Cuộc thi vẽ "Hù: Quả Báo": Khi hoạ sĩ vẽ về những tội lỗi đương thời
Trong những ngày cuối giãn cách xã hội, giới sáng tạo của Việt Nam lại lần nữa trở nên sôi nổi với cuộc thi Hù: Quả Báo. Tiếp nối chủ đề tâm linh của Hù: Đi Đêm Có Ngày Gặp Ma, cuộc thi mang concept vừa hài hước, vừa đáng sợ.
“Hãy chỉ điểm những tội lỗi đương đời và đưa ra những hình phạt thích đáng.” Một đề bài không chỉ gợi sức sáng tạo của người vẽ, mà còn chạm đến những bức bối và khó chịu trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là trong khoảng thời gian giãn cách vừa qua.
Sau khi theo dõi nhiều tác phẩm dự thi độc đáo, Vietcetera đã tìm đến Khô Mực, studio đằng sau cuộc thi mới lạ này. Mang theo sự tò mò, chúng tôi gặp và trò chuyện cùng anh Long Đặng và Simon Phan — hai nhà sáng lập studio, để nghe cả hai chia sẻ thêm về cuộc thi.
Concept “tội - phạt”: chủ đề của những cuộc đối thoại
Ý tưởng ban đầu của Quả Báo là tạo ra một “tầng địa ngục thứ 19,” nhằm xử lý các vấn đề đương thời nhức nhối trong xã hội. Nhưng “tầng địa ngục” thường chỉ gợi nhớ người ta về những tội lớn như ngoại tình hay trộm cướp mà bỏ qua các tội nhỏ hơn như vứt rác bừa bãi hay vượt đèn giao thông. Vì vậy, Quả Báo ra đời như một cách để các nghệ sĩ vừa thoả sức sáng tạo, vừa “đỡ gánh” cho Diêm Vương.
Với tinh thần vui vẻ và dí dỏm, chủ đề “tội - phạt“ mang tính phổ quát và không bị cứng nhắc vào một tôn giáo hay tín ngưỡng cụ thể, giúp mở rộng phạm vi sáng tạo của người tham gia. Những loại tội lỗi khiến người tham dự quan tâm cũng vô cùng đa dạng: từ những điều rất nhỏ khiến ta khó chịu như seen không trả lời, chụp quá nhiều selfie… cho đến những vấn đề nhức nhối hơn như tin giả, sao chép nghệ thuật hoặc bắt nạt trên mạng xã hội.
Tương tự cuộc thi vẽ con ma năm ngoái với hiệu ứng phản quang, lần này, Quả Báo chọn hiệu ứng Red Reveal với hai layer màu xanh lá và đỏ chồng lên nhau. Anh Simon giải thích hai layer này tương thích với hai bức vẽ, tạo ra sự mập mờ và liên đới giữa những “tội” gây ra kèm “hình phạt” thích đáng. Hiệu ứng này không chỉ phù hợp về concept mà cũng phù hợp cho kỹ thuật in riso, đồng thời tạo ra sự thích thú về thị giác và tương tác cho người xem.
Concept “tội - phạt” cũng là một dịp để nghệ sĩ tự vấn lại bản thân, về quan niệm sống và những điều quanh mình rồi truyền tải qua bút vẽ. Bởi nhân-quả là chủ đề không của riêng ai, cuộc thi cũng mở ra những cuộc đối thoại hai chiều giữa người xem và người tham dự. Quả Báo là dịp gợi mở những chủ đề to nhỏ thường nhật, giúp tăng ý thức của cộng đồng.
Anh Long chia sẻ nhiều nghệ sĩ nhận xét rằng đề bài năm nay khá thách thức. Bởi nó đòi hỏi người vẽ phải dành thời gian nghiên cứu và suy ngẫm về nội dung, thông điệp của tác phẩm hơn là chỉ chú trọng vào thẩm mỹ và tính minh hoạ của bài vẽ. Đồng thời, bài vẽ cũng chỉ gói gọn trong hai sắc xanh-đỏ và phải tôn lên được hiệu ứng red reveal; điều này lại đòi hỏi người vẽ phải có thêm một bước tìm hiểu và cân chỉnh.
Mở rộng cuộc thi để tìm ra những cái tên mới
Thay vì chỉ gói gọn trong Sài Gòn như hai cuộc thi trước đây của Khô Mực, Quả Báo có quy mô rộng khắp Việt Nam. Nhận về hơn 180 bài dự thi, đội ngũ không chỉ gặp lại những nghệ sĩ cũ trong cuộc thi năm ngoái mà còn nhận được rất nhiều bài dự thi từ những cái tên rất mới, thậm chí là ở tận Hoàng Sa.
Anh Simon cho rằng nhìn thấy nhiều nghệ sĩ hứng thú tham gia là một tín hiệu đáng mừng. Với những cái tên cũ, ta có thể quan sát sự phát triển của họ. Với những cái tên mới, cuộc thi có thể trở thành một bệ phóng tiềm năng.
Cuộc thi lần này cũng có sự có sự đồng hành của hai nghệ sĩ minh hoạ Trần Nguyễn Trung Tín, Lys Bui (lys_bui) trong ban giám khảo và anh Sói Ăn Chay làm cố vấn nội dung. Các thí sinh chung kết cũng sẽ được tham gia các buổi workshop về risograph để giao lưu và trau dồi các kiến thức in ấn.
Nói thêm về các dự án sáng tạo, anh Long cho rằng trong thời gian gần đây các cuộc thi sáng tạo cũng bắt đầu mang nét độc đáo riêng và tập trung vào tính địa phương. Các dự án cũng mang tính cạnh tranh lành mạnh, và là một hình thức rất tốt để xây dựng cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam. Nó giúp nghệ sĩ gặp gỡ, kết nối và định vị được mình trong giới, cũng như tạo cảm hứng để phát triển. Với người xem, họ cũng sẽ có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật và tìm thấy những cái tên đáng theo dõi.
Kết
Sau các buổi workshop và thực hiện in ấn, Khô Mực sẽ tổ chức buổi triển lãm của cuộc thi dưới cả hai hình thức online và offline. Triển lãm offline sẽ mang nhiều tính tương tác và trải nghiệm phối hợp hiệu ứng red reveal. Triển lãm online sẽ thể nghiệm hơn với một “tầng địa ngục” ảo để người xem lần mò, khám phá.
Và khi được yêu cầu nhận xét về các tác phẩm dự thi, hai anh đã cho chúng tôi 3 tính từ: bất ngờ, triển vọng và… cà khịa!
Vào ngày 15/10 Khô Mực Studio đã công bố kết quả chính thức danh sách tác phẩm chung cuộc. Bạn có thể theo dõi thêm thông tin ở các kênh:
Website | Facebook | Instagram