09 Thg 04, 2020OnboardyThăng Tiến

Công ty không đào tạo để bạn phát triển? Không lo, vẫn có những cách sau!

Nếu bạn cảm thấy mình chưa nhận được sự đào tạo xứng đáng từ công ty, đây là bài viết dành cho bạn. Bạn có thể tự phát triển, đó là điều chắc chắn!
Tracy
Công ty không đào tạo để bạn phát triển? Không lo, vẫn có những cách sau!

Công ty không đào tạo để bạn phát triển? Không lo, vẫn có những cách sau!

Khi gia nhập một tổ chức, bạn luôn mong muốn được cấp trên hướng dẫn tận tình, đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, liên tục phản hồi để giúp bạn cải thiện công việc,… Thế nhưng thực tế, những kỳ vọng lý tưởng đó hiểm khi xảy ra.

Đặc biệt hiện tại, với sự tác động của COVID-19, việc sống còn trở thành ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Bạn sẽ có lúc cảm thấy chênh vênh và thiếu định hướng.

Phụ thuộc vào chỉ dẫn hay quy trình đào tạo dễ khiến bạn thụ động hay vụt mất cơ hội phát huy tối đa tiềm năng. Vì thế, dù ở bất cứ đâu, hãy luôn nắm quyền chủ động cho sự phát triển của bản thân.

1. Hiểu rõ mục đích và kết quả kỳ vọng cho công việc

Bạn làm công việc này để làm gì? Cấp trên kỳ vọng điều gì và chỉ số nào dùng để đánh giá mức độ thành công của công việc? Hai thông tin này luôn cần làm rõ nếu như bạn không muốn “bước đi trong sương mù”.

Nếu sếp không chủ động cung cấp, hãy tự nghiên cứu, tham khảo những người trước và tự đặt ra mục tiêu cho mình. Sau đó, đề xuất và thống nhất với cấp trên trước khi bắt tay vào thực hiện. Trên cả quá trình hoàn thành công việc, đừng ngần ngại trao đổi khi cần thiết để đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng.

2. Tự tìm “điểm mù” và cải thiện

Tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi là những thái độ tích cực mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng ở nhân sự. Ngoài việc tự mình đánh giá, bạn có thể chủ động hỏi ý kiến phản hồi từ cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới để có cái nhìn khách quan hơn. Hãy hỏi họ cùng một câu hỏi: Nếu chỉ được chọn một điều, đâu là điểm bạn đang làm tốt nhất, đâu là điểm bạn cần cải thiện ngay. Lắng nghe với sự chân thành, cầu thị, chắc chắn mọi người xung quanh sẽ luôn sẵn sàng để giúp bạn tiến bộ mỗi ngày.

3. Mã hoá quá trình học hỏi

Để nhìn ra sự tiến bộ, hãy tự xây dựng một “bảng điểm” cho quá trình học hỏi của mình. Liệt kê nhóm kiến thức, kỹ năng bạn cần phát triển ở vị trí công việc này. Sau đó, chấm điểm dựa trên sự tự đánh giá từ bản thân và ý kiến phản hồi của những người xung quanh.

Ví dụ, bạn được A ở kỹ năng phỏng vấn, B+ ở kỹ năng nghiên cứu và C ở khả năng tổng hợp thông tin. Hãy nêu ra chi tiết những điều kiện nào sẽ giúp bạn đạt được A hay B chẳng hạn. Nhìn vào bảng điểm này, bạn có thể nhanh chóng nhìn ra những kỹ năng mình cần cải thiện và học hỏi thêm.

4. Trở nên hữu hình, đặc biệt với cấp trên

Không ai muốn trở thành “người vô hình”. Tuy nhiên, việc phải làm tại nhà trong thời điểm hiện tại khiến những giao tiếp giữa các thành viên bị hạn chế đáng kể. Vậy hãy tìm cách để trở nên hữu hình.

Bên cạnh trao đổi công việc thường ngày và đề xuất các giải pháp với cấp trên, hãy thường xuyên đóng góp ý kiến cho các đồng nghiệp. Gửi vào Slack hay những công cụ công ty bạn đang dùng để trao đổi những mẩu chuyện vui, những phương pháp thú vị trải qua thời gian cách ly. Thậm chí, có thể phát động những sự kiện, phong trào online hay chia sẻ định hướng phát triển cho công ty và kêu gọi mọi người cùng góp ý.

Khi làm việc với người khác, hãy nhớ rằng bạn không làm việc với những cỗ máy logic, mà là những người có cảm xúc. Và khi bạn cùng cấp trên, đồng nghiệp có sự gắn kết cảm xúc ngoài công việc, bạn sẽ cảm thấy gần gũi và mong muốn cống hiến nhiều hơn.

– Trích lời Dale Carnegie, tác giả sách “Đắc nhân tâm”.

5. Là người đón đầu xu hướng mới

Trường đào tạo nhân sự Top Employers Institute gọi thế hệ trẻ (những người sinh sau năm 1996) là “tech native”, “digital native”; những người mà toàn bộ cuộc sống của họ đều gắn liền với Internet và những phát triển công nghệ vượt bậc.

Do liên tục chứng kiến sự thay đổi và tiến bộ không ngừng của công nghệ, họ có khả năng thích nghi cao và không ngần ngại trước những trải nghiệm mới. Đây được coi là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của người trẻ trong một môi trường làm việc đa thế hệ.

Vì vậy, giả sử công ty bạn đang có sự chuyển đổi số lớn, ví dụ như thời điểm COVID-19 này, nhân sự cần thích nghi với những thứ hoàn toàn mới mẻ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… hãy chủ động nghiên cứu, mày mò và tìm hiểu cách thức hoạt động. Sau đó hướng dẫn cho đồng nghiệp, thậm chí là cấp trên. Bạn có thể chưa giàu kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn, nhưng bạn có thể ghi dấu ấn nhờ khả năng thích nghi nhanh với những xu hướng công nghệ mới.

6. Tìm một người mentor tốt

Hiểu đơn giản, mentor vừa là một người cố vấn, vừa là một người bạn. Họ có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để làm một người cố vấn, nhưng cũng gần gũi và được tin cậy như một người bạn. Và nếu bạn chú ý, đằng sau bất cứ người thành công nào cũng là một vài vị mentor có tầm ảnh hưởng.

Một trong những mentor của Steve Jobs là thiền sư Kobun Chino Otogowa, ông hiện diện ở hầu hết những sự kiện quan trọng mang tính cá nhân trong cuộc đời Steve Jobs. Triết lý tối giản trong lối thiết kế sản phẩm của Apple là ảnh hưởng rõ ràng nhất của vị thiền sư này lên Steve Jobs.

Mentor có thể chính là cấp trên của bạn trong công ty, cũng có thể là người ngoài, quan trọng là họ giàu kinh nghiệm chuyên môn và có mong muốn chia sẻ và giúp đỡ người trẻ.

Bạn có thể tiếp cận họ bằng chính những khúc mắc gặp phải trong công việc và cuộc sống, những điều mà bạn nghĩ người đó có thể giúp bạn gỡ rối. Sau đó duy trì liên lạc đều đặn, và mối quan hệ mentor – mentee sẽ được xây dựng một cách tự nhiên. Trong quá trình làm việc với mentor, hãy luôn xác định rõ mục tiêu của mỗi buổi gặp, tôn trọng thời gian và công sức của cả hai bên.

Bài viết được thực hiện bởi Tracy, lấy cảm hứng từ bài viết của Carter Cast đăng trên Harvard Business Review.

Xem thêm:
[Bài viết] Tại sao cơ hội tốt vẫn luôn né tránh bạn?
[Bài viết] Làm việc tại nhà mùa COVID-19, cách nào để không trì trệ?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục