất mệt mỏi và cũng không nên áp đặt lựa chọn của mình lên người khác.

Tôn vinh nữ quyền cũng thể hiện ở cách tôn trọng sự khác biệt, để các chị em khác có quyền được sống theo cách của họ.

Tôi hy vọng các bạn nữ có thể xem bài viết này, cũng như video dưới đây là món quà 20/10 thiết thực nhất của tôi dành cho bạn. Còn với các bạn nam, tôi cũng hy vọng bạn thấy được điều gì đó tích cực từ những chia sẻ của tôi để đối xử tốt hơn với bà, mẹ, vợ, hay bạn gái của mình.

Ước mơ lớn nhất của tôi có lẽ là, một ngày nào đó sẽ không còn ngày 8/3 hay 20/10 đặc biệt nào nữa, bởi vì bất cứ ngày nào trong năm cũng là ngày phụ nữ được tôn vinh và trân trọng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục