Những điều có thể bạn bỏ lỡ về tái chế nhựa | Vietcetera
Billboard banner

Những điều có thể bạn bỏ lỡ về tái chế nhựa

Tái chế nhựa là một bài toán không dễ như chúng ta tưởng. Để bảo vệ môi trường và cứu lấy Trái Đất, chúng ta còn phải làm hơn đơn thuần là 'sử dụng lại' nhựa.

Những điều có thể bạn bỏ lỡ về tái chế nhựa

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Gánh nặng về nhựa vẫn đang là bài toán nan giải với con người. Thay thế các sản phẩm nhựa bằng các chất liệu thân thiện hơn vẫn chưa phải là cách triệt để, vì thế nhiều người đang hướng đến việc tái chế nhựa để giảm áp lực cho môi trường.

Tuy nhiên, việc tái chế cũng không hề đơn giản. Ngoài việc các phương pháp còn hạn chế, thông tin về phân loại và tái chế nhựa chưa được thống nhất và phổ biến rõ ràng. Điều này tạo ra nhiều hiểu lầm lan rộng, không những không giúp ích cho môi trường mà trái lại còn khiến vấn đề hiện có trầm trọng thêm.

Cùng Vietcetera điểm qua các thông tin quan trọng nhưng thường bị bỏ lỡ hoặc hiểu sai về tái chế nhựa. Bạn đã biết những điều này chưa?

1. Không phải nhựa nào cũng tái chế được

Lầm tưởng thường gặp nhất là đó là tất cả các sản phẩm từ nhựa đều có thể tái chế. Nhưng thực tế, nhiều sản phẩm bạn chỉ có thể tái sử dụng. Bạn sẽ bất ngờ khi biết những cái tên sau đây vốn không thể tái chế, nhưng luôn bị phân loại nhầm vào thùng rác tái chế. Đó là:

Túi nilon

Túi nilon khi phân huỷ dễ bị cuốn vào máy móc gây khó khăn trong tái chế
Túi nilon khi phân huỷ dễ bị cuốn vào máy móc, gây khó khăn trong tái chế.

Túi nilon không thể tái chế. Các túi nhựa mỏng có thể nhanh chóng bị phân rã và bị cuốn vào máy móc trong quá trình tái chế, gây chậm trễ, hư hỏng thiết bị và nguy hiểm cho công nhân. Do đó, nếu muốn bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải, bạn nên ngừng sử dụng hoặc tái sử dụng túi nilon.

Ly cà phê giấy 

Ly cà phê giấy gần như không thể tái chế
Ly cà phê giấy gần như không thể tái chế.

Về cơ bản, những sản phẩm dễ tái chế là những sản phẩm được làm từ một chất liệu duy nhất, ví dụ như chai nước 100% nhựa PET. Thế nhưng hầu hết các ly cà phê hiện nay đều được tạo thành từ 2 lớp, giấy và lớp màng nhựa Polypropylene (PP) với mục đích giữ nhiệt và tăng độ bền.

Điều này vô tình trở thành nguyên nhân khiến ly không thể tái chế, trừ khi tách hai vật liệu ra bằng một loại máy chuyên dụng. Việc này thường tốn nhiều thời gian và phát sinh thêm chi phí, do đó không nhiều nhà máy tái chế chấp nhận sản phẩm này. 

Hộp đựng thực phẩm

Hộp nhựa đựng thực phẩm không được thiết kế để tái chế
Hộp nhựa đựng thực phẩm không được thiết kế để tái chế.

Những hộp đựng này vốn không được thiết kế để tái chế. Chúng được làm bằng nhựa có chất lượng thấp, trộn lẫn nhiều loại nhựa khác nhau cho phần hộp và bản lề, và thường bị dính bẩn từ thực phẩm. Vì thế, lượng năng lượng cần thiết để tái chế chúng còn nhiều hơn tạo ra một sản phẩm mới.

Nĩa, thìa và dao nhựa

Những chiếc nĩa, thìa và dao nhựa đều không thể tái chế và thường kết thúc vòng đời trong bãi rác chỉ sau 1 lần sử dụng. Loại sản phẩm này thường được làm từ nhựa có chất lượng thấp và khó mà xác định được loại nhựa của chúng. Đồng thời, chúng cũng bị nhiễm bẩn và quá nhỏ để tái chế, nên hầu hết các nơi sẽ không chấp nhận.

2. Không thể tái chế nhựa đã bị bẩn

Một vật dụng có thể tái chế hay không còn phụ thuộc vào nơi tái chế, nhu cầu thị trường và chất lượng sản phẩm. 

Thông thường các cơ sở thường không làm sạch đồ tái chế trước khi xử lý, vì thế để tránh ảnh hưởng đến thành phẩm chung, trước tiên các sản phẩm được thu gom cần phải sạch. Các vật dụng bị bám bẩn, còn thức ăn thừa, hoặc tốn nhiều thời gian để làm sạch và phân loại đều sẽ bị loại bỏ trước khi đưa đến cơ sở tái chế. Thay vào đó, điểm đến cuối cùng của chúng sẽ là bãi rác hoặc lò đốt.

Không thể tái chế nhựa đã bị bẩn
Không thể tái chế nhựa đã bị bẩn.

3. Chất lượng nhựa bị giảm xuống sau mỗi lần tái chế

Về cơ bản, nhựa là polyme – các chuỗi nguyên tử dài được sắp xếp theo các đơn vị lặp lại. Cứ sau mỗi lần tái chế, chuỗi polyme sẽ ngắn lại, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nhựa sau đó. Vì thế một số loại vật liệu nguyên sinh sẽ được thêm vào trong quá trình để đảm bảo chất lượng nhựa. 

Ngoài ra, do chất lượng bị suy giảm, thành phẩm thường sẽ được sử dụng cho các mặt hàng có giá trị thấp hơn sản phẩm ban đầu. Ví dụ như chai nhựa sau tái chế sẽ được sử dụng làm bao bì, chỉ khoảng 30% được sử dụng làm chai mới và khoảng 12% thành hộp đựng thực phẩm. 

Các chuyên gia ước tính, trung bình chỉ có thể tái chế nhựa từ 1-2 lần trước khi chất lượng giảm đến mức không thể sử dụng được nữa. Khi đó, kết cục của chúng là bị đưa đến bãi rác, chôn lấp và tiêu hủy.

4. Loại nhựa khác nhau sẽ được tái chế khác nhau

Theo mã nhận dạng (RIC), nhựa được phân thành 7 loại dựa trên nhiệt độ nóng chảy. Tuy nhiên những con số này vốn không có ý nghĩa tái chế, chúng chỉ cho biết loại nhựa của sản phẩm.

Các loại nhựa phân theo nhiệt độ nóng chảy
Các loại nhựa phân theo nhiệt độ nóng chảy.

Nhiều người cho rằng chỉ cần có in biểu tượng tam giác tái chế thì sản phẩm đó tái chế được. Tuy nhiên, biểu tượng này thuộc phạm vi công cộng, có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể in nó lên bất kì đâu, kể cả sản phẩm của họ. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp giám sát cách sử dụng các biểu tượng tái chế, vì thế chúng thường bị lạm dụng trên bao bì, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Thực tế, nhựa cứng có số 1 và số 2, chẳng hạn như chai đựng nước ngọt, dầu gội đầu và nước giặt, là phù hợp để tái chế nhất. Các số từ 3 đến 7 bao gồm rất nhiều loại nhựa mềm được đề cập ở trên như hộp đựng thực phẩm, ly cà phê,... sẽ khó tái chế hơn.

5. Nhựa phân huỷ sinh học chưa chắc sẽ phân huỷ được

Người tiêu dùng thường tin rằng có thể thoải mái sử dụng các sản phẩm có nhãn phân hủy sinh học (biodegradable) mà không tác động đến môi trường. Nhưng thực tế, các sản phẩm phân hủy sinh học hiện tại chỉ có thể phân hủy khi được gửi đến một nhà máy đặc biệt, nơi nhiệt độ, độ ẩm được kiểm soát và phải được gộp chung với các loại nhựa có thể phân hủy khác.

6. Nắp chai nhựa cần được phân loại riêng

Khi phân loại tái chế chai nhựa, việc mở và tách riêng nắp chai nhựa không phải là điều nhiều người thường làm, dù thực tế đây lại là việc cần thiết.

Bỏ nắp chai ra riêng là một bước không nên bỏ qua khi phân loại nhựa tái chế
Bỏ nắp chai ra riêng là một bước không nên bỏ qua khi phân loại nhựa tái chế.

Nguyên nhân đầu tiên là do các loại nhựa khác nhau sẽ nóng chảy ở nhiệt độ khác nhau trong quá trình tái chế, nên chúng cần được tách riêng. Phần nắp thường được làm từ nhựa polypropylene (PP), khác với phần chai làm từ nhựa polyethylene terephthalate (PET) hoặc polyethylene (HDPE), nên việc tách riêng sẽ đảm bảo thành phẩm tái chế đạt chất lượng.

Ngoài lý do trên, các cơ sở tái chế thường tách riêng chúng bởi vấn đề an toàn. Điều kiện áp suất cao trong quá trình tái chế sẽ dễ khiến nắp bị ép và bắn ra khỏi chai, gây nguy hiểm cho các công nhân. Vì thế, để tránh kết quả không mong muốn, bạn nên tách riêng nắp chai ngay từ bước phân loại.