Những điều cần biết về 3 trường hợp "lây nhiễm thầm lặng" COVID-19 | Vietcetera
Billboard banner

Những điều cần biết về 3 trường hợp "lây nhiễm thầm lặng" COVID-19

Nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng và vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác, đây là những trường hợp "lây nhiễm thầm lặng" của COVID-19.

Những điều cần biết về 3 trường hợp "lây nhiễm thầm lặng" COVID-19

Những điều cần biết về 3 trường hợp "lây nhiễm thầm lặng" COVID-19

Liệu ta có thể bị nhiễm virus corona mà không hề có triệu chứng bệnh? Hoặc phải mất một thời gian mới có dấu hiệu nhiễm bệnh?

Thậm chí trong thời gian này ta vẫn có thể truyền virus sang cho những người khác, dù không hề ho, sốt, hoặc có bất kỳ dấu hiệu ốm đau gì?

Shweta Bansal, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Georgetown nhận định: “Đã có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm trong thầm lặng mà cả người bệnh lẫn người tiếp xúc đều không hề hay biết.”

Điều đó được chứng minh qua các trường hợp nhiễm COVID-19 giữa những người sống trong viện dưỡng lão, nhóm hợp xướng trong nhà thờ và ngay cả trong gia đình. Họ bị nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng gì và vẫn sinh hoạt như thường, vô tình lây nhiễm virus cho bạn bè, người thân và thậm chí là những người lạ vô tình tiếp xúc.

Các nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng gọi những người hợp này là “lây nhiễm thầm lặng” (silent spreader). Hiện nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về những trường hợp này cũng như mức độ lây nhiễm của họ đến cộng đồng.

Trường hợp lây nhiễm thầm lặng này được chia thành 3 loại: không triệu chứng, tiền triệu chứng và triệu chứng rất nhẹ. Dưới đây là những gì hiện nay chúng ta được biết về 3 loại này.

1. Không triệu chứng (Asymptomatic): những người mang virus nhưng không có bất kỳ triệu chứng gì

Những điều cần biết về 3 trường hợp lacircy nhiễm thầm lặng covid190
Trường hợp 1: Không triệu chứng (Asymptomatic)

Theo Tara C. Smith, một chuyên gia dịch tễ của Đại học Y tế Cộng đồng Kent State khẳng định: “Nhóm này không sốt, không có vấn đề về tiêu hoá, không khó thở, không ho hay có bất cứ triệu chứng nhiễm bệnh nào khác.”

Rất khó để xác định ai đó có nhiễm bệnh không nếu người đó chẳng có một triệu chứng nào.

Vào ngày 1/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra thông báo dựa trên dữ liệu từ Trung Quốc. Nhờ việc tìm kiếm và kiểm tra những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, họ đã phát hiện một số trường hợp người mang mầm bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng. Họ dương tính với virus dù không có triệu chứng bệnh, thậm chí 25% trong số họ vẫn không có dấu hiệu nhiễm bệnh nào qua các bước kiểm tra được tiến hành sau đó.

Cần thêm nhiều thử nghiệm nữa thì mới xác định rõ ràng mức độ lây nhiễm của các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng này. Tuy nhiên, số người thuộc trường hợp này đứng nhì trong tổng số trường hợp có kết quả dương tính, và đa số là người trẻ.

Một nghiên cứu lâm sàng quy mô nhỏ tại Nam Kinh (Trung Quốc) đã tiến hành theo dõi 24 người dương tính với virus nhưng không có triệu chứng. Trong vòng 1 đến 3 tuần kế tiếp, 7 người trong số đó vẫn không biểu hiện triệu chứng nào. Độ tuổi trung bình của họ là 14.

Smith cho rằng: “Liệu những người thuộc nhóm nhiễm bệnh không triệu chứng này có khả năng truyền bệnh cho người khác không? Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.”

2. Tiền triệu chứng (Presymptomatic): Những người nhiễm bệnh và đang ủ bệnh nhưng chưa có triệu chứng rõ ràng

Những điều cần biết về 3 trường hợp lacircy nhiễm thầm lặng covid191
Trường hợp 2: Tiền triệu chứng (Presymptomatic)

Sau khi nhiễm bệnh, nhóm này không xuất hiện triệu chứng trong khoảng 5-6 ngày hoặc thậm chí là 2 tuần. Thời gian từ ủ bệnh đến lúc xuất hiện triệu chứng được gọi là giai đoạn tiền triệu chứng.

Các cá nhân này hình thành việc lây truyền như thế nào ?

Mọi người dễ lây nhiễm nhất vào khoảng thời gian bắt đầu có triệu chứng, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kĩ thuật của Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của WHO cho biết trong cuộc họp báo ngày 1/4.

Theo nhà dịch tễ học Smith, các thí nghiệm và nghiên cứu mô hình giả định đã chứng minh rằng nhóm tiền triệu chứng này vẫn có khả năng lây nhiễm virus. Thời gian dễ lây nhiễm nhất là từ 1 đến 3 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng, theo WHO cho biết.

Tính đến nay, trường hợp tiền triệu chứng chiếm số lượng áp đảo nhóm không triệu chứng. Khoảng 75% ca dương tính không triệu chứng hoá ra lại là tiền triệu chứng, bởi vì qua các bước kiểm tra về sau họ bắt đầu có các dấu hiệu như ho, mệt mỏi, sốt và những triệu chứng liên quan tới COVID-19 khác.

Một viện dưỡng lão tại King County (Washington) ghi nhận ⅓ trong số 82 người có kết quả dương tính với virus corona vào giữa tháng Ba. Một nửa trong số đó không sốt, khó chịu hay ho khi họ bị nhiễm virus. Dù trước đó 2 tuần các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã cảnh báo về nó, viện dưỡng lão cũng đã có chính sách cách ly những người có dấu hiệu, nhưng virus corona vẫn lây lan rất nhanh. Điều này chứng tỏ khả năng truyền nhiễm virus của nhóm không triệu chứng và nhóm tiền triệu chứng, đồng thời cho thấy nguy cơ lây lan rộng hơn, vì hai nhóm này thường không được phát hiện kịp thời để cách ly sớm.

Một nghiên cứu của Singapore đã tìm thấy những bằng chứng tương tự về việc lây lan giữa nhóm tiền triệu chứng khi họ đi nhà thờ, tham gia các lớp học hát hoặc nói chuyện với người thân trong gia đình.

3. Triệu chứng rất nhẹ (Very mildly symptomatic): người nhiễm bệnh hơi không khỏe nhưng vẫn tiếp xúc gần với những người khác

Những điều cần biết về 3 trường hợp lacircy nhiễm thầm lặng covid192
Trường hợp 3: Có triệu chứng rất nhẹ (Very mildly symptomatic)

Trường hợp lan truyền COVID-19 khi đã bắt đầu ho hoặc sốt rất nhẹ không hẳn là “lây lan thầm lặng”, vì ít nhất cũng đã có biểu hiện một số triệu chứng, theo nhận định của nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Shweta Bansal.

Tuy nhiên, vì triệu chứng rất nhẹ nên đa số người bị nhiễm vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường, vẫn đến những nơi công cộng. Nhưng không may, những ngày đầu khởi phát triệu chứng lại là thời gian dễ lây bệnh cho người khác nhất.

Thậm chí, dù một người chỉ có các triệu chứng rất nhẹ, nhưng khi vô tình lây cho người khác thì vẫn có khả năng khiến người đó nhiễm bệnh ở mức độ nặng.

Vào giữa tháng Một, một người đàn ông Trung Quốc rời tâm dịch tại tỉnh Hồ Bắc để về nhà mình tại Nam Kinh và đã lây lan virus sang vợ mình. Mười ngày sau, người vợ bắt đầu sốt và nôn mửa, bị viêm phổi nặng và được chăm sóc đặc biệt. Kết quả xét nghiệm của người chồng là dương tính và được cho là người truyền virus cho vợ, tuy anh vẫn không có dấu hiệu ốm đau gì. Trường hợp này đã được công bố trong nghiên cứu dịch tễ đăng tải trên Science China Life Sciences.

Những điều chúng ta chưa biết về virus Corona

Những điều cần biết về 3 trường hợp lacircy nhiễm thầm lặng covid193
Để trả lời cho những câu hỏi về việc lan truyền dịch bệnh, chúng ta cần thêm nhiều rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm. Lúc này, điều có thể làm là tuân theo chỉ dẫn giãn cách xã hội.

Có bao nhiêu người vẫn đang hòa nhập trong cộng đồng mà không hề hay biết mình đã nhiễm virus corona?

Còn quá sớm để trả lời chính xác câu hỏi này. Viện dưỡng lão tại bang Washington phát hiện 56% ca dương tính không triệu chứng. Tàu du lịch Diamond Princess cập bến Nhật Bản phát hiện 50% người dương tính không triệu chứng, khoảng 18% trong số đó về sau vẫn không biểu hiện dấu hiệu nhiễm bệnh nào.

Có phải những trường hợp không triệu chứng và tiền triệu chứng là nguyên nhân dẫn đến sự lây lan tăng cao?

Điều này rất khó khẳng định.

Tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã trả lời trong cuộc phỏng vấn ngày 9 tháng Tư: “Trường hợp lây lan không triệu chứng đã và đang tăng cao hơn đánh giá của chúng tôi hồi tháng Một. Tuy nhiên vẫn chưa thể xác định được mức độ ảnh hưởng của các trường hợp lây nhiễm không triệu chứng đối với các trường hợp lây nhiễm có triệu chứng.”

Trước khi Trung Quốc bị phong toả, những trường hợp chưa được phát hiện chủ yếu là người không triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ, rất ít. Nhóm này có khả năng lây nhiễm ít hơn các trường hợp đã được phát hiện, tuy nhiên xác suất lây nhiễm vẫn là 79% vì rất nhiều người thuộc nhóm này vẫn tiếp tục tụ tập hoặc đi lại khi đang mang mầm bệnh. Các báo cáo khác từ SingaporeTrung Quốc cũng cho biết nhóm tiền triệu chứng chiếm từ 6% – 13% các ca lây truyền dịch bệnh.

Để trả lời cho những câu hỏi về việc lan truyền dịch bệnh, chúng ta cần thêm nhiều rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm.

Vào thứ Sáu ngày 10/4, Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ) đã tìm kiếm 10,000 tình nguyện viên tham gia xét nghiệm máu nhằm tìm ra kháng thể cho COVID-19. “Đây đều là những người chưa từng được xác nhận là nhiễm bệnh. Nghiên cứu này sẽ cho chúng tôi biết bao nhiêu người có thể đã bị nhiễm mà không biết vì biểu hiện rất nhẹ, không có dấu hiệu hoặc vì chưa đi xét nghiệm.”

Dù vẫn còn tìm hiểu thêm về khả năng lây nhiễm thầm lặng, chúng ta vẫn nên lưu ý về nguy cơ này và nghiêm túc nghe theo các chỉ dẫn về giãn cách cộng đồng:

– Tránh tiếp xúc gần với người khác, giữ khoảng cách ít nhất 2 mét.

– Thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.

– Vệ sinh sạch sẽ các bề mặt mình tiếp xúc.

“Đừng để xuất hiện triệu chứng rồi mới lo bảo vệ mình và người khác.”– Nhà nghiên cứu Shweta Bansal của Đại học Georgetown nói, bởi vì có những người nhiễm virus trông khoẻ mạnh bình thường nhưng vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho người khác.

Bài viết của tác giả Pien Huang trên trang National Public Radio (NPR), chuyển ngữ bởi Esala.

Xem thêm:

[Bài viết] Hắt hơi, tình dục, tiếp xúc bề mặt? COVID-19 có thể và không thể lây qua đường nào?

[Bài viết] Thực hiện cách ly xã hội (social distancing): Nên và không nên làm gì?