FGM - Không nền văn minh nào “lương thiện” trong can thiệp ham muốn của phụ nữ

Female genital mutilation (FGM) là thủ tục cắt âm vật phụ nữ nhằm triệt tiêu ham muốn xảy ra ở nhiều nền văn hoá, bao gồm cả phương Tây.
Long Vũ
Nguồn: KOKO TV

Nguồn: KOKO TV

FGM là gì?

FGM là một nghi lễ trong đó một phần hoặc toàn bộ cơ quan sinh dục ngoài của phụ nữ bị cắt bỏ bằng một lưỡi dao hoặc dao cạo, người nữ thì có thể được hoặc không được gây mê. Trong số Triết Xuất lần này, cùng Vietcetera tìm hiểu về những tranh cãi xoay quanh FGM.

FGM bao gồm các thủ tục khác nhau, bao gồm loại bỏ mũ âm vật và một da bao âm vật, loại bỏ môi bé. Đáng sợ nhất, ở một số nơi, toàn bộ môi lớn và môi bé bị loại bỏ nhằm đóng cửa âm đạo. Một lỗ nhỏ được tạo ra sau đó nhằm tiểu tiện và phục vụ cho kỳ kinh nguyệt. Âm đạo này sẽ được mở ra dần khi người phụ nữ tới thời điểm có thể giao phối, và tiếp tục mở ra khi họ sinh con.

Mặc dù đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, từ châu Phi, phương Đông cho đến phương Tây, song phải đến tận năm 1997, nó mới được định nghĩa và lên án bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO là "loại bỏ một phần hoặc toàn bộ các cơ quan sinh dục nữ bên ngoài hoặc các tổn thương khác đến cơ quan sinh dục nữ vì lý do không phải y tế."

Nỗ lực này có lẽ đến từ sự lên tiếng của nữ siêu mẫu người Áo gốc Somalia Waris Dirie về thủ tục FGM mà bà từng phải trải qua khi mới 5 tuổi, cùng hai người chị em khác của mình. Tiếng nói của Waris Dirie cất lên tại đỉnh cao sự nghiệp người mẫu của bà, trong buổi phỏng vấn cùng Laura Ziv cho tờ phụ nữ Marie Claire vào năm 1997. Cùng năm đó, bà trở thành đại sứ cho chiến dịch chống FGM của UN.

Tới năm 1998, Waris Dirie viết cuốn tự truyện Desert Flower: An Extraodinary Journey of a Desert Nomad cùng với sự chấp bút của cây bút phi hư cấu Cathleen Miller, trong đó kể về hành trình sau khi trải qua FGM, Dirie từng đối mặt với nhiều bi kịch cuộc đời khác như bị bán cho một người đàn ông 60 tuổi, rồi sau đó chạy thoát khỏi châu Phi và tới phương Tây trước khi được phát hiện.

Có thể nói, FGM là một thủ tục sai trái về cả pháp luật và đạo đức, nó xâm phạm triệt để cơ thể của một người. Nhưng cũng khoan hẵng đánh giá rằng FGM chỉ xảy ra ở những vùng đất man rợ, nơi quyền con người không được đề cao. Hay chỉ có ở phương Tây văn minh, người phụ nữ mới được nhìn đúng giá trị của mình và khi họ lên tiếng, FGM mới bị loại trừ. Vì câu chuyện phức tạp hơn vậy rất nhiều.

Trong thực tế, FGM cũng được sử dụng ở nhiều quốc gia phương Tây trong hàng trăm năm, dưới những vỏ bọc khác nhau nhưng thực tế đều nỗ lực kiểm soát và triệt tiêu ham muốn ở người phụ nữ.

Danh nghĩa nào thực hiện cắt bỏ âm vật ở phương Tây?

Danh sách các quốc gia và khu vực có thực hiện thủ tục FGM được đưa ra bởi WHO chỉ bao gồm các nước châu Phi, Nam Á và Trung Đông. Trong khi đó, thủ tục này mới chỉ bị cấm tại Anh từ năm 1985, và được ban hành thành đạo luật như Female Genital Mutilation Act vào năm 2003. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, trước khi có đạo luật cấm thì GFM được thực hiện ở Anh, Mỹ và các quốc gia có văn hoá gần gũi như thế nào?

Theo tờ The Conversation, clitoridectomy - một thủ tục nằm trong nhóm FGM, trong đó người phụ nữ bị cắt bỏ âm vật nhằm “chữa” hysteria và một số loại bệnh tâm lý - được đề xuất và thực hiện một cách vô cùng phổ biến ở Anh từ những năm 60 của thế kỷ 19. Không những vậy, phương pháp này cũng được thực hiện nhằm “chữa” những hành vi của phụ nữ được coi là “không nữ tính” và là “mối đe doạ tới hôn nhân” như “chán ghét quan hệ vợ chồng”, “chán ghét chồng” hay có một số hành vi bạo lực.

Thú vị hơn, thực hành clitoridectomy gắn liền với rất nhiều cách hiểu khác nhau về bệnh hysteria. Sự hiểu biết của phương Tây về hysteria đến cuối thế kỷ 18 dừng lại ở việc nó là một bệnh chỉ gặp ở nữ giới, và được gây ra bởi những rối loạn tử cung. Sau đó nó được nhìn như một dạng rối loạn chức năng tình dục. Phương pháp điều trị phổ biến là xoa bóp âm đạo, kích thích sự “lên đỉnh” bằng máy rung, máy phun nước, hay cực đoan hơn, là cắt bỏ toàn bộ âm vật.

Bác sĩ người Anh Isaac Baker Brown là người tiên phong với phương pháp cắt bỏ âm vật. Brown là một chuyên gia về các bệnh phụ nữ với thâm niên phẫn thuật u nang buồng trứng và các loại u khác. Tới năm 1858, ông mở một phòng khám riêng dành cho phụ nữ, nhằm điều trị các loại bệnh phụ nữ thông qua phương pháp phẫu thuật.

Isaac Baker Brown từng liệt kê một bệnh phụ nữ tên là Phì đại và kích ứng âm vật; nói theo cách hiểu hiện đại, ông coi thủ dâm ở phụ nữ là một loại bệnh vì cho rằng hành động này có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, và điều này có liên kết với hysteria. Thực tế, nhiều biện pháp “dân gian” đã được đem ra để chữa “bệnh” thủ dâm như tắm nước lạnh, dùng đỉa hút máu từ âm vật, nhưng y tế của thế kỷ 19 cho rằng, cần phải phẫu thuật để chữa triệt để.

Như vậy, mặc dù ngày nay chúng ta tưởng rằng nền văn minh phương Tây vốn dĩ nói không với FGM, thì sự thật là họ chỉ thực hiện nó với những lý do khác. Thay vì nói, âm vật cần bị loại bỏ để phụ nữ không có ham muốn vì thế có đời sống gia đình thuận hoà hơn, thì ham muốn giờ đây bị coi là một bệnh y khoa cần phải chữa trị, và FGM được coi là một thực hành y tế.

Sau này, hysteria cũng được chỉ ra là một phản ứng của cơ thể, một sự phân li của ý thức, khi những ham muốn cá nhân bị kiềm toả và bó buộc. Cấm dục vì vậy không phải phương thuốc cho một căn bệnh có sẵn, mà là nguyên nhân của nhiều bệnh tật hơn.

Phẫu thuật âm đạo nhằm tăng ham muốn

Ngay cả khi đã có nhiều đạo luật cụ thể nhằm cấm FGM, thì theo nhà nhân học Pat Caplan, FGM không hề biến mất ở thế giới phương Tây, mà chỉ có một sự dịch chuyển quan niệm về FGM mà thôi.

Nếu như trước đây, các thủ tục FGM được thực hiện để hạ thấp hoặc loại bỏ hoàn toàn ham muốn tình dục, thì ngày nay sự can thiệp vào âm đạo của phụ nữ lại để gia tăng ham muốn, không chỉ ở người phụ nữ, mà còn ở người đàn ông đối tác của họ. Rất nhiều dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, tức là can thiệp vào âm đạo không phải vì lý do y tế, mà vì lý do thẩm mỹ, đã ra đời.

Pat Caplan tự hỏi, vì sao WHO không liệt kê những kiểu phẫu thuật sau đây là FGM: Tạo hình môi âm hộ (labiaplasty - thu nhỏ môi trong), tạo hình âm đạo (vaginoplasty - thắt chặt cơ âm hộ), hay thu nhỏ âm vật (clitoral hood reduction). Đây là những kiểu can thiệp thẩm mỹ vào bộ phận sinh dục nữ khá phổ biến, không phải để đối phương yên tâm hơn về sự “không dâm dục,” mà để đối phương tăng phần thoả mãn.

Theo Caplan, có thể nói chúng ta đã đối diện với một tư duy tiêu chuẩn kép: Trong khi phụ nữ thuộc thế giới thứ ba trải qua FGM bị truyền thông đóng khung là nạn nhân của định kiến giới, thì phụ nữ phương Tây phẫu thuật những kiểu trên lại được cho là tự chủ thân thể.

FGM là một dạng bạo lực tình dục, nhưng thay vì dừng lại ở một nhát kéo, ta cần thấy cách định kiến có hiệu lực trên diện rộng đã bình thường hoá việc xã hội can thiệp vào phần nhạy cảm nhất trên cơ thể phụ nữ như thế nào. Dù nó được mô tả bằng ngôn từ ngăn chặn, hay cổ vũ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục