Nick ảo giấu được gì, và không giấu được gì? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 04, 2021
Truyền ThôngOpinion

Nick ảo giấu được gì, và không giấu được gì?

Chúng ta lên mạng để "ẩn danh", để sống một cuộc sống khác. Tuy nhiên, mỗi động thái của bạn trên Internet đều lưu lại một dấu vân tay.
Nick ảo giấu được gì, và không giấu được gì?

Nguồn: Unsplash

Không khó để nhận biết những tài khoản giả: hình đại diện “giả trân”, ít hoạt động, thời gian lập tài khoản mới gần đây. Tuy nhiên tài khoản giả bây giờ không còn là thứ mà người ta muốn che dấu. Rất nhiều bạn trẻ đã lập hẳn ra một trang Facebook với cái tên nói rõ mục đích: Page này lập ra để comment dạo. Đây dần trở thành một phong trào trong giới trẻ.

alt
Ẩn danh đi comment dạo để không gặp "thị phi" | Nguồn: Hoa Học Trò

Nhân tính giả giúp chúng ta vừa ẩn danh nhưng vừa được tham gia vào một cộng đồng. Nhiều sáng kiến đã được nêu ra để giúp ta thõa mãn được việc vừa bộc lộ bản thân nhưng lại vừa "che dấu" nhân dạng. Đó là chân dung dữ liệu (data portraits).

Chân dung dữ liệu là gì?

Để “vẽ” lên bức chân dung nhân dạng dùng trên mạng (data portraits), ta dùng dữ liệu và thông tin mà chúng ta dùng để lại trên mạng thông qua những comments, lịch sử tìm kiếm. Trên mạng, chúng ta tồn tại dưới dạng dữ liệu chứ không phải một cơ thể.

Nếu biệt hiệu với tên giả chính là cấp độ 1 của trò chơi ẩn danh thì “chân dung dữ liệu" là cấp độ 2 khi nó cung cấp cho ta một “cơ thể" để nhận biết được ai là ai dựa trên những gì ta quan tâm tới. Ta có thể tự tin đi tìm những người có chung mối quan tâm với mình dựa trên chân dung dữ liệu mà không phải lo sợ tiết lộ mình là ai. Thay vì để bị theo dõi với dữ liệu, ta dùng chính dữ liệu để kể câu chuyện của chính mình qua các bức chân dung dữ liệu.

alt
Chân dung dữ liệu được sử dụng trong sự kiện của TED vào năm 2017. Bức chân dung được tạo ra dựa trên những câu trả lời trắc nghiệm của người tham gia | Nguồn: giorgialupi

Chân dung dữ liệu là một sự lý tưởng hóa về cách ta muốn được nhìn thấy trên mạng. Sự thật thì như những bước chân carbon, trình duyệt của chúng ta có một dấu vân tay. Đó là cách mà những mạng lưới quảng cáo có thể theo dõi được ta, mặc cho những nỗ lực sử dụng một danh tính giả trên mạng.

Dấu vân tay dữ liệu - chạy đâu cũng không thoát

Dấu vân tay dữ liệu trình duyệt (Browser Fingerprint) là một tập hợp những dữ liệu phần cứng, cấu hình,... của thiết bị bạn đang sử dụng. Khi truy cập một trang web, một số trang sẽ yêu cầu những dữ liệu này, từ đó trình duyệt của bạn sẽ tạo ra một “dấu vân tay” để nhận diện bạn.

Đây là một phương pháp theo dấu người dùng tương đối mới. Khác với cookies, các dữ liệu này không được lưu trữ cụ thể ở một tệp file nào nên bạn không thể đơn giản chỉ là xóa nó đi.

alt
Những bản cập nhật phần mềm mới của Apple đã ngăn chặn những apps sử dụng phương pháp dấu vân tay để theo dõi người dùng | Nguồn: Apple Insider

Sẽ có những công ty bên thứ 3 nhận diện “nhận dạng" bạn trong số vô vàn người đang truy cập một trang web cụ thể. Theo một nghiên cứu, ⅓ số dấu vân tay mà thu được có thể dùng để nhận dạng người dùng. Năm 2019, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sử dụng dấu vân tay trình duyệt đã giúp nhận diện được 99% người dùng.

Khi mà Google đã chặn cookies bên thứ 3 thì dấu vân tay này chính là công nghệ dùng để truy dấu người dùng. Nó “lỳ" hơn cookies khi bạn không thể tìm và xóa cái file đó đi một cách dễ dàng.

“Nó như một cái hộp đen vậy" là những gì mà Casey Oppenheim, giám đốc điều hành của Disconnect - một công ty chuyên phát triển công nghệ chặn phần mềm theo dõi nhận xét về dấu vân tay trình duyệt.

Khi công nghệ không chỉ là công cụ

Marshall McLuhan là một nhà triết học người Canada. Những nghiên cứu về truyền thông của ông vẫn có thể được áp dụng và nghiên cứu tới bây giờ. Nổi bật trong số đó có cuốn “The medium is the message”. Trong cuốn sách ông thảo luận về việc “Tất cả những phương tiện cũng là phiên bản mở rộng của chức năng trên cơ thể người”.

alt
McLuhan đã nói rằng: "Chúng ta định hình công cụ và công cụ cũng định hình chúng ta"

Ví dụ như bánh xe là phiên bản mở rộng (extension) của chân người. Thông điệp nó mang theo chính là khiến cho việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn. Có thể thấy, sự ra đời của phương tiện bánh xe nói riêng hay phương tiện vận chuyển nói chung đã thay đổi hình thái xã hội, tạo ra các hệ thống di chuyển và vận chuyển tác động đến thói quen của con người.

book
Tương tự, sách là phiên bản mở rộng của mắt khi nó giúp ta "nhìn" được nhiều hơn | Nguồn: The medium is the message

Sự xuất hiện của các nền tảng số từ Google với Facebook có thể đã từng là một phiên bản mở rộng các chức năng của con người khi nó giúp việc tìm kiếm và kết nối trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi ở đây khi những công cụ này cũng đang khai thác ngược lại chúng ta bằng cách sử dụng dữ liệu của người dùng. Nói cách khác, con người đã trở thành phiên bản mở rộng của máy móc.

Nói theo McLuhan đã dự báo cách đây 40 năm trước:

“Chúng ta sẽ không còn bất kỳ quyền gì nữa nếu cứ phó mặc các giác quan và hệ thần kinh của mình cho những kẻ đang cố gắng thao túng quyền riêng tư, bằng cách thu lợi từ việc thuê mắt, tai và thần kinh của chúng ta.”

Thông tin chính là thứ dùng để nuôi dưỡng “AI” - trí tuệ nhân tạo. Từng cú click chuột, từng nhất cử nhất động đều được theo dõi sát sao, chuyển hóa thành dữ liệu khiến cho AI ngày càng trở nên thông minh và thuyết phục. Đó là cách mà công nghệ dần dần “thao túng" hành vi của con người.

Vậy nên chừng nào ta còn sử dụng mạng, ta đành phải chấp nhận cái quy luật ngầm rằng ta đang thực hiện một giao dịch dữ liệu để đổi lấy những tiện ích mở rộng của Internet. Một nhân cách giả trên mạng về cơ bản cũng không thể giúp bạn hoàn toàn trở nên “ẩn danh" trên môi trường này.