Hãy hoài nghi, nhưng đừng nghi hoài

Làm sao để hoài nghi một cách tích cực?
Chàng-Ngốc-Già (TS. Võ Đình Trí)
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

Trong con bão thông tin, việc tiêu hóa tin tức phải gọi là “fast and furious” - nhanh và "nguy hiểm"! Chắc hẳn bạn đã từng bị hớ khi vội tin vào một bài đăng, video, hay lời đồn trên mạng xã hội. Nhưng có không ít người cực đoan đến mức “chả tin bố con thằng nào”, họ hoài nghi với mọi chuyện lớn nhỏ, với tất cả mọi người.

Thiếu hay thừa hoài nghi đều có thể khiến chúng ta bị sụp ổ gà, vậy chuyện hoài nghi nên thế nào?

Hoài nghi là gì?

Hoài nghi được hiểu là việc đặt ra các câu hỏi để tìm kiếm bằng chứng, hoặc kết nối các các dữ kiện/thông tin để xác nhận một điều gì đó có nhiều khả năng là đúng hay không. Khi một ai đó theo chủ nghĩa hoài nghi, người ấy đề cao sự duy lý (rationalism) và thực nghiệm (empiricism).

Nhưng trong xã hội, mức độ hoài nghi của mỗi người lại không giống nhau. Có những người rất vô tư ("nhẹ dạ cả tin"), nhưng cũng có những người đa nghi, không dễ gì tin ai hay một việc nào đó. Có những người chỉ hoài nghi những cái cụ thể nhỏ nhặt, nhưng cũng có những người chỉ hoài nghi những hiện tượng, những điều mang tính khái quát.

Hồi mình còn nhỏ, mình thấy những người dân tộc thiểu số từ núi cao đi bộ xuống biển để tìm ốc, tìm hàu. Họ cũng gùi thêm củi để bán hay trao đổi đồ dùng. Nếu có người hẹn mua, thì lần tới nhất quyết họ bán cho đúng người đó, giá đó, có ai giữa đường trả giá cao hơn họ cũng nhất quyết không bán. Trong khi đó có người ở thành phố, sau vài lần bị xí gạt thì trở nên cực đoan, không còn tin ai, giữ cái suy nghĩ nguy hiểm hơn là “mình không gạt họ, thì họ cũng gạt mình”.

Người bình thường thì hoài nghi những chuyện nhỏ nhặt, hàng ngày. Còn các nhà nghiên cứu, nhà khoa học thì sự hoài nghi của họ là về những hiện tượng, những điều mang tính khái quát. Chính vì vậy mà họ làm nhiều thực nghiệm, dùng nhiều dữ liệu, nhiều phương pháp thống kê để tìm ra quy luật chung. Chẳng hạn như trong kinh tế, giải thích mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp như thế nào? Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng là sao?

Vì sao cần hoài nghi?

Sự hoài nghi trước hết cần thiết cho từng cá nhân, để tiếp cận được những cái khách quan hay bản chất của vấn đề. Trong giao dịch mua bán chẳng hạn, người ta thường nói mua nhầm chứ bán không nhầm, bởi vì sự bất cân xứng thông tin. Có những hàng hóa dịch vụ tốt hay rẻ một cách bất thường, hay một khoản đầu tư mà lợi nhuận so với rủi ro là quá hời thì rất cần sự hoài nghi.

Mình từng rất ngạc nhiên khi thấy phong trào bán kem trộn rất sôi nổi trên các mạng xã hội. Đây rõ ràng là một điều đáng nghi, vì mỹ phẩm là nhóm hàng cần có sự kiểm định và giám sát chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Các công ty sản xuất phải qua nhiều quá trình kiểm nghiệm mới dám sản xuất, rồi phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Ngay cả khi sản phẩm nói rằng đã có nghiên cứu thì cũng cần xác minh nghiên cứu đấy thuộc loại nào, mức độ công nhận ra sao, có các đánh giá độc lập uy tín.

Gần đây thì có hiện tượng đầu tư tài chính online mà đa phần dùng lợi nhuận hấp dẫn để lôi kéo. Nếu có sự hoài nghi, thì làm sao giải thích tỷ suất sinh lời mấy ngàn %/năm? Trong khi đó, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nhân dày dặn kinh nghiệm chỉ dám đặt mục tiêu vài chục %/năm. Nếu mức sinh lời cao như vậy, và chắc như vậy, tại sao những người đó không đi vay để tự đầu tư?

Xã hội phát triển là nhờ khoa học, và khoa học phát triển một phần là sự hoài nghi. Lý do là bởi vì các nhà nghiên cứu khi quan sát thấy, hay liên tưởng đến một hiện tượng mới lạ nào đó, họ cần phải chứng minh.

Nhiều thành công trong nghiên cứu y sinh, vật liệu là bắt nguồn từ những quan sát trong tự nhiên, có sự hoài nghi và tìm được bằng chứng. Đó cũng là cách khoa học bắt đầu từ các giả thuyết, và chứng minh hay phủ nhận giả thuyết.

Hoài nghi bằng cách nào?

Đơn giản là đặt câu hỏi, và tìm câu trả lời.

Nhưng muốn vậy, bạn cần có được tư duy phản biện (critical thinking) và kỹ năng giải quyết vấn đề (problem-solving). Mọi người, khi điều tra thường sử dụng nhóm câu hỏi 5W1H làm sườn (What, When, Where, How, Why, Who). Trong đó, câu hỏi Why (Tại sao?) và How (Như thế nào?) là quan trọng nhất ở đây.

Ví dụ như trường hợp mỹ phẩm tự chế ở trên, chúng ta cần đặt câu hỏi: Tại sao sản phẩm có tác dụng? Có bằng chứng nghiên cứu vững chắc không? Việc kiểm nghiệm thực hiện như thế nào?

Còn trường hợp đầu tư lợi nhuận lớn, thì cơ chế hoạt động như thế nào? Có phải "dùng mỡ nó rán nó", hay dùng tiền người sau trả cho người trước?

Trong tư duy phản biện, lại cần có khả năng phân tích, đầu óc cởi mở (open-mindedness). Phân tích một sự việc, hiện tượng là khả năng có thể chia nhỏ vấn đề, xác định được mối quan hệ nguyên nhân-kết quả, sự kết nối hay mối tương quan giữa chúng với nhau.

Ví dụ mỹ phẩm tốt cho da thì cơ chế thẩm thấu, tác động lên các tế bào da như thế nào? Có những tác dụng phụ gì, đã được nghiên cứu như thế nào? Đầu tư sinh lợi nhiều thì lợi nhuận từ đâu ra? Ai tạo ra lợi nhuận đó? Rủi ro gắn với lợi nhuận đó như thế nào?

Đầu óc cởi mở giúp người có tư duy phản biện chấp nhận sự thay đổi, cái khác biệt, và cả cái sai của mình. Vì dựa trên sự duy lý và thực nghiệm thì bất kỳ giả thuyết nào cũng có thể bị phủ nhận hay chấp nhận. Nhưng khi các điều kiện thay đổi, thì kết quả cũng có thể thay đổi theo.

Đó là do chúng ta nên hoài nghi điều này đúng với người này, chính sách này đúng với quốc gia kia thì có thể lặp lại được không? Hay đó chỉ là một tham chiếu và mang ý nghĩa là hàm ý? Nếu một trong các điều kiện thay đổi thì kết quả sẽ như thế nào?

Hoài nghi nhưng đừng có nghi hoài

Chúng ta đã thấy hoài nghi, tư duy phản biện là cần thiết, nhưng thiếu hay thừa đều không tốt. Ở mức độ vừa phải nghĩa là đừng đụng cái gì, đụng ai cũng hoài nghi.

Trong kinh tế học, chi phí của tín nhiệm (credit) là rất lớn khi còn sự hoài nghi. Ví dụ như bên cho vay phải tốn nhiều công sức, nguồn lực để thẩm định bên đi vay, và cuối cùng chi phí này cũng thuộc về bên đi vay hay khách hàng.

Hoài nghi thái quá cũng khiến cho cách nhìn cuộc sống luôn đầy những tiêu cực, sẽ mất nhiều thời gian công sức để tìm câu trả lời cho từng hoài nghi. Chính vì vậy, chúng ta cần sự phân loại thứ tự ưu tiên trong các sự việc hiện tượng, các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Hoài nghi tích cực, không chỉ bảo vệ cá nhân trong môi trường thông tin và tin tức tràn ngập, mà còn là động lực để cho xã hội phát triển.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục