Có người mẹ làm ngân hàng đã dạy tôi điều gì về tiết kiệm?
Sống tự lập được vài tháng, tôi càng cảm phục mẹ tôi. Dù chỉ là một nhân viên ngân hàng đơn thuần, một mình bà chèo chống gia đình, mua nhà, cho hai chị em tôi đi học, có các khoản tiết kiệm và bảo hiểm. Trong khi đó, tôi và đa phần bạn bè vẫn lảo đảo với câu hỏi “bao giờ mới gom góp đủ để có vài chuyến du lịch?”
Ngành tài chính ngân hàng là một “truyền thống gia đình” – cả bà ngoại tôi và ba người con của bà đều làm ngân hàng. Mẹ tôi luôn tự hào rằng điều này đã giúp tạo nên một nếp sống tiết kiệm, giản dị mà vẫn thoải mái. Và lẽ tự nhiên, nó cũng được truyền lại cho tôi và giúp tôi biết sống hợp lý với tiền hơn.
1. Theo dõi chi tiêu
Thói quen được mẹ tôi rèn giũa một cách kiên nhẫn chính là việc ghi chép chi tiêu. Từ khi học cấp hai, tôi đã phải ghi vào sổ tay từng khoản nhỏ, như: một bó hành giá 1.000 đ, chiếc bánh mì để ăn sáng giá 5.000 đ… Mẹ tôi không bao giờ kiểm tra cuốn sổ này – quản lí việc tiêu vặt không phải mục đích của bà mà là rèn cho tôi thói quen theo dõi và ghi nhớ.
Một hình ảnh quen thuộc trong trí nhớ của tôi là mẹ ngồi bên giường với một quyển sổ dày, nhẩm đếm từng khoản chi tiêu trong tuần. Đôi khi bà tần ngần, đôi khi bà chép miệng xót xa. Phải cho đến khi sống xa nhà tôi mới hiểu, nếu không biết theo dõi và có kế hoạch chi tiêu từ đầu tháng, việc mới ngày 20 đã cháy túi, cuối tháng phải úp mì tôm qua bữa sẽ chẳng còn xa lạ.
2. Thảo luận về tiền bạc và đầu tư từ sớm
Từ lúc tôi còn nhỏ, mẹ đã nói chuyện rất thẳng thắn về tình hình tài chính gia đình – đương nhiên bà luôn dặn không được kể cho người ngoài. Từ những câu đơn giản như, “Hôm nay mẹ vừa gửi tiết kiệm,” hay, “Tháng này nhà mình tiêu nhiều tiền quá,” mẹ giúp tôi có những hiểu biết cơ bản về tài khoản tiết kiệm, về lãi suất, về bảo hiểm,… Bà nói chuyện với tôi, một cô bé 10 tuổi như một khách hàng đến ngân hàng để giao dịch vậy. Dần dà, qua mẹ, tôi mới hiểu cách dòng tiền vận động trong gia đình và biết quý trọng lao động của cha mẹ, hay như cách mẹ tôi nói là “đã biết thương bố mẹ”.
Financial literacy (hiểu biết về tài chính cá nhân) là một kĩ năng vô cùng quan trọng, và đang được vận động để phổ cập đến trẻ em nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta ít khi được bố mẹ giải thích về “tiền” lúc nhỏ, nên khi trưởng thành thường bị choáng ngợp bởi sự phức tạp của nó, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý tài chính.
3. Sống tiết kiệm, từ những điều nhỏ nhất
Mẹ tôi sống vô cùng tiết kiệm và giản dị. Trong nhiều năm liền, mẹ đi làm bằng xe buýt. Kể cả đến giờ, đồ đạc trong nhà chỉ cần còn tốt, còn dùng được thì sẽ không bao giờ đổi. Tiết kiệm không có nghĩa là mua đồ rẻ, đồ giảm giá. Một khi đã mua đồ, dù chỉ là một chiếc áo, mẹ luôn suy nghĩ liệu chúng có bền, có thật sự cần thiết. Từng món đồ bà mua đều được cân nhắc và quý trọng.
Sống trong nề nếp đấy, hai chị em tôi cũng học cách tiết kiệm. Cho đến năm 3 đại học, tôi vẫn bắt xe buýt đi khắp Hà Nội, hoặc đạp xe đi học hằng ngày dù hoàn toàn có thể mua xe máy. Đến giờ tôi vẫn mang cơm đi làm, mua quần áo cũ. Em gái tôi mặc lại quần áo của chị, đeo chiếc ba lô tôi từng dùng. Và chúng tôi có một niềm tự hào nho nhỏ rất thư thái về cách sống tiết kiệm này.
4. Có mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc và vật chất
Đọc về thói quen tiết kiệm của gia đình tôi, vài người có thể nghĩ chúng tôi đã có một cuộc sống chi li và tằn tiện, nhưng thực tế là không. Trong nhiều năm, chúng tôi có một lối sống đơn giản, nhưng dễ chịu và đầy đủ. Hai chị em tôi được đầu tư giáo dục tốt và tận hưởng những chuyến du lịch thú vị. Mẹ tôi là người biết thu vén, nhưng không bao giờ chắt bóp. Bà chỉ đơn thuần chi tiêu vào những gì cần thiết và không có tâm lí chạy đua. Có thể nói, mẹ tôi có một mối quan hệ tương đối lành mạnh với tiền bạc.
Văn hóa đại chúng luôn đề cao sự thành công về tài chính với những doanh nhân trẻ thành đạt, những bạn mới tốt nghiệp nhưng lương tháng ngàn đô, hay những cậu ấm cô chiêu sinh ra trong nhung lụa,… Nhưng sự thật là phần lớn mọi người không có một gia tài lớn. Thế thì với một thu nhập bình thường, chúng ta phải làm sao?
Đơn giản thôi nếu nghe theo những lời này của mẹ tôi: Tiêu ít tiền thì khó đấy, nhưng kiếm nhiều tiền càng khó hơn. Thay vì chạy đua với các ham muốn vật chất, sẽ an toàn và thanh thản hơn khi trân trọng những gì mình có. Bản chất của việc tiết kiệm thông minh là vậy: trước hết phải là người có tài chính an toàn và ổn định. Khi nhìn vào việc tiết kiệm như vậy, chúng ta không cảm thấy mình đang phải tằn tiện, chắt bóp, trái lại, chúng ta quý đồng tiền của mình và chỉ đầu tư vào những thứ thật sự có giá trị.
5. Quản lý tài chính cũng là xây dựng một nếp sống phù hợp
Việc tiết kiệm và quản lý tài chính giúp gia đình tôi hiểu rõ những ưu tiên trong cuộc sống, từ đó xây dựng một lối sống lành mạnh và nề nếp, hướng tới giá trị sống mình trân trọng nhất.
Ví dụ như từ bé đến lớn, gia đình tôi tôi có xu hướng chi nhiều hơn vào các hoạt động giao thiệp với họ hàng, bạn bè thân thiết như đi cà phê hay mua quà tặng. Chúng tôi chi mạnh cho việc mua các món đồ mang giá trị tinh thần như sách, truyện, các món thủ công, đĩa nhạc. Tuy không sở hữu đồ hiệu hay đồ điện tử mới nhất, tuổi thơ của chị em tôi luôn trọn vẹn với những khoảng lặng dễ chịu cùng những cuốn sách hay.
Và khi sống một mình xa nhà với lịch trình bận rộn, tôi vẫn cố gắng nấu ăn hàng ngày. Một phần là để tiết kiệm, một phần là vì với một khoản tiền nhất định, tôi buộc phải ưu tiên vào điều quan trọng nhất, đó là dinh dưỡng. Tôi cũng sống xanh hơn (ít mua đồ dùng một lần, mua một bịch xà phòng giặt 3kg thay vì mua chai lẻ…) đơn thuần chỉ vì việc hạn chế tiêu dùng cũng chính là tiết kiệm.
Tóm lại, khi có một chu trình quản lí tài chính rõ ràng, và xác định được các ưu tiên trong việc chi tiêu, thì bản thân tôi cũng có một cái nhìn tích cực về chất lượng cuộc sống của mình.
Kết
Thực tế là không ai có thể trở thành bậc thầy tài chính cá nhân trong một đêm. Khi ngồi lại và viết, tôi mới nhận ra việc rèn luyện một nhận thức tích cực về tài chính là cả một hành trình, mà tôi may mắn có một khởi đầu sớm.
Có thể bạn đã không có nhiều hội thoại từ khi nhỏ về cách quản lý tiền bạc, tuy nhiên, bạn vẫn có thể ngồi xuống và quan sát cách sinh hoạt từ chính gia đình mình hay những người xung quanh. Đừng ngại ngần để có một cuộc hội thoại cởi mở với cha mẹ bạn về cách họ đã thu vén cho gia đình. Đó không chỉ là cơ hội để hiểu hơn về tiền bạc, mà còn là cơ hội để trân trọng hơn những gì họ đã dành cho bạn.
Bài viết và hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.