Gu thẩm mỹ và chuyện ai thắng khi tranh luận “đẹp - xấu” 

Cảm nhận đẹp xấu là chuyện của cá nhân. Nhưng những đánh giá này của chúng ta đến từ đâu và có cách nào để “rèn” mắt thẩm mỹ hay không? 
Diệp Khoa
Tìm hiểu về gu thẩm mỹ trước khi bước vào "cuộc chiến" giữa đẹp - xấu | Nguồn: Gucci, Tuoitre

Tìm hiểu về gu thẩm mỹ trước khi bước vào "cuộc chiến" giữa đẹp - xấu | Nguồn: Gucci, Tuoitre

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà việc đăng tải những hình ảnh thể hiện cái đẹp, lối sống có gu đã trở nên khá phổ biến. Người tạo nội dung và khán giả có thể tương tác trong thời gian thực với mọi người trên khắp thế giới. Ai đó có thể biết nhanh chóng (đôi khi trong vài phút) liệu mọi người có thích tác phẩm của họ hay không. Đây cũng là lúc mà một người có thể được khen là có “gu” về thời trang, ẩm thực và những thứ xa xỉ khác. Nhưng đi kèm với đó cũng là sự lên án, chê bai khi chúng ta cho rằng thị hiếu và mắt thẩm mỹ của họ kém tinh tế hay từ thường dùng là “kém sang”.

Tại Việt Nam, không thiếu những cuộc tranh luận đẹp - xấu đã diễn ra. Sơn Tùng M-TP diện đồ khi tham dự show diễn của Gucci, các bức tranh của Quang Đại, hay gần đây nhất là sự thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của Vinamilk… Tất cả những tranh luận này đều có thể không có hồi kết vì nó thuộc về phạm trù quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta tìm hiểu sâu hơn về những đánh giá của bản thân đến từ đâu. Nền tảng văn hóa để thẩm định cái đẹp của bản thân có thể trau dồi và phát triển hơn bằng cách nào.

Gu thẩm mỹ là gì?

Thuật ngữ thẩm mỹ (Aesthetics) không phải là một thuật ngữ mới; trên thực tế, nó đã được thêm vào ngôn ngữ tiếng Anh vào những năm 1800. Theo Oxford Languages, gu thẩm mỹ được định nghĩa là “liên quan đến cái đẹp hoặc đánh giá cao cái đẹp”. Còn theo Oxford bibliographies thì mở rộng khái niệm này hơn khi cho rằng nhận định về thẩm mỹ cơ bản là một quá trình tâm lý.

Nhà văn và nhà triết học Alain de Botton có một lý thuyết hấp dẫn và cũng có phần tranh cãi. Theo Botton, gu thẩm mỹ là phong cách cụ thể của những thứ bạn chọn bao quanh mình. Nó là một nỗ lực để bạn tạo ra sự cân bằng. Ví dụ, ai đó có cuộc sống hỗn loạn có thể bị thu hút bởi nội thất tối giản, thanh bình, trong khi ai đó cảm thấy mệt mỏi bởi những lo toan và sự lạnh lẽo của đời sống hiện đại sẽ bị thu hút bởi phong cách mộc mạc, ấm áp.

Vậy gu thẩm mỹ “đến” với chúng ta như thế nào?

Các triết gia như Shaftesbury và Francis Hutcheson tin rằng gu thẩm mỹ là một khả năng bẩm sinh (hoặc giác quan bên trong) mà ai cũng có, tương tự như năm giác quan vật lý. Gu thẩm mỹ được cho là một năng lực mà con người có từ khi sinh ra. Nhưng điều này không có nghĩa là một người có thể vận dụng tối đa “giác quan” này vào mọi lúc.

Chẳng hạn, lần đầu tiên ai đó nhìn thấy một loại tranh, họ có thể không nhìn thấy hết cái hay cái đẹp của nó vì họ chưa quen với phong cách này. Nó cũng giống các nhà điều chế nước hoa rèn luyện chiếc mũi của họ, người làm thủ công rèn đôi bàn tay. Bạn cũng cần có thời gian để trau dồi gu thẩm mỹ của mình.

Trong khi đó, cũng có quan điểm cho rằng tính thẩm mỹ dựa trên trải nghiệm thực tế. Sự quen thuộc đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc hình thành thị hiếu thẩm mỹ của chúng ta. Theo hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere exposure effect) giải thích, chúng ta thích những gì chúng ta đã quen. Ví dụ: âm nhạc mà chúng ta nghe ở những nơi công cộng (quán cà phê, trung tâm mua sắm, v.v.) để lại dấu ấn trong sở thích của chúng ta. Hoặc bạn quen với thời trang cao cấp, chất liệu sang xịn thì bạn có thể liên kết những kinh nghiệm cũ này để đánh giá, thẩm định một bộ trang phục mới với những kiến thức trên.

Tiêu chí nào để đánh giá gu thẩm mỹ?

Gu thẩm mỹ quả thật là chuyện của cá nhân nhưng nó cũng không hoàn toàn là của riêng ta. Có bao giờ bạn chọn lựa một thiết kế thời trang chỉ vì số đông cho nó là đẹp? Bạn thiết kế nhà cửa, sắp xếp đồ đạc theo một phong cách này mà không phải phong cách khác? Rõ ràng, trong mọi quyết định chúng ta đều có đánh giá đẹp - xấu trong đó. Trong ta luôn mong muốn trở thành người “có gu”. Nhưng đánh giá gu theo tiêu chí nào thì vẫn chưa tỏ tường.

Trong một bài viết trên Psychologytoday, tiến sỹ Shahram Heshmat đề cập đến một số yếu tố dùng để đánh giá tính thẩm mỹ khi chọn lựa một tác phẩm âm nhạc và nghệ thuật. Chúng ta cũng có thể mở rộng nó sang các lĩnh vực khác như thời trang, làm đẹp và thậm chí là trong nhận định thương hiệu. Sau đây là một số yếu tố tiêu biểu:

Một vẻ đẹp có khả năng lĩnh hội được

Vẻ đẹp trong nghệ thuật luôn mang tính chủ quan và mang tính cá nhân. Chúng ta có thể ví von rằng “vẻ đẹp nằm trong mắt của kẻ si tình”. Tuy nhiên, theo tiến sỹ Shahram, chúng ta có xu hướng thích những “vẻ đẹp” dễ xử lý. Theo “giả thuyết về sự trôi chảy tri giác” (perceptual fluency hypothesis), người nhận thức có thể xử lý một đối tượng càng dễ dàng thì phản ứng càng tích cực.

Điều này thể hiện qua một số cách sử dụng màu sắc như xanh da trời, xanh biển thì sẽ dễ cảm hơn so với những bảng màu quá lạ. Hoặc những âm thanh dễ chịu nhất như nhạc thư giãn thường có sự kết hợp của âm thanh từ thiên nhiên và tiếng đàn piano giản dị.

Thể hiện quan điểm và phong cách cá nhân

Một sản phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ sẽ tiết lộ những cảm xúc, những góc sâu sắc nhất của nghệ sĩ cho dù chúng đẹp đẽ hay đen tối. Ví dụ, âm nhạc phải được nghe như một cách để biểu đạt cảm xúc và sự phóng chiếu của tâm trạng. Và quan trọng hơn, nó còn cần thể hiện phong cách cá nhân của người đó. Thông thường, thành công của một nghệ sĩ hay người sáng tạo chủ yếu là do phong cách dễ nhận biết và khác biệt.

Kỹ năng thể hiện

Nắm vững các vấn đề kỹ thuật là điều kiện tiên quyết để tạo ra các tác phẩm mang nhiều cảm xúc. Kỹ năng thể hiện được coi là không thể tách rời khỏi nghệ thuật. Chẳng hạn, Leonardo da Vinci đã mất hàng chục năm để rèn luyện kỹ thuật tô bóng mờ và làm chuyển động hình ảnh 2D trên mặt các chất liệu. Điều này giúp ông tạo ra tuyệt tác Mona Lisa.

Tương tự như logo mới của Vinamilk, người trong ngành thiết kế cho biết để tạo nên bộ nhận diện mới này đòi hỏi kỹ năng am hiểu cấu trúc phông chữ, công nghệ hiển thị, công nghệ in ấn vì “dù chỉ là vài pixel, có thể thay đổi toàn bộ nhịp điệu và cảm giác của mặt chữ” (theo chia sẻ trên FB của designer Nhat Minh Nguyen).

Kích hoạt cảm xúc

Tác phẩm nghệ thuật hoặc âm nhạc hay một thiết kế thời trang có làm bạn xúc động không? Việc chuyển cảm xúc từ nghệ sĩ sang khán giả là một khía cạnh quan trọng. Mọi người thích những tác phẩm nghệ thuật khơi dậy cảm xúc trong họ. Chiếm được cảm tình của con tim thì các yếu tố khác cũng sẽ “mềm mại” theo. Từ đó, giá trị cảm xúc sẽ góp phần trong việc chúng ta đánh giá tính thẩm mỹ của một tác phẩm.

Danh tiếng

Nhận định về tính thẩm mỹ rất dễ bị ảnh hưởng bởi uy tín của các nghệ sĩ, nghệ nhân mà ta biết về họ. Điều này có nghĩa là đôi khi chúng ta phớt lờ bản chất của một tác phẩm mà quá chú tâm vào người tạo ra chúng.

Một ví dụ nổi tiếng do tờ Washington Post cùng Joshua Bell - một trong những nghệ sĩ vĩ cầm giỏi nhất còn sống thực hiện tại ga tàu điện ngầm đã cho thấy nghịch lý này. Anh mặc áo phông rẻ tiền và chơi những bản nhạc nổi tiếng cùng cây đàn violin Stradivarius trị giá 3,5 triệu đô la trong giờ cao điểm. Suốt 43 phút trình diễn nhiệt tình, hơn 1000 người đi ngang nhưng không có ai dừng lại và tất nhiên, chẳng có tiếng vỗ tay nào.

Vậy thế nào là gu thẩm mỹ chưa tốt?

Có một số quan điểm khi đánh giá về gu thẩm mỹ chưa tốt. Đơn cử như chính ông Botton ở trên cho rằng gu thẩm mỹ xấu là sự dư thừa dưới bất kỳ hình thức nào. Với ông, những người chấp nhận sự thái quá của một cái gì đó là nhằm để đối phó với một loại tổn thương nào đó từng trải qua. Vì vậy, những người giàu mới nổi thích sự xa hoa và phô trương.

Tuy vậy, ông không nghĩ gu thẩm mỹ chưa tốt là thứ chúng ta cần “sửa chữa” - bởi vì đó là triệu chứng chứ không phải vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ nó là một chấn thương được tạo ra bởi một thế giới bị phá vỡ và mất cân bằng một cách tồi tệ. Theo ông, một xã hội công bằng hơn sẽ làm cho sự “làm quá” này tự nhiên biến mất.

Ở Pháp, các nhà xã hội học cũng lập luận rằng không có cái gọi là gu thẩm mỹ tốt hay xấu một cách khách quan. Gu nói chung được quyết định bởi giai cấp thống trị trong một xã hội. Những người muốn tách mình ra khỏi các tầng lớp kém quyền lực hơn và thiết lập những thứ họ thích là vượt trội hơn.

Trong ngành thời trang, ngay sau khi một xu hướng thời trang được tầng lớp thấp sử dụng, chúng sẽ bị tầng lớp thượng lưu “bỏ rơi”. Đây là một hiện tượng để thể giải thích tại sao những gì tạo nên “gu thẩm mỹ” lại liên tục thay đổi. Theo lẽ đó, những gì bị xếp vào gu thẩm mỹ xấu không hẳn là nó xấu theo nghĩa khách quan mà đơn thuần là do những người thích chúng không phải là những người tạo ra các quy tắc.

Chúng ta nâng cấp gu thẩm mỹ thế nào?

Tiến sĩ Shahram Heshmat cho rằng thói quen hàng ngày của chúng ta (dọn dẹp, sinh hoạt, giao tiếp xã hội, ăn uống…) thường không được đánh giá cao, bởi vì chúng quen thuộc và cứ lặp đi lặp lại. Nhưng ông cho rằng, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao gu thẩm mỹ của một người. Cũng chính vì thực hành những thứ lặp đi lặp lại mà chúng ta có thể trau dồi khả năng cảm thụ thẩm mỹ đối với các đồ vật và hoạt động hàng ngày.

Chẳng hạn như bạn có thể học cách nhìn mọi thứ dưới góc nhìn của các giác quan và học cách cảm nhận. Thay đổi một chiếc đèn ngủ với ánh sáng dịu dàng ấm áp, một mùi thơm mới cho gối. Trong ăn uống, bạn có thể để tâm hơn trong cách bày trí món ăn, các loại dao nĩa, âm nhạc trong bữa tiệc…

Và đặc biệt, tiến sĩ Shahram đề cập đến việc nâng cao gu thẩm mỹ tự thân thông qua việc để tâm đến cách hành xử mỗi ngày của chúng ta. Nó không phải là chúng ta nói gì mà là cách ta truyền đạt như thế nào. Đơn cử như lời ăn tiếng nói, âm lượng, điệu bộ… Tất cả đều rất thân thuộc nhưng là nền tảng để chúng ta nâng cấp gu thẩm mỹ của mình.

Trong khi đó, gu thẩm mỹ còn còn có tác dụng như một tấm gương và một cửa sổ. Nó phản ánh các khía cạnh của bản thân và tiết lộ các khía cạnh của người khác. Một người không được đào tạo bài bản về lịch sử nghệ thuật, nhưng đến viện bảo tàng và dành nhiều thời gian để xem tranh, cũng sẽ có được kinh nghiệm cần thiết để đưa ra những đánh giá nhất định về tranh.

Bằng cách có chủ ý mở rộng sở thích của mình, bạn mở rộng kiến thức về thẩm mỹ của người khác và đối phương cũng hiểu hơn về bạn. Từ đó, chúng ta tìm thấy được sự đồng cảm trước khi buông lời đánh giá hay hờ hững bước qua.

Trong phần kết luận của thí nghiệm âm nhạc cùng với Joshua Bell, tác giả Gene Weingarten cũng đề cao đến sự đồng cảm và một cái tâm thưởng thức khi viết rằng: “Nếu trong đời mình chúng ta không thể dừng lại trong khoảnh khắc để lắng nghe một trong những nghệ sĩ lừng danh nhất trên Trái đất chơi những giai điệu hay nhất từng được viết, nếu cuộc sống hiện đại quá chế ngự ta khiến ta trở nên mù điếc trước những thứ như thế, thì ta còn bỏ qua những thứ gì nữa trong đời?”.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục