05 Thg 04, 2024Sáng TạoÂm Nhạc

Cowboy Carter - Phục hưng âm nhạc như Beyoncé

Thể loại là một khái niệm khá buồn cười bởi thực tế không giống như sách vở vẫn viết.
Phan Chung
Bìa đĩa Cowboy Carter của Beyoncé | Nguồn: Pitchfork

Bìa đĩa Cowboy Carter của Beyoncé | Nguồn: Pitchfork

Beyoncé cưỡi trên lưng bạch mã. Bộ trang phục cô mặc đầy đặc biệt với mũ cao bồi trắng, giày trắng, bộ đồ da đa phần màu trắng điểm thêm xanh và đỏ với giải băng có tên Cowboy Carter. Ánh sáng tập trung ở giữa bức ảnh, một tay Beyoncé cầm dây cương, tay còn lại dương cao quốc kỳ Mỹ. Nếu bạn thấy có gì đó quen quen, hình ảnh này gợi nhớ tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng của nước Mỹ.

Nhưng tất cả hình ảnh có phần sáng sủa và uyển chuyển này (dáng ngựa đang phi, tóc của Beyoncé và lá cờ đang tung bay) lại được đặt trong một màn đen đặc. Liệu chúng có thể nói lên điều gì? Beyoncé phải chăng đang gửi dấu hiệu đến khán giả thông qua thiết kế hình ảnh này?

Tất nhiên bìa đĩa Cowboy Carter, bản thân nó đã chứa nhiều thông điệp. Nó gợi mở về giấc mơ Mỹ (không phải của người da trắng mà là người da đen), về tự do, về công bằng, về sáng tạo và sự bảo hộ. Trên tất cả, nó gợi về nguồn gốc của nước Mỹ.

Bản trường ca độc đáo

Nhưng câu trả lời chỉ hiện ra, khi người hâm mộ lột bỏ phần giấy bóng kính bao lấy đĩa nhạc, lần giở phần nội dung bên trong. 27 ca khúc với nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau gồm cả Country, Folk, Pop, R&B, Gospel (nhạc Thánh ca)... với những câu chuyện được kể qua giọng hát của Beyoncé.

"Nó không phải là album nhạc đồng quê. Nó là album của Beyoncé." - Lời giải thích này chỉ được chứng thực nếu người nghe thưởng thức trọn vẹn album. Sự phức tạp và giàu có của album này (về mặt sáng tạo và kết hợp trong âm thanh, giai điệu) sẽ được khám phá chỉ khi đã lắng nghe (những chuyện kể của Beyoncé.)

Trong đĩa nhạc này, Beyoncé xem "thể loại là ý niệm có gì đó hơi buồn cười." Cowboy Carter gây thu hút bởi chất đồng quê ngay từ những đĩa đơn mở đường (16 Carriages, Texas Hold 'Em), bản cover bài hát Jolene của tượng đài nhạc đồng quê Dolly Parton; hay kết hợp với Miley Cyrus trong II Most Wanted. Nhưng Cowboy Carter còn có sự kết hợp của các dòng nhạc khác như Folk, Blues, R&B, Pop.

Thể loại không quan trọng bằng việc người nghệ sĩ muốn kể gì và hát lên câu chuyện nào bằng âm nhạc. Thể loại (và câu chuyện) trong Cowboy Carter hết sức đa dạng, luôn biến đổi, kết hợp và khai sinh ra những nhánh khác nhau. Âm nhạc hiện đại hơn 100 năm qua là một cây vả đâm cành trổ lá, nay ra hoa đậu quả tốt tươi. Trong đó, dấu ấn của người da màu lên nền âm nhạc là không thể phủ nhận được. Beyoncé, với Cowboy Carter là minh chứng cho điều đó.

Bởi thế, Cowboy Carter còn mang tính phục hưng hơn cả album trước đó (Act I: Renaissance). Đĩa nhạc không chỉ đồ sộ về thể loại âm nhạc, câu chuyện, số lượng ca khúc (27 tracks) và thời lượng (80 phút) mà còn là một "trường ca" đúng nghĩa mà một nghệ sĩ da màu có thể tạo ra.

Còn sáng tạo, còn chiến đấu

Khi Nina Simone bắt đầu sự nghiệp âm nhạc, bà ước mơ trở thành một nữ nhạc công piano đẳng cấp. Nhưng cuối cùng, cuộc đời dẫn bà trở thành một ca sĩ, nhạc sĩ. Bà chơi nhạc cổ điển, hát Jazz, Folk, Gospel, Blues, Rn'B và Pop.

Khi bắt đầu hát những bài cổ động và chống phân biệt, danh tiếng của bà càng tăng hơn. Nhưng chính nó cũng nhấn chìm sự nghiệp, cuộc đời và tài năng của Nina.

Sở dĩ nhắc đến Nina Simone bởi vì đó là một mẫu số chung cho nhiều nghệ sĩ da màu, với lịch sử đau thương và huy hoàng. Nina cũng là một chỉ dấu cho nhiều nghệ sĩ da màu sau này, mà Beyoncé hẳn sẽ là một trong những "tín đồ" đầu tiên.

Và rõ ràng, sự nghiệp 20 năm qua của Beyoncé là để tiếp nối những di sản của những người da màu tiên phong như Martin Luther King, Nina Simone, James Baldwin, Toni Morrison… để lại.

Beyoncé nổi tiếng là một nghệ sĩ tài năng ở nhiều khía cạnh, tiên phong trong những nghệ sĩ nhạc pop chấn hưng nhạc của người da màu. Beyoncé, mặt khác còn là một nhà hoạt động cho tiếng nói của người da đen. Lemonade là dấu ấn sự nghiệp của quan trọng của Beyoncé và của người da màu trong âm nhạc. Và Act II: Cowboy Carter tiếp nối di sản "phục hưng" đó.

Trong bài Spaghettii thuộc Cowboy Carter, Beyoncé đóng vai kẻ phản diện Thanos trong thế giới truyện tranh và siêu anh hùng của Marvel. Một phản diện quyền năng, kẻ có tuổi thơ bị hắt hủi vì sự dị biệt (màu da) nhưng lại theo đuổi hoà bình.

Một người, sau này muốn xoá sạch một nửa sự sống trong vũ trụ để tìm lại sự cân bằng. Beyoncé cũng là một "titan" (người khổng lồ trong âm nhạc) với mục tiêu sáng tạo, chấn hưng văn hoá da đen.

Nhưng Benyoncé có phải là một phản diện giống Thanos hay không? - Câu trả lời là không. Tất cả những điều cô đang làm trong nghệ thuật có chăng là tôn vinh sự sáng tạo và chiến đấu cho căn tính và chủng tộc của mình. Nếu có điểm nào đó giống Thanos, thì cú búng tay của Beyoncé chính là album mới này (bởi khả năng chia rẽ và đoàn kết mà nó mang lại.)

Với Cowboy Carter, Beyoncé lại tiếp tục thành công. Sự thành công không phải kỷ lục lượt nghe nhiều nhất trong một ngày năm 2024 (tính đến hiện tại) của một nghệ sĩ trên Spotify, không phải điểm số 90 trên trang đánh giá Metacritic, mà ở việc nghệ thuật và sự sáng tạo luôn được trân trọng đúng với bản chất của nó.

Tạm kết

Trở lại với bìa đĩa của Cowboy Carter ở phần đầu bài viết, liệu Beyoncé ngụ ý điều gì? Liệu đó có phải là giấc mơ Mỹ được viết và kể lại bởi người da màu? Liệu trong giấc mơ đó, họ là những người đầu tiên và cuối cùng khiến cho Mỹ giàu có ở cả của cải lẫn văn hoá?

Những câu hỏi này có trong album Cowboy Carter. Khán giả có thể lắng nghe và tìm ra những di sản đó. Điều quan trọng nhất luôn là biết lắng nghe.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục