"Đang yên đang lành" sao phải nghĩ đến bảo hiểm?

và 4 hiểu lầm phổ biến về bảo hiểm.
Chi Nguyễn (The Present Writer)
Nguồn: Samson Katt/Pexels

Nguồn: Samson Katt/Pexels

Năm đầu tiên đến Mỹ đi du học bậc thạc sĩ, hạn mức học bổng của mình khá hạn hẹp. Mình và gia đình đã phải rất tiết kiệm để có thể chi trả được nhiều các chi phí.

Thế nên, khi nhà trường đưa ra các gói bảo hiểm “lạ” như bảo hiểm mắt, bảo hiểm răng, bên cạnh gói bảo hiểm toàn thân thông thường vẫn thấy như khi còn ở Việt Nam, mình đã không mua.

Quyết định này đã làm mình một phen thót tim không lâu sau đó.

Sau khi vào học được khoảng ba tháng, chiếc răng hàm của mình bị lung lay một mối hàn khá lớn, dẫn đến đau nhức đến mức không thể tập trung làm được việc gì khác. Nhưng lúc này bên cạnh nỗi đau răng, mình còn bắt đầu cảm nhận được một nỗi đau khác sắp tràn đến – nỗi “đau ví”.

Khi khám, bác sĩ nói rằng chiếc răng hàm của mình đang bị hư hại khá nhiều và có thể phải xử lý tủy răng. Như vậy,nếu mình không có bảo hiểm, chi phí sẽ đâu đó khoảng 1500 đô, tức là hơn 30 triệu đồng.

Trong lúc còn đang ngồi trên ghế khám và răng thì đang tê, mình đã gọi về cho mẹ ở Việt Nam vào giữa buổi đêm để hỏi mẹ xoay sở gửi vào tài khoản của mình 30 triệu. Đồng thời mình cũng trấn an mẹ, nếu không có đủ, mình có thể ra khỏi phòng khám, không sao cả.

Tất nhiên, thực tế là “có sao”. Nhưng may mắn thay, khi nha sĩ mở chiếc răng đau của mình thì thấy rằng bên trong vẫn còn tốt, chỉ cần hàn mối khác là mình có thể về với chiếc biên lai vài trăm đô thôi – dù cũng khá nhiều tiền với mình khi đó, nhưng thấp hơn gấp gần 10 lần số tiền phải trả nếu hỏng tủy răng mà không có bảo hiểm.

Sự kiện đó đã khiến mình nhận ra bảo hiểm cần thiết đến mức nào. Về sau này, khi có con mình cũng bắt đầu mua bảo hiểm nhân thọ.

Và khi nói về bảo hiểm, mình thấy rằng ở Việt Nam mọi người cũng có cách hiểu chung là bảo hiểm cần thiết, nhất là bảo hiểm sức khỏe. Nhưng không hiểu sao, vẫn có rất nhiều thông tin sai lệch về bảo hiểm và sự nghi ngại thường xảy ra khi mọi người nghe ai đó chia sẻ về đề tài này.

Trong bài viết này, dựa trên những kiến thức mình tích lũy và trải nghiệm cá nhân của một người nhiều năm mua bảo hiểm (không bán bảo hiểm), mình sẽ bàn về những hiểu lầm thường gặp về bảo hiểm, cũng như vai trò của bảo hiểm với tài chính cá nhân.

Hiểu lầm 1: Bảo hiểm là đầu tư sinh lãi

Mình từng gặp nhiều người nói rằng bảo hiểm là một công cụ gia tăng tài sản, tương tự như hoặc thậm chí tốt hơn việc bỏ tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Cách hiểu này có lẽ xuất phát từ việc trong phần lớn các trường hợp được bảo hiểm chi trả, bạn sẽ nhận được quyền lợi lớn hơn nhiều so với số tiền đã bỏ ra ban đầu, và một số gói bảo hiểm còn bao gồm liên kết đầu tư.

Nhưng theo đúng bản chất, bảo hiểm là một chiếc lưới giăng ra để đỡ mình khi gặp bất trắc. Mình không cần đến bảo hiểm lại càng tốt nếu có thể tự cam kết giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh, mình và gia đình không gặp phải tai nạn, rủi ro ngoài ý muốn nào.

Còn muốn nói đến đầu tư thì bảo hiểm không phải công cụ tối ưu nhất. Thứ nhất, tiền trong hợp đồng bảo hiểm không linh động, bởi nhiều gói bảo hiểm có những quy định khắt khe về thời gian rút tiền trước hợp đồng. Thứ hai, cơ chế sinh lời của bảo hiểm không hiệu quả vượt trội khi so với các hình thức đầu tư khác.

Với mình, miễn là còn khỏe mạnh, mình sẽ còn kiếm được tiền, thậm chí nhiều hơn số tiền lãi kiếm được từ bảo hiểm. Đấy là còn chưa kể các lựa chọn có thể giúp gia tăng tài sản nhanh hơn như đầu tư địa ốc, đầu tư cổ phiếu.

Khi mọi người không hiểu đúng thì dễ bị tư vấn sai, rồi từ từ mất niềm tin vào bảo hiểm. Trong khi về bản chất nó không hề xấu một chút nào.

Như ở Mỹ, trường đại học nơi mình đang làm việc yêu cầu 100% các cán bộ, nhân viên phải có bảo hiểm. Gói phúc lợi của trường có cung cấp gói bảo hiểm nhân thọ cơ bản. Nếu bạn muốn mua loại tốt hơn thì có thể tự mua ở ngoài, nhưng phải có chứng minh hay xác nhận rằng bạn đã mua.

Hành động “chịu chi” ở một đất nước tư bản như thế này không hẳn thể hiện sự “rộng lượng”, mối quan tâm đến cộng đồng. Nhưng nó có ý nghĩa lớn trong việc giúp tăng năng suất và hiệu quả làm việc của nhân viên, từ đó mang lợi cho cả hai bên - người lao động và người thuê lao động.

Nói cách khác, bảo hiểm là “tấm đệm” giúp mình cảm thấy yên tâm chăm sóc bản thân, gia đình mình tốt hơn, mình tập trung vào công việc hơn.

Hiểu lầm 2: Bảo hiểm đắt đỏ

Mọi người thường hay nói bảo hiểm rất đắt đỏ, nhưng chuyện đắt đỏ hay không phụ thuộc vào gói bảo hiểm mà bạn lựa chọn. Ví dụ, bảo hiểm nhân thọ có hai kiểu chính là bảo hiểm ngắn hạn và bảo hiểm trọn đời.

Chồng mình làm việc tự do (freelancer) nên không có công ty chi trả bảo hiểm như mình. Nhưng anh có mua loại bảo hiểm ngắn hạn sau khi tính toán và thấy rằng, ở thời điểm thụ hưởng hợp đồng bảo hiểm đó, ngay cả khi có bất trắc, bọn mình hoàn toàn có thể độc lập về tài chính mà mình không cần thiết phải có khoản tiền bảo hiểm cả đời.

Chi phí hàng tháng cho loại bảo hiểm ngắn hạn này cũng thực sự rất thấp, khoảng 20 đô và 19 cent, tính ra tiền Việt là khoảng 450 ngàn. Nói cách khác, chỉ cần chi ra “4 cốc cafe” là đủ để bảo vệ tính mạng của mình rồi.

Ngoài ra, nếu bạn đang còn trẻ, khỏe mạnh thì có thể mua một gói bảo hiểm với mức thấp thôi. Nhưng nếu bạn có bầu, hoặc dự tính năm sau có con chẳng hạn, thì có thể chi cho gói cao hơn.

Tóm lại, bảo hiểm đắt hay không là tùy vào tình hình thực tế và rủi ro mà bạn muốn phòng trừ. Bạn không nhất thiết phải mua tất cả các loại bảo hiểm khi bạn còn trẻ. Và bạn không nhất thiết phải giàu mới có thể mua được bảo hiểm.

Hiểu lầm 3: Giấy tờ bảo hiểm phức tạp

Mọi người thường than phiền bảo hiểm đòi hỏi quá nhiều giấy tờ phức tạp, lằng nhằng. Nhưng mình thấy rằng công ty người ta không cố tình bày ra để gây khó khăn cho khách hàng, mà đây là những thứ cần phải có theo yêu cầu của pháp luật.

Ngay cả ở Mỹ, một đất nước rất minh bạch trong vấn đề bảo hiểm, thì hệ thống giấy tờ của họ đã rất phức tạp. Lúc mới mua bảo hiểm nhân thọ, mình đang có con nhỏ và là lao động chính trong gia đình, nên đã muốn mua một mức bảo hiểm khá cao.

Công ty bảo hiểm đã gửi trước cho mình một bản khảo sát và rất nhiều giấy tờ về sức khỏe để kiểm tra xem mình có bệnh nền gì không. Thậm chí họ còn gửi người đến để khám sức khỏe cho mình. Quy trình bao gồm cả lấy máu xét nghiệm, lấy nước tiểu.

Sau khi xác nhận mình không nằm trong đối tượng (có nguy cơ) mắc bệnh lý lớn nào đó (và cần dùng đến số tiền bảo hiểm ngay sau đó), phía công ty mới xét duyệt cho mình đủ điều kiện.

Như vậy, quy trình “lằng nhằng” là cần thiết để giúp công ty phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng vào đúng thời điểm cần đến.

Ngoài ra, mọi người hay nói công ty bảo hiểm lừa đảo, nhưng ở chiều ngược lại, vấn đề nhiều khách khai khống mình đã nằm viện chẳng hạn, để vòi tiền bảo hiểm cũng là một điều đáng nói.

Như vậy, khi bạn “cẩn thận” mua bảo hiểm để bảo vệ bản thân mình, thì các công ty họ cũng cần “cẩn thận” để hoàn thành trách nhiệm của họ. Và chính sự phức tạp này cũng có thể xem là một dấu hiệu để nhận biết mức độ uy tín của các công ty bảo hiểm.

Hiểu lầm 4: Công ty bảo hiểm cố tình kéo dài thời gian thanh toán

Đây cũng có thể là một dấu hiệu của công ty lừa đảo. Vì về cơ bản, đối với các công ty uy tín, việc kéo dài thời gian thanh toán cho khách không mang lại lợi ích đáng kể nào. Họ phải thanh toán càng nhanh càng tốt cho khách này để còn chăm sóc khách hàng khác. Và không ai lại muốn liên tục giải quyết khiếu nại.

Vậy thời gian thanh toán phụ thuộc vào điều gì? Thứ nhất là bạn đã nộp đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu hay chưa? Thứ hai là mức độ phức tạp của trường hợp thanh toán.

Đôi khi chính công ty bảo hiểm họ cũng cần chờ đơn vị thứ ba để thẩm định mức bảo hiểm có thể chi trả cho khách theo đúng luật. Ví dụ ở Việt Nam, bên thứ ba này có thể là Bộ Tài chính.

Khi xem phim Mỹ bạn có thể thấy các trường hợp chồng cố tình giết vợ để lấy tiền bảo hiểm nhân thọ, hoặc ngược lại, rồi các công ty bảo hiểm phải thuê thám tử để điều tra. Trong thực tế điều này có thể hiếm xảy ra. Nhưng việc quyền lợi bảo hiểm bị nhũng nhiễu thì không hiếm.

Kết

Ở góc nhìn cá nhân, mình nghĩ bảo hiểm là cần thiết, đặc biệt là khi bạn có người phụ thuộc trong gia đình, như cha mẹ, vợ chồng, hay con nhỏ. Nó cũng là thứ nên cân nhắc tới khi bạn theo đuổi trào lưu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm (FIRE).

Nhưng để làm được tất cả những điều này, cũng như những thứ khác trên đời, bạn cần có kiến thức đầy đủ, từ đó mới mua đúng được loại bảo hiểm phù hợp với trường hợp của riêng mình – chứ không phải ai khác.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục