Hacker bán 30 Triệu hồ sơ người Việt đổi lấy 80 triệu đồng
1. Điều gì vừa xảy ra?
Mới đây, một hacker có tên meli0das đã rao bán 30 triệu bản ghi được cho là khai thác từ một website phổ biến về giáo dục tại Việt Nam trên diễn đàn tin tặc br*******. Được biết, mỗi bản ghi là dữ liệu của một người Việt bao gồm thông tin như họ tên, địa chỉ email, số điện thoại, nơi cư trú...
Giá bán cho toàn bộ dữ liệu bị rò rỉ này là 3.500 USD (khoảng 80 triệu VNĐ) và người mua phải thanh toán qua token XMR. Hacker này cho biết sẽ gửi mẫu 10.000 bản ghi nếu ai hỏi mua toàn bộ dữ liệu.
2. Đã từng có vụ việc tương tự nào xảy ra?
Khi sự riêng tư là một món hàng, việc mua bán dữ liệu không còn xa lạ đối với cả thế giới lẫn Việt Nam. Có nhiều vụ buôn bán dữ liệu người dùng Việt Nam trái phép trên diễn đàn trong nước và nước ngoài nhiều năm qua.
Hồi tháng 01/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã triệt phá đường dây mua bán dữ liệu cá nhân trái phép có quy mô liên tỉnh và lớn nhất tại địa phương này. Hay vào tháng 05/2021, khoảng 10 nghìn CMND, CCCD Việt Nam cũng đã được rao bán trên một diễn đàn tin tặc.
Tháng 01/2021, khoảng 300 nghìn dữ liệu người Việt cũng đã bị rao bán trên diễn đàn RaidForums. Một số nạn nhân của vụ việc xác nhận đã mua hàng trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trước đó. Một số dữ liệu được cho là giả, hoặc không thể xác định.
So với những lần rò rỉ dữ liệu người dùng Việt Nam trước đây, sự việc lần này có phần nghiêm trọng hơn. Không chỉ ở mặt quy mô và số lượng dữ liệu lớn chưa từng có (tương đương 1/3 dân số Việt Nam), lần rò rỉ dữ liệu này tập trung vào người trẻ đang đi học, vốn hoạt động nhiều trên Internet.
3. Dữ liệu được hacker rao bán lần này có đáng tin?
Cục Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã bước đầu điều tra và có kết luận. Cục cho biết, "dung lượng dữ liệu, cấu trúc dữ liệu, trường dữ liệu, độ chính xác dữ liệu và logic sắp xếp dữ liệu cho thấy nguồn này khác với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục do Bộ GD&ĐT quản lý."
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh và rà soát. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cùng kết hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an để tiếp tục xác định, kiểm tra các hệ thống bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin.
4. Dữ liệu của chúng ta đang nuôi lớn AI như thế nào?
Mỗi chúng ta khi lên mạng đều tạo ra một "chân dung dữ liệu". Mỗi cú click, mỗi lịch sử tìm kiếm, những bài đăng hay bình luận của chúng ta sẽ tạo nên "chân dung dữ liệu" này.
Bên cạnh những thông tin dữ liệu như tên tuổi, địa chỉ thì hành vi của chúng ta cũng là những dữ liệu đắt giá, được thu thập và tối ưu cho nhiều mục đích khác nhau. Dữ liệu giúp tối ưu người dùng, phục vụ marketing... đều được phân tích dựa trên các dữ liệu này.
Nhưng trên tất cả, dữ liệu người dùng hay thông tin còn là thứ dùng để nuôi dưỡng trí tuệ nhân tạo (AI.) Từng nhất cử nhất động trên Internet của chúng ta đều được theo dõi sát sao, chuyển hóa thành dữ liệu khiến cho AI ngày càng trở nên "thông minh" hơn. Đó cũng là cách mà công nghệ dần thao túng hành vi con người.
5. AI phát triển dự báo gì về tương lai loài người?
AI có một vai trò đặc biệt trong những tiến bộ công nghệ hiện nay. Hệ thống AI hiện nay cũng đã đủ hiệu quả để giảm sự có mặt của con người trong lao động ở nhiều lĩnh vực. AI phổ biến ở cả công nghiệp sản xuất, lĩnh vực tài chính ngân hàng, nghệ thuật...
Tuy nhiên, không phải cái nhìn nào về AI cũng tươi sáng hay lợi ích hoàn toàn. Trong cuốn sách 21 bài học cho thế kỷ 21, nhà sử học Yuval Noah Harari từng nhận định khác nhau về AI.
Theo Harari, AI sẽ dần thay thế con người ở nhiều ngành nghề khác nhau. Harari cho rằng, trong ngắn hạn, AI và khoa học robot khó có khả năng loại bỏ hoàn toàn một số ngành nghề nhưng cũng cho rằng, con người trong tương lai sẽ ít việc làm hơn. Ông cũng viết rằng, "thay vì cạnh tranh với AI, con người có thể tập trung vào phục vụ và nâng cấp AI."
Ông còn cho rằng, các loại hình nghệ thuật (âm nhạc) sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi phân tích big data vì cả đầu vào và đầu ra của nó đều thích hợp với việc mô tả chính xác bằng toán học.
Chính chúng ta đang trải nghiệm điều này mỗi khi nghe nhạc trên Spotify hay xem video trên YouTube, Netflix… Mới đây, AI vẽ tranh Midjourney khiến tất cả mọi người ấn tượng. Tuy nhiên, điều này cũng đã khiến không ít chúng ta đặt ra câu hỏi: liệu AI có thể thay thế nghệ sĩ?
Sự phát triển của công nghệ và AI đang tác động sâu sắc đến đời sống của chúng ta hiện nay. Khi những dữ liệu ngày càng nuôi lớn AI, liệu chúng ta có trở thành những “con rối?”
Trả lời cho câu hỏi này, nhà triết học người Canada - Marshall McLuhan từng dự báo, “Chúng ta sẽ không còn bất kỳ quyền gì nữa nếu cứ phó mặc các giác quan và hệ thần kinh của mình cho những kẻ đang cố gắng thao túng quyền riêng tư, bằng cách thu lợi từ việc thuê mắt, tai và thần kinh của chúng ta.”