Giá trị của việc cải thiện bản thân thực sự nằm ở đâu?

Theo Mark Manson, đích đến cuối cùng của cải thiện bản thân là đạt tới cảnh giới bạn không phải “gồng” lên để làm nó nữa. Để làm được như vậy, bạn cần hiểu rõ nhu cầu thực sự của chính mình.
Mark Manson
Nguồn: Thieu Quan Vo Vu @ Pexels

Nguồn: Thieu Quan Vo Vu @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “What Is Self-Improvement?”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Trên đời này tồn tại một nghịch lý với việc cải thiện bản thân. Nó có thể được phát biểu như sau: Mục tiêu cuối cùng của mọi quá trình cải thiện bản thân, là đạt đến thời điểm mà bạn không còn thấy mình phải cải thiện bản thân nữa.

Thực tế nghịch lý này cũng tồn tại ở nhiều khía cạnh khác. Đích đến cuối cùng của việc cải thiện năng suất là khi bạn không phải nghĩ cách để làm việc hiệu quả nữa. Mục tiêu sau chót của hạnh phúc cũng là đạt tới cảnh giới bạn không còn phải “gồng lên” để hạnh phúc. Đích đến của việc cải thiện mối quan hệ là bạn có thể làm tình một cách tự tin mà không lo “ngã ngựa”.

Do đó theo một cách kỳ lạ, việc cải thiện bản thân cũng là tự đánh bại bản thân. Cách duy nhất để một người thực sự khai thác được tối ưu tiềm năng của mình, hoặc được thỏa mãn mong muốn thể hiện bản thân là hãy dừng cố gắng tất cả những điều này ở một thời điểm nào đó.

Đi kèm với mong muốn này luôn là sự phù phiếm tiềm ẩn và lòng ái kỷ ở một mức độ nhất định. Cá nhân tôi tin rằng, việc cải thiện bản thân đóng vai trò quan trọng. Nó thể hiện ở lượng nội dung sách, podcast, bài báo hay hội thảo về đề tài này mà bạn tiêu thụ mỗi năm.

Bạn hoàn toàn có hy vọng cải thiện được bản thân. Nhưng giống như mọi vấn đề khác, cải thiện đến mức nào còn phụ thuộc nhiều vào lý do bạn quan tâm đến việc này.

Tiếp cận việc cải thiện bản thân thế nào?

Về vấn đề cải thiện bản thân, có hai kiểu tiếp cận chính:

1. Kiểu “cắm đầu vào làm”

Đây chính là những người tham gia mọi thể loại hội thảo, đọc mọi loại sách và nghe mọi loại podcast về cải thiện bản thân. Họ cũng tập 7749 các bài thể hình khác nhau, thuê tất cả những người khai vấn (life coach) họ gặp và nói không ngừng về các tổn thương thời thơ ấu của họ, dù chúng có thật hay không.

Với nhóm người “cắm đầu vào làm”, họ làm tất cả những việc này cốt không phải vì sự cải thiện chúng mang lại, mà do FOMO. Họ luôn cảm giác day dứt, nghĩ rằng vẫn còn một số bí kíp thần kỳ nào đó giúp họ bước lên một tầm cao mới mà họ chưa tìm ra. Có thể đúng vậy thật, mà cũng có thể là họ tưởng tượng ra.

Đối với họ, cải thiện bản thân trở thành một sở thích đáng được tôn vinh. Đó là thứ để họ tiêu sạch tiền của mình vào, gặp gỡ bạn bè và giao lưu. Trong phần lớn thời gian thì sở thích này không quá tệ, chí ít là họ không xài tiền vào những thứ như ma túy đá.

2. Kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”

Những người này chỉ nghĩ đến việc cải thiện bản thân khi bị đời quăng quật cho tơi tả. Họ bị trầm cảm vì ly hôn hoặc mất người thân, hoặc vì phát hiện ra khoản nợ tín dụng khổng lồ mà họ quên trả suốt nhiều năm qua.

Đối với họ, những nội dung self-help giống như đi bác sĩ vậy. Không ai tự dưng đến bệnh viện hỏi bác sĩ xem mình đang đau ở đâu cả, điều đó thật điên rồ. Bạn chỉ làm vậy khi đã cảm thấy thực sự không ổn. Tương tự như vậy, những người này áp dụng self-help để tự “chữa” bất cứ điều gì sai đang xảy ra với họ, để sớm đứng vững lại và tiếp tục chiến đấu với thế giới.

Cá nhân tôi nhận thấy, kiểu người thứ hai đang nhìn nhận và thực hiện việc cải thiện bản thân theo cách lành mạnh, còn kiểu thứ nhất thì không (dù không phải lúc nào cũng vậy).

Theo nghịch lý được phát biểu trên, đích đến cuối cùng của cải thiện bản thân là khi bạn đạt tới cảnh giới không cần suy nghĩ nhiều về nó nữa. Thế nên việc cắm đầu vào tiêu thụ những nội dung này không ngừng chỉ khiến bạn càng thêm “khát” nó. Bạn sẽ luôn cho rằng mình “thiếu” cái gì đó, rằng mình phải cải thiện bản thân liên tục.

Nhiều người tìm đến tài liệu self-help vì thấy có điều không ổn với chính mình. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, tài liệu nào hướng dẫn bạn cải thiện cuộc sống cũng đồng thời khiến bạn thừa nhận rằng, có một sai lầm cố hữu nào đó đang tồn tại trong đời bạn.

Những người này rồi sẽ bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn. Họ thu thập mọi lời khuyên về làm việc năng suất, tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng với cốc cafe đậm đặc. Sau đó họ sẽ ngồi thiền 30 phút trong khi hình dung ra con vật tâm linh của mình, trước khi gọi con dậy đi học.

Nhưng nhỡ họ gọi con dậy sai cách thì sao? Họ sẽ mua một loạt sách kỹ năng làm cha mẹ, tham dự 7749 hội thảo về cách dạy con tự tin, rồi các hội thảo khác về chuẩn bị tài chính cho tương lai của con, vân vân và mây mây. Những thứ này lại khiến họ tiêu thêm một đống tiền nữa, rồi lại rơi vào nợ nần chỉ để học cách trở thành triệu phú khi ở tuổi 50.

Cái vòng luẩn quẩn này sẽ không bao giờ kết thúc, trừ khi bạn cho phép nó.

Tập trung vào bức tranh toàn cảnh hơn

Cái gọi là “cuộc sống tối ưu” không bao giờ tồn tại. Đúng là có một số thói quen lành mạnh hơn, như ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Bạn có thể bắt đầu từ đó, nhưng ghi nhớ định luật 80/20: đừng làm hỏng bức tranh toàn cảnh.

Đọc sách self-help hay tiêu thụ nội dung về cải thiện bản thân nhìn chung không có vấn đề gì, miễn là bạn hiểu rõ mối quan hệ của mình với chúng. Và miễn là bạn đảm bảo rằng bạn có thể kiểm soát chúng, chứ không phải chiều ngược lại.

Nếu thuộc kiểu người “cắm đầu vào làm”, self-help có thể cho bạn cảm giác trưởng thành, phát triển hay mở rộng ý thức hết lần này đến lần khác. Nhưng cảm giác của bạn chưa chắc đã đúng. Bạn cảm thấy mình tiến bộ không có nghĩa bạn thực sự tiến bộ.

Còn nếu tìm đến self-help để tự chữa lành, bạn chỉ thực sự có được lợi ích từ những tư liệu này khi đạt tới cảnh giới bạn không cần chúng nữa. Nó giống như phần bột bó cho cánh tay gãy, hay miếng gạc cho một vết thương sâu. Bạn mang nó lên, để nó chữa lành cho bạn, rồi bạn phải bỏ nó ra mới có thể tiếp tục cuộc sống.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục