Hà Lê: Thành công luôn ở phía trước (và chỉ là một trong các lựa chọn)
Trở lại với Lost là cái cớ tốt để chúng tôi được ngồi lại trò chuyện với Hà Lê, sau số podcast Bít Tất Nhạc gần đây. Trong sản phẩm mới này, Hà Lê sẽ kết hợp với Khắc Hưng để kể một câu chuyện xuyên suốt, cũng là câu chuyện của riêng anh.
“3 bài hát là ba nỗi khổ nhưng kể về một sự thật của con người. Chấp nhận, buông bỏ và bước ra chính là thông điệp mà anh và ê-kíp hướng đến trong ep lần này và các sản phẩm tiếp theo.” - Hà Lê nói.
Hà Lê chia sẻ ngay khi bước vào cuộc trò chuyện, "Anh tưởng mình ‘bất tử’ nhưng lại đang bị Covid mấy ngày nay. Dù sao, anh nghĩ, cũng phải bị một lần để còn nếm mùi vị."
Dù hào hứng nhưng thỉnh thoảng những tiếng ho, hay sụt sịt của nam ca sĩ vẫn chen vào cuộc đối thoại. Nhưng trong cuộc trò chuyện, chúng tôi không chỉ được nghe Hà Lê kể về sản phẩm mới mà còn về hành trình âm nhạc của anh.
Nếu phải dùng 3 từ để miêu tả sản phẩm mới, Hà Lê sẽ nói gì?
Nó sẽ tối tăm - chân thật (hơi trực diện và nhạy cảm) - nỗi khổ.
Ep này gồm 3 bài hát và nói về 3 cái khổ đời sống hiện đại, đặc biệt là đối với người đàn ông. Bản thân mỗi người sẽ gặp những thứ đẩy họ vào những hoàn cảnh khác nhau, khiến họ cảm thấy buồn bã, cô độc, bất lực, giận dữ.
Những thứ chúng ta tưởng là giải pháp hóa ra chính là nguyên nhân để lặp lại những nỗi đau, sự cô độc. Mọi thứ giống như một vòng lặp vậy. Ep này đưa anh và có thể nhiều người khác đi tìm nguyên nhân của nó.
Anh có thể chia sẻ thêm về nội dung của các bài hát được không?
Như anh đã nói, ep này sẽ nói đến ba cái khổ của người đàn ông. Đầu tiên đó là nicotine - thuốc lá. Thú thật, anh cũng là người hơi nghiện thuốc lá. Nhưng mở rộng hơn, nó kể câu chuyện về chính một nguồn cơn có thể lạm dụng các chất kích thích khác.
Thứ 2 chính là rượu. Với anh, những thứ chất kích thích như rượu dễ gây ra xáo trộn về mặt cảm xúc. Nếu không giữ được những điều này trong tầm kiểm soát, nó sẽ đưa chúng ta đến một "bờ vực" nào đó.
Và cuối cùng chính là tình yêu, tình cảm vương vấn trong cuộc đời này. Tại sao mình cứ day dứt mãi với tình cảm đó không buông ra được?
Nó là chuyện thật hay anh chỉ là mượn một hình tượng hư cấu để truyền tải thông điệp?
Đó là các bài hát xâu chuỗi và kể lại một quá trình anh đã sống. Quả thực, anh từng có giai đoạn giống như câu chuyện trong những bài hát. Và đây cũng chính là sự đối mặt của anh với chính những năng lượng tiêu cực từng trải qua.
Khi nhận demo từ Khắc Hưng, anh thấy rất hay và thấy giống câu chuyện đời của mình quá. Cảm giác này, với anh giống như lúc thực hiện dự án Trịnh Contemporary. Mặc dù với nhạc Trịnh, anh vẫn là người đến sau. Nhưng bất cứ khi nào anh tìm đến chất liệu âm nhạc nào đó thì nó lại kể câu chuyện của mình.
Dự án này Khắc Hưng cũng viết kiểu "đo ni đóng giày" cho giọng hát của anh. Nhưng điều quan trọng ở đây là hai người bọn anh đã gặp nhau và biến những câu chuyện riêng thành những tác phẩm âm nhạc.
Là con người ai cũng muốn trưởng thành, có sự nghiệp, xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng ở đâu đó vẫn còn rất nhiều góc khuất, góc tối họ tự chọn giải quyết một mình. Những người xử lý vấn đề này không được khéo léo sẽ có thể bị mắc bệnh trầm cảm, u uất, suy nghĩ tiêu cực, làm những việc nguy hại cho bản thân.
Liệu sản phẩm này có quá khó để tiếp nhận?
Thực ra dự án này của anh có hai chương. Ep Lost là chương đầu tiên, dẫn dắt người nghe nhạc nhìn nhận được câu chuyện mà anh muốn kể. Anh nghĩ, nếu chúng ta chưa nhìn nhận được vấn đề của mình thì cũng sẽ chưa có giải pháp để giải quyết vấn đề đó.
Tất nhiên, nếu người nghe nhạc luôn hy vọng hay muốn nghe thấy các "giải pháp" - Có thể ở chương tiếp theo hay một dự án khác, anh sẽ làm điều đó.
Anh dùng thể loại âm nhạc nào để truyền tải câu chuyện có phần tối tăm này?
Anh quay trở lại thời kỳ là một người chơi hip hop trong sản phẩm này. Khán giả sẽ nghe thấy thể nhạc drill rất thịnh hành tại Việt Nam trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Bên cạnh đó sẽ có một bản Rn’B rất nhẹ nhàng. Và bài hát cuối cùng thuộc thể loại trap/hiphop rất mạnh mẽ.
Màu sắc âm nhạc của ep sẽ là Pop/Rn'B nên sẽ rất phù hợp với khán giả trẻ. Thực ra nội dung cũng có những tia sáng lấp lánh ở phía sau nếu các bạn lắng nghe.
Tại sao lại là Khắc Hưng mà không phải một cái tên khác?
Anh và Khắc Hưng biết nhau từ rất lâu; và Hưng cũng đang là cố vấn âm nhạc với bên hãng thu âm của anh là Sony Music. Bọn anh cũng từng làm chung nhiều dự án như The Heroes, hay bài hát Tuổi đá buồn, trong dự án Trịnh Contemporary.
Chính vì việc hiểu được tâm sự bản thân nên anh đã mời Khắc Hưng thực hiện cả 3 bài trong ep. Khắc Hưng tham gia vào mọi công đoạn của dự án từ sáng tác, phối khí, thu âm, ra sản phẩm. Đây cũng là một thử nghiệm của Khắc Hưng chứ không chỉ riêng Hà Lê.
Thực ra, với dự án Trịnh Contemporary anh cố gắng làm lại (remake) nhưng mọi người vẫn chỉ nhìn nhận là cover. Ngoài ra, anh cũng chưa thực sự có gì nguyên bản và đóng mác của riêng Hà Lê. Vì thế, anh đã tìm đến Khắc Hưng, để kết nối và kể câu chuyện của riêng mình, theo phong cách mà mình chọn.
Phần dễ và khó nhất khi thực hiện ep này là gì?
Phần dễ nhất là làm việc với Khắc Hưng, bao gồm cả cùng thu âm. Thú thật, anh chưa bao giờ thu âm nhanh và trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Chính vì việc thu xong nhanh quá anh cũng có lúc ngờ vực, cho rằng sẽ phải thu lại.
Phần khó nhất, có lẽ là chờ đợi. Anh phải đợi Hưng gửi demo rất lâu. Đợi Hưng gửi lại bài. Nhưng mà đợi chờ này mang lại hạnh phúc (cười.)
Làm việc với Khắc Hưng, anh và các nghệ sĩ khác sẽ phải kiên nhẫn hơn một tí. Anh nghĩ câu chuyện sáng tạo bao giờ cũng cần thời gian như vậy và hoàn toàn có hiểu được.
Các sản phẩm hình ảnh, MV cũng sẽ phụ giúp kể câu chuyện của ep?
Cách thể hiện, ngôn ngữ hình ảnh hướng tới cách làm khác biệt với các music video thông thường. Nó có thể trần trụi, gây sốc nhưng cài cắm những ý đồ nghệ thuật tinh tế, những thông điệp tích cực.
Anh rất bất ngờ và trân trọng biết ơn sự sáng tạo của cả đội ngũ vào sản phẩm này. Mọi người đã đóng góp nhiều hơn những gì mình yêu cầu rất nhiều.
Lúc sáng tạo cùng nhau, đâu đó người nghệ sĩ sẽ có lúc phải bảo vệ cái tôi và quan điểm của mình. Nhưng có những lúc, anh đang hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào đội ngũ của mình. Mọi người đặt đâu anh ngồi đấy, không cố gắng ép mọi người theo ý muốn của mình nữa.
Anh muốn nhìn thấy góc nhìn khác từ mọi người, những trải nghiệm hay hệ quy chiếu khác so với của mình. Sau đó, anh còn ngộ ra được thêm ý khác từ câu chuyện muốn kể ban đầu. Tính đa chiều của dự án này cũng là nằm ở chỗ đó.
Có vẻ như Hà Lê ngày càng bỏ nhiều tự sự của mình hơn vào âm nhạc?
Thực ra, ngay từ đầu anh đã xác định tính nguyên bản của mình trong âm nhạc. Và Khắc Hưng cũng đã viết dựa trên những câu chuyện mà anh đã trao đổi, chia sẻ.
Với dự án này, anh trở thành chính mình, được chơi hiphop, được hát Rn’B. Anh nghĩ đây cũng là một sự đột phá của Khắc Hưng, vì những giai điệu Rn’B/hiphop mà cậu ấy viết hay ca từ rất vững nhưng không thiếu yếu tố bất ngờ trong đó.
Anh nghĩ đó là câu chuyện của mình. Âm nhạc của mình. Những thứ mà anh muốn biểu diễn, thể hiện và phản ánh nội tâm, cá tính, văn hóa của chính mình.
Lần bỏ nước Anh để về Việt Nam hơn 10 năm trước đã đưa anh đến ngày hôm nay?
Quả thực, thời điểm đó anh bỏ rất nhiều cơ hội bên Anh để về Việt Nam xây dựng những cái mới. Lúc đó anh nghĩ nó sẽ phải là thứ của mình và dành cho mình.
Nhưng lúc về Việt Nam anh vẫn chưa là ca sĩ và vẫn tiếp tục theo đuổi vũ công và biên đạo trong 7 năm. Sau đó, anh lại tiếp tục bỏ nghề nhảy để làm ca sĩ.
Anh nghĩ sự bỏ này cũng cần phải xác định kỹ. Ở thời điểm ấy, đối với nhiều người, họ sẽ không chọn con đường ấy. Anh đã xây dựng được vị trí trong một lĩnh vực nhất định, còn hát hò thì chưa đến đâu. Anh có thể hoàn toàn “chân nọ chân kia”, làm mỗi thứ một chút để dò đường, thử nghiệm, để có một kế hoạch rõ ràng hơn.
Nhưng lúc ấy anh lại không làm như thế. Lúc anh bắt đầu đi hát cũng khoảng 31, 32 tuổi. Nếu bây giờ mình cứ chân trong chân ngoài như thế sẽ không ai biết được thực sự Hà Lê là ai?
Lúc đó anh cũng bị khó chịu khi mọi người cứ gọi mình là biên đạo đi hát. Mình làm thế nào để thay đổi được quan điểm của người ta? Làm thế nào để mọi người không gọi mình là biên đạo đi hát nữa?
Anh nghĩ rằng, chắc phải bỏ chữ biên đạo đi chỉ còn chữ đi hát thôi. Anh nghĩ lúc đó sẽ phải đánh cược. Anh quyết định nghỉ dạy, đi tìm kiếm một công việc và đi làm MC ở XoneFM để qua ngày. Sau đấy anh tập trung toàn bộ cho âm nhạc, xuất hiện ít hơn trong cộng đồng nhảy hiphop và dưới vai trò biên đạo.
Với Hà Lê, bỏ cái cũ không phù hợp để đón cái mới là rất quan trọng?
Với anh đó còn có thể gọi là một cái buông. Cái sự buông này giống như việc mình có một căn phòng với quá nhiều đồ đạc. Khi mua thêm những đồ mới về thì cái phòng đó trở nên chật hơn. Những đồ mới mua về không có cơ hội để tỏa sáng, mọi thứ sẽ bị lẫn lộn trong căn phòng có nhiều đồ đạc ấy.
Để giải quyết vấn đề này, anh phải bỏ bớt một số đồ cũ đi, làm cho những món đồ mới có không gian để tỏa sáng. Sự bỏ của anh nó giống như vậy. Anh bớt đi nhiều vai trò của mình ở các lĩnh vực để tập trung vào âm nhạc.
Trong mỗi sự bỏ của Hà Lê đều có một chữ chọn để dẫn đến thành công?
Thực ra, thành công luôn ở phía trước và mình không biết được. Chúng ta chỉ biết được là có các lựa chọn. Thành công là một trong những lựa chọn đó. Mình không hề biết nó sẽ đi về đâu, có kết quả như thế nào.
Tuy nhiên mình sẽ có kết quả nếu như mình muốn điều gì đó xảy ra. Chúng ta sẽ không bao giờ thành công nếu không dành 100% sức lực cho điều mình muốn thực hiện. Vì thế nếu mình cứ chân trong chân ngoài, chỉ dành 50% cho mỗi thứ, thì cả cuộc chơi đó chỉ 50/50 và sẽ không nghiêng về phía nào hết.
Mình phải dấn thân vào, phải đi hết con đường thì mới thấy được kết quả như thế nào? Đôi khi kết quả hay mục đích cuối cùng của mình không phải là chiến thắng như mình nghĩ lúc đầu.
Mục đích cuối cùng của mình đôi khi chỉ là từ lúc bắt đầu có ý định cho đến khi hoàn thành, mình đã đi được bao xa. Con người hay tư tưởng của mình có phát triển hơn trước đó hay không? Hay mình chỉ đặt mục đích đi đến đó rồi thôi?
Đối với anh điều gì có thể bỏ và nên bỏ đầu tiên?
Nếu trong cuộc sống hàng ngày, anh nghĩ điều nên bỏ đầu tiên chính là những phiền não, buồn bực; bỏ những thứ khiến cho mình không điều khiển được cảm xúc hay cuộc sống. Cái buông bỏ ở đây mà anh muốn nói chính việc mình không có chấp nhất những việc, vấn đề mà mình chưa/không có cách giải quyết.
Đối với những sự việc mà mình đang có quá nhiều cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực thì mình tạm thời có thể bỏ nó sang một bên. Mình có thể cân bằng cảm xúc trước rồi hẵng quay lại nhìn nhận và giải quyết vấn đề.
Vì thế, ep mới này của anh thực ra cũng là một sự bỏ. Anh thấy mình chấp những điều này trong cuộc sống và mong cầu nhiều. Vì thế khi thực hiện các bài hát, anh cũng phải dần bỏ đi những điều này. Mình muốn làm được việc phải quan sát được tư tưởng của mình, xem nó đang vận hành như thế nào. Và mình không còn chấp nhất vào đấy.
Ví dụ như sau ep này, anh hướng tới cuộc sống gia đình. Vì thế anh sẽ bỏ thuốc lá đầu tiên. Đó những cái mà anh phải xác định từ đầu. Hoặc có những thứ đơn giản hơn như anh đi hát thì sẽ không được uống đá lạnh. Vì thế, anh sẽ phải bỏ uống nước đá.
Anh thích 1 câu của Đen là, hãy làm cho cuộc đời của mình trở nên ngăn nắp. Bỏ bớt xuống chính là sắp xếp lại cho mọi thứ trở nên ngăn nắp hơn. Khi mình chưa sắp xếp cuộc sống của mình một cách ngăn nắp, để nó còn bề bộn thì mình vẫn phải còn tư duy #bỏ.
Anh vừa mới nhận ra, với sản phẩm âm nhạc anh vừa thực hiện, anh vẫn đang ở ngoài rìa, vẫn chưa được là nhân vật chính nữa (cười.)
Vậy điều gì anh nhất định phải giữ lại?
Tính nghệ thuật trong những sản phẩm âm nhạc mình tạo ra.
Dự định tiếp theo của anh sẽ là gì?
Trước hết anh vẫn đang tập trung toàn lực cho ep này. Nó là phần tiếp nối của Trịnh Contemporary và là dẫn nhập cho chương mới - chính là một album đầy mới mẻ và thử thách.
Anh nghĩ con đường âm nhạc của mình phần nhiều là do chữ duyên. Anh nghĩ từng dự án cứ xảy đến với mình, nó cứ kết nối lại với nhau. Anh vẫn đang trong quá trình chuẩn bị chất liệu cho các dự án của mình.