Có gì ở “vòng đối đầu” vụ Rap Việt vi phạm bản quyền?

Theo thông tin mới nhất, phía Phan Law, đại diện pháp luật của Vie Channel vẫn đang có những "nước đi" không đẹp với nghệ sĩ trong vụ việc này.
An Bảo
Nguồn: Unsplash/Aiden Marbles, Trương Huyền Đức, Rap Việt

Nguồn: Unsplash/Aiden Marbles, Trương Huyền Đức, Rap Việt

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Mới đây, nghệ sĩ đồ họa Trương Huyền Đức tiếp tục lên tiếng trên trang cá nhân về những diễn biến mới nhất của sự việc Rap Việt vi phạm bản quyền.

Theo đó, anh thông báo rằng Vie Channel (đơn vị tổ chức Rap Việt) đã ủy quyền cho Phan Law Vietnam xử lý vụ việc này. Tuy nhiên theo anh, Phan Law đang đưa ra những điều khoản bất lợi cho các họa sĩ, đơn cử là yêu cầu họ ký vào một cam kết bảo mật (NDA, Non-disclosure Agreement) trước khi bắt đầu đàm phán.

Bên cạnh đó, Phan Law cũng đang mô tả sự việc này là “có sự trùng hợp và tương tự trong hình ảnh mà Rap Viet sử dụng với hình ảnh sở hữu của các họa sĩ”. Anh Trương Huyền Đức khẳng định đây là mô tả thiếu chính xác, có thể gây ảnh hưởng lớn đến các nghệ sĩ bị xâm phạm bản quyền.

Nên nếu cần thiết, anh sẽ yêu cầu thành lập một hội đồng gồm các họa sĩ, nhà thiết kế uy tín trong lĩnh vực để thẩm định liệu đây là sự “trùng hợp và tương tự” hay là một sự xâm phạm bản quyền trực tiếp và trắng trợn.

2. Trương Huyền Đức là ai?

Trương Huyền Đức, biệt danh fxEVO, là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực thiết kế - đồ họa CG (Computer Graphics) tại Việt Nam. Anh tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và từng học Entertainment Design tại Mỹ.

Có chuyên môn về kiến trúc lẫn thiết kế, anh từng làm việc ở vai trò Concept Designer/ Visual Artist/ Art Director trong nhiều lĩnh vực, từ game đến phim ảnh.

Đầu tháng 11 vừa qua, anh là một trong những người lên tiếng chỉ ra sai phạm trong các thiết kế sản phẩm in ấn của Rap Việt. Nổi bật là bức hình được thiết kế bởi Jaime H. Jasso, họa sĩ digital, cũng là sếp cũ của anh tại hãng VFX nổi tiếng Industrial Light & Magic - đã bị Rap Việt sử dụng trái phép cho một tấm ảnh đăng trên fanpage của chương trình.

Sự việc trên được cộng đồng sáng tạo trong nước lan truyền mạnh mẽ. Theo một thông báo trên trang cá nhân, anh cho biết mình sẽ đại diện Jaime H. Jasso và các nghệ sĩ quốc tế có liên quan để làm việc trực tiếp với phía Vie Channel trong sự việc này.

Thay mặt các nghệ sĩ có tác phẩm bị xâm phạm, anh chia sẻ: “Việc vi phạm bản quyền trên không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của các nhà sáng tạo nước ngoài, mà còn gián tiếp hạn chế cơ hội làm việc của các nhà sáng tạo trong nước, phương hại đến cảm tình của công chúng đối với năng lực thiết kế mỹ thuật nội địa.”

3. Đâu là những hình ảnh cho thấy Rap Việt đã vi phạm bản quyền?

Ngoài Jaime H. Jasso, nhiều cá nhân, đơn vị thiết kế khác đã lên tiếng về việc tác phẩm của mình bị Rap Việt sử dụng trái phép.

Các tác phẩm bị xâm phạm có thể kể đến như thiết kế của Studio Innate, wallpaper của hãng Cloud Imperium Games - bị sử dụng cho các bài giới thiệu thí sinh trên fanpage Rap Việt. Tác phẩm của XuTeng Pan cho một đoạn hình hiệu trong Rap Việt, tác phẩm của Surendra Pratap Singh Rajawat cho poster giới thiệu Rap Việt…

Đáng chú ý, một hình ảnh mà phía Rap Việt sử dụng trái phép thực chất có bản quyền thuộc sở hữu của một nhãn hàng. Đó là hình ảnh trong poster dưới đây, vốn được thực hiện bởi một họa sĩ đồ họa Trung Quốc và thuộc quyền sở hữu của Lenovo (có logo của Lenovo ngay trong tấm hình gốc).

Như vậy, những tranh chấp về bản quyền mà chương trình này đang đối diện không chỉ với phía họa sĩ (tác giả), mà còn với những đơn vị, nhãn hàng nắm quyền sở hữu và sử dụng tác phẩm.

4. Rap Việt đã phản hồi như thế nào?

Trong TCBC đưa ra vào ngày 06/11, ban tổ chức Rap Việt xác định rằng nguyên do xảy ra sự việc là “bộ phận thiết kế đã không cẩn thận trong việc kiểm tra kỹ bản quyền hình ảnh trước khi sử dụng.” Ngoài ra, chương trình này cam kết sẽ cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông ngay khi có kết quả làm việc với tác giả, đơn vị sở hữu hình ảnh.

Tuy nhiên trong diễn biến mới nhất, Trương Huyền Đức cho biết phía Phan Law đã đưa ra hợp đồng bảo mật (NDA), đề nghị các bên liên quan không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào với truyền thông, báo chí trong quá trình đàm phán.

Cho rằng “nước đi” này đang gây bất lợi cho phía nghệ sĩ, cũng như hoàn toàn không bắt buộc trong quá trình đàm phán, Trương Huyền Đức và họa sĩ Jaime H. Jasso đã từ chối ký.

5. NDA là gì mà phía Trương Huyền Đức từ chối ký?

NDA (Non-disclosure Agreement) hay ‘Thỏa thuận không tiết lộ’ là một loại hợp đồng quy định về việc không tiết lộ thông tin của một hoặc cả hai bên trong một khoảng thời gian nhất định.

Loại thỏa thuận này thường được dùng để bảo vệ các bí mật kinh doanh, các thông tin quan trọng của doanh nghiệp. Nó phổ biến trong các hợp đồng mua bán, hợp đồng lao động, hợp đồng sáp nhập công ty... Hiện nay, đa số các hợp đồng lao động giữa nhân viên và doanh nghiệp đều có kèm theo thỏa thuận này.

Liên quan đến Rap Việt, NDA đưa ra từ Phan Law có thể gây bất lợi với các nghệ sĩ, vì nó đang giới hạn quyền tự do ngôn luận của họ trong sự việc này. Cụ thể, khi không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào ra ngoài, thì dù có đạt đến thỏa thuận bồi thường hay không, họ đều không được phép lên tiếng với truyền thông.

6. Còn trường hợp “ăn cắp chất xám” nào nổi bật gần đây?

Việc vi phạm bản quyền, sao chép ý tưởng là một chủ đề nóng ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Đó là tín hiệu tích cực, vì công chúng lẫn giới làm nghề đang ngày một nghiêm túc hơn trong việc nhìn nhận và bảo vệ chất xám của người làm sáng tạo.

Tháng 4/2021, cộng đồng từng xôn xao trước sự việc nhiều tác phẩm trong triển lãm ‘Plus by Bảo Nam’ có sự đạo nhái ý tưởng. Theo đó, bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận thấy anh đã “lấy cảm hứng” tối đa từ tác phẩm của các nghệ sĩ nước ngoài như Jamie North, Matsuri Yamana, Sonja Vordermaier, sản phẩm trên trang Taobao thiết kế bởi Jiyou Kim Studio, lẫn tác phẩm sắp đặt trong một cửa hàng Chanel.

7. Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ chất xám của mình trên mạng?

Với sự hỗ trợ của Internet, ta có vô vàn cách để chia sẻ tác phẩm ra thế giới, và cũng có chừng ấy cách để sao chép và sử dụng trái phép một tác phẩm. Do đó, người làm sáng tạo ở các lĩnh vực khác nhau không chỉ cần hiểu rõ về bản quyền, mà còn về những cách bảo vệ tác phẩm của mình.

Để hạn chế sự sao chép, người làm về hình ảnh (visual art) nên tìm cách chèn watermark hoặc logo của riêng mình lên các tác phẩm trước khi công bố, hoặc thêm ký tự © với tên mình bên cạnh tác phẩm. Cách này cũng có thể áp dụng với người làm nhạc, làm phim. Với các nội dung chữ hoặc hình, để an toàn, bạn cũng nên tìm cách vô hiệu hóa khả năng ấn phải chuột để tải hoặc copy nội dung.

Ngoài ra, chúng ta cũng không nên đăng tải file có chất lượng cao lên mạng, và luôn giữ file gốc cho riêng mình. Hãy luôn đảm bảo các tác phẩm khi chia sẻ luôn có tên và thông tin của bạn xuất hiện bên cạnh, cũng như lên tiếng trong trường hợp bản quyền của chúng đang bị xâm hại.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục