"Connect the dots" – kỹ năng thiết yếu trong thời công nghiệp 4.0

Công nghiệp 4.0 lên ngôi có thể khiếp con người thất nghiệp chỉ trong vài năm. Đây là lúc bạn cần phát triển kỹ năng connect the dots ngăn chặn nguy cơ này.
Kim Ngân
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

Chắc hẳn khi nghe cụm từ “Connecting the dots”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trò chơi giải đố “kết nối các dấu chấm” để tìm ra bản vẽ hoàn chỉnh. Trên thực tế, đây không chỉ là trò chơi được trẻ em yêu thích, đó còn là một kỹ năng quan trọng trên con đường phát triển sự nghiệp ở thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

Lý giải nguyên nhân của cách mạng 4.0 và cách nó tác động đến nền kinh tế và thị trường lao động.

“Connecting the dots” là kỹ năng gì?

Tất cả việc bạn làm, những người bạn gặp, các dự án, sự kiện bạn từng tham gia… tóm lại là toàn bộ kinh nghiệm bạn tích lũy được trong quá khứ đều trở thành những dấu chấm – the dots.

“Connecting the dots” là khả năng kết nối các dấu chấm ấy để tạo nên ý tưởng mới hoặc phương pháp nhằm giải quyết tốt vấn đề hiện tại. Vậy những gì bạn học hay làm trong quá khứ đều có thể giúp ích cho bạn ở hiện tại và tương lai, nếu bạn biết kết nối chúng lại, như cái cách Steve Jobs đã làm.

Sau khi thôi học tại trường mỹ thuật hàng đầu của Mỹ – đại học Reed, Steve Jobs đã tham gia khóa thư pháp chỉ vì cảm thấy tò mò. 10 năm sau, khi đang thiết kế chiếc máy tính đầu tiên, ông đã áp dụng vào đó tất cả kiến thức về thư pháp được học. Đó là lý do những chiếc máy tính chúng ta dùng bây giờ có những bảng chữ rất đẹp.

Tại sao nói “Connecting the dots” là kỹ năng thiết yếu trong thời đại 4.0?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện tại đã khiến thị trường lao động có những chuyển mình rõ rệt. Chẳng hạn, nhiều công nghệ được ứng dụng vào các ngành nghề, lao động chân tay dần được thay thế bằng tự động hóa hay “sự lên ngôi đầy tính nguy cơ” của robot.

Con người đòi hỏi phải thay đổi liên tục để thích ứng và gia tăng tính cạnh tranh (với cả người lẫn máy) nếu không muốn bị đào thải.

Theo nghiên cứu của McKinsey, các công việc mang tính lặp đi lặp lại hoặc liên quan nhiều đến kỹ thuật có khả năng cao bị thay thế. Trong khi đó, các vị trí có nhiệm vụ kết nối, quản lý con người hay sáng tạo lại có tỉ lệ đào thải khá thấp.

Vậy ta nên thay đổi điều gì?

Phát triển các kỹ năng mới, bền bỉ học tập suốt đời, liên tục nâng cấp bản thân là những điều cần làm để đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng đa dạng trong thời đại 4.0. Và một trong những kỹ năng thiết yếu là “connect the dots”.

Bạn biết cách kết nối, ứng dụng kiến thức và kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn càng giỏi sáng tạo để giải quyết tốt công việc. Hiểu biết nhiều cũng giúp bạn tăng khả năng thích nghi và cạnh tranh hơn so với người chỉ biết cái họ chuyên.

Đó cũng là tố chất quan trọng để trở thành tổng quát viên (Generalist) – xu hướng sự nghiệp sẽ thống trị trong năm năm tới.

Trên thế giới có không ít danh nhân sử dụng thành thạo kỹ năng kết nối các dấu chấm này. Họ hầu hết là nhà lãnh đạo hoặc người có tư duy sáng tạo cao. Ngoài Steve Jobs, ta có thể kể đến Leonardo da Vinci, Marie Curie hay Elon Musk.

Tỷ phú “Iron Man” Elon Musk đã thành lập thành công bốn công ty trong bốn lĩnh vực khác nhau: phần mềm, năng lượng, giao thông vận tải và hàng không vũ trụ. Chuyên môn của ông trải dài từ kỹ thuật, vật lý, trí tuệ nhân tạo, khoa học tên lửa cho đến năng lượng mặt trời.

Làm thế nào Elon Musk đạt được điều này?

Câu trả lời chính là nhờ vào khả năng kết nối nhiều lĩnh vực khác nhau, sau đó ứng dụng vào trong công việc. Hay cụ thể là ông tìm ra các nguyên tắc cơ bản ở mỗi lĩnh vực, sau đó kết nối với các lĩnh vực khác và tái cấu trúc chúng theo những cách mới.

Đó là cách Elon Musk thành lập SpaceX – công ty dịch vụ sản xuất hàng không vũ trụ và vận chuyển không gian; đồng sáng lập công ty năng lượng mặt trời SolarCity, hãng xe điện Tesla hay OpenAI – công ty nghiên cứu thúc đẩy trí tuệ nhân tạo thân thiện.

Bản thân tôi cũng từng “vô tình” ứng dụng kỹ năng này. Khi mới ra trường, tôi làm công việc biên phiên dịch tiếng Nhật, theo đúng chuyên ngành của mình. Thời gian rảnh rỗi, tôi tự học photoshop vì yêu thích, dù nó không giúp ích gì cho công việc lúc đó.

Sau này khi quyết định làm trái ngành, chuyển sang nghiệp viết content thì kỹ năng photoshop tôi học dạo đó đã trở thành một lợi thế khi gửi CV ứng tuyển và hỗ trợ rất nhiều trong công việc.

Làm thế nào để rèn luyện “Connect the dots”?

“Connect the dots” bao gồm hai bước: thu thập và kết nối.

Trước hết, bạn cần thu thập “các dấu chấm”. Càng trải nghiệm nhiều, bạn càng tạo ra những kết nối mới mẻ. Dưới đây là một vài gợi ý:

  • Làm ngược lại những gì bạn thường làm, thoát khỏi thói quen hàng ngày (ví dụ như gọi một món uống khác ngày thường, đi xe buýt thay vì xe máy…).
  • Đọc các quyển sách không liên quan đến công việc hay sở thích của bạn.
  • Trở thành khách du lịch trong chính thành phố nơi bạn đang sống, khám phá từng con hẻm, góc phố để biết thêm nhiều điều mới mẻ.
  • Trong công việc, hãy làm cả những việc không liên quan đến việc chính. Hãy nắm bắt các cơ hội tham gia dự án mới hay thử sức ở bộ phận mới.

Với mỗi dấu chấm hay mỗi kiến thức có được, hãy tìm ra những nguyên tắc cơ bản hình thành nên chúng. Sau đó hãy đặt những câu hỏi như “Điều này làm mình liên tưởng đến thứ gì?” và “Tại sao lại như vậy?” để bắt đầu tạo những kết nối từ dấu chấm này tới những kiến thức bạn sẵn có.

Cách thức kết nối của mỗi người là khác nhau và diễn ra mọi lúc mọi nơi. Có thể là khi bạn tắm, đang chạy xe hay ngồi nhìn dòng người qua lại trên xe buýt. Vì vậy không tồn tại một công thức chung nào. Chỉ có bí quyết giúp bạn kết nối các dấu chấm dễ dàng hơn, đó là giữ tâm trí luôn cởi mở và tò mò.

Bạn không thể kết nối các dấu chấm nếu nhìn về tương lai; bạn chỉ có thể xâu chuỗi chúng khi nhìn ngược về quá khứ. Nên bạn phải tin rằng các kinh nghiệm bạn đã có, bằng một cách nào đấy, sẽ nối kết với nhau trong tương lai. Bạn cần tin vào một điều gì đó – sự quyết tâm, vận mệnh, cuộc sống, luật nhân quả hoặc bất kỳ cái gì. Cách tiếp cận này chưa bao giờ khiến tôi thất vọng và đã thay đổi cả cuộc đời tôi. - Steve Jobs.

Bài viết được thực hiện bởi Kim Ngân.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục