Bài học trở thành người lãnh đạo theo đuổi sự bền vững của Duy Nguyễn

Đâu là yếu tố làm nên một nhà lãnh đạo thực thụ? Nhà lãnh đạo giỏi không chỉ cần có bản lĩnh để dẫn dắt một nhóm người, mà phải đủ bản lĩnh dẫn dắt chính mình. 

Angie Tran
Công thức làm nên nhà lãnh đạo tài ba của Duy Nguyễn

Nguồn: Tín Phung cho Vietcetera

Đâu là yếu tố làm nên một nhà lãnh đạo thực thụ? Đó có phải là sự tự tin? Kỹ năng giao tiếp thành công bằng nhiều ngôn ngữ? Hay sự tận tâm cho công việc? Tại Diễn đàn Đối thoại Các Nhà Lãnh Đạo Việt Australia năm 2019, anh Duy Nguyễn, CEO của KOVA Paint Company, đã tìm thấy câu trả lời từ một trong rất nhiều lớp học thuộc chương trình này. Một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ cần có bản lĩnh để dẫn dắt thành công một nhóm người, mà người đó còn phải đủ bản lĩnh để dẫn dắt chính mình. 

Australian-Vietnam Leadership Dialogue (AVLD) là một diễn đàn đối thoại phi lợi nhuận, được tổ chức hai lần trong năm, với mục đích truyền cảm hứng và củng cố mạng lưới các tài năng trẻ, xuất sắc đến từ Australia và Việt Nam. Tại đây, họ sẽ được chia sẻ và cung cấp thông tin về những yếu tố cần có để trở thành một nhà lãnh đạo tâm huyết. Mục tiêu lớn nhất của AVLD là thúc đẩy các nhà lãnh đạo đạt được sự thịnh vượng bền vững, cho cả hai quốc gia, khu vực và thế giới.

Từ tổng số hàng ngàn đơn đăng ký, Ban tổ chức sẽ chọn ra 20 nhà lãnh đạo trẻ, có tầm ảnh hưởng lớn và có tầm nhìn xa từ cả hai quốc gia thuộc các ngành nghề khác nhau để tham gia một trải nghiệm biến đổi khả năng lãnh đạo kéo dài năm ngày. Vậy như thế nào là “có tầm ảnh hưởng lớn”? Tất cả những gì bạn cần là một câu chuyện đầy cảm hứng để chia sẻ và một tinh thần sẵn sàng học hỏi, áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Câu chuyện của Duy bắt đầu từ bà của anh, Tiến sĩ, Giáo sư Hoá học Nguyễn Thị Hoè. Là một công ty 100% vốn Việt Nam và dựa trên nền tảng khoa học, KOVA tạo ra sơn từ nguyên liệu tự nhiên như trấu và phát triển các công thức đặc biệt để phù hợp với người tiêu dùng và môi trường Việt Nam.

Nếu như bà của Duy Nguyễn đã tạo dựng nên danh tiếng KOVA là tập đoàn sơn hàng đầu Việt Nam bằng kiến thức khoa học của mình, chuyên môn của anh lại nằm ở lĩnh vực kinh doanh thương mại.

Mục tiêu lớn nhất của anh đối với KOVA là tiếp tục phát huy di sản của bà mình và nỗ lực hết mình để mang ước mơ của bà ra thế giới. Và đối với Duy Nguyễn, chính những bài học về tính bền vững ở AVLD đã tạo nên động lực để anh có thêm quyết tâm đạt được mục đích này. Hiện nay, anh là một cựu thành viên ALVD tích cực, đồng thời cũng hỗ trợ tích cực cho sự kiện năm nay được tổ chức vào tháng 5.

Tiền có phải là tất cả?

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, tính bền vững không đơn thuần chỉ gắn với tác động đến môi trường. Bên cạnh đó vẫn còn một số yếu tố khác mà các công ty cần xem xét khi phát triển mô hình kinh doanh của mình.

Duy tin rằng tính bền vững đồng nghĩa với việc tìm ra điểm cân bằng giữa các quyết định giữa kinh doanh và hoạt động đóng góp cho xã hội. Về lâu dài, rất nhiều hệ quả xấu sẽ dần lộ diện nếu các doanh nghiệp không kiểm soát được tác động từ các hoạt động của mình. Nhất là khi họ chỉ tập trung kinh doanh theo hướng tối đa hóa lợi nhuận, thay vì gia tăng giá trị cho xã hội.

 

Mở lòng để đón nhận thay đổi tích cực

Chương trình AVLD bao gồm nhiều hoạt động giúp thúc đẩy khả năng đối chiếu (reflection) của các nhà lãnh đạo trẻ. Họ có cơ hội được chia sẻ và truyền cảm hứng cho nhau bằng những câu chuyện không chỉ xoay quanh các thành tựu lớn nhất, mà còn cả những thất bại khó quên mà họ từng nếm trải. Đối với Duy, một nhà lãnh đạo giỏi phải có trách nhiệm với những sai lầm và thành công mình đạt được. Bằng cách đó, bạn mới có thể học được cách kiểm soát những suy nghĩ của mình.

Bên cạnh việc tổ chức các cuộc trò chuyện thân mật về quá trình phát triển cá nhân và nghề nghiệp, AVLD còn giúp các nhà lãnh đạo trẻ điều chỉnh tư duy của họ khi đối diện với các thách thực về mặt xã hội và kinh doanh, đồng thời cùng nhau tìm ra các giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại.

Để ngọn lửa đam mê luôn cháy

Từ đó, Duy nhận ra rằng để KOVA trở thành một doanh nghiệp bền vững thực sự, anh cần phải nhắc nhở bản thân về giá trị tiên quyết mà mình muốn đem lại cho cộng đồng người Việt, cũng như cho các cộng đồng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những thị trường mà KOVA đang có mặt, về lý do ban đầu đã thôi thúc bà gây dựng nên cơ nghiệp này. Anh nhận ra tiền bạc không phải là tất cả. Hơn hết, gia tăng giá trị cho xã hội mới là mục đích lớn hơn của KOVA.

Duy chia sẻ, bản thân anh cảm thấy mình đưa ra nhiều quyết định có nghĩa hơn. Và tinh thần này được thể hiện rõ nét tại KOVA! Mặc dù công ty vẫn đang trong giai đoạn chuyển mình theo hướng phát triển bền vững, nhưng với những gì mà Duy học được từ AVLD, giờ đây, anh đã tự tin hơn rất nhiều về định hướng tương lai của KOVA. Đó chính là đầu tư nhiều hơn vào việc tạo ra giá trị chung và cân bằng hơn giữa hiệu suất kinh doanh và tác động xã hội.

Sức ảnh hưởng của AVLD không chỉ giới hạn ở Việt Nam và Australia. Chương trình đã và đang tạo dựng một hệ thống sinh thái mạnh mẽ, hỗ trợ sự kết nối giữa các đơn vị đối tác nhằm tạo ra những thay đổi có giá trị đáng kể, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Trên thực tế, AVLD hoạt động hoàn toàn độc lập và có thể tự duy trì nhờ các mối quan hệ lâu dài với những đơn vị đối tác. Điều này phản ánh tầm ảnh hưởng của chương trình đối với các cựu sinh viên và các đơn vị liên quan trong cộng đồng.

Theo Đại Tướng Sir Peter Cosgrove - Người bảo trợ AVLD, mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng. Và AVLD chính là nền tảng hàng đầu thúc đẩy sức mạnh trao quyền cho thế hệ trẻ để họ tiếp tục củng cố sự gắn kết giữa hai quốc gia.

“Cá nhân tôi đã được gặp nhiều cựu sinh viên xuất sắc của AVLD, và được truyền cảm hứng từ sự đa dạng và chất lượng của nhóm các nhà lãnh đạo trẻ đến từ Australia và Việt Nam. AVLD có khả năng biến đổi tư duy mỗi đại biểu, và định hướng cho họ những quan điểm và động lực mới trong mối quan hệ Việt Nam - Australia thông qua trải nghiệm này. Bản thân tôi rất vinh dự được trao cương vị Người bảo trợ AVLD. Năm nay, tôi cũng có cơ hội dẫn dắt một cuộc đối thoại với mục tiêu kết nối và khuyến khích những người đang góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hướng đến một tương lai bền vững hơn cho Australia, Việt Nam và các nước trong khu vực.”

Chương trình Đối thoại năm nay sẽ diễn ra tại Australia và Việt Nam từ ngày 5 - 9/09/2021. Chương trình diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới hình thức gặp mặt trực tiếp, và tại Sydney với hình thức họp trực tuyến cùng các đối tác đại diện ở những quốc gia khác, và các đại diện tham gia chương trình hoàn toàn không mất phí. Bên cạnh những đơn vị đồng hành hiện tại cùng số lượng lớn các cựu sinh viên, Ban tổ chức cũng đang tìm kiếm thêm đối tác để hỗ trợ sự kiện này. Nếu bạn là người trong độ tuổi 25-35 và muốn xây dựng tầm nhìn tương lai cho Việt Nam hoặc Úc, bạn có thể cân nhắc đăng ký nộp đơn tham gia. Bạn cũng không nhất thiết phải có mối quan hệ trực tiếp với Úc để tham gia chương tình. Để tìm hiểu thêm về sự kiện sắp tới, hãy truy cập website của chương trình.

Bài viết được biên dịch bởi L A M


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục