Darren Chew: Mang District Eight và nội thất Việt vươn tầm thế giới
Darren Chew, nhà sáng lập của District Eight, kể về quá trình sinh sống và lập nghiệp với nội thất mang âm hưởng thời kỳ cách mạng công nghiệp tại Việt Nam.
Năm 2009, L’usine ra đời và dẫn đầu phong trào cải cách thương hiệu Việt. Không chỉ đề cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, L’usine còn chú trọng vào cả phần bày trí không gian, điều mà trước đó rất nhiều thương hiệu chưa thật sự đầu tư mặc dù nó ảnh hưởng trực tiếp đến thị hiếu của khách hàng.
Trái ngược với hình ảnh quán cóc vỉa hè mà người ta vẫn thường bắt gặp, L’usine chễm chệ nằm giữa lòng Sài Gòn với một màu sắc rất riêng. Từ những ngày đầu, quán cà phê kiêm cửa hàng này đã thu hút sự chú ý bởi sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc thời Pháp thuộc còn sót lại và nội thất mang đậm phong cách công nghiệp. Đến nay, với 3 cửa hàng kết hợp quán cà phê nằm tại các vị trí đắc địa tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, L’usine là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của cả khách du lịch lẫn người dân Sài Gòn.
Tuy nhiên, nếu như ai vẫn còn thắc mắc về bàn tay tài hoa đã tạo nên phong cách đặc trưng cho L’usine thì đó chính là Darren Chew. Không chỉ quản lý thiết kế cho L’usine, anh còn là người đồng sáng lập xưởng thiết kế kiêm sản xuất nội thất District Eight. Hiện nay, District Eight là nhà chung của 150 nhà thiết kế và thợ thủ công lành nghề.
Tìm đến địa điểm thiết kế và sản xuất mới của District Eight, chúng tôi đã có cơ hội được trò chuyện với Darren Chew về hành trình anh đến Việt Nam, xây dựng tên tuổi L’usine và District Eight cũng như những kế hoạch tương lai.
Theo anh điều gì đã góp phần xây dựng nên thành công của L’usine ngày hôm nay?
Theo tôi, yếu tố lớn nhất tạo nên sự khác biệt của L’usine là ở concept (tạm dịch: phong cách chủ đạo). Ngoài ra, không thể không nhắc đến yếu tố con người. Tuy những ngày đầu thành lập chỉ có bốn người cộng tác với nhau nhưng may mắn là thế mạnh riêng của mỗi thành viên có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Với kinh nghiệm về thiết kế, trang trí nội thất và xây dựng thực đơn, tôi đảm nhiệm vai trò lên ý tưởng và giám sát xây dựng trong khi các thành viên còn lại tập trung vào quản lý và vận hành.
View this post on Instagram
District Eight Design Kahn collection – Kahn high dining table concrete base with blackened iron features and seared oak top. Kahn counter stool with blackened iron legs, concrete design feature and white moulded seat. #districteightdesign #designerfurniture #industrialmodern #kahncollection #concretedesign #architecturalinspiration #steelandconcrete
A post shared by District Eight (@districteight) on Jan 7, 2016 at 11:57pm PST
Tại sao anh lại chọn phong cách thời kỳ Pháp thuộc và cách mạng công nghiệp làm chủ đạo cho L’usine?
Ý tưởng đó xuất phát từ niềm đam mê của cá nhân tôi với các công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc cũng như chất lượng của các thiết kế có từ thời kỳ cách mạng công nghiệp. Thời đó, người ta rất chú trọng vào các thiết kế, chi tiết cũng như chất lượng sản phẩm, bất kể đó là máy móc kỹ thuật hay thiết bị quân sự. Sự cầu toàn đó trái ngược hoàn toàn với chủ nghĩa sáng tạo hiện nay, các thiết kế trở nên “máy móc” và “non trẻ” hơn. Vì vậy, L’usine ra đời cốt là để bảo tồn và tái tạo lại những di sản kiến trúc đã mất trong vòng một thế kỷ qua.
Từ những ngày đầu xây dựng L’usine, chúng tôi đã tạo ra những quy chuẩn riêng trong việc xây dựng hình ảnh, làm sao để cả không gian và nội thất toát lên được nét đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp. Ngoài ra, chất lượng cũng là một điều đáng lưu tâm. Không phải cứ “hoài cổ” là được phép cũ kỹ, gia công thiếu chỉn chu. Ngược lại, để một sản phẩm trường tồn với thời gian thì chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu.
Trong các sản phẩm của District Eight, đâu là sản phẩm anh tâm đắc nhất và tại sao?
Tôi đặc biệt yêu thích các sản phẩm có mục đích giải trí như bàn đánh đáo và bàn bóng bàn bởi nó mang lại sự thư giãn cho người chơi. Ở District Eight, sự khác biệt của các sản phẩm đến từ thiết kế sang trọng và sự tỉ mỉ trong quá trình gia công.
View this post on Instagram
Ping Pong table reclaimed wood repurposed into industrial modern. #pingpong #reclaimedwood #industrial #industrialmodern #districteightdesign
A post shared by District Eight (@districteight) on Dec 28, 2015 at 10:59pm PST
District Eight xác định khách hàng trọng tâm của mình là ở khu vực nào?
Sản phẩm của District Eight được phân phối trên toàn thế giới, trong đó, chúng tôi xem Mỹ và châu Á là hai thị trường chủ lực. Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng chinh phục được thị trường trong nước, châu Âu cũng như hướng đến đối tượng khách hàng trẻ hơn trong thời gian tới. Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, chúng tôi vừa tham gia vào hội chợ thương mại ở Singapore, vì đây là một bước đi đầu tiên rất quan trọng trong việc tấn công vào thị trường châu Á.
Anh nghĩ yếu tố nào khiến khách hàng quốc tế càng ngày càng ưa chuộng trang thiết bị nội thất sản xuất tại Việt Nam?
Có thể nói, Việt Nam đang là dần trở thành điểm sáng trong thị trường nội thất quốc tế bởi nguồn nhân lực dồi dào cộng với bề dày kinh nghiệm sản xuất thủ công mỹ nghệ. Do vậy, các làng nghề thủ công truyền thống cũng dần dần được công nhận và truyền bá rộng rãi. Cần phải bảo tồn và giới thiệu những sản phẩm này ra nước ngoài.
Tuy nhiên, có một thực trạng nan giải đó là giá thành nhân công luôn bị xem nhẹ, ảnh hướng rất lớn đến việc lưu giữ giá trị truyền thống và chất lượng sản phẩm. Người làm chủ doanh nghiệp cần phải ý thức được rằng để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao thì người nghệ nhân cũng phải được trả công một cách xứng đáng.
Ở các nước phát triển, các nghề thủ công mỹ nghệ đang dần bị mai một, vì vậy chúng tôi muốn biến thủ công mỹ nghệ thành thế mạnh của mình. Muốn nuôi “nghề”, chúng tôi cần phải quý trọng công sức của người thợ thủ công. Không những vậy, chúng tôi cũng kết hợp cả yếu tố “công nghệ” để tăng cường tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình.
District Eight muốn xóa bỏ quan niệm “hàng Việt Nam giá rẻ”. Thông qua chất lượng và tay nghề thợ thủ công, chúng tôi muốn xây dựng niềm tin với khách hàng rằng “hàng Việt Nam chất lượng cao” không phải là hiếm có khó tìm và hoàn toàn có thể sánh ngang với các cường quốc về nội thất thủ công mỹ nghệ như Châu Âu và Bắc Mỹ.
Các sác phẩm tiếp theo của District Eight là gì?
Chúng tôi không ngừng đầu tư phát triển sản phẩm và vật liệu mới, ví dụ như bàn gỗ kết hợp với chân bàn làm bằng bê tông. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt bộ sưu tập các sản phẩm bọc da hay vải để thiết kế được hài hòa, mềm mại hơn. Thông qua bộ sưu tập này, tôi đã có dịp được vận dụng các kinh nghiệm về sản xuất may mặc vào nội thất.
Những ngày đầu thành lập, District Eight vốn là một xưởng thiết kế và sản xuất trang thiết bị nội thất. Đã có thời điểm chúng tôi quên đi tính chất “trang trí” trong sản phẩm và bây giờ là lúc để khai thác khía cạnh đó. Vì vậy, chúng tôi cũng đang ấp ủ một số dự án điêu khắc và đèn trang trí, hy vọng sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Cảm ơn anh vì chuyến tham quan thú vị tại District Eight! Ngoài ra, đọc giả của chúng tôi còn hy vọng được anh giải đáp một số thắc mắc về cuộc sống của mình nữa.
Anh có gặp khó khăn trong quá trình sinh sống và lập nghiệp ở Việt Nam không?
Thật sự mà nói, tôi luôn gặp trở ngại trong việc tìm hiểu về văn hóa và đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ cả tôi và nhiều người nước ngoài khác chọn xây dựng doanh nghiệp tại Việt Nam là bởi vì yếu tố con người và lực lượng lao động dồi dào nơi đây, mặc dù việc đào tạo và khích lệ một đội ngũ nhân công gồm cả nam và nữ với trình độ văn hóa đa dạng là không hề dễ dàng.
Vậy anh đã làm gì để thích nghi với cuộc sống ở đây?
Hằng ngày, tôi tự nhủ bản thân phải rèn luyện sự nhẫn nại. Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều muốn thành công nhanh chóng. Nhưng chậm mà chắc vẫn tốt hơn. Muốn thành công, bạn phải tạo dựng một nền tảng vững mạnh trước đã. Là người luôn muốn tìm tòi và khám phá những thứ mới mẻ, tôi thầm biết ơn những người bạn đồng hành đã luôn nhắc nhở mình phải biết tập trung.
Anh có kỷ niệm đáng nhớ nào về chuyến đi vòng quanh Việt Nam những ngày còn trong độ tuổi 20 không? Và nguyên nhân nào đã khiến anh quyết định sinh sống tại Việt Nam?
Tôi đặt chân đến Sài Gòn lần đầu năm 2001. Lúc bấy giờ, thành phố này nhộn nhịp nhưng vẫn còn rất non trẻ, không có sự phân biệt tầng lớp rõ như bây giờ. Các cuộc hội họp đều rất cởi mở, ai cũng có thể tham gia.
Có thể nói, tôi đã lớn lên cùng thành phố này. Tuy đã quen với nhịp sống hiện đại nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn cứ hoài niệm về cái thời mà Sài Gòn mang một nét rất đặc trưng. Bây giờ, không phải chỉ riêng Sài Gòn mà cả đất nước phát triển rất nhanh chóng và nét đẹp cổ điển của nó dần dần bị thay thế. Tuy nhiên, sự phát triển đó là một tín hiệu đáng mừng cho đất nước.
Anh từng làm gì trước khi tới Việt Nam?
Tôi từng là một đầu bếp nhưng do áp lực công việc nên muốn bỏ đi đâu đó một thời gian, với dự định sau đó sẽ sẽ quay về Úc và mở một cửa hàng cà phê. Nhưng rồi tôi nhận ra mình thích cuộc sống ở Việt Nam và quyết định khởi nghiệp ở đây. Một trong những thương vụ đầu tiên của tôi ở Việt Nam là xây dựng một doanh nghiệp về may mặc.
Hiện này, công việc kinh doanh của anh đã ổn định chưa?
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, hiện nay, công việc có phần dễ dàng hơn vì mọi thứ đã vào guồng và phát triển. Nhưng quản lý dòng tiền trong một doanh nghiệp đang phát triển thì quả là điều không dễ dàng gì. Cầm trong tay một số vốn nhỏ đã dạy tôi rất nhiều thứ, từ cách làm việc khôn khéo hơn, linh hoạt trong tuyển dụng lao động đến thu mua máy móc với giá thành phải chăng.
Chúng tôi nên trò chuyện với ai tiếp theo?
A21 hoặc Võ Trọng Nghĩa. Các công trình kiến trúc của họ thu hút được rất nhiều sự chú ý từ giới mộ điệu trên toàn thế giới.
Vietcetera chân thành cảm ơn anh đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc anh luôn thành công với những dự định sắp tới!