EVFTA là gì? Chừng nào ta được mua xe hơi với mức thuế 0 đồng?
EVFTA là gì? Hiệp định này ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao? Chúng ta, những người dân sẽ được ảnh hưởng trực tiếp gì từ đó?
*Nội dung bên dưới sẽ thường xuyên được cập nhật theo các diễn biến mới nhất.
EVFTA – Ngược dòng sự kiện
7/2020: Nếu được Quốc hội phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực vào tháng này.
20/5/2020: EVFTA sẽ được trình , biểu quyết và phê chuẩn.
30/3/2020: Hiệp định EVFTA được thông qua bởi Hội đồng châu Âu.
30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA tại Hà Nội.
26/6/2018: Thống nhất tách riêng EVFTA thành hai hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
10/2010: Việt Nam và EU khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
EVFTA là gì?
EVFTA (European-Vietnam Free Trade Agreement) là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu Âu, từ đó đẩy nhanh tiến trình hội nhập nền kinh tế thế giới của đất nước.
Việt Nam được lợi gì từ EVFTA?
Về kinh tế
Việt Nam được EU miễn thuế quan cho các mặt hàng xuất khẩu. Chỉ tính riêng ở các mặt hàng chủ lực (dệt may mặc, điện tử, giày dép), Việt Nam sẽ giảm được 6-7 tỷ Euro tiền thuế trong 7 năm.
Từ đó xuất khẩu Việt Nam có cơ hội bứt phá, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội “cứu cánh” cho Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, EVFTA sẽ:
- Xóa bỏ 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
- Miễn 90% số dòng thuế, tương đương gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
- Giúp Việt Nam tiếp cận 22 nước còn lại trong EU, bên cạnh 5 thị trường chủ lực: Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Ý.
Về quan hệ chính trị
- Hiệp định thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa EU và Việt Nam, chứng minh Việt Nam luôn cố gắng hội nhập vào nền kinh tế thế giới và tăng cường hợp tác quốc tế song phương.
- Việt Nam sẽ là nước thứ hai trong khối ASEAN kết thúc đàm phán FTA (Hiệp định thương mại tự do) với châu Âu, tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt trong thị trường này.
Việt Nam gặp thử thách gì trước EVFTA?
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và châu Âu ngày càng khốc liệt. Lý do: hàng hóa từ EU nhập vào Việt Nam sẽ được miễn 48.5% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 99% số dòng thuế sau 10 năm.
Nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu nghiêm ngặt của EU, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hóa. Theo thống kê chưa đầy đủ của Lefasco, chỉ có 30% doanh nghiệp trong nước tự chủ được nguyên liệu, trong khi 60-70% còn lại chủ yếu là gia công.
Việt Nam sẽ không còn được hưởng chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập () của EU dành cho các nước nghèo và đang phát triển. Như vậy các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của EVFTA cũng không còn được nhận hỗ trợ miễn giảm thuế từ các gói chương trình của EU, trong đó có GSP.
EVFTA có thể bị đình chỉ nếu bạn bị đối xử bất công khi làm việc?
EVFTA chú trọng tới tính bền vững trong lao động, xã hội và môi trường. Hiệp định này dành riêng một chương, nhấn mạnh Việt Nam và EU phải cam kết thực thi 8 công ước lao động (theo tuyên bố của ILO – Tổ chức lao động quốc tế năm 1998).
Trong đó, đáng chú ý là các nguyên tắc về “đảm bảo trả công bình đẳng” hay “cấm lao động ép buộc” (bắt ép một người làm việc trái ý nguyện hay đe dọa một hình phạt nào đó). Đây cũng là những vấn đề khó giải quyết ở Việt Nam hiện tại.
Vậy rốt cuộc EVFTA có giúp giảm giá thành ô tô?
Theo dự đoán, những chiếc xe nhập từ châu Âu có giá bán từ 1,5 – 3 tỷ đồng, dung tích xi lanh dưới 2.5L, sẽ giảm từ 200 – 400 triệu đồng, sau 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, lộ trình cắt giảm thuế đến mức 0% đối với các mặt hàng ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô từ châu Âu là 9 – 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đồng nghĩa, người dân phải chờ tối thiểu 9 năm nữa mới có thể mua ô tô miễn thuế.
Phản ứng của mọi người khi EVFTA (sau 10 năm) cuối cùng cũng sắp đi vào hiệu lực?
Đa số đều vui mừng và phấn khởi vì kinh tế Việt Nam sắp cải thiện hay sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có những câu hỏi rất đáng suy ngẫm, như Group 'Kinh tế học giản đơn' có đặt ra:
- “Liệu lao động từ các quốc gia phát triển hơn chúng ta có đổ về Việt Nam?”
- “Có khi nào giá phòng trọ lại tăng thêm vì có thêm người nước ngoài lưu trú?”
- “Có khi nào đi ăn uống hay shopping người nước ngoài sẽ được ưu tiên hơn so với người Việt một tẹo- vì mình là chủ nhà mà.”
- …
Funfact
Các thỏa thuận có thể bị đình chỉ nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền. Ngoài phương diện kinh tế, EVFTA được các nghị sĩ châu Âu coi như công cụ để bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội ở Việt Nam. Chúng ta có thể mong chờ luật về lao động được cải thiện trong thời gian tới.
EVFTA lúc đầu là Hiệp định giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, nhưng hiện chỉ có 27 nước thành viên (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit).
EU có mong muốn ký Hiệp định này với tất cả các nước ASEAN. Như vậy các nước lân cận cũng sẽ có lợi thế tương tự trong việc xuất khẩu hàng hóa sang EU. Tuy nhiên việc đàm phán EVFTA thành công sớm sẽ giúp Việt Nam có lợi thế về thời gian so với các nước khác, từ đó thâm nhập và tạo vị trí vững chắc trong thị trường châu Âu.EVFTA không phải là thành công độc quyền của Việt Nam, Singapore là nước đầu tiên trong ASEAN ký hiệp định này.