Khô Mực Studio - Một xưởng in risograph ở Sài Gòn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 01, 2019

Khô Mực Studio - Một xưởng in risograph ở Sài Gòn

Khô Mực Studio là một xưởng in độc lập ở Sài Gòn áp dụng hình thức in mới, risograph - sự kết hợp giữa in ấn kéo lụa và photocopy.

Khô Mực Studio - Một xưởng in risograph ở Sài Gòn

Gây được tiếng vang trong cộng đồng in ấn độc lập quốc tế, không khó để thấy in risograph (hay riso) đang được giới nghệ sĩ đón nhận và chú ý vì màu sắc cũng như hình thức thể hiện đặc biệt của nó.

Trò chuyện cùng anh Đặng Thành Long và Simon Phan, hai nhà sáng lập của Khô Mực Studio – xưởng in riso độc lập đầu tiên ở Sài Gòn, chúng tôi tìm hiểu về kỹ thuật in mới này và khác biệt của risograph so với in ấn thông thường.

https://vimeo.com/296248414

Một xưởng in độc lập ở Sài Gòn

Khi nhắc đến từ ‘xưởng in’, chúng ta sẽ tưởng tượng ra mùi mực khét, tiếng máy in chạy liên hồi hay cơ man những bản in ngổn ngang chiếm hết không gian làm việc. Nhưng không, Khô Mực Studio nằm gọn trên tiệm sách Inpages trên con đường Lê Văn Miến, Quận 2. Với điểm sáng là chiếc máy in risograph, không gian làm việc của họ chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông. Nhấn nhá thêm vài sản phẩm nghệ thuật mà cộng đồng nghệ sĩ gửi gắm Khô Mực làm đầu ra.

Đặng Thành Long gọi việc mở xưởng in Khô Mực là ‘duyên’ khi anh đến Singapore tìm kiếm hơi thở của cộng đồng nghệ thuật thế giới và nhìn thấy những sản phẩm được in risograph. Cách thể hiện màu mực lên tấm giấy thô sơ mà tinh tế đã cuốn hút anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Về phần Simon, nghệ sĩ Illustrator độc lập kiêm đồng sáng lập Khô Mực Studio, anh biết đến công nghệ in này khi đang ở Anh cách đây 5 năm về trước.

Khô Mực Studio Một xưởng in risograph ở Sài Gòn0
Những tác phẩm của nghệ sĩ sáng tác theo chủ đề ‘khô mực’. Nguồn: khomuc.me

“Khô Mực Studio muốn cho mọi người biết thêm về cách in risograph. Khi mới thành lập, tụi mình có tổ chức một sự kiện nhỏ kêu gọi nghệ sĩ sáng tác tranh theo chủ đề ‘khô mực’. Sau đó sẽ chọn ra 22 tác phẩm đẹp nhất và hỗ trợ các nghệ sĩ in tác phẩm đầu ra cho họ, giúp họ trở thành những người đầu tiên trải nghiệm hình thức in kiểu mới này,” anh Long chia sẻ.

Và thế là Khô Mực Studio, xưởng in risograph độc lập đầu tiên ở Việt Nam ra đời.

Vậy, in risograph là gì?

Máy in risograph, theo anh Long giải thích, về bản chất là một chiếc máy in siêu nhanh, là sự kết hợp của in kéo lụa và máy photocopy. In kéo lụa là in chồng lớp để tạo ra bản in đủ màu, kết hợp với tính chất ‘nhân bản’ (duplicate) nên có thể tạo ra hơn 100 bản/phút.

Risograph là một kỹ thuật in đến từ Nhật Bản. Mực in risograph có nguồn gốc từ đậu nành hữu cơ không chứa chất làm khô. Kết quả là mực không bao giờ khô hoàn toàn, phải thật cẩn thận khi in vì chỉ cần dùng ngón tay chà xát mực cũng có thể nhòe. Ở Việt Nam, việc lựa chọn màu mực còn hạn chế. “Chúng mình phải nhập về một số màu mực mới như hồng neon hay ánh kim. Khi Khô Mực mới mở cửa đón khách, chúng mình phải ngồi chờ suốt ba tháng mực mới về đủ. Kể ra cũng là một trải nghiệm!” anh Long chia sẻ.

Khô Mực Studio Một xưởng in risograph ở Sài Gòn1
Trống in, hay còn gọi là ‘drum’ giúp đẩy mực từ màn hình lên giấy thông qua máy.

Đến bây giờ khi mọi thứ đã ổn định, Khô Mực vẫn đang cùng họa sĩ thử nghiệm in chồng lớp theo những kiểu khác nhau.

Vẻ đẹp nằm ở quá trình

“In ấn kỹ thuật số thông thường (digital printing) giống như hoàn thành một tác phẩm thụ động, nơi người nghệ sĩ chỉ quan tâm tới thành phẩm cuối cùng. Với risograph, quá trình in ấn cũng là một vẻ đẹp,” anh Simon giải thích.

Khi in, một đội ngũ gồm nhà thiết kế và studio phải bàn luận từ việc thử giấy, chạy màu tới phương thức in. Do đặc trưng của risograph là kỹ thuật chồng màu, người nghệ sĩ phải tính toán rất kỹ trong khâu thiết kế để in ra màu giống với ý đồ nhất. Ví dụ, muốn cho ra màu xanh lá thì anh ấy phải tính có bao nhiêu % màu xanh dương và bao nhiêu % vàng.

“Khi lớp thứ hai chồng lên lớp đầu, mọi người bắt đầu ồ à. Đến lớp thứ ba là chồng được nhiều nhất 6 màu khác nhau lên bản in rồi, mọi người lại ồ à to hơn nữa,” anh Long nhớ lại. Cứ như vậy, từ ngạc nhiên tới mãn nguyện, người nghệ sĩ chứng kiến tác phẩm của mình thành hình.

Khô Mực Studio: thương mại hay nghệ thuật?

Khô Mực là một xưởng in nghệ thuật độc lập, nhưng suy cho cùng cũng vẫn mang trong mình bài toán cân bằng giá trị thương mại và nghệ thuật.

Định hình là một xưởng in thân thiện với môi trường, Khô Mực Studio sử dụng mực đậu nành, nói không với nylon và sáng tạo từ những bản giấy in thừa. Studio này mong muốn tìm kiếm những khách hàng cùng hướng đến những giá trị bền vững và có chung phong cách thiết kế như mình. Với cách làm việc kỹ lưỡng, kiểm soát tối đa chất lượng và màu sắc bản in, Khô Mực tin rằng mình có thể đồng hành cùng những sản phẩm bao bì, thực đơn từ những thương hiệu mang hơi hướng ‘sống xanh’ tại Việt Nam.

Khô Mực Studio Một xưởng in risograph ở Sài Gòn2
Khô Mực nhận in ấn ngay cả với số lượng bản in ít nhất 10 bản để ủng hộ các nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, nằm trong dòng chảy của nghệ thuật độc lập, Khô Mực nhận in ấn ngay cả với số lượng bản in nhỏ để ủng hộ các nghệ sĩ. Hiểu được tấm chân tình này, giới họa sĩ tiếp tục quay lại gửi gắm Khô Mực tác phẩm của mình.

Lời khuyên nào trước khi trải nghiệm in risograph?

Risograph không giống bất cứ trải nghiệm nào cộng đồng in ấn và họa sĩ từng có tại Việt Nam. Vốn quen với in ấn kỹ thuật số, nhiều nghệ sĩ không lường trước rằng họ phải tính toán từng chi tiết hay màu sắc trong quá trình thiết kế. Tuy nhiên, Risograph tôn vinh sự không hoàn hảo, sự không đồng đều về màu sắc cũng chính là cách tạo ra từng nét riêng cho mỗi bản in riso.

Theo Long và Simon, khâu quan trọng nhất vẫn là trao đổi, thảo luận trước khi in để cả người thiết kế và Khô Mực Studio hiểu về quy trình làm việc của nhau. Đây chính là chìa khóa để tận dụng tối đa trải nghiệm với in risograph và tránh các lỗi phổ biến liên quan đến việc tạo bản in nhiều lớp.

Ngoài ra, để giới thiệu trải nghiệm in risograph tới nhiều người hơn, Khô Mực thường tổ chức hai buổi workshop mỗi tháng nơi bạn có thế sáng tác và tự tay trải nghiệm sản phẩm sáng tạo của chính mình.

Khô Mực Studio Một xưởng in risograph ở Sài Gòn3
Khâu quan trọng nhất trước khi trải nghiệm kiểu in riso vẫn là trao đổi, thảo luận để cả người thiết kế và Khô Mực hiểu về quy trình làm việc của nhau.

“Đây là một trải nghiệm từ màn hình đến cái chạm” – Simon chia sẻ. Thân thiện với môi trường, nhanh chóng và sáng tạo, không khó để thấy sự hấp dẫn của kỹ thuật in riso trong tương lai sẽ hấp dẫn cả cộng đồng sáng tạo lẫn in ấn.

Facebook | Instagram | Website

Xem thêm:

[Bài viết] Inpages: Đam mê sách cùng đồng sáng lập Đặng Thành Long

[Bài viết] Zó Project: Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt