Hàn Quốc có kế hoạch remake biểu tượng văn hóa đại chúng Breaking Bad

Liệu bản remake Breaking Bad của Hàn Quốc có thể tồn tại dưới cái bóng quá lớn của bản gốc?
Zack Lê
Nguồn: CBR

Nguồn: CBR

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào ngày 14/2, trang tin Hankyoreh xuất bản một tin tức độc quyền gây xôn xao cư dân mạng Hàn Quốc và thế giới, series Breaking Bad sẽ được remake tại Hàn Quốc. Với sự dẫn dắt của đạo diễn Lee Chang-yeol, series này được dự kiến sẽ lên sóng vào cuối năm 2024. Hiện tại dự án đang bước vào quá trình tuyển diễn viên.

Câu chuyện về Walter White, một thầy giáo Hóa Học trở thành một ông trùm ma túy đã và đang là một biểu tượng văn hóa đại chúng của nước Mỹ. Breaking Bad qua hơn 5 năm phát sóng đã nhận được hơn 16 giải Emmy, lẫn đánh giá cao nhất trên IMDb, 9.5/10. Liệu với phiên bản remake này, Hàn Quốc có thể đi vừa chiếc giày quá lớn mà series này đã để lại?

2. Breaking Bad đã từng được remake trước đây chưa?

Nhiều người khán giả sẽ bất ngờ khi biết rằng Hàn Quốc không phải là quốc gia đầu tiên thử nghiệm remake series danh giá này. Vào năm 2014, một hãng phim tại Columbia đã phát sóng Metástasis, một phiên bản remake giống tới từng cú máy của Breaking Bad.

Thoạt đầu, việc remake Breaking Bad thành một phiên bản tiếng Tây Ban Nha có vẻ hợp lí ở nhiều mảng. Đặc biệt là những nước tại châu Mỹ Latin vốn rất ưa chuộng các bộ phim dài tập lấy chủ đề đường dây buôn bán ma túy và tội phạm. Ngoài ra, tại thời điểm năm 2014, truyền hình cáp vẫn chưa thật sự phổ biển ở các quốc gia này, nên số lượng khán giả chưa hề xem hay biết tới Breaking Bad là khá lớn.

Tuy nhiên, với thời lượng ghi hình là 2 ngày rưỡi cho một tập thay vì 8 ngày như bản gốc, Metástasis đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì chất lượng hình ảnh lẫn diễn xuất của các diễn viên. Ngoài ra, cách bộ phim này đi theo hướng kịch xà phòng (soap opera), một thể loại truyền hình dài tập vốn rất thịnh hành ở châu Mỹ Latin, được đánh giá là không hề phù hợp với câu chuyện vốn đen tối của Breaking Bad.

3. Vì sao Breaking Bad là một bộ phim khó remake?

Có lẽ việc đòi hỏi một phiên bản remake có thể có thành công ngang với bản gốc là một điều không thể, đặc biệt là khi Breaking Bad đã trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng không chỉ ở Mỹ, mà còn là ở toàn thế giới.

Ngoài những yếu tố như kịch bản hay diễn xuất, thành công của Breaking Bad còn nằm ở cách mà bộ phim đã đặt ra nhiều vấn đề vốn rất quan trọng với người dân Mỹ vào thời điểm đó. Ra đời ngay sau Đại Suy thoái Kinh tế năm 2008, một nhân vật người tốt gãy gập trước áp lực tài chính như Walter White, không ít thì nhiều cũng đã kết nối được với nhiều khán giả tại thời điểm đó.

Như mọi bộ phim thành công khác, Breaking Bad thành công nhờ vào cách bộ phim này chọn kể một câu chuyện có thể kết nối với đại đa số khán giả vào thời điểm ra mắt. Và khi một bộ phim được remake sau 10 năm phát sóng, tại một quốc gia ở bên kia đại dương, Breaking Bad bản Hàn Quốc chắc chắn sẽ gặp phải những trở ngại không nhỏ.

4. Những trở ngại khi remake Breaking Bad tại Hàn Quốc là gì?

Trở ngại đầu tiên của việc remake Breaking Bad tại Hàn Quốc là quá trình chuyển giao bối cảnh văn hóa. Điều này không đơn giản chỉ nằm ở việc chuyển đổi địa điểm phòng thí nghiệm của cặp đôi Walter White và Jesse trở thành một chiếc xe buýt như bản remake Columbia đã làm.

Bản remake tại Hàn Quốc phải tìm cách đưa những mẫu nhân vật có tính cách định hình nhiều bởi văn hóa Mỹ như Jesse Pinkman, Saul Goodman vào bối cảnh của Hàn Quốc. Đồng thời khiến cho những hành động của họ có thể khiến khán giả tin tưởng là chúng khả thi tại đây..

Ngoài ra, với những điều luật về điện ảnh ở Hàn Quốc, những phân cảnh sử dụng hay điều chế chất cấm vốn là chủ đề trọng yếu của Breaking Bad sẽ gặp khá nhiều khó khăn để vượt qua kiểm duyệt nếu bản remake chọn phương án trung thành với bản gốc.

5. Cư dân mạng Hàn Quốc phản ứng ra sao?

Với thông tin này, cư dân mạng Hàn Quốc phần lớn cảm thấy tò mò về cách mà Breaking Bad sẽ được thay đổi để phù hợp với văn hóa của đất nước này. Ngoài ra, với làn sóng remake gần đây của truyền hình Hàn Quốc, nhiều khán giả đặt ra thắc mắc vì sao những nhà làm phim tại đây không thể tạo ra những bộ phim gốc mà phải dựa vào những sản phẩm nước ngoài.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục