Trong cuộc sống, ta có thể kiểm soát những gì? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 07, 2023
Chất Lượng Sống

Trong cuộc sống, ta có thể kiểm soát những gì?

Theo Mark Manson, bí quyết để “chiến thắng” cuộc đời là bi quan một chút với thế giới xung quanh, nhưng giữ tinh thần lạc quan với điều ta có thể kiểm soát.
Trong cuộc sống, ta có thể kiểm soát những gì?

Nguồn: Milan Popovic @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “Liệu chúng ta có đang trở nên yếu đuối hơn?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “5 Ways to Build Resilience and Conquer Adversity” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát

Về vấn đề này, tôi có một vài tin xấu và một vài tin tốt.

Tin xấu là bạn gần như không thể kiểm soát bất cứ điều gì xảy ra trong đời. Bạn không thể “điều khiển” được những gì người khác nói hay nghĩ. Bạn cũng không thể chọn bộ gen của bạn, hoàn cảnh bạn được sinh ra, hay việc bạn lớn lên với người mẹ trầm cảm và người bố nghiện rượu.

Bạn cũng chẳng thể sai khiến nổi cái năm bạn sinh ra, những giá trị văn hóa bạn thừa hưởng hay những người mà bạn lớn lên cùng. Bạn càng chẳng kiểm soát được những thảm họa xảy ra với bạn - từ tai nạn giao thông, sét đánh, lũ quét, động đất hay thiên thạch va chạm.

Bạn cũng không hoàn toàn kiểm soát được việc mình có mắc ung thư, đái tháo đường, lupus hay Alzheimer’s không. Và cũng không thể ngờ nổi nếu một người thân của bạn bất ngờ ra đi, theo một cách bạn không tưởng tượng nổi.

Bạn không kiểm soát được những gì người khác nghĩ về bạn, hay những tin đồn người ta nghe về bạn. Chẳng có thứ gì xảy ra trong thế giới điên rồ này mà bạn hoàn toàn kiểm soát được cả.

Nhưng đây là tin tốt. Thứ duy nhất bạn có thể kiểm soát lại quan trọng hơn những điều trên rất nhiều: suy nghĩ của chính bạn.

Đức Phật từng dạy rằng, nếu bị ai đó bắn tên trúng, bạn sẽ bị thương hai lần. Đầu tiên là vết thương thể chất, do cái mũi tên vừa đâm khiến bạn chảy máu. Nhưng vết thương thứ hai chính là niềm tin và suy nghĩ của bạn về vết thương thể chất kia.

Bạn hẳn nhiên sẽ cho rằng “vì sao lại là mình?” nếu trúng tên, rồi bạn ước giá mà mình không dính phải nó. Bạn ước rằng cái mũi tên ấy (và cả người bắn nó) chưa bao giờ tồn tại. Và chính bạn cũng khổ sở vì những suy nghĩ ấy. Vết thương thứ hai này hoàn toàn thuộc về tinh thần, và nó xảy ra hay không tùy thuộc vào lựa chọn của bạn.

30dec2022pexelscottonbro7407117jpg
Ai rồi cũng sẽ bị đau, nhưng chịu đựng nó hay không lại là lựa chọn của bạn. | Nguồn: Pexels

Các chuyên gia tâm lý thường nói về hiện tượng “bi kịch hóa nỗi đau”. Theo cách nói của các cụ ngày xưa thì đây chính là “chuyện bé xé ra to”, khi người ta thổi bùng một sự việc bé tí (chẳng hạn bất đồng quan điểm với ai đó) trong tâm trí họ, đến mức họ nghĩ cuộc đời đã chấm dứt. Có lẽ bạn cũng không xa lạ gì điều này, vì nó xảy ra khá thường xuyên trên mạng xã hội.

Chúng ta kịch hóa nỗi đau vì nhiều lý do khác nhau. Lý do thứ nhất có lẽ bởi một số người được nuông chiều quá đà, đến mức một sự bất tiện nhỏ nhất cũng đủ khiến họ rơi vào khủng hoảng.

Nhưng lý do thứ hai lại nằm ở hormone phần thưởng tiết ra khi bạn được cảm thông, chú ý hay được nâng tầm quan trọng. Không ít người cho rằng, mạng xã hội đã tạo ra một kiểu “văn hóa nạn nhân” nơi người ta được trao thưởng cho nỗi đau của họ. Do đó theo một cách vô thức, chúng ta phải “đau” càng nhiều càng tốt.

Tôi từng viết về việc nền văn hóa của chúng ta hiện đang bị chi phối bởi những trải nghiệm cực đoan của con người ra sao. Việc bi kịch hóa nỗi đau có lẽ cũng đã trở thành một minh chứng hùng hồn khác để chúng ta tin rằng, mình đang sống trong một thế giới cực đoan như vậy.

Đây còn là cách giúp bạn dễ dàng kiến tạo “bản dạng” cho riêng mình. Nếu bạn có một trải nghiệm gì đó thật điên rồ để kể thành câu chuyện, thật khó để người ta không chú ý đến bạn. Đó là cách gia đình, đồng nghiệp và chính bạn nhớ về bản thân mình. Và một khi nó đã thành bản dạng, thì bạn sẽ sống chết bảo vệ nó bằng mọi giá. Bởi nó cho bạn cảm giác an toàn và hiểu biết về chính mình.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta đều sẽ khổ khi kịch hóa nỗi đau. Theo như lời Đức Phật dạy, thì ta đang làm cho vết thương thứ hai còn mưng mủ và rỉ máu nhiều hơn vết thương đầu. Nhưng ta lại không hoàn toàn muốn xóa bỏ vết thương này trong tâm trí, bởi số like ta có được trên mạng xã hội lại mang đến một phần thưởng khổng lồ.

Một điều tôi luôn nhắc nhở bản thân, là chẳng có biến cố nào tôi từng gặp là độc nhất vô nhị. Hàng triệu, hàng tỉ người khác đã trải qua nó trước tôi rồi. Bởi bản chất việc kịch hóa nỗi đau nằm ở lòng tự ái. Nó “vận hành” dựa trên giả thuyết bạn tự đặt ra rằng trải nghiệm của bạn là độc nhất, là điều chưa ai từng trải qua nên họ không bao giờ hiểu được nỗi đau mà bạn phải chịu đựng. Bằng cách nào đó, cả thế giới đang chống lại bạn và chỉ mình bạn.

Bạn không kiểm soát được nỗi đau, nhưng có thể kiểm soát suy nghĩ của mình về nó. Bạn có thể kiểm soát việc nó siêu to khổng lồ, hay nó chỉ là chuyện vặt vãnh. Bạn cũng hoàn toàn có thể lựa chọn giữa việc bạn sẽ không bao giờ hồi phục, hay bạn sẽ mạnh mẽ hơn hẳn trước kia. Bởi nỗi đau là không thể tránh khỏi, nhưng chịu đựng nó hay không thì lại tùy thuộc vào bạn.

Lạc quan bên trong, bi quan bên ngoài

Marcus Aurelius, vị hoàng đế và triết gia vĩ đại đã trị vì Đế quốc La Mã vào thời kỳ cực thịnh, từng viết trong nhật ký như sau: “Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy nói với bản thân rằng: những người ta gặp phải hôm nay sẽ là những kẻ vô ơn, kiêu ngạo, thiếu trung thực, ghen tị và cáu kỉnh nhất.”

Hãy viết câu trên vào nhật ký của bạn, và ghi nhớ nó mỗi ngày.

Marcus Aurelius là một trong những nhà khắc kỷ nổi tiếng nhất. Khác với đa số những triết lý sống hiện đại tập trung nhiều vào hạnh phúc và sự tích cực, chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng ta nên hình dung kết quả tồi tệ nhất của sự việc để chuẩn bị tinh thần nếu nó thực sự xảy ra. Cốt lõi của triết lý này là, nếu bạn có thể thoải mái với kết cục tồi tệ nhất, thì mọi kết quả diễn ra theo chiều hướng khác đều sẽ là những bất ngờ thú vị.

14jul2023pexelsallanmas5384016jpg
Theo chủ nghĩa khắc kỷ, việc hiểu rằng cuộc đời sẽ luôn có thử thách giúp bạn đối mặt tốt hơn với chúng. | Nguồn: Pexels

Điều này xảy ra hoàn toàn có lý của nó. Mặc dù việc giữ tinh thần tích cực về điều bạn có thể kiểm soát là quan trọng, việc quá lạc quan về thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn lại khiến bạn đau khổ hơn rất nhiều khi mọi việc không đi theo ý bạn. Nói ngắn gọn thì đây là hiện tượng “hy vọng lắm thì thất vọng nhiều”.

Vì vậy, tốt nhất là ta nên bi quan một chút về những gì có thể xảy ra trên đời, nhưng lạc quan về khả năng ta có thể vượt qua những trở ngại đó. Bi quan bên ngoài, nhưng lạc quan bên trong - đó có lẽ là combo thần kỳ giúp bạn chiến thắng trong cuộc sống.

Còn tiếp…