Cuộc đối thoại với bản thân của Ngô Nhật Trường

Với Ngô Nhật Trường, vẽ không phải là một nghề cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà là cuộc đối thoại với bản thể, cả trong lẫn ngoài.

Phan Chung
Ngô Nhật Trường

Nguồn: Ngô Nhật Trường

Ngô Nhật Trường (1989) tự nhận mình là người không chuyên. Anh có thể đóng phim, ca hát, đặc biệt là vẽ tranh... Những lúc rảnh rỗi, anh thường bày giấy mực ra giữa khu vườn của mình để vẽ. Đa số tranh anh họa đều có chủ đề Phật giáo, xen lẫn đó là hoa lá, cây cỏ.

"Anh không phải là họa sĩ hay nghệ sĩ gì đâu. Anh thích vẽ tranh thôi." - Ngô Nhật Trường giải thích ngay bởi sợ gây hiểu nhầm. Câu chuyện thực sự bắt đầu từ lời "thú nhận" đó, khiến tôi hứng thú tìm hiểu về một người kiên nhẫn thực hành nghệ thuật trong thường nhật.

Không phải là họa sĩ, anh vẽ tranh là vì...

Mình nghĩ dù chuyên hay không chuyên, chúng ta vẽ là vì chúng ta yêu thích. Mình cũng vậy. Mình thích vẽ. Với mình vẽ tranh là một cách đối thoại, cả bên trong lẫn bên ngoài bản thân. Vẽ tranh hay lắm, nó thể hiện thông điệp phản chiếu từ cái nhìn của người vẽ. Với riêng mình, vẽ còn là một phương pháp thực hành thiền định hiệu quả.

Có gì trong hình ảnh Bồ Tát khiến anh vẽ nhiều đến vậy?

Mình nghĩ là do có duyên đó. Từ nhỏ, mình đã may mắn được theo bà ngoại hành hương khắp nơi. Tới khi lớn, mình được tìm hiểu thêm nhiều kinh văn Phật giáo. Hình ảnh các vị Phật, Bồ Tát vì thế mà quen thuộc, khắc sâu trong đầu mình.

Anh sẽ miêu tả tác phẩm của mình như thế nào cho một người không biết gì về anh hay tranh Phật?

Mình thích lắng nghe người khác miêu tả tác phẩm của mình hơn. Mình nghĩ thế này, chúng ta nên dành trọn vẹn khoảnh khắc để ngắm nhìn một bức tranh mà không cần quan tâm đến bất cứ điều gì, tác giả, trường phái hay đại loại những thứ tương tự thế... Chúng ta cứ thưởng lãm và cảm nhận thôi được không?

Đâu là điều quan trọng nhất để vẽ một bức tranh?

Mình nghĩ điều quan trọng nhất chính là yêu thích và thấu hiểu. Sự yêu mến giúp mình có động lực và việc nghiên cứu sẽ giúp mình diễn tả đúng nhất về nhân vật; câu chuyện mà mình muốn thể hiện lên tranh. Ngoài ra, sự nhẫn nại và rèn luyện thực hành vẽ cũng quan trọng để tác phẩm trở nên hoàn thiện hơn.

Anh nghiệm ra điều gì sau mỗi lần hoàn thành một bức tranh?

Khi mình xem lại những bức vẽ đầu tiên, thật sự vừa mắc cỡ lại vừa vui. Mắc cỡ vì mình thấy xấu quá; vui là vì mình đã tiếp tục đến bay giờ và hoàn thiện mình hơn. Sau mỗi lần vẽ, mình học được tính nhẫn nại, nhận biết cái dở, tính không hoàn hảo, sự vô thường của mọi vật qua những lần đặt cọ xuống một tấm vải, hay giấy.

Mình cũng học được tính cẩn thận và cẩn trọng. Đôi khi, công sức cả mấy tuần biến mất chỉ trong vài giây vì lỡ dại xịt lớp keo bảo vệ, phá hỏng hết màu sắc và bề mặt của một bức tranh.

Ngoài vẽ Phật ra anh còn vẽ về chủ đề nào nữa?

Mình còn thích vẽ về cây cỏ, những thứ bé nhỏ khác. Thực vật luôn có sức hút đặc biệt với mình. Nhưng mình biết khả năng có hạn của mình nên vừa đợi đủ duyên vừa luyện tập dần dần.

Điều gì trong nghệ thuật khiến anh nổi da gà?

Là sự chân thật. Những tác phẩm khiến mình rung động, chạm đến cảm xúc bên trong từ sự trải nghiệm cá nhân. Mình đã chực khóc vì vẻ đẹp của nó, sự chân thật đó.

Anh sẽ chọn tác phẩm nào để gửi đến một người đang lạc lối?

Nếu biết được tác phẩm nào thì mình đã không lạc lối rồi (cười). Mình nghĩ, nghệ thuật với vẻ đẹp của nó, là một phương thuốc hữu hiệu để chữa lành nội tâm. Càng thưởng lãm nhiều, càng xem nhiều, càng nghe nhiều... chúng ta sẽ biết yêu nhiều hơn.

Vậy thì, khi không vẽ anh sẽ làm gì?

Ngoài vẽ mình còn nhiều sở thích khác, phải kể đến âm nhạc đầu tiên. Mình thích nhạc Việt xưa và Jazz nên cũng có tham gia thu âm cho 2 trang nhạc phi lợi nhuận về 2 dòng nhạc này.

Ngoài ra mình còn thích đi rừng và trồng cây. Mỗi lúc rảnh rỗi mình đều lên rừng. Bây giờ thì mình có một tiệm cây nên dành nhiều thời gian để chăm sóc "khu rừng nhỏ" này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục