Eco-anxiety là gì? Bạn có thể làm gì để giảm nỗi lo về biến đổi khí hậu?

Bạn có cảm thấy lo âu, thậm chí hoảng sợ khi đọc tin tức về môi trường? Eco-anxiety xảy ra vì sự lo âu của chúng ta về tình trạng hiện tại của môi trường đấy

Trà Nhữ
Eco-anxiety là gì? Bạn có thể làm gì để giảm nỗi lo về biến đổi khí hậu?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Bạn có cảm thấy lo âu, thậm chí là hoảng sợ khi đọc tin tức về môi trường? Cháy rừng tại Úc, băng tan ở Bắc Cực, hay hạn mặn ở chính Đồng bằng sông Cửu Long – những dòng tin tức này có tạo cảm giác bất lực trong bạn?

Eco-anxiety (lo âu về khí hậu) ngày càng được bàn luận nhiều trong các cuộc đối thoại về sức khỏe tâm lý cũng như bảo vệ môi trường. Các nghiên cứu sức khỏe tâm thần ở nhiều quốc gia, từ Greenland tới Úc cho thấy sự gia tăng của các chứng căng thẳng hoặc trầm cảm vì biến đổi khí hậu. 

Tuy chưa có nhiều thông tin và khảo sát về eco-anxiety tại Việt Nam, nhưng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cuộc sống của 74% dân số. Theo báo cáo của Germanwatch và WHO, Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. 

Trước tình thế này, lo âu là phản ứng tự nhiên. Vậy chúng ta biết gì về eco-anxiety để tạo nên những thay đổi thiết thực?

Định nghĩa và nguyên nhân

Lo âu về sinh thái hay lo âu về khí hậu (eco-anxiety) đã được Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) xác định là "nỗi sợ kinh niên về sự tàn phá môi trường" vào năm 2017. Tuy eco-anxiety không được chẩn đoán là một bệnh rối loạn lo âu lâm sàng, nhưng lo âu về sinh thái có thể kích động hoặc khiến các bệnh tâm lý có sẵn trở nên nghiêm trọng hơn.  

Một số nguyên nhân của eco-anxiety gồm: 

  • Đã trải nghiệm hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa khí hậu (như cháy rừng, hạn hán hoặc lốc xoáy). Ví dụ, trong thảm họa cháy rừng Úc năm 2019-2020, những người nông dân cảm thấy “trang trại bị tàn phá như cái chết với họ”. Ở Kulusuk, Greenland, nơi băng Bắc Cực đã tan, tỉ lệ trầm cảm, tự tử và nghiện rượu trong dân số tăng cao. 
  • Truyền thông và mạng xã hội đưa tin tức nặng nề, dồn dập về biến đổi khí hậu và thiên nhiên bị tàn phá.
  • Cảm giác bất lực vì không thể đảo ngược biến đổi khí hậu.
  • Cảm thấy tội lỗi về hậu quả môi trường do thế hệ mình gây ra, lo lắng cho thế hệ sau này. 

Eco-anxiety dưới cái nhìn tâm lý học 

Lý giải về eco-anxiety, Aimee Lewis-Reau, nhà đồng sáng lập Good Grief Network – tổ chức về sức khỏe tâm lý trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cho rằng sự không chắc chắn về tương lai là một nguyên nhân. 

Bác sĩ trị liệu tâm lý Caroline Hickman đồng tình: con người gần như không thể chịu nổi sự không chắc chắn vì họ cảm thấy mất đi quyền làm chủ. Thế là họ thường tưởng tượng thái quá về tương lai, thậm chí suy nghĩ về tận thế (apocalyptic thinking).

Theo Hickman, lo âu về khí hậu không nên bị kết luận vội vàng là “bất ổn tâm thần”. Eco-anxiety là một phản ứng lành mạnh, nhân văn trước biến đổi khí hậu. Nỗi lo âu dù gây khó chịu, nhưng ít nhất nó cho thấy nhận thức chủ động về hiện thực mà ta đối mặt. Như vậy, eco-anxiety cũng có thể được coi như “eco-empathetic” hoặc “eco-compassionate” (thương cảm trước biến đổi khí hậu). 

Có nên bi quan và bỏ cuộc? 

Trước hết, đừng bi quan và đầu hàng trước suy nghĩ tận thế. Theo Kate Marvel, nhà khoa học khí hậu và nhà toán học tại Đại học Columbia, những thông điệp bi quan cực đoan như “Tất cả chúng ta đều sẽ diệt vong, không có gì có thể đảo ngược” đều không được chứng minh bởi khoa học. “Tôi không nói rằng chúng ta có thể thả lỏng, nhưng ta có thể tìm được sự lạc quan nhờ hành động hướng tới giải pháp.”    

Nhiều chuyên gia và nhà giáo dục đưa ra cảnh báo: truyền thông về môi trường với viễn cảnh tận thế đang tạo ra ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt với trẻ em. Meghan Duffy, giáo sư về sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học Michigan chỉ ra: chỉ nhấn mạnh vào thảm họa khí hậu là một mối nguy tiềm tàng, vì nó vô tình đưa ra những kết luận “kinh hoàng tới mức mà người nghe cảm thấy bất lực và hoảng loạn.”

Vì vậy, bên cạnh việc giảng dạy về biến đổi khí hậu, Meghan thêm vào giáo trình những thông tin về việc khoa học và chính sách đang góp phần đảo ngược tình thế ra sao. Tập trung vào giải pháp sẽ giúp giảm cảm giác tê liệt, theo bác sĩ tâm lý Haase, đồng sáng lập của Climate Psychiatry Alliance.

Từng cá nhân có thể làm gì?

Theo lời khuyên của bác sĩ Hickman:

  • Bạn nên chấp nhận sự lo âu như một cảm xúc hợp lý và cần thiết. Việc này giúp bạn tìm được sự cân bằng và chuyển hóa nỗi lo âu thành động lực để thay đổi tình hình.
  • Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện luôn trao đổi tích cực, có tính xây dựng và chú trọng hành động. Cảm giác cộng đồng (sense of belonging) tạo cho bạn chỗ dựa tinh thần, đồng thời việc hướng đến các mục tiêu rõ ràng sẽ hỗ trợ bạn đối phó với cảm giác bất lực.
  • Nếu nỗi lo âu trở nên quá tiêu cực và ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày, bạn nên tìm đến trợ giúp y tế.

Kết 

Eco-anxiety dù gây khó chịu, nhưng được thúc đẩy nhờ cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa của môi trường và cộng đồng. Hiểu về eco-anxiety giúp bạn tìm điểm cân bằng trong dòng chảy cảm xúc, từ đó chuyển hóa năng lượng vào các hoạt động thiết thực và kết nối với cộng đồng. Cuối cùng, hãy nhớ rằng dù nỗi lo âu lớn đến chừng nào, bạn sẽ không cô đơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục