Giữa cuộc chiến chống đại dịch, câu yêu thương cũng có thể là lời tạm biệt
Trên mặt trận chiến đấu với đại dịch, khi các bác sĩ phải rời xa gia đình để chăm lo cho bệnh nhân, câu nói yêu thương cũng như một lời từ biệt.
Trên mặt trận chiến đấu chống đại dịch COVID-19 câu nói yêu thương có thể cũng là lời tạm biệt.
Rời xa gia đình để chữa trị cho các bệnh nhân, các bác sĩ luôn phải chiến đấu và cầu nguyện trước tình hình dịch bệnh bùng phát hiện nay.
“Anh yêu em” người chồng nói với vợ, sau đó là lời tạm biệt trong thầm lặng.
Lúc ấy là 6 giờ sáng, anh phải thức dậy đi làm. Nếu anh nói nhiều hơn về công việc, vợ anh sẽ trằn trọc khó ngủ lại. Vợ anh đã choàng tỉnh vài lần giữa đêm để dỗ hai đứa con trai, một đứa 4 tuổi và đứa còn lại 13 tháng, giờ đã quá mệt mỏi rồi.
“Em cũng yêu anh.“ Cô khẽ cựa quậy đáp lại.
Anh muốn được ôm vợ mình biết bao, cảm nhận sự mềm mại của mái tóc, hơi ấm của cô, trao nhau một nụ hôn đơn giản. Nhưng anh chỉ quay bước thật nhanh, mang theo cảm giác trống rỗng vì không biết đến bao giờ mới được gặp lại gia đình mình.
Đã gần 3 tuần kể từ khi bệnh viện Kirkland (Washington D.C) nơi anh làm việc chẩn đoán ra vài ca nhiễm virus corona, từ đó chứng kiến số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh chóng và trở thành tâm điểm chống chọi với đại dịch bùng phát tại Mỹ. Buổi sáng tờ mờ u ám hôm ấy là lần cuối anh được gặp vợ con mình.
Vợ chồng anh đã đoán đúng, dịch bệnh bùng phát và anh đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh trước khi cả quốc gia nhận thức được virus đã lan tới. Ngay khi vừa trở lại bệnh viện, anh cùng các đồng nghiệp gấp rút mặc thiết bị bảo hộ lên người. Trong khi đó ở nhà, vợ anh cũng tất bật sửa soạn bình sữa, quần áo cho cả nhà, cố gắng dùng việc này để xao nhãng khỏi mối lo liệu chồng mình có bị nhiễm bệnh trong lúc làm việc không.
Sau giờ làm tại bệnh viện, anh vẫn sẽ quay về nghỉ ngơi tại nhà mình, còn vợ và các con anh chuyển đến ở tạm nhà họ hàng. Bọn trẻ sẽ chơi cùng với anh em họ, vợ anh cũng bớt được gánh nặng. Như vậy sẽ thoải mái và an toàn hơn ở gần ông bà.
Họ đều hiểu rằng mỗi ngày anh đang phải tiếp xúc với những bệnh nhân đang nhiễm một loại virus có thể lây nhiễm qua không khí và có khả năng bám trên bề mặt vài ngày. Số ca bệnh tăng lên đồng nghĩa với nguy cơ bị lây nhiễm của các nhân viên y tế cũng tăng dần. Càng đáng sợ hơn nữa là nguy cơ ủ bệnh và lây nhiễm cho những người thân yêu trong gia đình khi các nhân viên y tế trở về nhà.
Vợ anh cũng có mối lo riêng: Cô là nha sĩ và cũng không muốn trở thành mối nguy cho bệnh nhân của mình. Mối lo đó nhanh chóng được xem xét và bàn bạc, cuối cùng đi đến quyết định rằng phòng khám nơi cô làm việc sẽ tạm ngưng hoạt động và chỉ nhận những trường hợp khẩn cấp.
Virus corona có thể ủ bệnh đến vài tuần, do đó gia đình anh cần hạn chế tiếp xúc với anh càng ít càng tốt. Anh đã định đón gia đình về nhà, nhưng con trai 4 tuổi của anh bỗng nhiên bị sốt, ho và mệt mỏi, phải nằm trên giường suốt 2 ngày. Dù vẫn chưa xét nghiệm để xác định có phải là do virus corona không, tốt nhất vẫn không nên lơ là.
Giờ đây, anh lại có nỗi lo lớn hơn là bị lây virus từ gia đình và phải nghỉ việc hai tuần, trong lúc bệnh viện đang cần anh nhất. Nỗi lo này được xác thực khi anh được gọi đến bệnh viện để tiếp nhận công việc thay một đồng nghiệp có khả năng đã bị nhiễm bệnh.
Bây giờ, sau mỗi ca làm việc kéo dài 12 tiếng, anh chỉ có thể trò chuyện với vợ con qua màn hình. Anh kết thúc mỗi ngày bằng câu “anh yêu em” và “bố yêu các con” với gia đình qua màn hình máy tính. Nhờ chất lượng hình ảnh tốt, anh cảm thấy như họ đang ở ngay cạnh mình. Được nhìn thấy gương mặt tươi cười và tràn đầy sức sống của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh cho anh.
Công nghệ thời nay đáng kinh ngạc là vậy, nhưng vẫn chưa đủ để chẩn đoán được loại virus có tính lây lan khó lường này. Bởi vẫn chưa đủ năng lực và tài nguyên để phát hiện và ứng phó nên chúng ta vẫn phải chia cách cùng gia đình và bạn bè.
Trong thời gian này, ta bật thốt câu yêu thương để chuẩn bị đối mặt với cô đơn và mất mát, chứ không chỉ để thể hiện tình cảm đơn thuần.
“Mẹ yêu con” là lời một nữ đồng nghiệp của anh nói với đứa con mới sinh sau khi cô ấy có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và phải tự cách ly tại nhà.
“Tôi yêu cả nhà” là lời một bác sĩ cấp cứu nói với gia đình anh ấy trước khi phải đeo ống thở và chờ đồng nghiệp cứu sống mình.
“Anh yêu em” là lời người chồng nói với người vợ khi cả hai đều bị nhiễm virus corona, phải nhập viện ở hai phòng cách ly liền kề. Người chồng phải chuyển sang phòng điều trị đặc biệt vì tình trạng bệnh chuyển biến xấu. Đó có thể là lần cuối họ nhìn thấy nhau, lời yêu thương này cũng có thể là lời cuối họ nói với nhau.
Đằng sau áo khoác, mặt nạ và kính bảo hộ là những gương mặt đẫm nước mắt của các bác sĩ, y tá đã chiến đấu hết sức để cứu sống anh trước khi phải chứng kiến anh ngã xuống.
Một người phụ nữ lớn tuổi phải vật lộn với căn bệnh viêm phổi đã cố gắng nói với cháu trai: “Bà yêu cháu” qua cuộc gọi video. Đối mặt với nguy cơ lây lan của loại virus này khiến lời từ biệt trực tiếp càng thêm khó khăn. Nữ y tá, cũng là con gái bà, đề nghị tăng liều thuốc để giúp bà dễ chịu hơn nhưng bà từ chối. Bà chỉ muốn dùng thời gian ít ỏi còn sót lại để hỏi thăm việc học của cháu mình.
Anh nghe nữ y tá giải thích với con trai rằng bà ngoại đã lên thiên đường rồi, chúng ta sẽ không gặp được bà nữa. Anh muốn bước đến trao cô một cái ôm an ủi, điều anh đã từng làm với nhiều người chịu nỗi đau mất đi người thân, nhưng giờ đây lại không thể. Một hành động thể hiện sự đồng cảm, an ủi rất đỗi thông thường, giờ lại mang theo nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Khi các bệnh viện bắt đầu quá tải, không đủ nhân viên, giường bệnh và thiết bị cung ứng, khoảnh khắc mọi người thốt ra câu yêu thương dần được hiểu thành lời tạm biệt.
Và anh cũng là một trong số đó.
“Con yêu bố mẹ” là lời anh nói sau khi dặn dò bố mẹ mình cố gắng ở nhà hết mức có thể. Anh báo rằng có thể họ sẽ không được gặp các cháu hoặc con trai mình trong vài tuần, thậm chí vài tháng sắp tới. Bố mẹ anh may mắn sống sót sau chiến tranh, may mắn tìm được công việc và xây dựng cuộc sống mới. Nhưng nếu để họ đối mặt với cơn đại dịch ở tuổi xế chiều này, anh không chắc rằng họ có còn may mắn như vậy hay không.
Mẹ nói với anh: “Cẩn thận con nhé, mẹ lo cho con lắm. Công việc của con vất vả quá.” Mẹ anh từng hy sinh tất cả vì anh, từng mang theo niềm tự hào khi nhìn thấy con trai trở thành bác sĩ. Nhưng giờ đây bà chỉ đơn giản là một người mẹ lo lắng cho đứa con trai đang ở tiền tuyến chiến đấu với kẻ thù vô hình.
Nói lời tạm biệt là cách thể hiện tình yêu, cũng là cách tiếp thêm sức mạnh để đẩy lùi đại dịch. Ngay lúc này, cách ly toàn xã hội là cách duy nhất để bảo vệ những người thân yêu khỏi nguy cơ lây nhiễm. Công nghệ tuy vẫn còn nhiều hạn chế nhưng vẫn là phương tiện đắc lực giúp chúng ta phần nào xoá nhoà khoảng cách.
Như khi anh ngập tràn hạnh phúc chứng kiến những bước đi đầu tiên của cậu con trai nhỏ qua màn hình iPad. Anh tự hào và vui mừng khi được chứng kiến con mình chạm đến cột mốc đầu tiên trong đời, dù rằng anh càng muốn là người ở bên dìu dắt con trong từng bước đi đầu tiên hơn.
Vượt qua đợt đại dịch chẳng hề dễ dàng, nhất là khi tình trạng vẫn có thể chuyển biến xấu hơn. Không ai dám bình thản như trước nữa. Nhưng anh tin việc nói lời tạm biệt vào lúc này để giữ khoảng cách an toàn chính là hy vọng sống sót thiết thực nhất của toàn xã hội, cho đến khi tất cả có thể trở về đoàn tụ cùng gia đình, ôm chầm lấy người thân trong hạnh phúc và không còn nỗi sợ hãi dịch bệnh.
Cho đến khi câu “Anh yêu em” lại trở về là lời chào bình yên và hạnh phúc.
Bài viết được thực hiện bởi tác giả trên , chuyển ngữ bởi Esala.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.
Xem thêm:
[Bài viết] Sẽ không còn “Trở lại như xưa”
[Bài viết] Những điều cần biết về 3 trường hợp “lây nhiễm thầm lặng” COVID-19