Dấn thân NFT, crypto, thời trang hưởng lợi hay sống trong rủi ro?

Những đầu tư cho thế giới ảo có thể mang đến nhiều nguy cơ ngoài đời thật. 
Trí Minh Lê
NFT và tiền kỹ thuật số có ý nghĩa gì với ngành thời trang? | Nguồn: RightClickSave

NFT và tiền kỹ thuật số có ý nghĩa gì với ngành thời trang? | Nguồn: RightClickSave

Thời trang không phải là ngoại lệ khi đã có nhiều động thái để bước chân vào thế giới ảo. Đặc biệt, dịch Covid-19 nổ ra khiến các cửa hàng vật lý phải đóng cửa và cửa hàng ảo lên ngôi.

Tuần lễ thời trang nay thậm chí còn diễn ra trong metaverse (gọi tắt là MVFW) với sự tham gia của 50 thương hiệu cao cấp và thương hiệu kỹ thuật số giới thiệu các bộ sưu tập mới.

Không chỉ dừng lại ở các sự kiện ảo, ngành thời trang còn vũ bão tiến vào các khái niệm mới mẻ như NFT, chấp nhận thanh toán bằng các đồng coin.

Nhìn xa hơn, khi mà metaverse (hay bất kì vũ trụ ảo nào khác) chính thức ra mắt, chúng ta sẽ dần va chạm với các khái niệm thời trang như cấu trúc, form áo từ pixel, nguyên liệu kỹ thuật số (digital material) chứ không phải là từ các loại vải vóc mà ta từng biết.

Virtual fashion đang có bước nhảy vọt

Thời trang kỹ thuật số có thể hiểu đơn giản là trang phục cho những nhân vật ảo trong các thế giới kỹ thuật số. Đây chẳng phải là khái niệm mới mẻ vì thực tế chúng ta đã va chạm với đồ ảo từ khá lâu. Nó chính là "skin” trong các game mà người chơi sẵn sàng bỏ tiền mua cho nhân vật của mình.

Tuy nhiên, game chỉ là một phần rất nhỏ so khi so quy mô dân số của metaverse sau này. Vào năm 2022, thị trường metaverse toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 47,48 tỷ đô la Mỹ. Nó sẽ tăng lên 678,80 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.

Trong vũ trụ ảo song song này, quần áo bây giờ không mang tính đánh trận như trong game, mà thể hiện phong cách sống của người dùng.

Rất nhiều thương hiệu thời trang kỹ thuật số đã ra đời trong vòng hai năm trở lại đây để phục vụ cho khách hàng đăng tải lên Instagram, Facebook. Tương lai, metaverse sẽ dần hoàn thiện cấu trúc và quy mô. Khi đó, thị trường thời trang ảo sẽ trở nên siêu lớn vì mở rộng đối tượng sang tất cả mọi người.

Tiền mã hóa mang đến tiềm năng lợi nhuận khổng lồ cho nhà mốt

Các thương hiệu thời trang cũng nhảy vào “Cuộc chiến digital fashion” từ rất sớm bằng cách góp mặt trong các tựa game và cung cấp/bán bản quyền cho các sản phẩm thời trang.

Trò chơi giả lập Second Life hợp tác với adidas, Armani hay Calvin Klein từ năm 2007. Năm 2021, Balenciaga ra mắt BST Thu/Đông thông qua trò chơi Afterworld: the Age of Tomorrow.

Các tập đoàn như LVMH, Kering trong năm 2022 liên tục đẩy mạnh và đầu tư vào các dự án NFTs và xây dựng thế giới ảo riêng của họ.

Louis: The game được ra mắt vào tháng 8 năm 2021 bởi Louis Vuitton. LV trao các phần thưởng cho người chơi là những NFTs dưới dạng postcards.

Thông qua cơ chế quà tặng hấp dẫn là các NFTs độc quyền của thương hiệu, người chơi sẽ phải tự thân vận động để có được các NFTs đó mà không lạm dụng công thức “pay2win” (trả để chiến thắng).

Gucci cũng trong động thái tương tự khi vừa công bố tham gia với một dự án mang tên là “New Tokyo” cùng với 10KTF. Người tham gia cần đăng kí để nằm trong “Allow list” để có điều kiện và cơ hội nhận được một trong 5000 “mint passess” (một dạng giống vé để xổ số).

Chủ tịch kiêm CEO của Kering là Francois-Henri Pinault đã cho biết với metaverse, ông thấy 3 tiềm năng tối đa doanh thu của thời trang cao cấp: NFTs liên kết với các sản phẩm vật lý, sản phẩm ảo và các hợp đồng. Điều này sẽ mang tới một số hời lớn nếu đầu tư và phát triển đúng cách.

Rủi ro về bản quyền và bất ổn tương lai của tiền mã hóa

Bước chân của thời trang vào thế giới ảo gặp vấn đề đầu tiên liên quan đến bản quyền. Có thể lấy ví dụ như là GTA (Grand Theft Auto) hay Simcity , khi người chơi có thể nhận ra nhân vật trong game sử dụng rất nhiều sản phẩm thời trang giống những thương hiệu nổi tiếng ở đời thật.

Tuy nhiên, vì né tác quyền nên các nhà sản xuất game đã tinh chỉnh lại tên thương hiệu để tạo thành fiction-brands (thương hiệu hư cấu) nhưng ai cũng có thể nhận ra đó là thương hiệu nào.

Với NFT, Hermes đã chính thức kiện người tạo ra túi Metabirkins - Mason Rothschild. Anh đã bị cáo buộc “xâm phạm thương hiệu” khi bán những chiếc túi ảo mang tên gọi Metabirkins. Các phiên bản túi NFT này sau đó đã bị gỡ khỏi nền tảng NFT OpenSea khi bị chủ sở hữu là Hermes lên tiếng.

Bên cạnh đó, mặc dù cả LVMH hay Kering đều đang háo hức với metaverse, NFTs, crypto, nhưng các tập đoàn vẫn rất thận trọng với “bong bóng” này. Vì vậy, các ông lớn vẫn đang tiến hành thử nghiệm nội bộ trước khi áp dụng trên quy mô lớn đối với thị trường.

Chủ tịch kiêm CEO của Kering Francois-Henri Pinault cho rằng thời điểm hiện tại vẫn còn quá nhiều rủi ro và chưa chắc chắn được tỷ lệ thành công là bao nhiêu với tham vọng số hóa thời trang.

Giai đoạn này còn gặp rất nhiều trở ngại về mặt công nghệ (tăng thêm tính thực tế bằng các công nghệ VR) và thời gian mà người dùng (đặc biệt là các khách hàng thời trang cao cấp) cần phải làm quen với sự thay đổi này.

Có những sự hoài nghi nhất định về NFTs trên thị trường và các chuyên gia lo ngại về tính thực tế của mặt hàng này. Viễn cảnh vỡ bong bóng có thể xảy ra khi thị trường không bền vững, số lượng người dùng hạn chế và tình trạng làm giá, lũng đoạn và lừa đảo tràn lan.

Thương hiệu cần cân bằng giữa thực và ảo

Trong bối cảnh metaverse và thực tế ảo phát triển, các kênh mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều hơn – 60% khách hàng ở Châu Âu vẫn muốn mua sắm tại các cửa hàng vật lý. Khách hàng muốn chạm trực tiếp các sản phẩm thực tế trước khi có quyết định mua hàng cuối cùng.

Điều này còn thường thấy ở các nhãn hàng cao cấp khi trải nghiệm tại các concept store (cửa hàng ý tưởng) cũng là một cách mà người dùng thể hiện giá trị bản thân của mình.

Các thương hiệu thời trang bắt buộc phải phát triển song song và cân bằng giữa các hệ thống cửa hàng vật lý và các kênh thực tế ảo. Điều này giúp khách hàng có trải nghiệm dễ dàng và thú vị hơn.

Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu khách hàng ngày càng bị giới hạn ở bên thứ ba (Google, Apple hiện đang làm chặt). Các công nghệ bán hàng mới sẽ phải giúp các nhãn hàng đào sâu được thị trường dựa trên sự tự nguyện cung cấp thông tin từ người mua.

Thời trang vốn là thế giới của sự phù phiếm, thời thượng và gắn liền với đời sống xã hội. Vậy nên, NFT, hay tiền mã hóa đến cuối cùng vẫn chỉ là một công cụ, một tô điểm thú vị cho cả một ngành công nghiệp luôn rất biết cách biến mình được bàn tán.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục