Cường Đàm: Thiết kế một chiếc váy cũng phải tuân theo tính logic của hình khối
Nhà thiết kế Cường Đàm tốt nghiệp ngành kiến trúc rồi rẽ ngang sang lĩnh vực thời trang, nhìn lại hành trình đó hẳn sẽ là một câu chuyện đầy bất ngờ và thú vị. Sau hơn 10 năm làm nghề, bắt đầu từ con số 0, giờ đây, đội ngũ của nhà thiết kế Cường Đàm đã lên đến 50 người với hai thương hiệu phủ sóng thị trường là Chats và C.DAM.
Cường Đàm tự nhận mình là người chỉn chu, cầu toàn, luôn cố gắng mang nghệ thuật, hình khối vào trong sáng tạo và sản phẩm. Mỗi bộ sưu tập, thiết kế của Cường Đàm được giới chuyên môn đánh giá là sự hòa quyện của thời trang và điêu khắc thông qua các kỹ thuật xếp ly, ly rút nhỏ đầy tinh xảo, nhằm biểu đạt chuyển động của trang phục.
Vậy câu chuyện xây dựng thương hiệu của anh có gì ấn tượng, đâu là điều khiến kiến trúc có thể gắn liền với thời trang, và làm cách nào một thương hiệu suốt 10 năm không có chương trình giảm giá vẫn có luôn được đón nhận?
Khi chuyển từ kiến trúc sang thời trang, anh đã phải quên đi những gì?
Kiến trúc là một lĩnh vực có sự chắc chắn gần như tuyệt đối. Ví dụ, để xây được một ngôi nhà, kiến trúc sư phải tính toán rất kỹ, căn nhà đó nhìn từ bên ngoài vào ra sao, tránh nóng thế nào, bậc thang cao thấp sắp xếp ở đâu.
Giống như một bài toán có nhiều dữ kiện, nhưng kết quả thì lại vô cùng ít, thiết kế đòi hỏi người làm nghề phải có sự tính toán rất chặt chẽ. Và sự chặt chẽ đó khi bước chân vào môi trường thời trang, tôi lại phải tạm quên nó đi.
Lý do bởi vì, những nét vẽ tượng nhà, gióng ngang dọc thường rất vuông vắn, chặt chẽ và khô cứng, mà thời trang lại luôn đòi hỏi có yếu tố cảm xúc trong mỗi thiết kế. Thời gian đầu theo học trường thời trang, tôi là một trong những người vẽ tệ nhất lớp.
Có một thời gian tôi đã cố gắng đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân đó. Đến khi so sánh nét vẽ của mình với người khác thì tôi nhận ra, sản phẩm của mình luôn rất thẳng thắn, đều đặn, gọn gàng và ít cảm xúc. Nên từ đó, tôi phải tạm quên đi những lý thuyết hàng lối trong kiến trúc để kích thích yếu tố sáng tạo trong thời trang.
Bên cạnh đó, hãy tưởng tượng, nếu nhà là thứ bao trùm lên người theo nghĩa rộng lớn và chứa con người thì thời trang ngược lại, đó là thứ phải sát với người. Chúng ta có thể nhìn bức tường của ngôi nhà từ rất xa nhưng vải vóc thì có thể chạm vào, bao phủ lên người từ trên xuống dưới.
Vậy nên, tôi cũng phải thay đổi cách tưởng tượng về không gian để hiểu về cơ thể nhiều hơn. Đó cũng là điều thứ hai tôi phải tạm quên đi - khái niệm về không gian rộng lớn.
Khi đi sâu vào thiết kế thời trang, đặc biệt là thiết kế đồ cho phái nữ, tôi phải tìm hiểu về những ưu nhược điểm trên cơ thể mà người phụ nữ thường có, họ muốn tôn vinh cái gì, che dấu cái gì. Đó là những khái niệm hoàn toàn khác khi tìm hiểu về một ngôi nhà hay công trình kiến trúc.
Theo anh, giao điểm của kiến trúc và thời trang ở đâu? Mỗi lĩnh vực bổ trợ cho nhau thế nào?
Khi vừa bước ra khỏi trường kiến trúc, tôi đã thử sức với những gì mình đam mê và thường làm mọi thứ theo cách mình nghĩ là đúng. Đến năm 2018, đi học chuyên nghiệp về thời trang thì tôi mới thật sự hiểu rõ về thiết kế cũng như cách làm đồ.
Ở kỳ học đầu tiên, tôi có rất nhiều ý tưởng về một chiếc áo sơ mi của riêng mình. Đó sẽ là áo sơ mi rộng, may bằng chất liệu trong suốt đắt tiền, thêu con phượng,.. Trong tưởng tượng của tôi đó là chiếc áo rất sang.
Nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện từng bước, quá trình làm moodboard đã gợi mở lên cho tôi rất nhiều thứ. Càng tìm hiểu sâu và xây đắp những khả năng thực tế thì tưởng tượng ban đầu của mình càng mờ đi.
Tôi đã thử bắt đầu sắp xếp hình khối lạ hơn, xử lý chất liệu vải khác hơn, vải dày chứ không phải vải mỏng, cũng chẳng sử dụng đến hình thêu tay. Khi đó, tôi nhìn thấy được rõ hơn giao điểm trong thiết kế kiến trúc và thiết kế thời trang. Đó là việc sử dụng các hình khối cứng cáp nhưng khi áp lên cơ thể lại rất tôn trọng con người.
Kiến trúc và thời trang có thể tách rời nhau nhưng đồng thời đôi khi chúng lại song hành cùng nhau. Tôi nhận ra điều đó khi biết kết hợp giữa cứng và mềm trong một món đồ để biến ý tưởng thành một sản phẩm hoàn thiện và nhiều tính ứng dụng.
Chiếc áo sơ mi đấy là thiết kế đầu tiên tôi biết sử dụng hình khối ở trên vải. Trước đây tôi chỉ biết áo cổ tròn hay cổ tàu, áo sơ mi cài cúc trước hay cúc sau,.. rồi mới bắt đầu nghĩ đến ý tưởng về sự phá cách như tay áo, cổ áo, thân áo. Để sau cùng, mọi thứ dù có trộn lẫn với nhau thế nào cũng sẽ vẫn giữ được ý niệm về sự gọn gàng vuông vắn cũng như mềm mại, tinh tế của riêng nó.
Với mỗi thiết kế hay dự án sau này, tôi cũng hiểu được rằng trong quá trình làm việc và sáng tạo, mình không cần tưởng tượng hay gắn cho nó một cái khung quá chắc chắn. Mọi ý tưởng và sự đột phá luôn có thể đến bất cứ lúc nào, đặc biệt khi mình gặp được những con người mới và nghĩ về những điều cả mới lẫn cũ.
Làm sao để anh diễn giải tư duy thiết kế của mình một cách trọn vẹn nhất?
Quá trình làm một dự án mình phải nghiên cứu thật nhiều, quên đi những điều mình đã biết, biết thêm những thứ mới, để không bị đóng khung trong những thứ đã được làm ra mất rồi. Tôi thường đặt ra những kỳ vọng cho bản thân nhiều hơn đặt ra kỳ vọng cho những người đi cùng hay sự đón nhận của mọi người. Tôi luôn quan niệm phải làm việc được với chính mình trước.
Mỗi người sẽ có cách làm việc riêng với nghề và nhiều cách thể hiện khác nhau. Tôi luôn muốn diễn giải thời trang theo nhiều tầng ý nghĩa. Ví dụ show diễn Inflowing (Hướng tâm) tôi đã diễn giải bằng nhiều lớp khác nhau.
Đầu tiên, show diễn chia làm ba phần chính. Phần đầu tiên là tông màu trắng đen của năm người mẫu, mặc toàn đen và trắng. Họ đi ra cùng cửa và đan vào nhau, mà quan niệm giữa âm dương của người Á Đông từ trước đến nay. Đây cũng là cách tôi kể về những chuyện đã qua, cũng là màu sắc của nỗi buồn, những điều nặng nề.
Nếu phần đầu buồn vậy thì phần hai lại nhiều màu sắc hơn, nhạc cũng gợi mở và tươi mới hơn rất nhiều. Phần hai là tưởng tượng của tôi về thời trang Việt Nam, con người Việt Nam thay vì cứ nhớ mãi về những thứ buồn bã thì sẽ biết thêm nhiều câu chuyện vui rộn ràng. Đấy là ví dụ khi tôi diễn giải về thời trang của mình, luôn hướng đến sự "nhiều lớp lang."
Khi đi học, chúng ta được thầy đưa ra những công trình kiến trúc rất nổi tiếng, nhưng mọi người lại quên chỉ làm thế nào để sáng tạo không giống những thứ đấy. Giống như đi học thì chép văn mẫu sẽ dễ hơn là tự viết một bài văn của riêng mình. Đấy là điều người làm nghệ thuật nói chung và thiết kế thời trang nói riêng ở Việt Nam còn thiếu.
Sau một thời gian làm nghề, tôi nhận ra có một cách để khắc phục là hãy đi sâu vào những thứ sơ khai, sơ cấp, bóc tách từng chi tiết để hiểu về mọi thứ một cách vẹn nguyên nhất.
Với nguồn cảm hứng từ cái nón, nhà thiết kế có thể tạo ra những bộ đồ với hình khối rất hay, còn với mình, tôi nghĩ mình sẽ bóc từng chi tiết xem nó được khâu bằng sợi chỉ như thế nào, hình thành bằng chất liệu gì, dát lên khung nón ra sao, độ xòe của cái nón,...
Hiểu được nguồn gốc và chi tiết mọi thứ sẽ khiến ta biết được các lớp lang vấn đề, từ đó có cách diễn giải thỏa đáng và tinh gọn nhất.
Ranh giới giữa sáng tạo từ cái có sẵn và sao chép trong thiết kế thời trang ở đâu?
Chúng ta hãy tạm coi mỗi món đồ thời trang như một con người, như vậy nó sẽ có phần xác và phần hồn. Và nếu phần xác có đặc điểm hơi giống nhau thì đó là điều không thể tránh khỏi. Giống như con người sẽ có rất nhiều đặc điểm hay hình dáng giống nhau, đồ vật cũng thế.
Ví dụ, một cái áo vest sẽ có cổ áo, vai áo, tay áo, những chi tiết cơ bản giống nhau, nên việc học tập và trùng ý tưởng, tương đồng trong thiết kế đôi khi vẫn có thể xảy ra. Nhưng thứ để nhận diện mỗi con người và sản phẩm không phải bản sao của cái khác chính là phần hồn.
Phần hồn của bộ đồ thể hiện rõ nhất khi nó được đặt vào trong một bộ sưu tập. Mỗi bộ sưu tập phải có câu chuyện riêng, sự kết nối và tính đồng nhất.
Có thể cùng là một bộ sưu tập kể câu chuyện về người phụ nữ, nhưng mỗi sản phẩm trong bộ sưu tập này hình tượng người phụ nữ quyến rũ hơn, táo bạo hơn, giấc mơ của họ long lanh hơn thì ấn tượng của khách hàng về nó sẽ khác hoàn toàn.
Một nhà thiết kế thật sự phải tạo nên được hơi thở mới, tính cách mới cho mỗi bộ đồ của mình thì mới là sáng tạo. Nếu từ phần xác đến phần hồn, từ chất liệu, hình dáng đến câu chuyện, tinh thần của sản phẩm đều giống nhau thì đấy là sao chép chứ không phải học hỏi.
Anh nghĩ điều gì ở sản phẩm của mình khiến khách hàng lựa chọn và quay lại?
Đầu tiên ở thương hiệu Chats, càng đi đường dài tôi càng thấy tốt hơn. Đó cũng là khó khăn của đội ngũ trong việc phải làm cho nó mỗi ngày tốt hơn. Nếu mọi thứ đều đều thì không sao, nhưng vì nó đã tốt rồi thì phải cố gắng tốt hơn ngày hôm trước.
Đấy là một trong những lý do khách hàng luôn quay lại, khi mà trong ba năm qua, Chats không có chương trình giảm giá nào. Khách hàng mua sản phẩm không lo tuần sau hay tháng sau sẽ bị mất giá, vì thế mọi người cũng vui vẻ hơn.
Thứ hai, việc hiểu khách hàng giúp tôi đưa ra được những thiết kế làm khách hàng đẹp hơn, vui hơn, tự tin hơn khi mặc lên người.
Cùng với đó, tôi sử dụng những nhiều chất liệu có tính ứng dụng cao, như phần vai cử động nhiều sẽ giãn, phần thân cần ép lại thì chất phải cứng, từ đó tôi sẽ sử dụng chất liệu thoải mái khi cử động và bền khi co giãn. Hiểu khách hàng sẽ giúp nhà thiết kế biết cách tối ưu sản phẩm của chính mình.
Cuối cùng là dịch vụ thiết kế theo yêu cầu của khách hàng. Với tập khách hàng khá lớn, trải dài nhiều độ tuổi và quốc gia, tôi có cơ hội thiết kế những món đồ dành riêng cho từng đối tượng. Mỗi quốc gia là một hình thể, màu da, sở thích khác nhau, Chats và C.DAM luôn cố gắng thiết kế cho từng người khi họ yêu cầu, vì thế họ rất vui.
Có những khách hàng trước đây luôn nghĩ phải người mẫu mới mặc được như vậy, chưa được trải nghiệm thiết kế kiểu này thì nay lại được khoác lên mình những bộ đồ ưng ý, điều đó khiến họ rất quý trọng và luôn quay lại với tôi mỗi khi cần.
Có những ý niệm gì về thời trang và thiết kế mà anh sẽ không phá bỏ?
Cho đến bây giờ, thiết kế kiến trúc luôn ảnh hưởng sâu sắc trong quy tắc làm nghề và tôi sẽ không bao giờ bỏ đi. Điều đó có thể vừa có lợi, vừa có hại cho công việc nhưng tôi vẫn lựa chọn đi theo.
Đầu tiên là tính logic của hình khối, đường cong, đường thẳng, các chi tiết ráp nối vào nhau. Từ những ngày đầu làm thiết kế thời trang, tôi đã theo đuổi và thay đổi khá nhiều phong cách.
Nhưng điểm chung trong các nét vẽ, cách làm việc, phong cách thiết kế dù là với Chats đậm tính nữ hay C.DAM phá vỡ khuôn khổ, vẫn là sự chặt chẽ trong từng đường nét, không thừa thiếu khoảng nào, tính toán chi tiết từ mỗi đường may.
Nếu từng chụp ảnh hay xem tranh, bạn hẳn sẽ biết về tỷ lệ vàng. Cách sử dụng của người Á Đông sẽ chia tỷ lệ theo số chẵn 2,4,6,8 rất chặt chẽ. Ví dụ chiều rộng của nhà sẽ gấp đôi chiều cao, chiều cao của mái thì sẽ bằng một nửa ngôi nhà.
Còn với tỷ lệ của người châu Âu thì sẽ là 1,3,5,7. Ví dụ như nắp bút của người Đức thì sẽ bằng 1/3 thân bút. Đấy là lý do vì sao chiếc bút đắt tiền của Nhật và Đức thoạt nhìn sẽ sang xịn hơn, vì người ta có sự chia tỷ lệ chặt chẽ. Nhìn thì tưởng là không tính toán nhưng lại tính toán rất nhiều, tạo ra sự chắc chắn, khiến mắt nhìn đồ vật thêm phần hài hoà, sang trọng.
Với thời trang cũng như vậy, tôi luôn đặt nặng cách dùng tỷ lệ chặt chẽ, các đường may luôn phải khớp vào nhau, mặc dù có sự bay bổng, phóng khoáng nhưng khi lên dáng phải thật gọn gàng, logic. Ngay cả với việc kết hợp các màu sắc, chất liệu trên cùng một món đồ, tôi cũng đòi hỏi và yêu cầu với bản thân mình luôn khắt khe.
Thứ hai là tính chỉn chu. Ví dụ với thương hiệu Chats, khách hàng là những người phụ nữ 25-35 tuổi, ở độ tuổi đó, mọi người sẽ biết chắc chắn là phần bụng sẽ không thể quá phẳng, bắp tay không thể quá thon.
Như vậy, với tập khách hàng đó, tôi phải giúp họ giấu đi những thứ họ muốn giấu, tôn vinh được những đặc điểm khác như bờ vai, vì khi lớn tuổi, bờ vai khá trắng và gợi cảm, thanh thoát. Đó là sự chỉn chu của tôi khi nghĩ cho khách hàng. Đồng thời, cũng là sự chỉn chu khi mình sử dụng những chất liệu tôn dáng người mặc.
Bên cạnh đó, tôi còn cố gắng chỉn chu trong đường kim mũi chỉ, duyệt nội dung trên fanpage, hay lúc ở set chụp, tôi phải thấy gọn gàng từ tóc, make up, móng tay, ánh sáng chiếu vào mẫu, góc chụp,...
Tôi thường bị đồng nghiệp nói là kỹ tính quá mức. Điều đó có thể cũng đúng. Tuy nhiên với hai thương hiệu thuộc phân khúc cao, khách hàng cũng sẽ kỹ tính và đôi khi khó tính, vậy thì sự chỉn chu và kỹ tính đấy là yếu tố giúp tôi đi đường dài được tốt hơn, tạo ra những món đồ có sức sống lâu bền hơn.
Vasta Stone là thương hiệu đá nung kết cao cấp đầu tiên tại thị trường, tự hào được sản xuất tại Việt Nam bằng công nghệ hiện đại nhất của Ý cùng đa dạng các thiết kế Ý tinh tế. Với những ưu điểm về kích thước, độ cứng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, các sản phẩm làm từ đá nung kết là lựa chọn hoàn hảo cho mọi mục đích sử dụng, là giải pháp kiến trúc cho mọi không gian.