Giờ Trái Đất và 6 lầm tưởng có thể làm bạn vỡ mộng
Thắp nến để hưởng ứng Giờ Trái Đất có phải là một hành động thân thiện với môi trường?
Giờ Trái Đất (Earth Hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wildlife Fund for Nature ) tổ chức. Chủ đề năm nay là “Speak up for nature”, hướng đến việc khuyến khích các sáng kiến giúp kinh tế phát triển bền vững, hòa nhập với tự nhiên, đồng thời bảo vệ sự đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu.
Hằng năm, hàng nghìn người tham gia vào chiến dịch Earth Hour. Tắt TV. Tắt máy tính. Tắt đèn điện. Đơn giản là cùng thưởng thức bữa tối bên ánh nến lãng mạn.
Nhưng bạn có biết sáp nến rất độc hại với môi trường, và việc tắt mở đèn cùng lúc cũng gây ra những hậu quả sinh thái khác? Vậy nhìn chung, có những lầm tưởng nào về Giờ Trái Đất mà bạn cần biết?
1. Tắt điện 1 tiếng 1 năm thật ra không tiết kiệm là bao
Giả sử viễn cảnh hoàn hảo xảy ra là cả thế giới cùng tắt điện 1 tiếng để giảm khí thải carbon, điều này cũng chỉ tương tương đương với việc Trung Quốc ngừng thải khí carbon trong vòng chưa đầy 4 phút.
Tắt đèn trong Giờ Trái Đất mang tính biểu tượng nhiều hơn và không thực sự đóng góp đáng kể cho môi trường. Chiến dịch này, như nhiều chiến dịch môi trường khác, hướng đến việc nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường về lâu dài.
Những năm đầu tiên của chiến dịch Earth Hour, thông điệp chủ yếu tập trung vào việc tiết kiệm điện, nhiều người chưa nhìn ra được một bức tranh lớn hơn và đơn giản nghĩ tắt đèn là xong. Đó có lẽ là lý do vì sao chủ đề Earth Hour những năm trở lại đây tập trung vào Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính và Giảm rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên.
2. Không nên thắp nến sáp sau khi tắt điện
Nến thông thường làm từ paraffin - một loại hóa chất từ dầu mỏ, khi đốt sẽ sản sinh ra chất độc hại như toluene và benzene. Nếu hàng triệu người cùng đốt nến trong 1 giờ, lượng carbon sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với lượng carbon thải ra khi mở đèn điện.
Thắp nến sáp là đi ngược lại với các tiêu chí bảo vệ môi trường. Nếu bắt buộc phải đốt nến, bạn nên sử dụng các loại nến làm từ chất liệu tự nhiên như sáp ong nguyên chất. Tuy nhiên giá thành của chúng không rẻ lắm.
Nếu phân vân chưa biết làm gì khi tắt điện hưởng ứng giờ Trái Đất, bạn có thể tham khảo 7 hoạt động được gợi ý bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên.
3. Đồng loạt tắt điện có thể phản tác dụng
Nếu mọi người đồng loạt tắt đèn và mở đèn sau khi kết thúc giờ Trái Đất, nhu cầu về điện tăng cao đột ngột, các nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch buộc phải làm việc cật lực hơn, dẫn đến tăng lượng khí thải không cần thiết.
Để dễ hình dung, việc này giống như ôtô sẽ tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn nếu bạn đột ngột tăng tốc hay giảm tốc, thay vì duy trì một tốc độ ổn định.
Tip ở đây là đừng bật điện ngay lập tức sau khi Giờ Trái Đất kết thúc.
4. Giờ Trái Đất không dành cho tất cả mọi người
Thực tế là chuyện tắt điện hưởng ứng giờ Trái Đất thường diễn ra ở các thành phố lớn. Ở khắp thế giới, hơn 1 tỉ người nghèo ở các nước đang phát triển không có nhiều quyền lựa chọn. Vì thiếu điện, hầu như các buổi tối của họ đều chìm trong bóng đêm.
Tính đến năm 2018, gần 3 tỉ người nghèo trên thế giới vẫn nấu ăn, sưởi ấm bằng gỗ, hoặc dùng phân khô làm chất đốt. Và có hơn 4 tỉ người tử vong sớm do khí độc và ô nhiễm không khí trong nhà. Giải pháp hiện tại là sử dụng điện từ năng lượng tự nhiên (gió, ánh mặt trời), tuy nhiên chi phí vẫn còn là một vấn đề nan giải.
5. Chạy truyền thông cho Giờ Trái Đất cũng gây hại
Để chạy truyền thông cho chiến dịch bảo vệ môi trường, nhiều tổ chức đầu tư cho các băng rôn, bảng hiệu, phù hiệu và sticker hình dán dùng được 1 lần. Các sản phẩm này đang đi ngược lại với tiêu chí xây dựng lối sống xanh và thân thiện với môi trường.
Ở Mỹ, các loại giấy chiếm khoảng 12,500 tấn rác thải mỗi năm. Chất hóa học dùng trong in ấn cũng góp phần đầu độc nguồn nước và môi trường.
Tin vui là, các chiến dịch môi trường hiện tại đang tập trung vào các hoạt động trực tuyến. Các thử thách như 30 ngày sống xanh trên mạng xã hội đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.
6. Bảo vệ môi trường không chỉ là sự lựa chọn cá nhân
Giống như nhiều chiến dịch về môi trường, Earth Hour làm ta cảm giác việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm cá nhân, mỗi người có ý thức 1 chút là sẽ làm nên chuyện.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của trường MIT so sánh các hình thức tiêu thụ điện khác nhau của người Mỹ năm 2008. Họ thấy rằng ngay cả những người có lối sống thanh đạm nhất vẫn tiêu thụ gấp đôi năng lượng điện trung bình trên toàn cầu.
Vấn đề nằm ở cơ sở hạ tầng và hệ thống sử dụng điện của họ, hệ thống hạ tầng giới hạn sự lựa chọn và khuyến khích tiêu thụ nhiều hơn là tiết kiệm, tái sử dụng.
Người châu Âu vốn nổi tiếng vì có các chính sách tiết kiệm điện hiệu quả, sự khác biệt chính không nằm ở lối sinh hoạt của họ, mà nằm ở hệ thống điện dùng chung giữa các cộng đồng.
Đọc thêm các bài viết về bảo vệ môi trường và sống xanh của Vietcetera tại đây.