Định luật Có hay Không: “Kim chỉ nam” cho một mối quan hệ đúng đắn
Được chuyển ngữ từ bài viết “Fuck Yes or No” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Thử suy nghĩ về điều này một chút xem: Vì sao bạn lại chọn ở bên một người thậm chí còn không hứng thú với bạn?
Đó chính là “vùng xám” trong hẹn hò mà nhiều người rơi vào, nơi mà cảm xúc không rõ ràng hoặc một người có cảm xúc mạnh hơn hẳn người còn lại. Vùng xám này vô hình, nhưng gây ra những vấn đề rất hữu hình và thực tế, chẳng hạn:
“Cô ấy nói không có hứng thú, nhưng vẫn tán tỉnh mình. Vậy mình phải làm gì để có được cô ấy?”
“Mình biết cô ấy thích mình, nhưng cuối tuần trước cô ấy không gọi lại mình. Mình phải làm gì bây giờ?”
“Anh ấy đối xử rất tốt khi ở bên mình, nhưng anh ấy hiếm khi ở bên mình. Như vậy nghĩa là gì?”
Đa số lời khuyên hẹn hò tập trung vào giải quyết “vùng xám” này. Họ bảo bạn phải nói thế này, làm thế kia, mặc cái đó, hoặc gọi cho đối phương bao nhiêu lần. Chúng rất có lý, đến mức độ làm không ít người dành nhiều thời gian phân tích hành vi của đối phương hơn là thực sự hành động.
Sự thất vọng khi rơi vào “vùng xám” này cũng khiến nhiều người thao túng hay gây những drama không cần thiết trong mối quan hệ. Chẳng hạn bạn cố tình để quên áo khoác ở nhà cô ấy, để cô buộc phải gọi cho bạn. Hoặc bạn cố tình để anh ấy phải đưa mình đi chơi 3 lần rồi mới đồng ý ngủ cùng anh ấy.
Những “chiến lược” này nghe có vẻ thông minh và thú vị, thậm chí hợp lý với những người đang mắc kẹt trong sự thất vọng. Nhưng chúng bỏ qua một điểm quan trọng nhất: nếu ngay từ đầu bạn đã ở “vùng xám” của người kia, thì bạn đã thua cuộc rồi.
Cho phép tôi hỏi lại lần nữa: Vì sao bạn lại hào hứng với một người thậm chí chẳng có hứng với bạn? Nếu bây giờ họ không vui khi ở bên bạn, thì điều gì khiến bạn nghĩ sau này họ sẽ thay đổi? Vì sao bạn lại cố sức thuyết phục họ hẹn hò với mình, trong khi không có nỗ lực tương tự nào đến từ phía họ?
Những điều này nói gì về bạn? Rằng bạn tin bạn phải thuyết phục để người ta hẹn hò mình? (Gợi ý: nó cho thấy bạn còn chẳng muốn ở bên chính mình nữa).
Bạn không nuôi một chú cún cắn bạn cả ngày, không chơi với ai hay đâm sau lưng bạn, và cũng chẳng làm công việc nào mà không được trả lương. Vậy thì tại sao bạn lại cố gắng biến một người không muốn ở bên bạn thành người thương? Lòng tự trọng của bạn đâu rồi?
Định luật “Có hay Không”
Doanh nhân Derek Sivers từng đăng một bài nổi tiếng trên blog, trong đó có câu: “Nếu cái gì không làm tôi muốn nói “có!”, thì tôi sẽ nói không”. Triết lý này đã giúp ông rất nhiều trong kinh doanh, và bây giờ tôi cũng muốn áp dụng nó vào việc hẹn hò. Tôi sẽ gọi nó là định luật “Có hay Không”. Định luật này có thể phát biểu như sau:
Khi bạn muốn xây dựng một mối quan hệ mới với bất kỳ ai, họ phải khiến bạn muốn nói “có”, và chính họ cũng muốn nói “có”. Khi cả hai điều kiện này xảy ra, bạn mới có thể tiếp tục.
Nói cách khác, định luật này cho rằng cả hai bên đều phải nhiệt tình và nhận thấy triển vọng ở bên còn lại. Bởi vì những người hấp dẫn, có tư duy đủ đầy và coi trọng giá trị bản thân không có thời gian cho những người họ không muốn ở bên, và cũng không muốn ở bên họ.
Những lợi ích khi áp dụng định luật Có hay Không
Điều này nghe có vẻ hơi… lý tưởng, nhưng định luật đơn giản này mang lại không ít lợi ích cho đời sống tình cảm của bạn:
Không còn bị hấp dẫn bởi những ai không thích bạn: Bạn sẽ đặt được dấu chấm hết cho mọi niềm hy vọng sai lầm, cũng như mọi cơn đau đầu, tức giận và thất vọng nó kéo theo. Bắt đầu thực hành lòng tự trọng - có nghĩa bạn là người có quyền từ chối, chứ không phải bị từ chối.
Không còn theo đuổi những ai “mập mờ” chỉ vì cái tôi của bạn: Điều này có lẽ chúng ta đều từng trải qua. Ta không chắc lắm về người đó, nhưng lại cứ hẹn hò họ vì không có lựa chọn khác tốt hơn. Và rồi ta đánh mất một số thứ ta không bao giờ lấy lại được.
Vấn đề đồng thuận được giải quyết tức thì: Nếu có ai chơi đùa với cảm xúc của bạn, hoặc ép bạn làm điều bạn không thực sự chắc chắn, thì giờ bạn có câu trả lời rồi đó. Hoặc như cách tôi hay nói về việc hẹn hò, “nếu bạn phải hỏi lại, thì đó chính là đáp án của bạn”.
Thiết lập và thực thi những ranh giới rõ ràng: Việc duy trì ranh giới cá nhân không chỉ tăng độ tự tin và hấp dẫn của bạn, mà còn giúp bạn không… phát điên về lâu dài (cái này tôi nói thật).
Luôn biết vị trí của bạn trong lòng người khác: Giờ bạn đã lấy lại được rất nhiều thời gian và năng lượng từng dành cho người bạn không thích (và cũng không thích bạn). Và bạn có thể dùng nó tương tác với những ai bạn thực sự thích, và thực sự thích ở bên bạn. Quá tuyệt vời!
Định luật này có thể áp dụng trong hẹn hò, tình dục và bất cứ thứ gì trong chuyện yêu đương nói chung. Bạn và anh chàng bartender đó chẳng có điểm gì chung, nhưng bạn thấy anh ấy quá hot và ảnh cũng thích bạn. Vậy thì ấn nút “có” ngay thôi.
Bạn say đắm một anh chàng đối với mình ngọt ngào, nhưng sau đó bỗng “ghost” bạn một cách khó hiểu? Rồi bạn cảm thấy những lý do ảnh đưa ra để bào chữa cho sự bận rộn của mình nó cứ… sai sai? Có vẻ đây không phải là người “đúng” với bạn rồi.
Bạn muốn “mây mưa” cùng một cô gái, nhưng bạn cứ nói đến chuyện ấy là cô lại lưỡng lự? Thế thì đó không phải tín hiệu “đèn xanh” đâu, và bạn đừng nên ép cô ấy nữa. Tình dục chỉ vui khi cả hai bên đều tự tin và thoải mái nói “có” với nhau mà thôi.
(Một gợi ý cho các chàng trai: đây chính là lúc bạn nên hỏi xem vì sao cô ấy không thoải mái, và cô ấy mong muốn gì từ bạn. Điều này thể hiện bạn biết đồng cảm với cô ấy, và sẽ giúp mối quan hệ giữa hai bạn rõ ràng hơn rất nhiều).
Bạn muốn hẹn hò với cô gái bạn gặp tuần trước, nhưng cô phớt lờ mọi cuộc gọi và tin nhắn của bạn? Rồi bạn không biết phải làm gì, bởi cô có vẻ hứng thú với bạn trong lần gặp trước. Sự mập mờ như vậy không nên tồn tại, và bạn nên nói “không”. Xóa số cô ấy đi và tiếp tục sống thôi.
Còn tiếp…