Cuộc "đại di cư" lên không gian số: Từ Second Life, Meta đến Bondee
Mark Zuckerberg đã từng khiến cả thế giới sốc với sự ra đời của Facebook vào năm 2004. Có lẽ hầu hết chúng ta vẫn đang sống cùng cú sốc đó cho đến tận ngày hôm nay. Mặc cho bạo lực và "fake news" xuất hiện liên miên, phải có "chí khí anh hùng" để đăng xuất và rời mắt khỏi màn hình điện thoại.
Cũng vì âm hưởng của cú sốc mạng xã hội, khi Facebook đổi tên thành Meta để tung ra Metaverse, sản phẩm này không trở thành cuộc cách mạng internet mới. Thậm chí nó còn đẩy ngai vàng của Zuckerberg vào tình thế bấp bênh.
Thật vậy, metaverse - nơi con người tái tạo lại toàn bộ cơ thể của mình và xây dựng một không gian hoàn toàn điện tử để sinh sống - không phải ý tưởng mới. Từ năm 2003, Second Life đã "trồng khoai" trên mảnh đất số màu mỡ. 20 năm sau, mạng xã hội Bondee của Singapore, cũng cho phép người dùng tạo nhân cách ảo nhưng tương tác như người thực trên hệ thống số, đã thống trị các bảng xếp hạng người dùng tại châu Á.
Cuộc "đại di cư" khỏi không gian vật lý là từ khoá có thể dùng để chỉ sự lớn mạnh của ý tưởng metaverse, mà Mark Zuckerberg chỉ là người đến sau.
"Đại di cư" lên không gian số
Metaverse không hề là một ý tưởng mới. Khi internet dần phổ biến ở cấp độ toàn cầu, người ta đã có ham muốn đi tìm những thế giới thay thế tinh cầu mà họ đang có, hay chính xác hơn là đang mắc kẹt lại. Mở đầu thế kỷ 21 là thảm hoạ khủng bố với máy bay lao vào tháp đôi ngày 11/09/2001 tại Mỹ. Cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, mà đúng hơn là sự giành giật tài nguyên giữa các siêu cường, thực tế là sự so kè giữa các cường quốc. Rồi sau đó, thảm hoạ môi trường, nghèo đói, tham nhũng, fake news, v.v. khiến công chúng rơi vào một cuộc đại hoài nghi.
Họ cần chạy thoát đến một thế giới mới, mà hai lựa chọn dễ tưởng tượng ra nhất đều là bất khả thi. Bay ra ngoài vũ trụ là một hành trình chỉ có đi mà không có về. Tìm đường vào trong tâm trí hay đánh thức đứa trẻ bên trong bằng chánh niệm cũng chỉ là một liều thuốc giảm đau tạm thời. Không gian số chưa quá đông đúc là nơi nhiều người nhắm đến, nhằm đi tìm vùng đất hứa của riêng mình.
Năm 2003, Second Life là cái tên khoả lấp niềm mong muốn xây dựng một cuộc đời thứ hai, một cuộc sống khác, hay... làm lại tất cả mọi thứ thêm một lần nữa. Là một trò chơi không có cạnh tranh và thi đấu để tăng level, nếu có nhiệm vụ mà người chơi phải vượt qua, thì nhiệm vụ đó là xây dựng thế giới mới từ con số 0. Ý nghĩa của cuộc đời là gì nếu không phải tiền bạc, danh vọng, của cải... như trong thế giới vật lý? Bất bình đẳng không phải tiền đề nữa thì trong xã hội số mới này, người ta sẽ xây dựng trật tự mới ra sao?
Trên Second Life, người chơi lựa chọn cho mình tên tuổi mới, ngoại hình mới, cơ thể mới (bao gồm cả màu da và giới tính). Trò chơi hứa hẹn rằng nếu không có danh tính như bạn mong muốn ở đời sống thật, bạn có thể tự tạo ra mình ở không gian ảo và sống cuộc đời mơ ước. Rất nhiều câu chuyện cảm động đã được kể qua Second Life đó là, nhiều người khuyết tật, hoặc bị tai nạn, không còn khả năng vận động bình thường, thì giờ đây được sử dụng bàn tay và đôi chân của mình để gặp mọi người trong không gian số.
Người dùng cũng xây dựng nhà cửa, quán ăn, khu giải trí họ mong muốn trên mảnh đất được tạo ra bởi những con số 0-1 này. Họ thậm chí còn có thể mua bán đất đai cùng nhiều loại tài sản khác trên Second Life, cũng như trở thành người nổi tiếng. Nhiều doanh nghiệp cũng để ý tới tựa game này vào đầu những năm 2000, do tìm ra tiềm năng kiếm tiền.
Ví dụ như IBM có kế hoạch mở một cửa hàng trong không gian số, cho phép nhân vật sử dụng thử bản sao của các phụ kiện có thật. Nếu thấy phù hợp, họ có thể ra cửa hàng thật và tiêu thụ những món đồ này. Hay BBC thậm chí còn mua lại cả một hòn đảo số để làm trụ sở của mình trong môi trường Second Life.
Lời hứa mà Metaverse của Zuckerberg dường như đã được hiện thực hoá từ 2 thập kỷ trước. Ngày nay, những lựa chọn như Bondee cũng đã khuấy đảo thị trường "di cư" này. Là sản phẩm của Metadream, sản phẩm này nổi tiếng với đồ hoạ 3D tốt hơn và cá nhân hoá không gian của mình. Ứng dụng này được cho là tối giản, "mỗi thứ một tí" để người dùng không bị ngợp với các cải tiến.
Đây có thể là sự kết thúc đối với các mạng xã hội 2D truyền thống, giống như cách Facebook đưa Yahoo 360! và nhiều forum của đầu 2000 về dĩ vãng vậy.
Vỡ mộng với cuộc di cư
Chúng ta về cơ bản là thất vọng với đời sống thực, và cho rằng không gian số là nơi mình được "giải phóng." Vì vậy nên cuộc đại di cư mới diễn ra. Nhưng thực tế là không gian số chẳng hề giải phóng bạn.
Sự thất vọng đến từ những biểu hiện như một nữ user bị quấy rối trên Metaverse ngay từ những ngày đầu hệ sinh thái này ra mắt, hay Bondee cũng mới dính lùm xùm về việc thu thập dữ liệu thanh toán của người dùng chưa đầy 1 tuần sau khi được giới thiệu tới công chúng. Second Life gần đây cũng đưa ra quyết định rằng họ sẽ đánh thuế dựa trên từng giao dịch của người dùng trên nền tảng này.
Câu chuyện vĩ mô hơn, không gian số không hề "trống rỗng" khi người dùng được mở cửa để bước vào. Giống như không gian thực, theo tiểu luận của tác giả Saskia Sassen đến từ Đại học Chicago, không gian số cũng có không gian công cộng (public digital space) và không gian của tư nhân (private digital space). Second Life, Metaverse hay Bondee đều là không gian tư nhân, chịu sự chi phối bởi những người khổng lồ công nghệ ở thế giới thật.
Mới đầu, để thu hút người dùng, các tập đoàn này đã tô vẽ nên những không gian tự do thay thế không gian ngột ngạt ở bên ngoài kia. Bạn có thể lên mạng để khẳng định danh tính, để phát biểu về tất cả mọi thứ, để lên tiếng về những gì ở bên ngoài kia người ta không cho phép nói. Sự tự do ấy không phải ưu tiên của các công ty mạng xã hội. Ưu tiên của họ là làm thế nào để những sản phẩm bạn tạo ra bằng sự tự do của mình có thể kiếm lời cho hệ thống.
Với Second Life, họ nhìn ra giải pháp mở rộng thị trường trong một thế giới nơi nền kinh tế thị trường đã thống trị ở tất cả mọi nơi. Nhiều người sẵn sàng "online" trên nền tảng, tức là nhiều giao dịch mua bán sẽ được thực hiện. Và tại đây, tiền không mọc ra từ hư không để tránh lạm phát. Người dùng vẫn phải bơm tiền thật vào trò chơi của mình để sở hữu các tài sản ảo. Vì vậy, nếu bạn không có tiền tại thế giới thực, thì trên Second Life bạn vẫn sẽ chẳng có một xu.
Với Metaverse, như chúng ta đều biết, với môi trường 2D, nền tảng có thể học hỏi cách người dùng tương tác với các loại nội dung khác nhau qua từng cú click chuột để thiết kế quảng cáo phù hợp. Nay với công nghệ thực tế ảo, họ sẽ khai thác người dùng trên từng chuyển động của cơ thể, chứ không chỉ là con trỏ chuột và các hành vi/thói quen có tính chất võ đoán như trước.
Bondee là một nền tảng mới và chưa có nhiều nước đi cụ thể. Họ cũng lên tiếng phủ nhận việc mình thu thập thông tin thanh toán của người dùng. Song với một suy nghĩ thực dụng, ta biết công ty này phải tìm thấy lợi ích từ người dùng thì mới kinh doanh mạng xã hội.
Nhìn chung, có một đời sống số hạnh phúc không có nghĩa là cuộc sống thực tế của chúng ta sẽ tốt hơn. Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn còn ở ngoài kia, và cơ thể người vẫn cần thực phẩm và không khí để tồn tại. Liều thuốc giảm đau mạng xã hội luôn chỉ là tạm thời và thậm chí còn có tác dụng phụ. Và chúng ta, ít nhất ở thời điểm này, chưa đủ khả năng để thoát khỏi những gì đang diễn ra ở thế giới thực.