Điểm xanh cho môi trường công sở và học đường
Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi... "xanh".
“4 giờ rồi mọi người order trà sữa không nào!”
Dân văn phòng thì làm sao mà cưỡng lại được tiệc trà chiều này. Thế là nửa tiếng sau, một loạt các ly nhựa, ống hút, bao nhựa tràn vào. Đến cái ống hút còn có cái bao nhựa cho riêng nó!
Nhiều trách nhiệm với môi trường quá, bạn quyết định tách mình ra khỏi chủ nghĩa tiêu dùng. Nhưng còn cơm trưa thì sao? Và cứ thế, chúng ta thấy bản thân mình, cũng như Trái Đất, không thoát khỏi sự thao túng của nhựa.
Vậy làm thế nào để sống xanh trong thời đại “nhà bao việc”? Trong tập này của series “Giải Rác”. Hãy cùng Vietcetera và PRO Việt Nam bỏ túi những phương án tái chế có thể thực hiện trong công ty và trường học nhé!
Chọn những hộp cơm làm từ nhựa có thể tái sử dụng
Tại sao nên làm?
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm 96,7% số công ty tại Việt Nam. Phần lớn sẽ khó có thể cung cấp cho nhân viên một suất cơm trưa trong một hộp cơm bằng bã mía. Một phần ăn vừa no, không dở và “xanh” cũng ít nhất là 60.000VND. Một ly cà phê cốc và ống giấy cũng phải 35.000VND, trong khi ở cửa hàng tiện lợi chỉ khoảng 15.000VND.
Vậy đâu là giải pháp thay thế cho những hộp cơm làm bằng bã mía?
Làm như thế nào?
Để giải quyết vấn đề kinh tế, các công ty tìm kiếm các hộp cơm làm từ nhựa có thể tái chế. Nhìn vào ký hiệu hình tam giác với các mũi tên xung quanh (ký hiệu tái chế) trên hộp, bạn sẽ thấy một con số và những chữ viết tắt. Hãy cùng điểm qua từng loại nhé:
Trong số này, loại nhựa số 5 PP là lựa chọn tối ưu cho sản xuất các loại hộp cơm có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Loại số 2 HDP là loại nhựa cứng, thường được dùng để sản xuất các loại bình, chai nhựa. “Đội sổ” trong bảng xếp hạng này là cặp đôi số 3 PVC/3 V và 7 PC vì đây là những loại chứa nhiều chất phụ gia.
Thành lập một câu lạc bộ tái chế - Dùng sức mạnh cộng đồng để lật ngược tình thế
Tại sao nên làm?
Cái giá xa xỉ của những mặt hàng gắn mác “thân thiện với môi trường” làm chúng ta dễ nhận định rằng “sống xanh” chỉ hợp với “đại gia”. Nhưng là một cá nhân trong một tập thể, chúng ta hoàn toàn có thể “góp gió thành bão”.
Được truyền cảm hứng bởi làng Kamikatsu ở Nhật Bản, nơi một “ban tái chế” đứng ra vận động cả một làng thực hiện chiến dịch “không rác thải”, những “bộ não xanh” của một tập thể ngồi lại để lan tỏa đam mê và kiến thức bảo vệ môi trường.
Làm như thế nào?
Các nhân viên có thể tập trung lại thành một câu lạc bộ tái chế với những hoạt động hàng tuần như:
- Giới thiệu những bộ phim tài liệu về thiên nhiên cũng như vấn nạn rác thải. Một số series có thể điểm qua là: Our Planet, Rotten, Broken,...
- Phổ biến, làm một bản báo tường về những địa điểm có thể tái chế khi đi shopping cuối tuần. (backlink Giải rác 5)
- Tổ chức các buổi workshop về những phương pháp DIY từ chai, hộp cũ. Một văn phòng có những góc xanh luôn tốt cho sức khỏe tinh thần của nhân viên.
- Đóng những giấy in hỏng thành một tập giấy nháp.
- Ấn định một ngày trong tháng để tiễn những phế liệu thu được qua những cuộc vận động.
Thiết lập một trạm thu gom nhỏ trong phòng học hoặc văn phòng
Tại sao nên làm?
Chúng ta dành ra 40 tiếng mỗi tuần trong công ty hoặc trường học. Vì thế, đây cũng chính là nơi chúng ta dễ dàng lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, bắt đầu từ bạn cùng bàn hoặc đồng nghiệp phòng bên. Một trạm thu gom sẽ là một lời gợi nhắc duyên dáng về việc tái chế rác thải, cũng làm giàu thêm giá trị cốt lõi của tập thể.
Làm như thế nào?
Một góc nhỏ trong văn phòng, lớp học có thể trở thành “góc tái chế” với những thùng để phân loại những vật dụng đã qua sử dụng:
- Chai thủy tinh, lon nhôm: Hãy rửa sạch trước khi quyên góp
- Hộp sữa, nước uống: Đập dẹp và xếp thành một chồng ngay ngắn và để riêng nắp hoặc ống hút.
- Hộp giấy, hộp quà: Tháo ra hoặc đập dẹp để tiết kiệm không gian.
Các công ty thu mua phế liệu sẽ đến tận công ty, trường học để thu gom những vật dụng này. Bạn có thể tham khảo một số những cơ sở sau:
Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Công ty Thu mua Phế liệu Phát Đạt với nhiều chi nhánh ở các quận.
Tại Hà Nội: Công ty Thu mua Phế liệu Bảo Minh: Số 10 đường Bùi Huy Bích, quận Hoàng Mai.
Công ty Lagom, chuyên thu gom vỏ hộp sữa, với chi nhánh ở cả TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Đây cũng là một nguồn thu vào quỹ chung. Hãy nghĩ đến số tiền vài chục người có thể tích góp sau 1 năm.
Tự tổ chức một buổi trao đổi đồ hoặc một chợ phiên mini
Tại sao nên làm?
Đã bao lần đồng nghiệp, bạn cùng bàn muốn có chiếc áo bạn đang mặc, và ngược lại? May mắn thay, bạn cũng đang “chán” chiếc áo đó, hoặc đang muốn làm mới phong cách. Ngoài cách quyên góp từ thiện, biến những bộ cánh thành thảm chùi chân, hoặc bỏ ngõ nó, hãy để những chủ nhân tiềm năng cho chúng một cuộc đời mới.
Làm như thế nào?
Dành ra một buổi nghỉ trưa hoặc sau khi tan ca để tổ chức một hội chợ nhỏ. Chắc chắn mọi người sẽ ngạc nhiên về tủ quần áo của bạn đấy!
Nếu bạn có những trang sức tự làm hoặc những sản phẩm được “upcycle” từ những chai thủy tinh, cũng đừng ngại mang đến buổi “chợ trời” này nhé!
Phát động phong trào, thi đua trong trường học
Tại sao nên làm?
Những chiến dịch hướng về môi trường như “Hoa phượng đỏ”, “Mùa hè xanh” hay “Xuân tình nguyện” đã không còn xa lạ với chúng ta. Nhưng nếu bạn là người ngại “dãi nắng dầm mưa”, chúng ta hoàn toàn có thể làm những hoạt động nhẹ nhàng và dễ dàng thu hút sự tham gia của mọi người hơn.
Làm như thế nào?
Các bạn hãy xung phong tổ chức những phong trào thi đua theo tháng/quý hoặc một sự kiện trong ngày. Tất cả những việc người tham dự cần làm là mang các món phế liệu tại nhà đến trường. Giờ chào cờ hoặc giờ "sinh hoạt chủ nhiệm" sẽ là một thời điểm tốt để cùng ngồi lại và tổng kết thành tích cả tập thể.
Ngoài ra, việc mời một diễn giả trong lĩnh vực môi trường và bảo tồn sẽ là một điểm nhấn trong chuỗi sự kiện của bạn. Hãy tìm kiếm những cái tên cống hiến thầm lặng này qua các diễn đàn hoặc Facebook. Hoặc, hãy tìm trong vòng tròn bạn bè mình, chắc chắn sẽ có nhiều cái tên cho bạn. Hãy còn chờ gì nữa và bắt tay vào làm ngay thôi
#Giải Rác là series giải bài toán khó nhất thế giới: làm sao để xử lý rác thải bao bì một cách bền vững?