Có thật là thời trang nhanh sắp thoái trào không?

Mặc kệ những tác động đến môi trường và chi phí nhân công, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng thời trang nhanh. Điều đó liệu có bao giờ thay đổi?

Lạc Minh
Có thật là thời trang nhanh sắp thoái trào không?

Thời trang nhanh

Từ lâu, việc ghé thăm những cửa hàng của các ông lớn ngành thời trang nhanh (fast fashion brands) đã trở thành một thói quen khó bỏ của các tín đồ thời trang. Ngày nay, với sự phát triển như nấm mọc sau mưa của các thương hiệu thời trang online, chỉ cần ngồi một chỗ, chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy những món đồ hợp thời nhất. Trong tủ đồ của chúng ta, chắc hẳn phải có ít nhất một món đồ đến từ các thương hiệu thời trang nhanh, có phải vậy không?

Thời trang nhanh có một ma lực hấp dẫn không thể chối cãi–cho phép người tiêu dùng tiếp cận những thiết kế theo xu hướng mới nhất trên sàn diễn ở một mức giá cực kỳ phải chăng trong một khoảng thời gian ngắn. Mặc kệ những tác động tiêu cực đến môi trường và nhân công, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng thời trang nhanh. Điều đó liệu có bao giờ thay đổi?

Sự khao khát được trở nên “sành điệu”

“Không chỉ là quần áo, nó là căn bệnh của một xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chủ nghĩa tiêu dùng,” Michael Solomon, chuyên gia phân tích hành vi tiêu dùng, chia sẻ với Vox.

Theo Solomon, sự phát triển của thời trang nhanh song hành với xu hướng toàn cầu hoá và sự phát triển của các dịch vụ hậu cần của thế kỷ 21. “Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các thương hiệu thời trang nhanh đang xoay vòng với tốc độ nhanh chưa từng có.”

Những năm 50s của thế kỷ 20, nếu muốn mua một chiếc váy được may đo sẵn, một người phụ nữ phải bỏ ra khoảng 9 USD (tương ứng với 72 USD ngày nay). Ngày nay, để mua được một chiếc váy như vậy, cô ấy chỉ cần bước vào Forever 21 và bỏ ra 12 USD. Giá thành của một món đồ thời trang nhanh–bao gồm phí vật liệu, nhân công, hậu cần và vận chuyển–rất rẻ, vì nó không được làm ra để trường tồn.

Zara–mô hình thời trang nhanh đầu tiên và thành công nhất cho đến tận bây giờ–chỉ mất khoảng chưa đến 6 tuần để đi từ bản vẽ cho đến một sản phẩm hoàn chỉnh. Theo Fast Company, với số lượng nhà thiết kế lên đến 300 người, Zara có thể cho ra mắt đến 12.000 thiết kế mới mỗi năm.

Thế nhưng con số đó vẫn chưa là gì so với thế hệ tiếp theo–những thương hiệu thời trang bán lẻ trực tuyến siêu nhanh (ultra-fast fashion brands), như Missguided hay Fashion Nova.

Theo một thống kê của Coresight Research cho thấy, trang bán lẻ Missguided có thể cho ra mắt đến 1.000 sản phẩm mới mỗi tháng. Còn với Fashion Nova, CEO của thương hiệu này tự tin cho biết họ có thể ra mắt từ 600-900 thiết kế mới mỗi tuần.

Một tác nhân khác dẫn đến sự phát triển của thời trang nhanh là mạng xã hội. Ngày nay, không chỉ có các influencer (nhân vật có tầm ảnh hưởng) và fashionista, người bình thường như chúng ta cũng thích khoe ảnh #ootd của mình trên mạng xã hội.

Bản chất của mạng xã hội là luôn luôn thay đổi và đặt nặng hình thức, vì thế, các thương hiệu thời trang nhanh không ngừng bắt tay với các ngôi sao và influencer–những người có khả năng biến bất kỳ thứ gì họ khoác lên người trở thành xu hướng.

Thời trang nhanh khiến người tiêu dùng tin rằng họ phải mua sắm nhiều hơn để luôn là người dẫn đầu xu hướng. Luôn muốn mình “on-trend”, giới trẻ Việt đang đua nhau trở thành tín đồ của thời trang nhanh.

Theo Asia Plus, có 26% người được khảo sát chia sẻ họ mua sắm quần áo 2-3 lần mỗi tháng, và 52% khác mua đồ với tần suất mỗi tháng một lần. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt cũng chi tiêu mạnh tay đối với các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài. Thời trang nhanh được sinh ra là để giúp người trẻ thỏa mãn những nhu cầu của mình ngay lập tức.

Vẻ hào nhoáng “tẩy sáng” những sự thật đen tối

Thế nhưng, tác động của thời trang nhanh đối với môi trường vẫn luôn là một chủ để đáng bàn. Áp lực phải ra mắt sản phẩm giá rẻ trong khoảng thời gian ngắn đồng nghĩa với việc các thương hiệu thời trang nhanh ngoảnh mặt ngó lơ trách nhiệm của họ với môi trường.

Hậu quả đầu tiên là từ việc sử dụng chất liệu rẻ tiền. Polyester là một trong những loại chất liệu phổ biến nhất, nhưng để sản xuất ra nó, người ta đã thải ra 706 triệu tấn khí CO2 mỗi năm. Vi sợi xả ra ngoài đại dương cũng gây ô nhiễm.

Thế nhưng, những chất liệu tự nhiên như cotton cũng chẳng khá hơn. Sản xuất cotton–chủ yếu diễn ra tại các quốc gia đang phát triển–đòi hỏi một lượng nước cũng như hoá chất khổng lồ. Từ đó, dẫn đến hạn hán, rác thải, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai và sự đa dạng sinh học.

Còn đối với chất liệu da, cứ mỗi 900 kg da động vật được nhuộm sẽ tiệu tốn khoảng 300 kg hoá chất. Ngành thời trang là tác nhân ô nhiễm nguồn nước lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau nông nghiệp…

Những nhân công làm việc cho các xưởng sản xuất thời trang nhanh cũng là nạn nhân của môi trường làm việc nguy hiểm và độc hại. Số tiền mà họ cũng không tương xứng, không thoả mãn quyền cơ bản của con người. Xuyên suốt chuỗi cung ứng là những người nhân công phải tiếp xúc với hoá chất độc hại, ảnh hưởng đến cả sức khoả thể chất lẫn tinh thần.

Nạn nhân tiếp theo của thời trang nhanh chính là người tiêu dùng, họ được khuyến khích để trở thành một phần của văn hoá tiêu dùng nông cạn. Tốc độ sản xuất quần áo nhanh chóng cũng dẫn đến việc tuổi thọ của nó bị thu ngắn lại, do chất lượng kém và không còn hợp xu hướng.

Có thể thấy, một mặt là người tiêu dùng có nhu cầu, mặt khác chính họ cũng bị cuốn vào những cái bẫy được giăng ra bởi thời trang nhanh, khi mà các thương hiệu thay phiên nhau tung ra bộ sưu tập mới mỗi tháng cùng những đợt giảm giá điên cuồng.

Thời trang nhanh sắp thoái trào?

Những năm gần đây, một số người tiêu dùng đã bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng của họ, hướng đến sự bền vững và đặt câu hỏi về tính minh bạch từ các thương hiệu. Những lý do này buộc các thương hiệu thời trang nhanh phải tự đánh giá lại hành vi sản xuất của mình và tác động mà mình gây ra cho môi trường.

Một khảo sát của Nielsen năm 2015 cho thấy 66% người tiêu dùng trên thế giới cho biết họ sẵn sàng trả thêm phí cho những sản phẩm và dịch vụ có cam kết chuẩn mực đạo đức và bảo vệ môi trường. Các chuyên gia vẫn cho rằng thời trang nhanh không còn hấp dẫn người tiêu dùng nữa. Bằng chứng là một năm đầy biến động của những thương hiệu thời trang nhanh từng nổi đình đám một thời.

Tháng 1/2020, sau vài tháng nộp đơn phá sản, Forever 21 quyết định bán mình với giá 81 triệu USD cho các chủ cho thuê mặt bằng của hãng và đang đợi toà án phê duyệt. Arcadia Group–công ty mẹ của Topshop và Topman cũng đệ đơn phá sản và đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Mỹ.

H&M cũng không ngoại lệ. Năm 2018, lợi nhuận trong quý đầu của H&M giảm 62%, lượng hàng tồn kho lên tới 4 tỷ USD, 170 cửa hàng cũng phải ngừng kinh doanh. “Hiện tại, các công ty thời trang nhanh đang rất lo lắng, và họ tìm cách để thay đổi,” Solomon nói.

Thế nhưng, theo Harvard Business Review, thực tế là có một khoảng cách rất lớn giữa những gì người tiêu dùng nói và những thứ mà họ thật sự mua. Theo Nightingale, nghiên cứu cho thấy khách hàng rất hiếm khi thay đổi thói quen mua sắm vì quan tâm đến môi trường.

Khách hàng cho biết: “Chúng tôi không có nhiều lựa chọn để có thể trở nên thân thiện với môi trường khi đi mua sắm. Chúng tôi bị thúc đẩy bởi ngành công nghiệp thời trang để cứ tiếp tục mua sắm mỗi mùa.”

Những chiến dịch “tẩy xanh” và cam kết bền vững đang có mặt ở khắp mọi nơi, thế nhưng thứ mà người tiêu dùng và nhà phê bình cần là những dẫn chứng xác thực–đặc biệt là từ các thương hiệu thời trang nhanh, nơi mà sản xuất nhanh là một phần DNA trong doanh nghiệp của họ.

Các thương hiệu thời trang nhanh đang tìm cách để sửa sai. Thế nhưng liệu tốc tộ sửa sai của họ có đủ nhanh để thay đổi DNA của cả một ngành công nghiệp thời trang nhanh?

Bài viết của tác giả tại Vox, được bình dịch bởi Lạc Minh.

Xem thêm:

[Bài viết] Chuyện chưa kể về chiếc quần jeans trong tủ đồ của bạn

[Bài viết] Ngưng dùng từ “bền vững” một cách vô tội vạ


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục