Đi tìm điểm kết trong thế giới Hayao Miyazaki
Bộ phim mới nhất và "cuối cùng hụt" của đạo diễn Hayao Miyazaki, The Boy and the Heron (Thiếu niên và chim diệc), đã chính thức công chiếu tại thị trường Nhật Bản vào ngày 14/07, và sắp tới là thị trường Đài Loan và Bắc Mỹ.
Chỉ 4 ngày sau khi ra mắt tại Nhật Bản, bộ phim thu về doanh thu 2,1 tỷ Yên, gần như tương đương với Vùng đất linh hồn (2001.) Phim cũng được chọn để mở màn TIFF 2023 (Toronto International Film Festival); và đạt điểm số "tươi rói" 100% trên Rotten Tomatoes.
Tưởng chừng đây sẽ là dấu chấm viên mãn cho cuộc đời nghệ thuật của Hayao Miyazaki, nhưng vị đạo diễn với sức sáng tạo không ngừng này vẫn tiếp tục tới xưởng, ấp ủ trong mình một ý tưởng phim mới dù đã ở tuổi 82.
Thế giới được vẽ sẵn bên trong Hayao Miyazaki
“Những gì bạn thể hiện là thế giới đã được vẽ sẵn bên trong chính bạn. Đó là những khung cảnh bạn cất giữ, những suy nghĩ và cảm xúc đang tìm kiếm sự diễn đạt”.
Đó là điều đạo diễn Hayao Miyazaki quan niệm và mang theo suốt hành trình sáng tác của mình. Dường như với ông, nhìn sâu vào nội tâm và tái hiện thế giới trong đó (bằng hoạt họa) là điều mà bản thân ông theo đuổi từ ấu thơ cho tới hiện tại.
Vào thời của Miyazaki, việc trở thành nhà làm phim hoạt hình hoàn toàn không có trong hình dung của mọi người. Bấy giờ, đàn ông trong mỗi gia đình Nhật Bản được kì vọng sẽ trở thành “người làm công ăn lương”, cống hiến hết mình cho nền kinh tế nước nhà; và việc nói yêu thích manga (thể loại nở rộ sau chiến tranh tại Nhật) sẽ bị cười chê.
Miyazaki là một trong số ít người công khai việc mình thích đọc manga, trở thành Mangaka (họa sĩ truyện tranh) cũng chính là ước mơ đời đầu của ông.
Sau này, với tài năng vẽ vời cùng đam mê, niềm tin vào Manga, Miyazaki đã quyết tâm trở thành người biến thế giới nội tâm trở nên hữu hình qua các nét vẽ. Đó cũng chính là một trong những tiền đề làm nên phong cách vẽ tay tỉ mẩn đầy cuốn hút trong toàn bộ tác phẩm của Miyazaki.
Dẫu theo chuyên ngành kinh tế nhưng Miyazaki lại vô cùng yêu thích văn học nghệ thuật, nhất là các tác phẩm phiêu lưu kì ảo. Ông từng chia sẻ, “tôi đọc sách còn nhiều hơn cả đọc truyện tranh”, có thể kể tới các tác phẩm như Bá tước Monte Cristo, Tù nhân Zenda, Gulliver du kí, những sáng tác của Natsume Soseki, Akutagawa Ryunosuke…
Bên cạnh manga, văn chương phiêu lưu kì ảo được xem là một nguồn cảm hứng cho các sáng tác của ông. Nhưng đồng thời, đó cũng là phương thức giúp ông trốn chạy và quên đi thực tại thơ ấu đáng buồn.
Hoài nhớ tuổi thơ là điều có thể nhận thấy trong thế giới phim của Miyazaki. Điều này thể hiện rõ trong việc lựa chọn bối cảnh (đồng quê, nông thôn…), cùng các nhân vật chính (hầu như đều là trẻ em) trong phim.
Thế nhưng, trái với thế giới nghệ thuật của mình, tuổi thơ của Miyazaki lại “thảm hại một cách đáng xấu hổ”, khiến khi lớn lên ông đã “khóa chặt [tuổi thơ] của chính mình”. Có thể nói, tuổi thơ như miền đất thiêng liêng đầy đớn đau để Miyazaki tìm tới, bồi đắp cho nó những cảnh quan mới, đôi khi đẹp (hơn những gì đã qua) đến nao lòng.
Từ thế giới thực, tuổi thơ và nỗi buồn chiến tranh...
Tuổi thơ đáng buồn của Miyazaki (theo như ông kể lại) trước nhất đến từ căng thẳng giữa ông và gia đình. Dẫu đã khắc họa một người cha vui tính và hết lòng vì con cái trong Hàng xóm tôi là Totoro, hay những người mẹ luôn bao bọc con mình trong Cô bé người cá Ponyo… nhưng sự bất hòa ngoài đời thực giữa Miyazaki và gia đình đã dẫn tới quan niệm “trẻ em đừng để bị hủy hoại bởi cha mẹ” trong các phim của ông.
Ta thấy rõ điều này trong Vùng đất linh hồn khi Chihiro đã từ chối việc tiêu thụ thức ăn như cha mẹ mình đã làm và tránh được việc bị biến thành lợn.
Điều ám ảnh nhất đối với tuổi thơ Miyazaki là chiến tranh và nỗi buồn mà nó mang lại. Thế chiến II mang lại bao giày xéo và đổ nát cho nước Nhật, không chỉ về mặt vật chất mà còn trong tinh thần.
Với cậu bé Miyazaki khi đó, cuộc chiến là thứ thật đáng sợ kéo theo bao mất mát, khiến tâm hồn của con người trở nên xói mòn. Những kí ức mập mờ, đứt đoạn về cảnh khói lửa cũng nhanh chóng hóa thân vào các phim của Miyazaki.
Ngay từ bộ phim đầu tay Nàng công chúa thung lũng gió Nausicaa cho tới phim gần nhất của ông Gió nổi (2013), hay bộ phim sắp ra mắt công chúng, những trận chiến là hình ảnh không (thể) vắng bóng. Nhắc tới Gió nổi, người xem hẳn nhớ mãi hình ảnh những chiếc máy bay. Đó cũng là hình dáng của vật mà Miyazaki mê mẩn suốt thời niên thiếu, sau khi chiến tranh kết thúc.
...đến "thế giới" đeo đẳng những đổ nát
Từ nỗi buồn chiến tranh trong tuổi thơ, một thế giới hậu tận thế, những cuộc chiến, đám cháy và đống đổ nát là các hình ảnh xuất hiện xuyên suốt trong thế giới điện ảnh Miyazaki.
Đó có thể là khu rừng thối rữa, nơi hàng ngàn con côn trùng, cây cối kì dị sinh sống trong Nàng công chúa thung lũng gió Nausicaa; những trận ném bom rực lửa trong Lâu đài bay của pháp sư Howl; chiến tranh giữa con người với thần linh trong Công chúa Mononoke… Và theo như teaser công bố gần đây, bộ phim mới nhất của Miyazaki - Thiếu niên và chim diệc sẽ lại xuất hiện một cuộc chiến nữa.
Những đống đổ nát trong thế giới Miyazaki không chỉ hiện diện về mặt vật lí, mà nó còn là sự hoang phế của nhân tính. Vì quyền lợi, quyền lực của bản thân, con người sẵn sàng phát động các cuộc chiến, bất chấp hậu quả sau này.
Việc đưa những cuộc chiến, những đổ nát mà nó mang lại lên màn ảnh cũng là cách Miyazaki thể hiện những ám ảnh, đưa ra thái độ chán ghét chiến tranh của bản thân.
Mặt khác, sự ô uế từ các cuộc chiến đã dẫn tới việc môi trường bị hủy hoại, thể hiện qua các cảnh quan hoang tàn, thậm chí chứa đầy chất độc trong phim của Miyazaki, từ đó thể hiện mối bận tâm của ông về vấn đề sinh thái.
Nhưng may mắn thay, thế giới Miyazaki dẫu hoang tàn hay khốc liệt, thì đều xuất hiện bóng dáng của những đứa trẻ, đem sự hồn hậu soi sáng bóng đêm hủy diệt.
"Quá trình kết thúc thế giới từ góc nhìn của một đứa trẻ"
“Quá trình kết thúc thế giới từ góc nhìn của một đứa trẻ” là cụm từ được các nhà phê bình Nhật Bản dùng để nói về phim của Miyazaki. Các phim của ông luôn đặt bối cảnh là một thế giới lạ mà quen, quen mà lạ, đưa người xem vào những chuyến phiêu lưu dưới đôi mắt trẻ thơ.
Đó có thể là nàng công chúa Nausicaa trong Công chúa thung lũng gió Nausicaa; bộ đôi Sheeta và Lupa trong Laputa: Lâu đài trên không; chị em nhà Mei và Satsuki trong Hàng xóm tôi là Totoro; cô phù thủy nhỏ Kiki trong Dịch vụ giao hàng phù thủy Kiki; cô bé Chihiro hồn nhiên, tốt bụng trong Vùng đất linh hồn…
Với Miyazaki, “những đứa trẻ là bằng chứng cho thấy một thế giới tươi đẹp”. Khi đối đầu với những cuộc chiến khốc liệt, thậm chí mang tính sống còn toàn nhân loại, những đứa trẻ của Miyazaki vẫn luôn đón nhận mọi chuyện bằng đôi mắt của chính mình, vừa thơ ngây vừa chín chắn.
Chắc hẳn người xem còn nhớ mãi đôi mắt kiên định, hiền dịu của cô bé Chihiro khi đứng trước cám dỗ mà Vô Diện bày ra; hay như đôi mắt quả cảm, đầy quyết tâm của hai nàng công chúa Nausicaa và Mononoke… Dưới nhãn quan của những đứa trẻ, ngày tận thế hiện lên vừa thật đáng sợ nhưng cũng tràn đầy hi vọng ấm áp.
Thế giới mới... là ánh sáng ở cuối con đường
Dù hoang tàn hay đổ nát đến tận cùng, thế giới Miyazaki bao giờ cũng kết thúc dịu dàng đến thế. Và để có được sự dịu dàng ấy, không thể không nhắc tới những người hùng trẻ thơ bé nhỏ đầy dũng cảm của Miyazaki.
Vượt qua bao khó khăn, những đứa trẻ của Miyazaki đều “đưa” thế giới tới điểm kết viên mãn nhất có thể. Giờ đây, những đứa trẻ trở thành người hướng dẫn, soi lối cho toàn bộ nhân vật trong phim (và cả khán giả) tìm tới ánh sáng ở cuối con đường.
Ánh sáng luôn ở cuối con đường cũng thật đúng với hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ của Miyazaki Hayao. Dù đã 4 lần có ý định nghỉ hưu, nhưng dường như những chất chứa trong nội tâm của vị đạo diễn này là quá lớn, thôi thúc ông tiếp tục sáng tác bên hàng vạn bức phác thảo. Dù mỗi tháng chỉ sản xuất được vỏn vẹn một phút phim, nhưng ánh sáng, niềm vui luôn là thứ chờ đón ông sau mỗi chuyến hành trình.
Về phía khán giả, họ sẽ lại được háo hức, vừa chờ mong, vừa băn khoăn không biết đâu sẽ là điểm kết cho thế giới nghệ thuật vĩ đại của Miyazaki. Và có lẽ, thế giới ấy sẽ không ngừng rộng mở, chỉ cần Miyazaki còn đủ nhiệt huyết và đam mê vẽ vời!