Đi một triển lãm học một sàng khôn
Điều mà tôi từng yêu thích nhất khi làm việc tại Vietcetera chính là thực hiện các bài phỏng vấn cho chuyên mục Nhìn Phát Yêu Luôn. Series trò chuyện với các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam luôn mang đến cho tôi các góc nhìn nghệ thuật và nguồn cảm hứng mới mẻ.
Đây là cơ hội hiếm có, cho phép tôi có được nhiều hơn các trao đổi về nghệ thuật, tầm nhìn nghệ sĩ, các tin tức và xu hướng sáng tạo tại Việt Nam. Dù các nghệ sĩ tham gia chủ yếu là họa sĩ minh họa (và thuộc digital art,) những cuộc trò chuyện với họ bao giờ cũng thú vị và đầy cảm hứng.
Không những thế, họ còn giới thiệu cho tôi những sự kiện và triển lãm nghệ thuật thú vị. Nghe lời họ, tôi để ý các triển lãm nhiều hơn, cố gắng tham dự nhiều nhất có thể. Sau tất cả, tôi nhận ra: đi một triển lãm có thể mang về một hoặc nhiều “sàng khôn.”
Mục đích thực sự của một triển lãm là gì?
Để một triển lãm nghệ thuật ra mắt công chúng không phải là điều dễ dàng. Đó là sự làm việc nghiêm túc từ rất nhiều con người, gồm cả giám tuyển, nghệ sĩ, các nhà quản lý, các nhà phê bình nghệ thuật...
Một triển lãm chất lượng không chỉ hiện thực hóa một ý tưởng, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm (và tác giả) mới, mà còn là một cánh cửa rộng mở để tiếp cận, thảo luận về nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và đời sống.
Một triển lãm nghệ thuật giống như một căn phòng trống được lấp đầy những tác phẩm, theo một lối thiết kế với ý đồ độc đáo. Tùy vào từng chủ đề, những người tạo ra triển lãm đã dày công sắp xếp, đưa người xem bước vào một không gian đặc biệt.
Người thưởng thức nghệ thuật nhìn thấy vẻ đẹp và những điều mới mẻ chưa từng thấy. Cũng từ đó, họ tiếp cận được kỹ thuật của người nghệ sĩ, tư tưởng và tầm nhìn, và tất nhiên, để học thêm những điều mới mẻ.
Ngay cả khi các phòng triển lãm ảo (kỹ thuật số) ra đời ngày càng nhiều sau đại dịch Covid-19, việc bước chân vào một triển lãm thực vẫn mang lại nhiều điều thú vị. Ta có thể nhìn thấy tận mắt những tác phẩm, màu sắc và đường nét, cảm nhận không khí ngay tại đó - sự yên lặng hay những cuộc trò chuyện nghệ thuật đầy hứng khởi.
Triển lãm nghệ thuật khuyến khích tất cả mọi người cùng tham gia một cuộc bàn luận về nghệ thuật. Ở đó, ta được cảm nhận những vẻ đẹp và có những đối thoại (về cả nghệ thuật và tâm hồn) thông qua những tác phẩm được tuyển chọn và trưng bày.
Vậy thì chúng ta có thể học được gì?
Trên thực tế, mỗi người có mục đích khác nhau khi tham dự một triển lãm nghệ thuật. Đó có thể là lời mời của một người bạn, cảm giác fomo, hoặc cũng có thể bạn đang muốn tìm hiểu một điều gì đó mới mẻ trong nghệ thuật.
Không sớm thì muộn, chúng ta đều nhận ra việc tham dự một triển lãm là để học một điều gì đó, ngoài thưởng thức và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tác phẩm. Không những thế, một triển lãm chất lượng còn truyền cảm hứng rất nhiều cho khán giả.
Sàng khôn 1: Những điều mới mẻ
Điều đầu tiên một triển lãm nghệ thuật có thể mang đến cho công chúng những tác phẩm với cách thể hiện độc đáo. Mỗi triển lãm đều giúp chúng ta có thêm tri thức và học được những điều mới mẻ. Đó có thể là văn hóa cổ Việt Nam với các hoa văn, trang phục… hoặc nó có thể là cái nhìn sâu hơn về những điều đương thời ngày nay.
Đi triển lãm còn khiến ta vỡ lẽ về một câu hỏi, “sao lại thế này mà không phải là thế kia” một cách tuyệt vời nhất. Và vì thế chúng ta có thể học về lịch sử, văn hóa, lịch sử, hay thậm chí những ý tưởng mơ hồ hơn như ký ức, hậu chấn thương, các vấn đề xã hội khác…
Với những người làm việc trong ngành sáng tạo, các triển lãm cũng là nơi cung cấp những góc nhìn và xu hướng, cách thể hiện mới. Không chỉ là kiến thức mà chính những cập nhật đang diễn ra trong đời sống sáng tạo cũng là những điều mới mẻ mà ta có thể học được từ một triển lãm.
Sàng khôn 2: Làm việc với ý tưởng
Mỗi một tác phẩm nghệ thuật đều được tạo ra dựa trên một ý tưởng. Khi bạn tiếp cận với nhiều tác phẩm trong một triển lãm nghĩa là bạn đang được tiếp cận với nhiều ý tưởng khác nhau. Theo Magnetic Memory Method, tham dự triển lãm có thể truyền cảm hứng khiến bạn có nhiều ý tưởng mới.
Bên cạnh đó, ý tưởng có thể giống nhau nhưng cách thể hiện khác nhau sẽ tạo ra các tác phẩm và phản ánh giá trị khác nhau của người nghệ sĩ. Và không ở đâu ngồn ngộn ý tưởng và phong cách sáng tạo tuyệt vời hơn các triển lãm nghệ thuật.
Cùng một ý tưởng/chủ đề, mỗi người nghệ sĩ có thể tạo ra rất nhiều tác phẩm khác nhau trên cùng hoặc khác chất liệu, kỹ thuật. Chính tài năng và cách thể hiện ý tưởng thành tác phẩm mang đến vẻ đẹp vừa đặc trưng vừa đa dạng của người nghệ sĩ.
Ta có thể học điều này từ các nghệ sĩ, và áp dụng vào công việc ta đang làm. Hay thậm chí cách ta nghĩ về một ý tưởng, tin tức nào đó… cũng trở nên đa dạng, mới mẻ hơn. Ví dụ như bài viết này có thể được thực hiện một cách khác đi, với mục đích truyền cảm hứng để mọi người tham dự nhiều hơn các triển lãm nghệ thuật.
Sàng khôn 3: Những động lực mới
Một người làm nghề viết lách có thể học cách sử dụng từ ngữ để miêu tả tác phẩm; một người tổ chức sự kiện có thể học được sắp đặt, bố trí, tổ chức… từ một triển lãm. Nếu chúng ta tham dự một triển lãm với tâm thế thưởng ngoạn và học hỏi, chúng ta sẽ khám phá rất nhiều điều bổ ích đằng sau đó.
Sự tỉ mỉ trong quan sát luôn mang đến những giá trị lớn. Bên cạnh thưởng lãm các tác phẩm, bạn còn học được nhiều điều từ một triển lãm nghệ thuật để làm giàu không chỉ kiến thức, trải nghiệm mà còn giúp bạn học thêm được nhiều điều mới mẻ.
Triển lãm là nơi thu hút nhiều người với nhiều ngành nghề khác nhau. Vì thế, tham dự một triển lãm cũng là cơ hội tốt để chúng ta mở rộng các mối quan hệ của mình. Bắt chuyện với một giám tuyển hay nghệ sĩ tại buổi khai mạc/bế mạc không chỉ để hiểu hơn về triển lãm mà còn là một cách để tạo mối quan hệ mới, hỗ trợ cho các dự án hoặc công việc bạn đang làm.
Trên tất cả đó, tham dự triển lãm với thái độ học hỏi sẽ giúp chúng ta tạo nên các động lực mới. Chúng ta vì thế mà không chỉ thưởng thức nghệ thuật, học thêm nhiều điều mà còn có động lực để thực hiện những điều mới mẻ sắp đến.
Jerry Saltz, Nhà phê bình nghệ thuật từng đoạt giải Pulitzer từng chia sẻ, “Dưới mọi hình thức, nghệ thuật đặt ra nhiều vấn đề dai dẳng, lạ kỳ và thậm chí đáng sợ - Những thách thức có thể khiến nghệ sĩ và người xem kinh hãi, hoài nghi, chùn bước khi bắt đầu hoặc tiếp tục.”
Với tư cách là một người thưởng ngoạn, tôi tin các triển lãm nghệ thuật, bằng cách nào đó sẽ khiến chúng ta bớt kinh hãi, ít hoài nghi và không chùn bước để tiếp tục học hỏi và tiến lên.