FBI lo ngại TikTok đe doạ an ninh quốc gia Mỹ

"Thao túng nội dung" và "thu thập dữ liệu trái phép" là những gì giám đốc FBI mô tả về TikTok.
Long Vũ
Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 2/12, trong buổi trò chuyện tại trường chính sách công Gerald R. Ford thuộc Đại học Michigan, giám đốc FBI Christopher Wray nêu lên những lo ngại về việc TikTok gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ.

Cụ thể, ông Wray nghi ngờ rằng chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát dữ liệu người dùng ở Mỹ, hoặc kiểm soát các thuật toán của nền tảng này để thao túng nội dung đối với người dùng Mỹ. Tính chính đáng của lo ngại này, đối với Wray, nằm ở việc chính phủ Trung Quốc không chia sẻ chung hệ giá trị, và sứ mệnh của nó mâu thuẫn với lợi ích của Mỹ.

2. Phía TikTok đáp trả ra sao?

Đáp trả, phía TikTok lên tiếng rằng ByteDance, công ty sở hữu TikTok có trụ sở ở Bắc Kinh, là một công ty tư nhân. Còn TikTok Inc., công ty phân phối các dịch vụ của TikTok tại Mỹ, là một công ty Mỹ và chịu các ràng buộc của chính phủ Mỹ.

Brooke Oberwetter, phát ngôn viên của TikTok tại Mỹ, lên tiếng rằng TikTok đang trong quá trình đáp ứng được đầy đủ những lo ngại hợp lý về an ninh quốc gia tại nước sở tại. Họ đã đạt được những bước tiến lớn.

Sau khi lệnh cấm TikTok và WeChat tại Mỹ của cựu tổng thống Donald Trump được đảo ngược, tổng thống Joe Biden vẫn chưa đưa công ty Trung Quốc này ra khỏi tầm ngắm. Giữa năm 2021, James Lewis, chuyên gia về chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng ông không bất ngờ nếu như một lệnh cấm khác lại được áp đặt đối với TikTok.

Áp đặt được áp dụng trên từng bằng chứng về sự liên hệ của TikTok với chính quyền Trung Quốc. Những lo ngại liên quan đến bảo mật thông tin người dùng Mỹ vẫn liên tục được đặt ra. Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 9 năm 2022, bà Vanessa Pappas, Giám đốc điều hành TikTok, khẳng định công ty vẫn bảo vệ tất cả dữ liệu người dùng tại Mỹ.

Trước đó, vào tháng 9 năm 2021, một báo cáo được đăng tải lên Buzzfeed đã trích lời 9 nhân viên của TikTok, cho rằng các kỹ sư ở Trung Quốc có thể truy cập sâu vào dữ liệu người dùng Mỹ. Sau đó ít hôm, TikTok tuyên bố đã chuyển toàn bộ dữ liệu của người dùng Mỹ về các máy chủ tại Mỹ do Oracle vận hành, dù dữ liệu Mỹ vẫn có thể được truy cập từ Trung Quốc trong khoảng thời gian 9/2021-1/2022.

3. Các chính quyền có thái độ ra sao về TikTok?

Báo cáo trên Buzzfeed về bằng chứng TikTok truy cập dữ liệu đã rấy lên một làn sóng đòi “tái cấm” mạng xã hội này ở Mỹ. Cụ thể, vào 28/06/2022, nghị sĩ Cộng hoà Brendan Carr đã kêu gọi Google và Apple cấm TikTok trên chợ ứng dụng của mình.

Nhưng một lệnh tái cấm từ sau nỗ lực “đóng biên” với TikTok của ông Trump sẽ rất khó để xảy ra. Nhiều nhà làm luật cho rằng ông Biden sẽ phải thận trọng trong việc áp đặt trừng phạt với TikTok, do có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 100 triệu người dùng Mỹ sử dụng nền tảng này, theo Tu chính án thứ Nhất.

Không phải quốc gia nào cũng có những nước đi thận trọng với TikTok như nước Mỹ dưới thời Joe Biden. TikTok thực tế bị cấm ở nhiều quốc gia do các xung đột khác nhau về giá trị tôn giáo, văn hoá, và chính trị. Các quốc gia này bao gồm Iran, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, và Afghanistan.

4. Đâu là giá trị TikTok theo đuổi?

Lợi nhuận. Đó chắc chắn là lý do đầu tiên và quan trọng nhất dẫn lối cho hoạt động mạng xã hội hiện nay. Là các nền tảng quảng cáo khổng lồ, nguyên tắc hoạt động của các mạng xã hội là thu thập, phân tích dữ liệu của người dùng, từ đó đặt quảng cáo từ các nhãn hàng lên màn hình người dùng đang có nhu cầu giao dịch.

Cách đáp trả lại cáo buộc từ các chính quyền trên thế giới cho thấy TikTok không “văn” như Facebook và Twitter. Họ không nói rằng tự do ngôn luận là ưu tiên hàng đầu của mình, mà sẵn sàng thoả hiệp để không ảnh hưởng tới hoạt động, và dòng tiền chảy qua họ.

Ước tính, doanh thu từ quảng cáo trên TikTok vào năm 2021 là 4 tỷ USD. Để duy trì con số này, họ sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt từ nước sở tại. Ví dụ như ở Trung Quốc, các nội dung liên quan đến các phong trào xã hội, Tây Tạng, trại cải tạo… đều bị kiểm duyệt. Nội dung liên quan đến một loạt các lãnh đạo thế giới, vốn có thể gây tranh cãi, cũng bị cấm trên TikTok, bao gồm Vladimir Putin, Donald Trump, Barack Obama, hay Mahatma Gandhi.

Một trường hợp đặc biệt nữa là ở Thổ Nhĩ Kỳ, TikTok cam kết mọi nội dung liên quan đến tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đều là nội dung tích cực.

Dù sẵn sàng thoả hiệp như vậy, nền tảng này không thoát khỏi nghi vấn vì sự liên quan của nó đến chính phủ Trung Quốc, vốn đã có nhiều “danh tiếng” về thao túng nội dung.

5. Người dùng TikTok tại Việt Nam cần lưu ý những gì?

Nội dung “bẩn” tràn lan trên TikTok Việt Nam không phải một hiện tượng mới. Vụ việc Nờ Ô Nô được cộng đồng bàn tán tuần vừa qua là sự việc tiêu cực hiếm hoi được truyền thông chính thống để mắt, trong rất nhiều sự việc tiêu cực khác xảy ra trên mạng xã hội.

Đòi hỏi một mạng xã hội rằng chỉ hiển thị thông tin tích cực là điều không thể, mà nếu có thể thì nó cũng vẽ ra một bức tranh xã hội dối trá không cần thiết. Điều chúng ta cần phải nhận thức được đó là, cái gì “viral” không có nghĩa là nó tốt.

Vì thuật toán của mạng xã hội không quan tâm đến các giá trị nhân văn. Thứ chúng quan tâm là càng nhiều tương tác trên nền tảng càng tốt, để hệ thống có thể làm lợi từ người dùng, từ đó bán được nhiều quảng cáo hơn.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng các bạn nên xoá TikTok, Facebook, hay YouTube ra khỏi thiết bị của mình. Hãy chọn lọc hơn những gì mình có thể chia sẻ trên internet, và nhớ về những ngày đầu mình sử dụng mạng xã hội. Khi ấy nó chưa phải toàn bộ cuộc sống của chúng ta.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục