Dreamplex Ngô Quang Huy - Một không gian không chỉ để làm việc
Đến thăm trụ sở mới nhất của Dreamplex tại Thảo Điền - thành quả của sự kết hợp giữa Dreamplex và T3 Architect.
Nếu là một nhân viên văn phòng ở Sài Gòn, có lẽ bạn đã quá quen với cảnh phải hít khói xe dưới tầng hầm tối tăm ẩm thấp, thang máy chật cứng người, bàn làm việc chật hẹp. Khi thì nắng nóng hắt vào phòng, khi thì chịu trận dưới máy lạnh hoạt động quá “năng suất”.
Thế nhưng mọi thứ lại hoàn toàn khác tại văn phòng mới của Dreamplex, một nơi mà ta có thể ví von là “viên kim cương giữa sa mạc”. Sàn ốp đá tự nhiên, những cánh cửa xếp luôn rộng mở đón gió trời, xen lẫn mùi cà phê rang xay thơm lừng từ Cloud 9 - quán cafe và bistro mà Dreamplex hợp tác cùng KOTO.
Tại trụ sở mới nhất của Dreamplex ở đường Ngô Quang Huy, phường Thảo Điền, quận 2, ông Daan van Rossum - Chief Experience Officer của Dreamplex, và ông Charles Gallavardin - nhà sáng lập T3 Architects, cùng các cộng sự từ hai đơn vị đã chia sẻ về ý tưởng thiết kế, lý do cần xây dựng văn phòng dựa trên nhu cầu của người sử dụng, và tương lai sắp tới của co-working space.
Sức mạnh của sự cộng hưởng
Bước vào một không gian mở tràn ngập ánh sáng tự nhiên, với nội thất làm từ gỗ phong, khoảng sân ngoài trời rộng rãi, phong thái niềm nở của lễ tân, và âm thanh xôn xao từ những cuộc trò chuyện, bạn sẽ phải tự hỏi: “Đây là văn phòng hay resort 5 sao vậy?”
Với chuyên môn vận hành các không gian làm việc, Dreamplex đã cùng T3 Architects cho ra mắt một co-working space mới, đề cao tính bền vững, sử dụng ánh sáng và vật liệu tự nhiên, cùng với hệ thống điều hòa thông minh, giúp tối ưu hóa trải nghiệm, năng suất làm việc và sự thoải mái của người sử dụng.
Daan: Khi Dreamplex bắt tay thực hiện dự án này, chúng tôi đã đặt mục tiêu tạo ra một công trình thật độc đáo. Từ trước thời điểm đại dịch diễn ra, nhiều công ty đã xác định các giá trị hạnh phục, khoẻ mạnh (well-being) và bền vững sẽ là mục tiêu mới cần theo đuổi. Bởi lẽ, các nhà quản lý đã bắt đầu nhận ra tác động tích cực mà một không gian làm việc tốt đến hiệu suất công việc và mức độ hài lòng của nhân viên.
Điều này đòi hỏi chúng tôi [Dreamplex] cần phải tìm được đối tác có khả năng nắm bắt và thấu hiểu những nhu cầu trên. Đồng thời, họ cũng phải là người cảm nhận được vẻ đẹp tĩnh lặng vốn có của Thảo Điền. Như vậy mới tạo ra được một công trình đẹp, hữu dụng và hài hoà với không gian xung quanh.
May mắn thay chúng tôi đã gặp được Charles và Tereza của T3 Architects - công ty kiến trúc chuyên thiết kế và xây dựng các công trình đậm tính “well-being” và bền vững. Một điểm cộng khác là văn phòng của T3 chỉ cách chúng tôi chỉ vài bước chân thôi!
Charles: Trước các lời mời tham gia dự án, chúng tôi thường khá “kén chọn". Nhưng khi nhìn thấy cơ hội được phát triển và định hình một không gian làm việc của tương lai, chúng tôi đã không hề do dự. Hiện thực hóa một giải pháp mang tính hiện đại như thế này là một quá trình gian nan, nhưng T3 Architects luôn muốn dành trọn tâm huyết cho những dự án đem lại nhiều giá trị cho Việt Nam.
Lấy nhu cầu của nhân viên làm trọng tâm thiết kế
Bạn nhìn thấy gì ở những văn phòng “xịn sò” nhất trên thế giới? Môi trường làm việc có vai trò như thế nào trong việc thu hút và giữ chân các nhân tài? Ví dụ tiêu biểu là Googleplex - một không gian đa sắc màu lấy cảm hứng từ khuôn viên trường đại học. Mọi người đến đây không chỉ để làm việc, mà còn để khám phá bản thân, để cộng tác với nhau, và để được gặp gỡ những diễn giả thú vị.
Lấy các dự án như Googleplex làm nguồn cảm hứng, mục tiêu Dreamplex đặt ra là kiến tạo một không gian không-chỉ-để-làm-việc (vì… làm việc ở đâu cũng được mà!). Đó phải là một không gian khiến người ta cảm thấy năng suất hơn, sáng tạo hơn, và muốn hợp tác với nhau hơn. Nói một cách dễ hiểu, nhu cầu thực tiễn của nhân viên đóng vai trò then chốt khi lên ý tưởng thiết kế và xây dựng dự án.
Ốc đảo giữa lòng thành phố
Charles: Trước khi được cải tạo, thật sự nơi đây không khác gì một cái “bếp lò”: bốn bề toà nhà đều bị nắng trực tiếp chiếu vào, xuyên qua một lớp cửa sổ. Những mảng tường bị sơn đen khiến tình trạng hấp thụ nhiệt càng trầm trọng hơn. Đó là điều tối kỵ khi xây dựng các tòa nhà trong điều kiện khí hậu nhiệt đới và nhiệt độ cao như ở Việt Nam.
Cách làm giảm sự tác động của thời tiết lên toà nhà là bổ sung ban công xung quanh, hoặc một facade (lớp lá chắn) thông gió đóng vai trò làm “áo giáp” cho công trình, giúp mảng tường chính của tòa nhà luôn râm mát, không bị tiếp xúc trực tiếp với nắng mưa.
Khi bắt đầu thi công, chúng tôi đã thay thế tường xi măng ở tầng trệt bằng vách ngăn kính kết hợp sliding facade (lá chắn trượt) với mục đích tạo ra một không gian hoàn toàn mở và thông với khu vực sân để đón gió, cho phép tòa nhà “thở” dễ dàng hơn.
Ngoài khả năng giảm stress và nâng cao hiệu suất, những mảng xanh còn giúp công trình khéo léo hoà mình vào vẻ thư thái của Thảo Điền. Các loại cây trong vườn, chẳng hạn như cây tre, cũng có xuất xứ trong nước.
Cấu trúc của tòa nhà cũ đóng vai trò như một tấm canvas cho những cải tiến mới. Bên cạnh facade thân thiện với môi trường, chúng tôi còn chú trọng đầu tư đến từng chi tiết nhỏ cho phần nội thất. Những sản phẩm ván ép được thay thế bằng những chiếc bàn làm từ gỗ teak và gỗ tần bì. Bằng việc kết hợp nhiều chi tiết nhỏ để tạo nên một tổng thể hoàn thiện, chúng tôi đã tạo dựng thành công một không gian làm việc lý tưởng.
Trên 9 tầng mây
Daan: Một điều cần lưu ý khi thiết kế các công trình là: đừng sao chép y hệt những gì tìm được trên Pinterest. Ngay cả khi bạn xây dựng được một văn phòng đẹp như trong ảnh thì nó cũng chẳng có giá trị gì, nếu nó không phù hợp với địa điểm của toà nhà, cũng như nhu cầu của người sử dụng.
Thêm một chiếc cửa sổ kính, vài chậu cây ở góc tường thôi thì chưa đủ. Câu hỏi bạn cần đặt ra là: làm sao để không gian này mang lại cảm giác như thể nó được tạo ra cho chính bạn? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp của những thứ tưởng chừng như vô hình.
Đó là bầu không khí thoáng đãi, hương cà phê thơm lừng từ quán Cloud9, điệu nhạc du dương, và những nụ cười nồng hậu... Tất cả những tiểu tiết ấy cùng tạo nên một ấn tượng khó phai ngay từ giây phút đầu tiên bạn đặt chân đến đây.
Tương lai của co-working space
Vậy co-working space sẽ phát triển như thế nào?
Theo Daan, có thể mô hình này sẽ không còn tồn tại nữa. Điều Dreamplex muốn hướng tới là học tập và vay mượn những ưu điểm của co-working space và áp dụng nó vào môi trường văn phòng.
Ngoài việc chú trọng hơn đến nhu cầu của nhân viên, không gian làm việc cần tiếp tục kế thừa những gì một văn phòng truyền thống sở hữu, như sự riêng tư, hình ảnh, và văn hoá của công ty. Thêm vào đó là những yếu tố đẩy mạnh sự tương tác và linh hoạt cần có ở một môi trường làm việc chung.
Lấy ví dụ tại văn phòng mới của Dreamplex, ở đây có đến 12 cách để làm việc, tùy thuộc vào tính chất công việc, thời gian trong ngày, hay chỉ đơn giản là theo tâm trạng của bạn. Bạn có nhiều hơn một lựa chọn, từ bàn làm việc đứng hướng ra vườn, đến phòng họp riêng cho những cuộc gặp quan trọng.
Nhưng không phải công ty nào cũng có khả năng đáp ứng các yêu cầu kể trên (như quầy cafe, không gian trò chuyện, khu vực làm việc chung và riêng,...). Lý do là bởi họ còn thiếu kinh nghiệm, nguồn lực, cũng như quyết tâm để hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Giải pháp đơn giản nhất là bố trí một văn phòng riêng cùng với những tiện ích chung - tạo ra một “co-working space” ngay trong chính không gian làm việc sẵn có. Và trong tương lai, những văn phòng sẽ- và nên được phát triển theo hướng như vậy.
Bài viết được biên dịch bởi L A M