Đọc gì để vơi nỗi nhớ biển khi mùa hè không thể đi xa?

Để xoa dịu một mùa hè ngột ngạt với những cuốn sách hấp dẫn về biển.

Thư Vũ
Nguồn: Hà Trâm cho Vietcetera

Nguồn: Hà Trâm cho Vietcetera

Ngược dòng lịch sử, chúng ta có Homer và bản anh hùng ca về biển cả cùng người anh hùng Odysseus. Sau này Herman Melville làm choáng váng thế kỷ 19 bằng sự mê hoặc của “Cá voi trắng” Moby Dick. Victor Hugo cũng dành một số lượng trang viết đồ sộ cho đại dương. Ernest Hemingway đóng góp tác phẩm mang tính biểu tượng “Ông già và biển cả".

Biển vẫn luôn là một chất liệu nhiều cảm hứng với những lớp lang và ý nghĩa để khai thác trong văn chương. Dưới đây là những gợi ý về các cuốn sách, với những câu chuyện đầy mênh mông, cuốn hút của biển để xoa dịu cái oi ả và nắng nóng.

Nắp biển - Banana Yoshimoto

Mở đầu cuốn sách là ca khúc Nắp biển của Hara Masumi: “Ai là người bước lên từ biển/ Trên bãi biển một ngày Hạ tàn/ Người cuối cùng ấy đã trở về nhà mà không đóng nắp biển/ Vì vậy mà biển cứ mãi mở toang”. Sự mênh mông của biển cũng là mênh mông trong lòng người.

Nắp biển - giống như các tác phẩm khác của Banana, thấm đẫm một lối viết đặc trưng của riêng tác giả. Thế giới của Banana Yoshimoto luôn là một khoảng giao hợp của con người và tự nhiên, của con người và những đối thoại nguyên bản.

Với Banana, mỗi nhành cây ngọn cỏ, mỗi viên đá, mỗi tòa nhà trong Nắp biển đều nuôi dưỡng sự đẹp đẽ. Đó là những kí ức về một thời đã xa, tình yêu mến của những con người vì nó mà rung động. Không có tình cảm nam nữ, nhưng Nắp biển, vẫn tràn ngập tình yêu.

​​Một tác phẩm chỉ hơn 100 trang nhưng ẩn chứa ở đó là bao nỗi niềm thầm kín về các kiếp người. Banana đã tìm về lòng biển như tìm đến sự bao bọc, chở che, yêu thương, xoa dịu. Có thể cuốn sách hơi êm ái, hơi phi thực tế và hoàn hảo quá.

Nhưng xét cho cùng, sau bao mệt mỏi, chẳng còn gì tuyệt hơn là được tắm thật sạch, ăn thật ngon và ngủ một giấc đã đời. Thứ đọng lại khi đọc xong Nắp Biển chính là cảm giác thỏa mãn tầm thường ấy. Mà sự tầm thường giúp chúng ta tiếp tục sống.

Những đứa trẻ dưới nước - Charles Kingsley

Những đứa trẻ dưới nước là cuốn tiểu thuyết kinh điển rất được yêu thích của Charles Kingsley. Nó đã được chuyển thể thành nhiều thể loại như kịch, nhạc kịch, phim và là nguồn cảm hứng của nhiều họa sĩ và nhạc sỹ.

Nếu như bạn không tin câu chuyện về những đứa bé dưới nước hay bất cứ phần nào của cuốn sách thì cũng chẳng sao cả, như Charles Kingsley đã nói, đây chỉ là một câu chuyện cổ tích, chỉ có niềm vui và sự tưởng tượng, bạn không cần phải tin một từ nào, dù đó là sự thật.

Ngòi bút của Charles Kingsley có sức biểu cảm và lột tả cảnh vật trác tuyệt. Chính điều này đã khiến các cô bé, cậu bé trong suốt nhiều thập kỷ liền say mê ông. Tác giả đã thể hiện sự quan tâm của ông tới lịch sử, tự nhiên và nhân loại bằng ẩn dụ về một câu chuyện ngụ ngôn đạo đức. 

Với Charles Kingsley, trẻ em không nên và cũng không phải bị bắt lao động vất vả hay bị đánh đập tàn bạo. Trẻ em - dù ở bất cứ thời đại nào cũng phải được vui chơi, khám phá thế giới và biết cách vượt qua những khó khăn để học cho mình nhiều điều mới lạ. 

Như chính cậu bé Tom trong cuốn sách đã được các bà tiên cùng những sinh vật dưới nước chăm sóc và dạy dỗ. Cậu đã gặp gỡ những đứa trẻ dưới nước khác và tự mình đi ra biển lớn để trưởng thành và chinh phục những đại dương diệu kì.

Biển - John Banville

Biển kể về một người đàn ông đã phải đương đầu với quá khứ tuổi thơ của mình ở một thị trấn. Cuốn sách được ban giám khảo Man Booker đánh giá là: “Một nghiên cứu bậc thầy về nỗi thống khổ, trí tuệ và tình yêu”.

Cuốn sách được viết với một thứ văn xuôi sáng rõ, đẹp đẽ đến ám ảnh. Biển vừa xoa dịu nỗi đau vừa là một khúc suy tưởng kỳ lạ về bản thể và dĩ vãng. Max Morden - nhân vật chính trong tác phẩm đã đến một vùng nghỉ mát ven biển. 

Đây cũng là nơi ông đã trải qua kỳ nghỉ hè với cha mẹ khi còn là một đứa trẻ. Bề ngoài, ông đang làm một khảo cứu về họa sĩ Bonnard, nhưng thực chất chính sự lôi cuốn của biển và quá khứ đã dẫn ông về đây. 

Xuyên suốt những trang sách, nó nhắc nhớ chúng ta đến mấy câu đố dân gian: Cái gì chạy còn nhanh hơn cả thời gian? Đó là tâm trí con người. Cái gì khó dò hơn đáy biển? Hẳn là vực sâu trái tim... nơi con người chôn giấu mọi kho báu cuộc đời.

Buồn và đẹp. Nữ tính và cô đơn. Cuốn sách của John Banville là dòng chảy những hoài niệm, dư âm, dằn vặt và những gì đã xa của một người đàn ông sau khi mất vợ. Đọc quyển sách này giữa những ngày hè, hãy tưởng tượng như mình nằm ngửa người trên mặt biển. Nhìn lên bầu trời trong xanh sau khi đã bơi thật lâu thật mệt để nghỉ ngơi cảm nhận những gì đẹp đẽ nhất.

Đại dương biển - Alessandro Baricco

Dòng chảy lịch sử văn học thế giới vẫn luôn được “giữ nhịp” bằng những tác phẩm lớn viết về biển. Đại dương biển là một trong số đó.

Cuốn sách bắt đầu với cái nền là bãi biển với vẻ đẹp hoàn hảo của một thiên đường nhưng cũng có khi dữ dội, khi dịu êm, vừa hiền hòa vừa đáng sợ. Sự xuất hiện của con người với những số phận khác nhau đã làm nên một thế giới đối xứng và tương đồng, khi đất liền cũng bí ẩn đầy sóng gió như đại dương.

Mỗi nhân vật trong cuốn sách đều mang trong mình những tìm kiếm. Để rồi khi đi sâu vào biển. họ đã phát hiện ra những vực thẳm của biển. Và từ đó đổ vỡ trước những điều mà bản thân họ đã từng tin tưởng.

Ngôn từ trong cuốn sách được xây dựng bằng một vẻ đẹp đẽ thuần khiết, không có nỗi đau và nỗi ác cảm nào. Như chúng ta hồn nhiên như biển cả, như đất trời, như cây cỏ.

Lối viết của Baricco vốn mang đậm dấu ấn của sự hư ảo, ranh giới của đời sống và tâm trí đều được xóa mờ đi bởi những lớp lang ngôn ngữ đầy tính biểu cảm và bí ẩn. Ông vẫn luôn là nhà văn tìm kiếm những nét đẹp mong manh trong đời sống.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục