Đau khổ sao cho ngày một kiên cường?

Theo Mark Manson, đau khổ trên đời là không thể tránh khỏi. Dù vậy, có những bí quyết giúp bạn tận dụng nó để tôi luyện sự kiên cường cho chính mình.
Mark Manson
Nguồn: Pixabay @ Pexels

Nguồn: Pixabay @ Pexels

Tiếp nối bài viết “Trong cuộc sống, ta có thể kiểm soát những gì?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “5 Ways to Build Resilience and Conquer Adversity” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Tìm ra nỗi đau khổ khiến bạn vui vẻ

Nghe có vẻ trái ngược, nhưng đây là sự thật có phần méo mó bên trong mỗi chúng ta. Càng nghiện sự dễ chịu bao nhiêu, ta lại càng thích cảm giác đau đón và vật lộn bấy nhiêu. Điều này xảy ra bởi quá trình vượt qua nỗi đau khiến ta cảm thấy mình đã sống có ý nghĩa.

Những khoảnh khắc quan trọng và có tính quyết định nhất cuộc đời lại cũng thường là những phút giây khó chịu nhất: kinh nghiệm cận tử, mất người thân, ly hôn, chia tay, chiến thắng một trận chiến khốc liệt hay vượt qua một thử thách căng thẳng. Nhờ có khó khăn chúng ta mới trưởng thành, và sau này nhìn lại mới biết ơn những gì ta đã trải qua.

Khi nghĩ về những người kiên cường nhất tôi từng biết, tôi ấn tượng không chỉ vì họ đón nhận đau khổ trong cuộc sống, mà còn coi nó như một phần bản dạng của mình. Họ để bản thân được định hình bởi nỗi đau.

Nghĩ lại thì tôi cũng có thời gian đã làm điều tương tự như vậy, khi bắt đầu khởi nghiệp năm 2008. Hồi đó tôi làm việc điên cuồng 12, 14, thậm chí 16 tiếng trong ngày. Tôi vẫn nhớ rõ có những đêm tôi ngủ gật mà máy tính vẫn đặt trên bụng, để rồi sáng vừa tỉnh là ngồi dậy gõ tiếp.

Tôi làm việc điên cuồng như vậy ban đầu hoàn toàn vì lo sợ. Tôi hồi ấy trắng tay và chẳng có nơi nào để đi. Tôi phải ở nhờ nhà một người bạn, và sau này được bạn gái tôi hỗ trợ. Phần lớn thời gian tôi còn chẳng trả nổi tiền nhà và mua đồ ăn, nhưng tôi vẫn “ngoan cố” tin rằng, nếu tôi có thất bại đi nữa thì ít nhất tôi đã cố gắng hết mình và không phải hối tiếc điều gì.

Cảm giác ấy thật tệ, nhưng theo thời gian thì nó dần trở nên bình thường. Nó còn khiến tôi nhận ra bản thân đã vô tình “tôi luyện” được một dạng siêu năng lực cho mình từ đó đến nay.

Vài năm sau đó, khi ở cùng vài người bạn trong một khu làm việc chung gần biển, tôi nhận ra mình là người đầu tiên mở máy và cũng là người cuối cùng đóng máy tính mỗi ngày. Tôi làm việc xuyên cả cuối tuần và lễ tết mà không nhận ra điều đó.

Sự “cuồng việc” đã trở thành thứ mà tôi tự hào, trở thành một phần danh tính mà đôi lúc tôi muốn “flex”. Tôi chính là người làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai khác, làm việc không biết mệt, và lúc nào mệt thì bàn phím trở thành chiếc gối ngủ.

Đương nhiên nghiện việc quá cũng có cái bất lợi của nó. Nhưng giờ tôi đã học được cách bật hay tắt chế độ “cuồng việc” trong hoàn cảnh phù hợp. Nó vẫn ở đó khi tôi cần, và tôi vẫn tự hào về nó. Nói chính xác hơn, tôi vẫn có được niềm vui theo một cách tội lỗi từ nó.

Đến tận bây giờ, có lúc tôi vẫn thấy tự hào một cách kỳ lạ khi dành cả một ngày cuối tuần để làm việc. Chẳng ai biết hay quan tâm đến nó cả, chỉ cần tôi thích là được. Nó chính là nỗi khổ đau khiến tôi vui vẻ.

Chúng ta đều có nỗi đau thầm kín nào đó khiến mình vui. Với các vận động viên, đó là khi họ thực hiện bài kiểm tra thể chất. Với các nhà khoa học, họ tìm thấy niềm vui trong công cuộc phân tích mớ dữ liệu khổng lồ. Còn với những người lính và cảnh sát, họ tự hào khi đặt mình vào nguy hiểm để bảo vệ cho người khác.

Nỗi đau nào khiến bạn vui một cách thầm kín? Và bạn có thể tận dụng nó ra sao để giúp ích cho mình trong thời điểm khó khăn?

Đừng bao giờ chịu đau khổ một mình

“Trứng không bỏ vào một giỏ” là bài học vỡ lòng cho bất kỳ ai muốn học cách đầu tư. Bạn sẽ không muốn bỏ toàn bộ tiền ra mua cổ phiếu Apple, bởi nếu công ty kinh doanh không tốt, quỹ tiết kiệm của bạn sẽ tiêu tan. Thay vào đó, bạn phải đầu tư vào nhiều kênh khác nhau. Giả sử có biến cố xảy ra, thì bạn không mất toàn bộ tiền một lúc.

Bạn cũng có thể nghĩ về các mối quan hệ theo cách tương tự như vậy. Chúng ta đều phải đầu tư vào bản thân mình. Nếu điều tốt đến, ta đương nhiên sẽ thấy vui; nếu có chuyện không vui ập đến, ta sẽ thấy tồi tệ.

Nhưng một phần quan trọng của cuộc đời là xây dựng mối quan hệ với những người khác. Nó giống như bạn đầu tư một khoản nhỏ hạnh phúc của mình vào họ, và nhận về cho mình một phần hạnh phúc của họ. Cách này giúp bạn chia sẻ niềm hạnh phúc của mình với nhiều người và nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Sự đa dạng này giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, khiến nó kiên cường hơn khi đời bạn gặp sóng gió.

Bạn cần xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ vững chắc. Như vậy để khi bị đời quăng quật, bạn sẽ có một mạng lưới an toàn sẵn sàng đỡ không để bạn ngã đau. Họ là những người có thể bước vào và chia sẻ một chút gánh nặng cảm xúc với bạn.

Bạn sẽ muốn có những người bạn thực sự lắng nghe, quan tâm và ngồi nhậu với bạn cả đêm dù tửu lượng của họ không hề khá khẩm gì. Họ sẽ thường xuyên gọi để kiểm tra tình hình bạn, dù bạn đang chìm đắm trong sự tủi thân của chính mình.

Bởi dù bạn có nghĩ mình mạnh mẽ đến đâu, thì không ai có thể tự mình đứng vững cả đời. Là con người, chúng ta đã tiến hóa để phụ thuộc vào nhau về mặt cảm xúc, dựa vào và cần đến nhau, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn nhất.

Nếu bạn hiện đang đau khổ, điều quý giá nhất bạn có thể làm là tiếp cận và kết nối với ai đó, nói về vấn đề của bạn, chia sẻ nỗi đau ấy cùng họ. Đó là điều tối cần thiết giúp bạn đối phó với bất kỳ loại chấn thương tâm lý nào.

Nếu đời bạn đang nở hoa thì thật tuyệt vời. Nhưng nhớ tranh thủ khoảng thời gian này vun đắp thêm nhiều mối quan hệ tốt, chia sẻ điều tích cực, đa dạng hóa khoản đầu tư tình cảm và xây dựng nên mạng lưới hỗ trợ vững chắc. Bởi chẳng có cuộc vui nào kéo dài mãi, và khi biến cố tiếp theo xảy ra, bạn sẽ không muốn đau khổ một mình, phải không?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục