Cinderella Syndrome: Bạn có đang chờ “bạch mã hoàng tử” đến gánh vác cuộc đời?

Cô bé Lọ Lem quanh năm làm lụng vất vả chẳng bằng một đêm “ngã” vào mắt xanh hoàng tử và đổi đời. Bạn có muốn như Lọ Lem?
Trân Trân
Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera.

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera.

Hình tượng phụ nữ độc lập, thành công hay “girl boss” rõ ràng luôn truyền cảm hứng. Nhưng ở chiều ngược lại, đang vất vả bỗng gặp người lo cho mình cả đời, cũng là một tương lai đáng mơ ước.

Khi bạn nhận ra chất lượng cuộc sống 10 năm, 20 năm sau đều phụ thuộc vào… chính bạn lúc này, có nỗi lo nào nhen nhóm trong bạn không?

Nếu bạn từng vài lần mất niềm tin vào bản thân, sợ hãi trước sự vô định của tương lai và mong được tựa vào ai đó, bạn có thể đang mắc Hội chứng Lọ Lem (Cinderella Syndrome).

Cinderella Syndrome là gì? Khi bạn luôn tìm kiếm một “hoàng tử” để dựa vào

Hội chứng Lọ Lem là nỗi sợ “phải độc lập” của phụ nữ, bạn không thể chịu được vất vả một mình, và thầm mong một hiệp sỹ nào đó sẽ xuất hiện giúp bạn gánh vác mọi thứ.

Bất luận bên ngoài mạnh mẽ đến đâu, sâu thẳm bên trong những phụ nữ này vẫn là khao khát được bảo vệ, che chở từ một người khác.

Bắt đầu từ năm 1981, Hội chứng Lọ Lem được công chúng quan tâm nhờ quyển sách The Cinderella Complex: Women’s Hidden Fear of Independence của tác giả Colette Dowling.

Trong đó bà Dowling lý giải, “sự phụ thuộc” là một phần của khuynh hướng tính nữ. Càng phát huy tính nữ, bạn càng khao khát được bảo vệ, dù không mấy khi thể hiện ra.

Như Cinderella, bạn luôn thấy nỗ lực mình bỏ ra là không đủ và cần một "bước ngoặt hoàng tử" để cứu rỗi, đổi đời.

Những dấu hiệu bạn đang mắc Hội chứng Lọ Lem:

  • Muốn trốn chạy khỏi những trách nhiệm của người trưởng thành.
  • Mơ mộng một phép màu đến để thay đổi đời mình (như trúng số, cưới chồng giàu,...)
  • Không thể độc thân quá lâu, luôn cần một người kề cạnh.
  • Có xu hướng dễ dãi trong các mối quan hệ để giữ người kia bên mình.
  • Gặp khó khăn khi tự đưa ra các quyết định quan trọng.
  • Không tin mình có thể tự xây dựng sự nghiệp, làm chủ cuộc đời.
  • Phụ thuộc tinh thần vào đối phương và khó thoát khỏi mối quan hệ độc hại.

Đặc biệt hơn, tâm lý Lọ Lem này cũng xuất hiện ở nam giới vì nó đại diện cho khao khát được bảo bọc, nâng đỡ con người giữa biến cố. Do đó, nam giới cũng có thể đóng vai Lọ Lem dù nguồn gốc thuật ngữ hướng về phái nữ.

Vì sao ta sợ “phải độc lập” dù nó là đức tính tốt?

Nỗi tự ti sâu thẳm: Không tin bản thân có thể làm nên chuyện

Theo Nhà Trị liệu Tara Prunty, lòng tự tôn thấp khiến một người luôn thấy bất lực, tự ti về khả năng sinh tồn của họ giữa cuộc đời.

Vì bạn không thể tự “bơi”, một ai khác sẽ phải làm chuyện đó thay bạn. Và sự phụ thuộc bắt nguồn từ đây.

Nỗi tự ti cũng có thể đến từ các tổn thương khó lành trong quá khứ nơi bạn liên tục thuyết phục mình rằng “phải nhờ một ai đó mình mới có thể tốt lên”.

Tác động tiêu cực từ cách nuôi dạy của gia đình

Lớn lên trong một môi trường nơi ý kiến của bạn không được tôn trọng, bạn dần trở nên thiếu chính kiến và thụ động, liên tục cần người khác để ra quyết định thay.

Ngoài ra, kỳ vọng xã hội cũng âm thầm đưa bé gái vào khuôn mẫu dịu dàng, nhẫn nhịn trong khi bé trai phải độc lập, vững vàng. Các quan niệm truyền thống về một người phụ nữ “hậu phương” cũng góp phần này sinh tâm lý ỷ lại sau này.

Từ đó, bé gái dễ lớn lên với khao khát được dựa dẫm, được… làm dâu nhà hào môn để không phải tự lực cánh sinh trong đời.

Làm sao để độc lập hơn nếu bạn là một “Lọ Lem”?

Dowling giải thích rằng phức cảm Lọ Lem là phản ứng tự nhiên và không thể đơn giản dùng lý trí để ngăn nó.

Do đó, bước đầu tiên để giải quyết là:

Chấp nhận đôi lúc mình cũng cần… dựa dẫm

Mong muốn được “cứu rỗi” không xấu, trái lại nó còn phản ánh con người bạn từ sâu bên trong. Đây là lúc bạn ngồi lại làm rõ nguyên nhân cốt lõi, điều gì khiến bạn mãi chờ đợi bạch mã hoàng tử đến cứu.

Từ đây bạn hiểu hơn về các vấn đề của chính mình, những tổn thương quá khứ để bao dung hơn cho những lần yếu đuối của bản thân.

Chấp nhận rồi, bạn sẽ dễ dàng cân bằng cả tính độc lập và phụ thuộc của mình - 2 thái cực trái ngược nhau trên thang đo.

Thiếu sót ở đâu, bù đắp ở đấy

Lọ Lem cũng liên tục phải nỗ lực giữa cuộc sống nhà dì ghẻ, như bất kỳ ai trong chúng ta cần học cách tựa vào chính mình trong hoàn cảnh khó khăn.

Hãy viết ra bất kỳ lý do gì khiến bạn nản chí và ỷ lại, như thiếu tự tin, công việc bất ổn, gia đình tác động,…

Giờ đây khi đã nhìn ra những “lỗ hổng”, bạn có thể bắt đầu trám lại chúng bằng việc học thêm kiến thức, phát triển bản thân và tôi luyện bản lĩnh ở đúng lĩnh vực bạn yếu.

Việc bổ sung kỹ năng cũng giúp bạn thêm tự tin khi nhìn về tương lai, để vững vàng ngay cả khi đơn thân độc mã.

Độc lập và phụ thuộc cần bổ trợ cho nhau

Quá độc lập hay quá yếu đuối đều là 2 thái cực bất ổn trên thang đo.

Hãy cân bằng nó bằng cách độc lập ở những việc bạn có thể làm, và thoải mái dựa vào một ai đó khi gặp chuyện không giải quyết được.

Mấu chốt ở chỗ bạn không đè nén cảm xúc của chính mình, không gò ép phải theo bất kỳ khuôn mẫu nào. Để từ đó, Lọ Lem có thể tự do và tự lo ngay cả khi chưa gặp được ông bụt bà tiên.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục