Đạo diễn Victor Vũ: "Lần nào bước ra set quay cũng áp lực như lần đầu"

"Cái tuyệt vời nhất của ngành phim là sự vận sức của bao nhiêu con người tới chung với nhau - một điều rất truyền cảm hứng. Thế nên nghề đạo diễn là một trong những công việc hạnh phúc nhất."
Sơn Hoàng
Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Đạo diễn Victor Vũ đã cống hiến cho điện ảnh Việt Nam những bộ phim điện ảnh đặc sắc thuộc nhiều thể loại khác nhau, từ cổ trang (Thiên Mệnh Anh Hùng), phim hài (Cô dâu đại chiến), kinh dị (Quả tim máu), tới những tác phẩm chuyển thể như Mắt Biếc hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Qua 15 năm hoạt động điện ảnh trong nước, đạo diễn Victor Vũ từng bước thực hiện mong muốn của mình: mang văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua những thước phim. Điều này tới từ khao khát của một người con xa xứ: được hiểu văn hóa quê nhà, được cảm nhận vẻ đẹp của quê hương xứ sở, và được chia sẻ vẻ đẹp ấy với năm châu.

Anh Victor đồng ý rằng bản thân là người rất “lười” xuất hiện trên truyền thông, có lẽ bởi toàn bộ cuộc sống và năng lượng đều đã dành cho điện ảnh. Phim này còn đang chiếu đã thấy anh bước sang làm phim khác. Với lòng yêu mến nghệ thuật kể chuyện qua hình ảnh, đạo diễn Victor Vũ luôn sẵn sàng tác nghiệp bất cứ lúc nào, dù là trên phim trường nơi anh là đạo diễn, hay là trên set quay của Have A Sip nơi anh là khách mời.

Trong buổi trò chuyện đó, anh Victor đã chia sẻ với chị Thùy Minh về sự nghiệp đạo diễn, quá trình hình thành niềm đam mê với phim ảnh, và song song với đó là sự trưởng thành của con người anh, từ một cậu bé với nhiều xúc cảm đè nén, tới một vị đạo diễn điềm đạm, nhẫn nại, và vững vàng trước mọi áp lực.

Con đường lạ kỳ của cậu bé Việt tại nước Mỹ

7 tuổi - đó là thời điểm anh Victor Vũ nhận ra điện ảnh là vùng đất của mình, sau khi xem một bộ phim của Steven Spielberg tại rạp chiếu. Khi ấy, cậu bé Victor chưa biết sau này mình sẽ là đạo diễn Victor, hay diễn viên Victor, hay biên kịch Victor. Nhưng cậu biết mình muốn trở thành một phần của thế giới điện ảnh.

Và tình yêu len lỏi từ đó. Anh Victor Vũ bắt đầu tập kể chuyện: viết truyện tranh, viết kịch bản ngắn, và tới 11 tuổi đã lấy camera tự quay những “tác phẩm đầu tay” tại gia, với diễn viên là người thân hay hàng xóm.

Điện ảnh, và hình ảnh nói chung, dần trở thành phương thức biểu đạt của một cậu bé hướng nội nhiều tâm sự. Lớn lên thiếu vắng người cha, trong gia đình chỉ có mẹ và chị gái, anh không tìm được người trò chuyện cùng. Vì thế, anh hướng vào bên trong mình thông qua việc viết lách, vẽ tranh, làm nghệ thuật.

Điều đó đã thai nghén một con người đạo diễn, một tình yêu với nghệ thuật, nhưng cũng tạo ra một cậu bé với những cảm xúc đè nén và tính cách nóng nảy. Anh tự miêu tả mình của những ngày thơ ấu bằng cụm từ “passive aggressive” - gây hấn thụ động, luôn để mọi thứ ở trong lòng, dễ để cảm xúc bùng phát làm tổn thương những người xung quanh.

Nhưng cũng chính con đường nghệ thuật đã tôi luyện tính nhẫn nại, sự bình tĩnh, và khả năng chịu áp lực trong con người anh. Vì thế, việc anh quyết tâm theo đuổi nghề phim ngay từ khi còn học phổ thông, và đăng ký vào trường điện ảnh ở đại học diễn ra như một lẽ tự nhiên.

Với gia đình anh, đây là một quyết định rủi ro. Mẹ anh thương con và không ngăn cản con mình chạm tới ước mơ, nhưng không giấu nổi những lo âu của một gia đình nhập cư còn nhiều nỗi vất vả. Không có ai trong cộng đồng xung quanh lựa chọn con đường giống con trai bà - một con đường đắt đỏ chỉ dành cho con nhà giàu.

May mắn thay, chàng trai trẻ Victor Vũ đã giành được học bổng. Ngoài ra, anh tranh thủ làm thêm vào cuối tuần, vào mùa hè, tiết kiệm để có thể làm ra những bộ phim ngắn đầu tay.

Chính trong những ngày tháng khó khăn trên giảng đường đại học, Victor Vũ nhận ra tước hiệu của mình là đạo diễn, và sứ mệnh của mình là kể những câu chuyện của quê hương thân thương mà anh, khi ấy, mới chỉ nghe qua lời kể của gia đình.

Làm phim cổ trang để thể hiện vẻ đẹp văn hóa quê nhà

Từ khi còn bé tới khi học trường điện ảnh, đạo diễn Victor Vũ chỉ biết tới Việt Nam qua gia đình, qua sách vở và những bộ phim chiến tranh. Anh nhận ra rằng hình ảnh người Việt Nam trên điện ảnh Mỹ rất không ổn với những đặc điểm mà góc nhìn phương Tây đã ấn định. Có một tình yêu lớn với văn hóa Việt, anh biết đây là điều mình cần phải thay đổi.

Anh luôn luôn nghĩ, tại sao không đưa cho các nhân vật đó một tiếng nói, một câu chuyện, tại sao phải dùng góc nhìn phương Tây? Từ đó, anh quyết tâm làm những bộ phim hướng về quê hương. Phim ngắn đầu tay anh làm trong trường hoàn toàn dựa trên một câu chuyện mà mẹ anh đã kể năm xưa.

Ngẫm lại về tác phẩm ấy tại Have A Sip, đạo diễn Victor Vũ nhớ rằng chính những cảm xúc dồi dào mà câu chuyện mang lại đã khiến anh hạ quyết tâm phải đưa nó thành phim. Anh chia sẻ rằng “phim đó mà mang về Việt Nam làm thì tuyệt vời hơn.”

Điều kiện làm phim bối cảnh Việt, diễn viên Việt tại Mỹ rất khó nên tác phẩm có nhiều hạn chế. Nhưng điều quan trọng là anh đã làm điều mình muốn, đã hướng về quê hương.

Đó cũng là động lực để anh làm phim cổ trang, với tác phẩm mới nhất sắp ra rạp vào ngày 3/11 mang tên Người Vợ Cuối Cùng. Anh cho rằng phim cổ trang là cách trực tiếp nhất và mạnh mẽ nhất để thể hiện nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Là một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ Oán Hận, thứ thu hút đạo diễn Victor Vũ là một câu chuyện thời xưa với nhiều yếu tố gần gũi mà người thời nay có thể đồng cảm, cùng những khao khát tình yêu và hạnh phúc thời phong kiến.

Anh thừa nhận những khó khăn khi làm phim cổ trang, trong đó việc nghiên cứu phục trang, bối cảnh, nhân vật và diễn viên, cùng lời thoại là một thử thách. Theo anh, trong thể loại này, điều quan trọng với người đạo diễn là tìm ra cách cân bằng giữa sự chân thật lịch sử và sự sáng tạo của một tác phẩm điện ảnh.

Với tình yêu điện ảnh và văn hóa Việt, Victor Vũ có một sứ mệnh nghệ thuật rõ ràng. Nhưng anh cũng ủng hộ những bộ phim về Việt Nam làm cho người nước ngoài, những tác phẩm mà anh gọi là “phim du lịch.”

Anh quan niệm rằng điện ảnh Việt cần cả phim làm cho người Việt về đất nước, lẫn phim làm cho người nước ngoài. Mơ ước về một bộ phim mà cả người Việt lẫn khán giả quốc tế đều có thể xem và đồng cảm luôn âm thầm trong anh.

Cùng đón chờ buổi trò chuyện giữa host Thùy Minh và đạo diễn Victor Vũ trong podcast Have A Sip, lên sóng ngày 6/10 nhé. Có rất nhiều câu chuyện thú vị đang chờ đón các bạn!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục