Chủ tịch Dynam Capital: “Quá trình chuyển đổi ESG tại Việt Nam ngày càng phức tạp hơn”
Con đường tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với định hướng ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) chưa bao giờ là dễ dàng với doanh nghiệp. Khung pháp lý chưa hoàn thiện, tính minh bạch, các tiêu chí và phương pháp đo lường ESG chưa nhất quán là một số chướng ngại được nhắc đến trong Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2023.
Sau một năm, liệu Việt Nam vẫn còn “dậm chân tại chỗ” hay có những bước tiến mới trên hành trình đạt Net Zero? Ông Craig Martin - Chủ tịch quỹ đầu tư Dynam Capital với sẽ giải đáp cho câu hỏi này.
Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, ông Martin là người dẫn dắt các hoạt động đầu tư có trách nhiệm của Dynam Capital, tập trung vào các doanh nghiệp định hướng ESG.
Việc triển khai khung pháp lý thúc để đẩy hoạt động ESG đã có những tiến bộ gì so với năm ngoái?
Không chỉ ở Việt Nam và các nước châu Âu cũng tăng cường triển khai nhiều khung pháp lý về ESG. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiêm túc và cam kết minh bạch hơn với hoạt động ESG của mình, đồng nghĩa với việc quá trình chuyển đổi sẽ trở nên phức tạp và thách thức hơn.
Người tiêu dùng và các đối tác khách hàng cũng ngày càng có yêu cầu cao hơn về sản phẩm và việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG của doanh nghiệp, gây áp lực không nhỏ lên quá trình chuyển đổi. Chính áp lực này cũng là động lực thúc đẩy các hoạt động ESG phát triển nhanh, trong khi việc triển khai khung pháp lý khó bắt kịp với tốc độ này.
Thương trường ngày càng trở nên khốc liệt và khó lường. Các nhà sản xuất trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với khu vực Châu Á, khiến khó khăn càng thêm chồng chất. Do đó, việc phát triển bộ dữ liệu chuẩn làm tiêu chí đánh giá các hoạt động sản xuất như lượng khí thải carbon, quản lý phát thải và mức tiêu thụ năng lượng là vô cùng cần thiết.
Doanh nghiệp có thể làm gì để vượt qua tình cảnh phức tạp này?
Để báo cáo và cải thiện kết quả đánh giá ESG thì doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào công nghệ. Dù chi phí ban đầu sẽ rất tốn kém nhưng việc đầu tư công nghệ này sẽ mang đến hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào nguồn nhân lực như thành lập các ủy ban ESG và các nhóm chuyên thực hành ESG.
Để doanh nghiệp hiện thực hoá được điều này cũng cần cam kết đồng hành từ ban lãnh đạo. Họ phải nắm rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững, đặt ra những mục tiêu ESG rõ ràng và theo dõi sát sao tiến độ thực hiện những mục tiêu đấy.
Nếu không có sự đồng lòng của các cấp trong tổ chức thì doanh nghiệp sẽ rất khó thay đổi và đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng do các quy định trong nước và quốc tế đặt ra.
Làm sao để biết liệu một doanh nghiệp đã sẵn sàng chuyển đổi ESG?
Đối với các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư, Dynam Capital sẽ đánh giá họ dựa trên 80 tiêu chí ESG.
Ngoài ra, Dynam cũng có những buổi trò chuyện và làm việc sâu với doanh nghiệp để bàn về hoạt động hiện tại, những ưu tiên mà ban quản lý doanh nghiệp đang hướng đến, đồng thời tìm ra những điểm mà doanh nghiệp chưa ổn và giúp họ cải thiện.
Những yếu tố nào ảnh hưởng quá trình chuyển đổi này của doanh nghiệp và Dynam Capital có thể hỗ trợ họ như thế nào?
Thực hiện các báo cáo về hoạt động bền vững ngày càng trở thành một yêu cầu thiết yếu, nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn còn loay hoay trong việc đo lường, đánh giá và công khai các số liệu này. Với tư cách là nhà đầu tư, Dynam sẽ mời các chuyên gia và cố vấn để giúp các doanh nghiệp trong danh mục vượt qua “cửa ải" này.
Ví dụ như, chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá và điều chỉnh quy trình hoạt động để giảm thiểu lượng phát thải carbon, từ đó vạch ra lộ trình hướng tới Net Zero hiệu quả. Quá trình này đòi hỏi Dynam và doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ mới cho ra kết quả tốt nhất.
Số hóa đóng vai trò gì trong quá trình chuyển đổi ESG tại Việt Nam?
Mục tiêu ở đây là tiến tới chuỗi cung ứng không phát thải, loại bỏ các rào cản hiện tại và nâng cao hiệu quả cao trong sản xuất. Để hiện thực hoá được điều này thì cần công nghệ đóng vai trò trung tâm.
Doanh nghiệp cần phải triển khai hệ thống quản lý dữ liệu ESG để có thể thu thập và đo lường các chỉ số quan trọng như hiệu suất năng lượng, lượng chất thải công nghiệp cũng như lượng khí thải nhà kính.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng giúp doanh nghiệp thực hiện các báo cáo tác động biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu suất trong chuỗi sản xuất và cung ứng. AI và AI tạo sinh (generative AI) có thể góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí và đẩy nhanh quá trình thử nghiệm (prototyping) hoặc triển khai các ý tưởng ESG mới.
Việc áp dụng công nghệ có thể bù đắp một số chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời cung cấp cho họ bộ khung đánh giá và công cụ cần thiết để giúp họ đi đúng hướng trên đường chuyển đổi ESG.
Lấy FPT, một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu trong danh mục đầu tư của Dynam, làm ví dụ.
FPT rất mạnh tay đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là ngành STEM. Họ không chỉ đào tạo nguồn nhân lực có thể sử dụng AI mà còn có thể nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và thiết kế thiết bị bán dẫn - phần cứng của AI giúp thực hiện các hoạt động tính toán. Bên cạnh đó, FPT cũng tích cực đào tạo các kỹ sư AI trình độ cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Nhóm ngành/lĩnh vực nào đang có tiềm năng tăng trưởng và phát triển tại Việt Nam?
Có hai lĩnh vực phù hợp để phát triển tại Việt Nam:
Thứ nhất là khu công nghiệp và quá trình công nghiệp hóa. Trong phiên thảo luận “Nâng cao vị thế của ngành sản xuất Việt Nam trong chuỗi giá trị” tại Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024, mô hình khu công nghiệp sinh thái được nhắc thường xuyên khi bàn về chủ đề khu công nghiệp.
Tôi tin rằng, đến một thời điểm nhất định, mọi khu công nghiệp rồi sẽ trở thành khu công nghiệp sinh thái, tập trung vào các hoạt động bền vững như quản lý nước thải, tái chế, tái chế bậc cao (Upcycling: quá trình tái chế hoặc chuyển đổi các vật liệu hoặc sản phẩm cũ thành các sản phẩm mới, có giá trị cao hơn hoặc mang tính sáng tạo), và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Những khu công nghiệp nào áp dụng được các phương thức này mới tạo ra giá trị và phát triển vượt trội.
Thứ hai là số hóa và trung tâm dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu có mức tiêu thụ điện rất lớn. Vì thế để tiết kiệm năng lượng, chúng ta cần phải sử dụng kết hợp nguồn năng lượng tái tạo và cải thiện hệ thống quản lý năng lượng sao cho hiệu quả hơn.
Hai lĩnh vực này không chỉ giúp Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng nội địa, mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng toàn cầu.
ESG tại Việt Nam sẽ phát triển thế nào trong 5 năm tới?
Trong 5 năm tới, việc phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo sẽ được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, quản lý năng lượng hiệu quả không chỉ đơn thuần là sản xuất thêm, mà còn cần chú trọng vào việc tiết kiệm.
Các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng cần chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu bền vững và năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất. Điều này cũng có nghĩa tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo để có nguồn cung.
Tất cả các hoạt động trên, dĩ nhiên, đều có sự đánh đổi về chi phí. Các lựa chọn kinh tế hơn dù hấp dẫn, nhưng không thể giúp ta đi đường dài. Chúng ta cũng phải nâng cao giá trị của nguồn năng lượng bền vững để khuyến khích hoạt động và tiêu dùng có trách nhiệm. Khi đó, chỉ những doanh nghiệp nỗ lực thực hành ESG mới có thể phát triển bền vững.
Chuyển ngữ bởi Thuý An